Nghèo trên đống vàng
- Cập nhật: Thứ năm, 9/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hiện nay, Suối Giàng có 193 ha chè Shan tuyết kinh doanh và 100 ha chè kiến thiết nhưng diện tích lại không đồng đều giữa các bản, các hộ. Sản lượng chè búp mỗi năm đạt khoảng 600 tấn. Nếu tính giá bình quân 5 nghìn đồng/kg thì số tiền thu được quãng 3 tỷ đồng.
Thu hái chè tuyết shan ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
|
Nhiều người ví chè Shan tuyết ở Suối Giàng (Văn Chấn) là "báu vật", là "nguồn vàng xanh" của thiên nhiên ban tặng cho người Mông nơi đây. Nói thế có lẽ cũng không quá, bởi chè Shan tuyết xuất hiện ở trên đỉnh núi cao 1.371m so với mực nước biển, quanh năm mây phủ này đã hàng trăm năm nay và vị chát bùi, ngọt đượm trong chén trà vàng sánh đã thành nỗi "ám ảnh" của dân nghiền chè.
Thế nhưng, Phó bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã-Vàng A Mang lại than thở: "Đồng bào Mông chúng mình vẫn nghèo trên đống vàng".
Mấy năm gần đây, khi nào lên xã Suối Giàng cũng được nghe những câu chuyện buồn về cây chè Shan tuyết. Nào là việc người ta làm đường, làm mặt bằng xây dựng công trình đã san gạt đi khá nhiều cây chè cổ thụ. Nhiều cây chè cổ thụ trên đường đi vào trung tâm xã, đã bị chuyển về miền xuôi làm cây cảnh... Năm nay, mấy lần lên Suối Giàng, lần nào cũng nghe người dân than thở rằng, chè khó bán quá mà giá lại rất thấp. Nghe vậy, tôi quyết định lang thang vào bản xem thực hư chuyện ấy thế nào.
Bản Pang Cáng trồng nhiều chè Shan tuyết nhất xã và nhà của ông phó bản - Vàng A Khai nằm ở ngã tư mấy con đường mòn nên từ lâu đã trở thành một điểm thu gom chè của tư thương. Hỏi ông phó bản rằng, sao năm nay ai cũng kêu chè khó bán? Phó bản Khai cho biết: Nhà máy mua rất ít, chỉ có tư thương nên không mua được hết cho dân và giá bán thì lôm côm và rẻ lắm.
Ông Khai còn cho biết thêm, năm nay mưa bão nhiều nên chè bị quá lứa khá nhiều. Mưa nhiều thì chè ướt, ướt thì tư thương không mua vì họ cho là chè ướt thì chế biến không đảm bảo yêu cầu của khách hàng. Hôm cơn bão số 7 vừa dứt, trời hửng nắng, bà con đoán thế nào tư thương cũng lên mua nên ồ ạt đi hái, nhưng điều đó đã không xảy ra, rất nhiều người phải bán rẻ hoặc phải mang về.
Tiếc của, có người mang về tự sao cất đi, vì nếu để qua đêm búp chè bị ôi ngốt sẽ chẳng ai mua. Nghe nói có người không sao được đã phải đổ bỏ. Năm ngoái, Nhà nước còn bao tiêu nguyên liệu thì cứ có chè là bán được.
Chứng kiến ông Hồng, nhà ở dưới xã Sơn Thịnh lên mua chè ở đây mới thấy rằng, việc dân bán chè là khó thật. Giàng A Tểnh mang đến 4 cân chè và do chè không được chăm bón nên búp không được mỡ màng, chỉ nhỉnh hơn búp chè trung du một chút nên bị người mua chê già. Một cậu bé chở bao tải chè đến bán, gặp mưa nhỏ cậu phải cởi chiếc áo đậy lên tải chè, nước mưa chỉ hơi ngấm qua bao tải một tý nhưng cũng bị chê chè ướt...
Ông Hồng chỉ mua nhoáng nhoàng một lúc đã đủ một tạ chè. Hôm nay ông chỉ mua vậy thôi, vì trời mưa nếu mua nhiều đường trơn lầy, xe máy không thồ được. Vì thế, người bán lại nhễ nhại gùi chè trên con đường đất trơn lầy tìm nơi bán.
