Trang đời mới của Huy
- Cập nhật: Thứ năm, 16/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Bây giờ, người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) gọi Nguyễn Quang Huy là "Huy cá hồi". Cái tên chẳng liên quan gì tới "biệt tài" buôn bán, pha chế "cơm đen" một thời nức tiếng vùng Tây Bắc. Khép lại những trang đời lầm lỡ trong sự bao dung, nhân ái của cộng đồng, một trang đời mới được viết bằng chính đôi tay, trái tim, nghị lực của Huy đang mở ra trước mặt trời...
|
MỘT THỜI LẦM LỠ
Tuổi Mão (1963), sử dụng thành thạo súng quân dụng, có “biệt tài” pha chế thuốc phiện, danh tiếng Huy nổi như cồn trong giới buôn bán “cơm đen” những năm 1990 ở Yên Bái. Một kg thuốc phiện, chỉ có 30% là thật, 70% còn lại là đẳng sâm + thuốc lào Vĩnh Bảo cô đặc, thêm tí thuốc tây có tên đô-la-găng.
Cả ngàn con nghiện, hàng chục ông trùm đã “ăn” hàng của Huy mà tin là thuốc xịn. Tôi ớn lạnh khi nghĩ tới hàng ngàn người sống dở chết dở, hàng ngàn gia đình tan nát vì thứ hàng mà Huy từng gieo rắc.
-Anh đã buôn bán, chế ra bao nhiêu?
-Không thể nhớ hết. Mình đã mua hàng tấn thuốc lào để cô đặc, rồi pha chế!
Đối diện, trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn điện chạy bằng máy phát trên căn nhà sàn ở lưng đèo Khau Phạ, tôi thấy gương mặt Huy gồ ghề, tối sáng lẫn lộn. Không biết, Huy nghĩ gì?
- Ông không biết khi “dính” vào rồi thì ham thế nào đâu. Thời những năm 90, tôi có cả tạ vàng! Một đêm, “cướp” ba, bốn chục triệu là chuyện vặt!
- Có lúc nào anh nghĩ sẽ dừng lại?
- Không! Chẳng thằng nào buôn bán thứ này nghĩ dừng lại đâu. Chỉ nghĩ đến tiền, thật nhiều tiền!
Dọc ngang làm ăn vùng Tây Bắc, chưa đủ, Huy sang cả Lào “chiến đấu” ở Xiêng Khoảng, Sầm Nưa hàng tháng trời, cất toàn hàng độc nhờ “tài dân vận”. Huy có nhiều kẻ thù, nhiều lần thoát chết. Súng đã nhằm vào Huy trong lần giao hàng cho tên Măng ở Pha Long (Lào Cai). Mục đích của hắn là cướp hàng và trừ khử đối thủ.
May mắn thoát chết, gần 15 năm, vùng vẫy trong tội lỗi thế là quá đủ cho một đời người. Năm 1995, trong một chuyến giao hàng, Huy đã bị bắt và vào tù. Những ngày ở trại, là những ngày đáng nhớ. Chính nơi ấy, đã ươm mầm hoàn lương, thôi thúc Huy làm lại cuộc đời.
- Tôi nghĩ nhiều đến vợ con. Nhà tôi sạch bách cả vì phải lo cho tôi ở trại, lo mưu sinh. Tôi không thể cầm được lòng khi mỗi lần vợ tới thăm giàn giụa nước mắt, héo mòn, tàn tạ!
- Thế còn các con gái của anh?
- ...
- Có lúc nào anh nghĩ đến hậu quả việc làm của mình, những con nghiện, những gia đình tan nát, ly tán vì thuốc phiện?
Một khoảng trống bao trùm rồi qua đi rất nhanh. Mắt đỏ hoe, Huy đứng dậy, lặng lẽ pha trà, lặng lẽ rót. Đêm trên đèo Khau Phạ, vị trà chát ngọt lẫn lộn.
LÀM LẠI CUỘC ĐỜI
Ngày 2.9.1997, Huy được ân xá, ra tù trước hạn, về với vợ con trong ngôi nhà tập thể ở Trường Dân tộc nội trú Mù Cang Chải. Vợ dạy học, ở nhà, Huy lặng lẽ nuôi lợn, làm đậu, làm kem, đóng gạch làm lại cuộc đời.
Mù Cang Chải khi đó chưa có điện lưới quốc gia, nguồn điện từ thủy điện Nậm Kim chỉ phát vài tiếng/ngày. Để làm ra một que kem, một bìa đậu phụ đem bán, phải làm quần quật từ 4 giờ sáng. Ra tù cân nặng 52 kg, về nhà, sau vài tháng chỉ còn 47 kg. Đó là những ngày thật khó khăn, nhưng với Huy, thật thanh thản.
