Pú Cang - ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đại uý Nguyễn Văn Thành - cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý (một số tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi để đảm bảo bí mật, phục vụ cho công tác điều tra phá án) khoanh tròn một điểm nhỏ trên tấm bản đồ hành chính tỉnh Yên Bái rồi nói: "Đây là Pú Cang, từ đây sang Sơn La, qua Lào rất gần. Cũng từ đây về quốc lộ 32 đi Hà Nội và các tỉnh đồng bằng rất tiện. Vì thế, Pú Cang trở thành địa điểm tập kết, buôn bán ma tuý "có tiếng" ở Yên Bái. Và cũng từ lâu Pú Cang- Nậm Khắt, Mù Cang Chải luôn nằm trong "tầm ngắm" của bọn tội phạm và cả lực lượng phòng chống ma tuý".

Thâm nhập Pú Cang

Chúng tôi xuyên qua màn sương trắng đục, trên con đường nhầy nhụa bùn đất dài 12 km từ trung tâm xã Nậm Khắt đi bản Pú Cang. Anh Giàng A Phua - Phó trưởng Công an xã Nậm Khắt là người dẫn đường. Vừa đánh vật với đường, anh Phua vừa cho biết: “Bản Pú Cang có 76 hộ với 376 nhân khẩu, là bản xa nhất của xã Nậm Khắt. Ma tuý đã làm cho bản làng này bị chao đảo. Hiện cả xã Nậm Khắt có 65 người ăn cơm tù, trong đó có 47 người phạm tội liên quan đến ma tuý thì Pú Cang “góp” 22. Án nhẹ nhất cũng 6 năm, cao nhất 18 năm. Đáng ngại nhất là vẫn còn nhiều đối tượng nằm trong diện nghi vấn. Gia đình nào, dòng tộc nào cũng có người buôn bán, người nghiện, đi tù vì ma tuý nên người dân ở đây rất cảnh giác. Với họ, người lạ vào bản nếu không phải là công an đến bắt tội phạm thì nhất định là khách đến mua ma tuý!”. Đúng như lời anh Phua nói, khi chúng tôi qua Làng Sang gặp mấy người Mông đi ngược chiều, ai cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét. Một anh Mông gườm gườm nhìn chúng tôi bằng cặp mắt đỏ ngầu, rồi buông một câu: “Nó lại đưa cán bộ đến bắt người đấy”.

Cũng theo Phó công an Phua, Pú Cang trở thành điểm nóng về ma túy không chỉ bởi vị trí địa lý mà địa hình ở đây cũng rất phức tạp. Đi vào bản chỉ một lối duy nhất, bản nằm trên lưng núi nên có người lạ vào là người dân trong bản phát hiện từ xa. Pú Cang một thời là mảnh đất “màu mỡ” cho cây thuốc phiện, trong xã hiện còn cả chục người nghiện thuốc phiện, số đối tượng hít hêrôin thì chưa thể kiểm soát nổi. Người dân sống trong mảnh đất được ví như  “tam giác vàng” ấy phần vì bị kẻ xấu lôi kéo, phần vì lười lao động, hám lợi trước mắt mà lao vào con đường ma tuý. Mấy chuyến qua Sông Mã, Mộc Châu mà trót lọt thì cũng có cái xe Tàu, cái ti vi, cái điện thoại di động..., họ nghĩ thế nhưng đổi lại là phải sống chui, sống lủi hoặc sống trong tù đày. Để không bị nghi ngờ là cán bộ đến "bắt người", chúng tôi quyết định vào bản mà không có sự dẫn đường của anh Phua. Anh tỏ vẻ ái ngại nhưng rồi cũng đồng ý.