Đang mải nói chuyện với phó bản Khai thì Giàng A Su-con trai ông cũng vừa đi hái chè cách nhà mấy cây số về. Ông Khai hỏi con: Bán mấy nghìn một cân? A Su bảo là 3 nghìn. Tôi nói: "Bác Hồng mua 5 nghìn, sao không mang về đây mà bán?". Su bảo: "Nào cháu có biết bác Hồng hôm nay lên mua đâu". Số tiền A Su bán chè sáng nay đủ mua quãng hơn lạng cá khô và một mớ rau cho bữa trưa của cả nhà.
Suối Giàng có 193 ha chè Shan tuyết kinh doanh
Rời nhà phó bản Pang Cáng, lên quán cơm bình dân của Sùng A Của ăn trưa bằng bát mỳ tôm để tiếp tục cuộc hành trình. Tại đây, lại gặp ông Vàng A Nhà đang than thở với A Của rằng: "Chè của tao già quá rồi, có khi rẻ thì cũng phải bán thôi, bí tiền lắm!".
Thương tình bà con gần gũi, A Của bảo rằng: "Thôi chú về hái rồi sao đi cháu mua cho, nhưng phải hái non thôi nhé!". Không biết còn bao nhiêu hộ cũng đang giống như ông Vàng A Nhà? A Của còn cho biết: "Nhà cháu làm thêm việc bán gạo cho dân ở đây. Những năm trước chè còn được giá thì bà con bán chè xong mua được 5 cân đến một yến gạo. Năm nay chè rẻ quá, mỗi bận bán bà con chỉ mua lắt nhắt một, hai cân".
Thời kỳ Nhà máy Chè Yên Ninh còn chế biến chè ở đây thì giá mỗi cân chè búp tươi bằng một cân gạo. Còn bây giờ dân bán hơn hai cân chè mới mua được một cân gạo thường.
Đem những băn khoăn từ những chuyện được nghe, được thấy về chè, để trao đổi với Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã-Vàng A Mang và nhận thấy trong tâm sự của ông Mang cũng đang ngổn ngang những câu chuyện về chè. Thời gian gần đây, nhiều người dân lên xã hỏi rằng, sao xã không có cách gì để mua và nâng giá chè cho dân, xã cũng không biết phải trả lời ra sao.
Ông Mang cho biết, toàn xã có trên 3 trăm hộ, trên 2 nghìn nhân khẩu nhưng chỉ có 40 ha ruộng nước, nương rẫy có khoảng 150 ha ngô và vài chục ha lúa nương. Lúa nước, lúa nương ở Suối Giàng đều năng suất thấp, ngô trồng thì tốt nhưng khi thu hoạch xong là bà con hầu hết đem bán lấy tiền chi tiêu lặt vặt hàng ngày. Cuộc sống của mọi nhà ở 5/8 bản chủ yếu nhờ vào cây chè Shan tuyết.
Hiện nay, Suối Giàng có 193 ha chè Shan tuyết kinh doanh và 100 ha chè kiến thiết nhưng diện tích lại không đồng đều giữa các bản, các hộ. Sản lượng chè búp mỗi năm đạt khoảng 600 tấn. Nếu tính giá bình quân 5 nghìn đồng/kg thì số tiền thu được quãng 3 tỷ đồng, chẳng thấm tháp gì so với đủ thứ nhu cầu trong cuộc sống của hàng nghìn nhân khẩu.
Năm ngoái có một đối tác từ Trung Quốc sang đây định hợp tác chế biến kinh doanh chè Shan tuyết. Ngỡ rằng, sẽ có thêm cơ hội cho đồng bào cải thiện đời sống từ cây chè đặc sản, nhưng khi đối tác đang triển khai đầu tư xây dựng nhà xưởng thì mới vỡ ra chuyện thủ tục đầu tư xã làm không đúng quy trình nên phải thanh tra lại rồi mới quyết định triển khai tiếp.
Trong tình cảnh ấy, đối tác chán nản và rút lui. Cơ sở chế biến này được giao cho HTX Dịch vụ tổng hợp Suối Giàng quản lý. Nhưng do khó khăn về vốn, không có nơi bao tiêu sản phẩm, không bao bì, mẫu mã để tiếp cận thị trường...nên cơ sở này gần như không hoạt động.