- Một anh chị có tiếng trong làng “cơm đen”, tiền vàng cân không xuể, về làm anh nuôi lợn, bán kem... Có lúc nào tiếc nghề cũ không?
- Không tiếc! Nhưng tôi không yên vì chiến hữu cũ bên Lào, Sơn La, vẫn sang quấy. Có đứa ở Hà Giang đi ô tô tiền tỷ sang, cho 10 triệu đồng, rủ đi nhưng tôi không đi. Có thằng còn cài ma tuý lại trên mái bếp…
- Chán nghề chăng, hay sợ tội tù?
-Tôi ném ma tuý xuống Nậm Kim. Tự hứa sẽ không làm khổ vợ con, khổ mọi người nữa!...
Lặng lẽ, cần mẫn, Huy đã tự tay mình viết lên trang đời mới. 4 năm, sau khi ra tù, được sự giúp đỡ, động viên của bà con, chính quyền và số vốn tích cóp hơn 1.200 ngày cực nhọc, Huy đã làm chủ một lò gạch EG2 với 15 lao động địa phương, độc chiếm thị trường gạch xây dựng ở Mù Cang Chải.
Hai năm sau, thành lập HTX vận tải, kinh doanh vật liệu xây dựng. Làm ăn chân chính, biết tính toán, lại được sự cổ vũ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, năm 2002, Huy mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Xây dựng Huy Thanh. Chữ Huy Thanh là ghép tên anh và tên vợ, người đã gắn bó không một ngày lìa xa anh trên đường đời.
- Nhưng anh biết gì về xây dựng công trình?
- Nhiều người chưa học xong trung học vẫn làm tốt đấy thôi! Mình mày mò tự học, làm mãi phải quen.
Tôi không hiểu nhiều về lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhưng biết chắc ông giám đốc này, khi đó, đã rất chật vật. Mấy công trình mà Huy Thanh làm toàn là công trình nhỏ, vài chục triệu, cao lắm cũng chỉ chừng trăm triệu ở Hồ Bốn, Chế Tạo, làm xong lỗ chỏng gọng vì chi phí vật liệu quá cao, quản lý thiếu kinh nghiệm.
Nhiều công trình khác, giám đốc toát mồ hôi, thậm chí phát cùn vì đơn vị giám sát làm đúng quy trình và chặt chẽ về chất lượng, kỹ thuật. Nhưng thôi, đó là chuyện thường, “vạn sự khởi đầu nan”! Bây giờ, Huy Thanh đã có trong tay 7 kỹ sư, 2 cao đẳng chuyên ngành giao thông, xây dựng – Huy nói thế.
Dấu ấn tốt là công trình sân vận động Mù Cang Chải - công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập huyện do Huy Thanh thi công đã bảo đảm tiến độ với yêu cầu khe khắt nhất. Nuôi lợn, làm đậu, làm kem, đóng gạch, khai thác cát sỏi, làm chủ hợp tác xã rồi giám đốc chuyên thầu các công trình xây dựng, giao thông. Không biết, từng ấy nghề và tháng ngày gian truân, cực nhọc có đủ đem lại sự thanh thản cho Huy không?...
Quá đủ rồi. Mọi chuyện, với người Mông Mù Cang Chải đã là quá khứ, chẳng ai còn sâu sắc gì với trang đời thiếu sáng của Huy nữa. Bây giờ, người ta gọi anh là "Huy cá hồi".
- Chuyện nuôi cá hồi là thế nào đây? Tôi hỏi khi nghe tiếng cá quẫy ùm ùm trên ao.
- Mình xem sách báo thấy nhiều nơi có điều kiện tương tự, nuôi cá rất tốt. Lãnh đạo huyện và tỉnh rất ủng hộ, mình quyết làm. Lào Cai, Lai Châu có cá hồi, Yên Bái- Mù Cang Chải tại sao không? Mà ông nhé, cá hồi nhắm với cái cay cay, tuyệt!
Huy cười, khoe cả hàm răng vô và mấy sợi râu dài. Chuyện lạ mà không còn lạ. Một ngày, con cá hồi xứ Bắc Âu sang tung tăng trong nước nguồn Khau Phạ.
Nguyễn Minh Trụ, anh bạn đang du học ở Canađa là người đã về giúp kiểm tra nhiệt độ, chất nước. Mẻ trứng cá gồm 10.000 trứng đã ấp sấy đúng 40 ngày mà Trụ gửi về cho Huy, đã cho ra trên 6.000 con cá hồi giống. Bằng vốn tích luỹ, huy động thêm, anh đầu tư trên 3,5 tỷ đồng xây dựng khu nuôi cá hồi rộng gần 4 ha trên đèo Khau Phạ, thuộc bản Tà Chơ, xã Cao Phạ.
