Nghệ sỹ vũ điệu dân tộc
- Cập nhật: Thứ ba, 7/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trải qua nhiều gian nan thử thách nơi chiến trận khốc liệt, nếm trải nhiều cay đắng ngọt bùi của cuộc sống thường ngày, đều vượt qua, chị Bích Thảo - người con gái họ Hà của dân tộc Tày vùng núi Kiên Thành - Trấn Yên - Yên Bái đã trở thành nghệ sĩ múa, Nghệ sỹ ưu tú của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.
Gặp nghệ sỹ múa Hà Bích Thảo nhiều lần ở Hội Văn học - Nghệ thuật Yên Bái, cứ thấy chị thủ thỉ chuyện riêng với bạn, tôi lại thôi ý định hỏi chuyện về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của chị. Hôm nay, ngẫu nhiên gặp chị ngồi một mình ở phòng họp của Hội Văn học - Nghệ thuật, chắc là chờ bạn văn nghệ nào đó. Chị ngồi bên cửa sổ, đăm đắm nhìn về xa xăm núi rừng. Tôi cố ý bước lộp cộp vào phòng họp, lên giọng tự nhiên:
- Chào nghệ sỹ múa! Chị lại tóm được vũ điệu nào của thiên nhiên rồi hả?
- A, Thế Sinh! - Chị quay lại, cười tươi, giọng nhẹ nhàng - Chả tóm được vũ điệu nào đâu. Mình đang nghĩ về một vở múa cho hội Xuân của người Tày.
- Sáng tác mới của chị à?
- Ừ, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh...
- Chị có thể cho em biết tựa đề của vở múa đó không?
- Không đâu! - Chị lắc đầu, mỉm cười - Phải giấu kín đứa con tinh thần của mình như giấu báu vật ấy chứ.
- Chị Bích Thảo ơi! - Tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh chị, tìm cách "mở đề" ý định của mình - Em rất mê những tác phẩm múa của chị, bởi vì nó đậm bản sắc dân tộc Yên Bái. Cơ mà... duyên cớ nào đưa chị đến với nghệ thuật múa nhỉ?
- Cậu lại muốn phỏng vấn, phải không?
- Không! - Tôi cười hì - Cái bệnh nghề nghiệp của em ý mà...
- Chuyện đến với nghệ thuật múa à?
Chị Bích Thảo ngoảnh ra cửa sổ, im lặng rất lâu. Chị đăm đắm nhìn khung trời hoàng hôn tím dần. Mãi, không biết vì nể bạn văn nghệ hay ý hỏi của tôi đã chạm vào kỷ niệm vui buồn nơi sâu thẳm tâm hồn mà chị cứ tự nhiên thủ thỉ kể cho tôi nghe cuộc đời làm nghệ thuật của chị. Rằng, ngày ấy đã xa rồi nhưng bụi thời gian không thể phủ lấp kỷ niệm - những kỷ niệm về một thời đam mê và dũng cảm.
Ngày ấy mới qua Trường Múa Việt Nam một năm, Bích Thảo trở lại Đoàn Văn công Yên Bái giữa lúc cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ lan rộng khắp miền Bắc.
Được xung vào nhóm văn công xung kích, Bích Thảo hăm hở đi khắp vùng quê, khi biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông ở một bản làng xa vắng tận Văn Bàn, Bảo Yên, Lục Yên, khi thì biểu diễn ngay bên mâm pháo phục vụ bộ đội phòng không. Là diễn viên múa, trời còn phú cho Bích Thảo một giọng ca trong sáng, khỏe khoắn.
Những cuộc biểu diễn dưới chân núi Cao Biền, trên đỉnh núi Yến - Thác Bà, ở Ngòi Hóp - Xuân Ái là những thử thách đầy hồi hộp, lo lắng đối với Bích Thảo. Phải nắm chắc qui luật bay và ném bom của các phi đội Mỹ, hợp đồng trước với đơn vị bộ đội, nhóm văn công xung kích chớp lấy khoảng thời gian bình yên hiếm hoi để biểu diễn cho bộ đội xem.