Còn đối với cơ sở chế biến chè Suối Giàng thuộc Công ty cổ phần Chè Văn Hưng đặt tại trung tâm xã, năm ngoái dù vẫn có tình trạng tranh mua tranh bán nguyên liệu, nhưng doanh nghiệp vẫn nhận bao tiêu cả năm cho dân. Năm nay không hiểu vì sao mỗi đợt chỉ đặt mua trong một tuần.
Phó bí thư Vàng A Mang cho biết, đến hết tháng 6/2008, đơn vị này mới mua được 60 tấn búp tươi và từ đó đến nay mua thêm được vài chục tấn nữa. Tại sao tình hình thu mua nguyên liệu, chế biến lại thay đổi như vậy? Câu trả lời thuộc Công ty cổ phần Chè Văn Hưng, nhưng chắc chắn một điều là nếu có thu mua thường xuyên thì cũng khó mà đua được với tư thương.
Bởi vì, tư thương lên rất đông, họ đi vào tận các ngõ ngách để mua, còn doanh nghiệp và HTX thì lực lượng mỏng. Đồng thời, nếu doanh nghiệp tăng giá mua nguyên liệu cho dân thì tư thương cũng sẵn sàng tăng cao hơn và dân thì cứ ai trả cao là bán.
Trước những khó khăn hiện nay, cấp trên có giải pháp gì tháo gỡ cho vùng nguyên liệu? "Cấp trên chủ yếu chỉ đạo triển khai trồng mới chè Shan tuyết và kế hoạch của năm nay là 10 ha theo kỹ thuật đào rạch trồng bằng chè giâm cành"-ông Vàng A Mang nói vậy. Chương trình mở rộng chè Shan tuyết vẫn sẽ được triển khai trong những năm tiếp theo, nhưng nếu tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn như hiện nay sẽ bất lợi cho việc mở rộng diện tích. Và đồng bào Mông ở đây bao giờ mới "thoát nghèo trên đống vàng"?
Một lần nữa, mối liên kết "ba nhà" lại phải đề cập đến. Những khó khăn ở vùng chè Shan tuyết Suối Giàng bây giờ có nguyên nhân từ việc doanh nghiệp chế biến-chính quyền cơ sở-người dân trồng chè ("ba nhà") chưa có sự hợp tác mang tính chiến lược bền vững để cùng đầu tư chế biến, phát triển, quản lý vùng nguyên liệu hướng tới lợi ích kinh tế cao nhất dẫn tới cách làm ăn như hiện nay vẫn chỉ là "ăn xổi"!.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Trải qua nhiều gian nan thử thách nơi chiến trận khốc liệt, nếm trải nhiều cay đắng ngọt bùi của cuộc sống thường ngày, đều vượt qua, chị Bích Thảo - người con gái họ Hà của dân tộc Tày vùng núi Kiên Thành - Trấn Yên - Yên Bái đã trở thành nghệ sĩ múa, Nghệ sỹ ưu tú của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.
YBĐT - Do cuộc sống khó khăn, từ năm 2004, dân bản Làng Giàng, xã Nậm Có (Mù Cang Chải - Yên Bái) đã vượt ranh giới di cư sang rừng đầu nguồn Văn Yên để xâm canh. Sau khi được vận động, hầu hết bà con đã quay lại nơi ở cũ. Tuy nhiên, việc sắp xếp để bà con “an cư lạc nghiệp” hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự tháo gỡ của trên.
YBĐT - Toàn huyện Trạm Tấu có trên 400 đối tượng nghiện hút có hồ sơ quản lý. Hàng năm, huyện cùng các ngành chức năng đều tổ chức các đợt cai nghiện tập trung tại cộng đồng từ 1- 3 tháng. Sau khi cai hầu hết người nghiện đã cắt cơn. Nhưng hiệu quả thì chỉ là nhất thời, đòi hỏi các cấp, ngành có những biện pháp hữu hiệu hơn nữa để người nghiện thực sự hoà nhập tại cộng đồng.
YBĐT - Mưa vẫn đổ rào rào. Nước sông Hồng sôi lục bục như nồi mật. Nước sông Hồng đổ ào ạt từng đợt. Nước sông Hồng băng băng, cuốn theo bao nhiêu là rều rác, cây cối, gỗ rừng, vật dụng, xác súc vật, chắc cả xác người nữa.