Sau 8 tháng, trọng lượng cá bình quân khoảng 2 kg/con. Nhiều con, đã tích trứng. Cá hồi nuôi không khó, đầu tư cho một tấn cá chỉ trên 120 triệu đồng, siêu lãi. Huy đã bán ra thị trường trên 4 tấn cá, thu về 900 triệu đồng. Hiện trong ao còn trên 3.000 con, bình quân 1,8 kg/con, tương đương 1,1 tỷ đồng. Nhu cầu thị trường rất lớn, cung vẫn chưa đủ cầu. Với Huy, giấc mơ giầu có đang trở thành hiện thực…
VĨ THANH
Rạng đông, tôi say sưa ngắm nhìn những đàn cá hồi lực lưỡng lao mình trong nước. Huy cho chúng ăn và nói, sẽ mở rộng diện tích nuôi cá hồi, sẽ có nhiều con em người Mông ở Tà Chơ, Ít Thái... cùng làm việc. Huy cũng nói, sau này, sẽ xây dựng một vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao, phục vụ nhà máy chế biến lương thực, tạo ra sản phẩm gạo hàng hoá nổi tiếng đất Mường Lò.
Tôi nghe, thấy việc gì cũng hợp lý cả. Nhưng, cá hồi và cả nhà máy chế biến gạo Mường Lò trong tương lai không hấp dẫn tôi bằng chính con người và những trang đời của anh.
Một chút sâu lắng, tôi nói với anh rằng, con cá hồi kia có giá trị bao nhiêu đi nữa, không thể sống nếu không có nước nguồn, nước nguồn cũng không thể còn nếu những cánh rừng kia bị cạn kiệt. Và lòng dân, Huy à, nước kia, rừng kia, cá kia là của anh nhưng vô hình cũng là của núi rừng, của bà con người Mông ta đấy. Tôi tin anh sẽ thành công, bởi đất và người vùng cao này, khí khái ra sao, tình nghĩa ra sao, anh đã hiểu.
Những trang đời lầm lỡ đã qua đi. Hôm nay, một trang đời mới trong sự bao dung, nhân ái của cộng đồng được viết bằng chính đôi tay, trái tim, nghị lực của Huy đang mở ra trước mặt trời.
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Đại uý Nguyễn Văn Thành - cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý (một số tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi để đảm bảo bí mật, phục vụ cho công tác điều tra phá án) khoanh tròn một điểm nhỏ trên tấm bản đồ hành chính tỉnh Yên Bái rồi nói: "Đây là Pú Cang, từ đây sang Sơn La, qua Lào rất gần. Cũng từ đây về quốc lộ 32 đi Hà Nội và các tỉnh đồng bằng rất tiện. Vì thế, Pú Cang trở thành địa điểm tập kết, buôn bán ma tuý "có tiếng" ở Yên Bái. Và cũng từ lâu Pú Cang- Nậm Khắt, Mù Cang Chải luôn nằm trong "tầm ngắm" của bọn tội phạm và cả lực lượng phòng chống ma tuý".
YBĐT - Hiện nay, Suối Giàng có 193 ha chè Shan tuyết kinh doanh và 100 ha chè kiến thiết nhưng diện tích lại không đồng đều giữa các bản, các hộ. Sản lượng chè búp mỗi năm đạt khoảng 600 tấn. Nếu tính giá bình quân 5 nghìn đồng/kg thì số tiền thu được quãng 3 tỷ đồng.
YBĐT - Trải qua nhiều gian nan thử thách nơi chiến trận khốc liệt, nếm trải nhiều cay đắng ngọt bùi của cuộc sống thường ngày, đều vượt qua, chị Bích Thảo - người con gái họ Hà của dân tộc Tày vùng núi Kiên Thành - Trấn Yên - Yên Bái đã trở thành nghệ sĩ múa, Nghệ sỹ ưu tú của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.
YBĐT - Do cuộc sống khó khăn, từ năm 2004, dân bản Làng Giàng, xã Nậm Có (Mù Cang Chải - Yên Bái) đã vượt ranh giới di cư sang rừng đầu nguồn Văn Yên để xâm canh. Sau khi được vận động, hầu hết bà con đã quay lại nơi ở cũ. Tuy nhiên, việc sắp xếp để bà con “an cư lạc nghiệp” hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự tháo gỡ của trên.