Nhưng không ít những giây phút không bình yên, đó là những đêm diễn đang say mê thì máy bay Mỹ ào tới. Bom dội như sấm chớp rung chuyển cả núi rừng. Đạn pháo cao xạ của ta như pháo hoa giữa vòm trời. Đèn măng xông văn công phụt tắt, Bích Thảo và anh chị em diễn viên phút chốc trở thành khán giả của trận đánh, vỗ tay reo hò, cổ vũ các chiến sĩ cao xạ pháo.
Trận đánh vừa ngừng, tiếng hát của Bích Thảo lại cất lên thiết tha, sâu lắng: "... Khi đã nghe tiếng ca của lòng người yêu phương xa. Em hãy ngước mắt lên vui nhìn trời xanh quê ta. Chim bay giăng giăng ngoài nắng xuân đẹp thay. Tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây. Em hãy nở nụ cười tươi xinh. Như cánh hoa xuân chào riêng anh. Với nhau nghìn lời qua đôi mắt xanh. Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa. Xua kẻ thù đi mau dập tắt chiến tranh đẫm máu. Đập tan ngay bao đau khổ và chia ly. Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời! Làm một bài tình ta thắm trong tiếng ca không thể xóa nhòa".
- Học múa mà thấy chị chỉ hát không à? - Tôi chợt hỏi.
- Tại chiến tranh cả thôi! Nhiều lúc không thể dựng sân khấu để mà múa, phải dã chiến, chỗ nào cũng có thể trở thành sân khấu, kể cả ngay bên mâm pháo bộ đội. Mới lại, được hát cho bộ đội nghe - đó là niềm mơ ước và hạnh phúc lớn của mình.
- Dù sao cuộc đời nghệ thuật của chị cũng không dành cho ca nhạc!
- Đó là số phận! - Chị Bích Thảo nói rất khẽ như muốn nói với chính mình.
Ôi, số phận! Nhưng tôi biết, tự bao giờ, những vũ điệu mê ly đã cuốn hút mạnh mẽ cuộc đời nghệ thuật của Bích Thảo. Rời sân khấu, năm 1968 - 1970, Bích Thảo về Trường Múa Việt Nam học tiếp lớp huấn luyện múa. Ra trường chưa trọn ba năm Bích Thảo lại thi vào Trường Múa Việt Nam, học Khoa Sáng tác múa do nữ nghệ sỹ Công huân Liên Xô Mađêninlôva Cunbubu trực tiếp hướng dẫn.
Đương say mê đèn sách với sàn tập thì Bích Thảo nhận được quyết định tham gia phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lưu luyến bạn bè, cô giáo, tiếc những vũ điệu còn dang dở nơi giảng đường đại học, thương con nhỏ dại, Bích Thảo không khỏi bâng khuâng, xao động. Gửi con lại Hà Nội, Bích Thảo cùng chồng - nhạc công violon Nguyễn Thiện Tín với nào nhạc cụ, son phấn, ba lô, dép lốp, hối hả lên đường.
Trong đoàn quân trùng trùng ra trận, Bích Thảo có mặt trên nhiều nẻo đường chiến dịch. Ít phút dừng chân binh trạm Đường dây 559, nhiều đêm bên chốt lửa Khe Sanh, một buổi qua rừng khộp và Trạm Quân y Nam Lào, rồi ngã ba Đông Dương vòng xuống Campuchia tắt sang Bù Đốp (Tây Ninh), quay ra Đà Lạt, chiến khu Lâm Đồng, Ninh Thuận, ở đâu và trong bất cứ điều kiện nào, Bích Thảo cùng dàn diễn viên cũng sẵn sàng biểu diễn với tất cả khả năng, nhiệt huyết của mình.
Tiếng hát, điệu múa của Bích Thảo và dàn diễn viên đã làm rung động biết bao trái tim chiến sĩ, thổi vào tâm hồn người chiến sĩ tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần hăng hái chiến đấu với một nim tin tất thắng.