Đi ngược dốc, lên đến nhà một đối tượng trong diện nghi vấn, có tên là Páo. Căn nhà người Mông thấp lè tè vốn đã thiếu ánh sáng, tiết trời cuối thu, đầu đông khiến nó càng tối om, ánh sáng từ bếp lửa đủ cho chúng tôi nhận ra Páo là một người đàn ông trung niên, nhỏ nhắn và khá lanh lợi; trang phục người Mông không có dây thắt lưng nhưng Páo thắt thêm vào để đeo chiếc điện thoại di động. Chúng tôi chào hỏi Páo rất cởi mở nhằm tạo sự thân thiện, nhưng Páo không hề vồn vã, quý người như những người đàn ông Mông khác. Páo nhìn chúng tôi bằng cặp mắt đỏ ngầu rồi hất hàm: “Chúng mày là công nhân thuỷ điện vào lấy hàng chơi à?". Có lẽ Páo tưởng chúng tôi là công nhân xây dựng nhà máy thuỷ điện gần đó mắc nghiện nên tìm đến nhà hắn mua thuốc. Chúng tôi gật đầu xác nhận nhưng chuyến đi của chúng tôi không được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ trang phục, phương tiện đến cả tình huống mua ma tuý... nên không qua được con mắt của Páo. Hắn ngồi im khá lâu rồi chợt hỏi tiếp: “Cán bộ à, đến điều tra hay bắt người?”.

Vẻ mặt lạnh lùng và con dao pha sắc nhọn để ngay trước mặt Páo cho thấy chúng tôi đã mất an toàn. Đành giới thiệu qua loa, hỏi chuyện vớ vẩn, quay ra xin chén nước rồi tính bài chuồn. Chúng tôi sang vệ gò phía bên để vào nhà Giàng A Dinh, một đối tượng buôn ma tuý đã bị công an bắt hồi đầu tháng 3 tại Mộc Châu (Sơn La). Đây là nhà của đối tượng buôn ma tuý có tiếng ư? Ngôi nhà lụp xụp chẳng có gì đáng giá đến 50 nghìn đồng. Ba đứa con Dinh còn quá nhỏ tuổi, hai đứa không có quần, thấy người lạ, chúng ngơ ngác nhìn, hỏi gì chúng cũng không nói. Ngồi trong nhà Dinh được một lúc thì vợ Dinh lưng cõng một gùi sắn về nhà. Có lẽ đây là nguồn lương thực chính cho chị và ba đứa nhỏ. Thiếu cha nuôi dưỡng, dạy bảo, thiếu chồng đỡ đần, người phụ nữ Mông còn khá trẻ tuổi nhưng trông đã rất tiều tuỵ, mấy đứa trẻ thì còm nhom. Không biết mai này cuộc sống của chúng sẽ ra sao?

Nước mắt bản ma tuý

Vợ của Giàng A Dinh chỉ là một thí dụ, ở Pú Cang này có đến 22 người đang chấp hành án tù, trong đó có 2 phụ nữ. Từng ấy người đi tù cũng đồng nghĩa với hàng chục phụ nữ sống trong cảnh tạm thời không chồng, hàng chục đứa trẻ thiếu cha. Đáng lo hơn, những người đi tù đều là những trụ cột gia đình, dưới 50 tuổi. Hơn 10 năm làm công an xã, anh Giàng A Phua đã từng chứng kiến nhiều ngươi dân trong bản, trong xã phải đi tù. Người đầu tiên bị bắt vì ma tuý vào đầu những năm 90 thế kỷ trước là Thào Nha Páo. Páo lĩnh án phạt 8 năm, gần đây nhất là Giàng A Dinh. Rồi còn không biết đối tượng nào tiếp theo nữa? Đặc biệt, có gia đình cả 2 vợ chồng đều rồng rắn nhau vào tù để lại lũ con thơ nheo nhóc như vợ chồng Hờ A Chinh và Giàng Thị Pàng.

Nhiều gia đình cả mẹ, cả bố, cả con cùng “rủ” nhau đi tù trong nhiều vụ án ma tuý khác nhau. Có đối tượng phải sống chui lủi, trốn tránh sự truy lùng của pháp luật như Mùa A Lù cũng với tội danh buôn bán ma tuý. Đi buôn bán ma tuý, một số người cũng mua được mấy thứ đồ dùng sinh hoạt như ti vi, xe máy, điện thoại... nhưng buôn rồi là mắc nghiện, nghiện rồi là hết hoặc bị bắt tù là cả gia đình khốn khổ. Có lẽ vì thế mà Làng Sang, Pú Cang  là hai bản nghèo đói nhất xã Nậm Khắt.