Những ca khúc: Lên ngàn, Nổi lửa lên em, Tiếng đàn Ta Lư, Lê Thị Hồng Gấm, Người mẹ Miền Nam tay không thắng giặc với những điệu múa Tiếng gọi quê hương, Rông chiêng, Chàm Rông, Lựu đạn gỗ, Cánh chim và mặt trời do Bích Thảo tham gia biểu diễn là những quà tặng vô giá đối với chiến sỹ đang "xẻ dọc” Trường Sơn truy kích giặc!
Những tháng ngày măng đắng, rau rừng, mưa ngàn, suối lũ, những trận địa bom rơi, đạn nổ, biết bao đồng chí ngã xuống đã bồi đắp thêm tinh thần chiến sỹ trong con người nghệ sĩ Bích Thảo. Tình yêu nghệ thuật - tình yêu chồng con - tình yêu Tổ quốc hòa quyện trong tâm hồn Bích Thảo, đem lại cho Bích Thảo một nghị lực phi thường để vượt qua ngàn dặm chiến trường, múa hát không biết mệt mỏi phục vụ đoàn quân xung trận và thắng trận.
Miền Nam giải phóng, non sông liền một dải, Bích Thảo cùng chồng vui sướng đến trào nước mắt khi ra Hà Nội đón con trở về Đoàn Văn công Yên Bái. Mới biết, một cuộc chia ly không hẹn ngày gặp lại và một cuộc sum vầy cũng không có lời hẹn trước. Chỉ biết, hạnh phúc luôn mỉm cười với những con người sống biết hiến dâng như chị và anh Thiện Tín.
Những năm tháng sau này, Bích Thảo ít biểu diễn mà tập trung vào việc huấn luyện và sáng tác múa. Nhờ những kiến thức học được ở Trường Múa Việt Nam, học bạn bè và cô giáo Mađêninlova Cunbubu, học trong trường đời nghệ thuật với lòng đam mê sáng tạo không ngừng, Bích Thảo đã thành công và đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật múa.
Các sáng tác múa của Bích Thảo thật đậm đà bản sắc các dân tộc Yên Bái. Nhìn vào tác phẩm, biên đạo và bảng thành tích các tác phẩm múa của Bích Thảo, thật đáng nể: Hội mùa, Hội xòe Bắc Hà, Bên bức tường (múa theo vũ điệu cổ điển Châu Âu - 1981), Múa dân gian Ucơren và Hội xuân (múa dân tộc Dao Nga Hoàng - 1983), Lớp học vùng cao (múa dân gian - 1985), Múa cốm (múa dân gian dân tộc Tày - 1990), Mùa xuân rẻo cao (chất liệu Dao quần trắng) - Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1991, Tiếng đàn ngày xuân (chất liệu Tày) - giải Ba Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1992, Dưới trăng (chất liệu Xa Phó) - Huy chương Bạc Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1995 và giải Ba Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Lồng lộc lau (chất liệu Cao Lan) - giải Ba Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1995 và giải Ba Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Hội mùa (chất liệu Cao Lan 1980) - Huy chương Vàng Hội diễn không chuyên lần thứ Nhất, Tiếng sáo gọi bạn (chất liệu dân gian Mông) - Huy chương Vàng Hội diễn không chuyên lần thứ II, biên đạo Chơi xuân - giải Ba Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1997, biên đạo Thức dậy bản làng - Huy chương Bạc Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1999, biên đạo Xuân trên bản Dao - giải A Hội diễn ngành Ngân hàng Nhà nước khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc 2001...
Những tác phẩm múa của Bích Thảo thường gợi lên vẻ đẹp giản dị, khỏe khoắn, tươi mới và cũng đầy chất trữ tình: những nhịp chày giã gạo, tiếng vó ngựa trên cao nguyên, âm vang dòng thác đổ, muôn giọng sơn ca líu ríu ban mai, tiếng mõ trâu rừng chiều, khung cảnh một ngày mùa gặt hái, sự tưng bừng náo nhiệt của phiên chợ vùng cao và ngày hội Sải sán, tiếng sáo gọi bạn tình đêm trăng, điệu khèn trầm bổng và những ô xòe...
Nhìn vào thành tựu nghệ thuật của Bích Thảo, biết đó là một cuộc đời lao động nghệ thuật không mệt mỏi. Nhưng cứ nghĩ đến cái dáng người mảnh mai, gương mặt hiền với ánh mắt long lanh, nụ cười "dè sẻn", giọng nói thủ thỉ của chị Bích Thảo, tôi không dám tin về sự từng trải và thành công trong sáng tạo nghệ thuật của chị. Phải đắn đo lắm, tôi mới hỏi:
- Nếu được ai đó đổi cho chị một nghề chỉ làm ra tiền, chị nghĩ sao?
- Nghề làm ra tiền hả? - Chị im lặng suy nghĩ một lúc, giọng quả quyết - Mình cũng không bao giờ đổi. Vả lại, mình đã bảo đó là số phận mà lị.
- Thế làm vợ, làm mẹ, bề bộn công việc, chị lấy đâu ra nhiều thời gian, nghị lực và trí sáng tạo đến thế?
- Mình cũng chẳng biết nữa! - Chị ngoảnh nhìn tôi, lại cười nụ cười "dè sẻn" - Tình yêu cuộc sống, lòng ham mê nghệ thuật, có lẽ cả hai điều đó đã giúp mình vượt lên tất cả và gặt hái được chút ít thành công nghệ thuật.
Khiêm tốn thế chứ, chị Bích Thảo đã hơn ba mươi năm phấn đấu, hiến dâng cho nghệ thuật múa. Trải qua nhiều gian nan thử thách nơi chiến trận khốc liệt, nếm trải nhiều cay đắng ngọt bùi của cuộc sống thường ngày, đều vượt qua, chị Bích Thảo - người con gái họ Hà của dân tộc Tày vùng núi Kiên Thành - Trấn Yên - Yên Bái đã trở thành nghệ sĩ múa, Nghệ sỹ ưu tú của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Và trong tình cảm của ngàn vạn khán giả khắp miền đất nước, Bích Thảo mãi mãi xứng đáng là nghệ sĩ của những vũ điệu dân tộc.
Hoàng Thế Sinh
Các tin khác
YBĐT - Do cuộc sống khó khăn, từ năm 2004, dân bản Làng Giàng, xã Nậm Có (Mù Cang Chải - Yên Bái) đã vượt ranh giới di cư sang rừng đầu nguồn Văn Yên để xâm canh. Sau khi được vận động, hầu hết bà con đã quay lại nơi ở cũ. Tuy nhiên, việc sắp xếp để bà con “an cư lạc nghiệp” hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự tháo gỡ của trên.
YBĐT - Toàn huyện Trạm Tấu có trên 400 đối tượng nghiện hút có hồ sơ quản lý. Hàng năm, huyện cùng các ngành chức năng đều tổ chức các đợt cai nghiện tập trung tại cộng đồng từ 1- 3 tháng. Sau khi cai hầu hết người nghiện đã cắt cơn. Nhưng hiệu quả thì chỉ là nhất thời, đòi hỏi các cấp, ngành có những biện pháp hữu hiệu hơn nữa để người nghiện thực sự hoà nhập tại cộng đồng.
YBĐT - Mưa vẫn đổ rào rào. Nước sông Hồng sôi lục bục như nồi mật. Nước sông Hồng đổ ào ạt từng đợt. Nước sông Hồng băng băng, cuốn theo bao nhiêu là rều rác, cây cối, gỗ rừng, vật dụng, xác súc vật, chắc cả xác người nữa.
YBĐT - Với hơn 1.300 ha rừng tự nhiên phòng hộ, những năm qua, thôn Pá Khoang, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu luôn là một trong những điểm “nóng” trong công tác bảo vệ rừng. Lâm tặc dùng mọi thủ đoạn để khai thác lâm sản trái phép; năm 2007 các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý một vụ phá rừng ở Túc Đán. Trong khi công tác phòng chống khai thác lâm sản trái phép đang gặp rất nhiều khó khăn thì nay chính Chủ tịch UBND xã lại tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.