Gian nan con đường loại bỏ ma tuý

Ở Pú Cang, đối tượng nghiện thuốc phiện đã cao tuổi sử dụng thuốc một cách công khai; số đối tượng hít hêrôin chưa được kiểm soát, lại cộng thêm hàng chục đối tượng đã và đang hoạt động buôn bán, vận chuyển các chất ma tuý. Công tác đấu tranh phòng chống loại hình tội phạm đặc biệt nguy hiểm này hết sức khó khăn. Ngoài những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, bọn tội phạm còn rất manh động khi bị truy bắt. Pú Cang còn có sự khó khăn riêng, đó là địa hình phức tạp, trong bản nhiều đối tượng đi buôn ma tuý, tính cộng đồng chưa bền vững, nhận thức của đồng bào rất hạn chế... trong khi lực lượng công an cơ sở chỉ có 100 nghìn đồng tiền lương/tháng mà công việc rất khó khăn, vất vả, đã có lần lúa của công an viên bị kẻ xấu phá, lều nương của Phó công an xã bị đốt... chưa kể anh em công an thực hiện nhiệm vụ bị dân bản ghét bỏ, bị dòng họ chửi mắng... Trong khi, danh sách những người bị bắt vì ma tuý ngày càng dày lên mà tình trạng buôn bán ma tuý vẫn không hề thuyên giảm. Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn nhiều hạn chế, thủ đoạn của bọn tội phạm rất xảo quyệt vì mờ mắt trước lợi nhuận mang lại trong việc buôn bán ma tuý; đời sống đồng bào còn nghèo đói. Khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma tuý ví như quả núi, cần được mọi cấp, mọi ngành và người dân cùng san phẳng.

Chia tay Pú Cang - Nậm Khắt khi trời đã nhập nhoạng tối, chúng tôi mang theo nỗi buồn Pú Cang và câu nói của anh cán bộ xã: “Nậm Khắt có nghĩa là dòng nước mát, nhưng Nậm Khắt đang là điểm nóng vì ma tuý mất rồi”.            

 Lê Phiên - Văn Thông

Các tin khác
Thu hái chè tuyết shan ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Hiện nay, Suối Giàng có 193 ha chè Shan tuyết kinh doanh và 100 ha chè kiến thiết nhưng diện tích lại không đồng đều giữa các bản, các hộ. Sản lượng chè búp mỗi năm đạt khoảng 600 tấn. Nếu tính giá bình quân 5 nghìn đồng/kg thì số tiền thu được quãng 3 tỷ đồng.

YBĐT - Trải qua nhiều gian nan thử thách nơi chiến trận khốc liệt, nếm trải nhiều cay đắng ngọt bùi của cuộc sống thường ngày, đều vượt qua, chị Bích Thảo - người con gái họ Hà của dân tộc Tày vùng núi Kiên Thành - Trấn Yên - Yên Bái đã trở thành nghệ sĩ múa, Nghệ sỹ ưu tú của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.

Khu khai hoang cánh đồng Nậm Pẳng vẫn hoang hóa.

YBĐT - Do cuộc sống khó khăn, từ năm 2004, dân bản Làng Giàng, xã Nậm Có (Mù Cang Chải - Yên Bái) đã vượt ranh giới di cư sang rừng đầu nguồn Văn Yên để xâm canh. Sau khi được vận động, hầu hết bà con đã quay lại nơi ở cũ. Tuy nhiên, việc sắp xếp để bà con “an cư lạc nghiệp” hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự tháo gỡ của trên.

Ngoài điều trị cắt cơn, các bác sỹ còn khám chữa bệnh thông thường cho các đối tuợng cai nghiện.

YBĐT - Toàn huyện Trạm Tấu có trên 400 đối tượng nghiện hút có hồ sơ quản lý. Hàng năm, huyện cùng các ngành chức năng đều tổ chức các đợt cai nghiện tập trung tại cộng đồng từ 1- 3 tháng. Sau khi cai hầu hết người nghiện đã cắt cơn. Nhưng hiệu quả thì chỉ là nhất thời, đòi hỏi các cấp, ngành có những biện pháp hữu hiệu hơn nữa để người nghiện thực sự hoà nhập tại cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục