Một thoáng Sơn La
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sơn La - vùng đất của núi Mường Hung và dòng sông Đà, sông Mã; cây đào Tô Hiệu bên ngục tù năm xưa và hiện nay là nhà máy thuỷ điện lớn nhất vùng Đông Nam Á. Đảng bộ cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XII đề ra, để sớm đưa Sơn La thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo...
Công trường xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La.
|
Qua khỏi địa phận huyện Mai Châu (Hoà Bình), cao nguyên Mộc Châu của tỉnh Sơn La hiện ra với bát ngát nương chè và đồng cỏ. Lần đầu đến đây, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những rừng đào. Đào mọc dưới thung, đào men sườn núi, đào bao quanh ngôi nhà người Mông. Anh bạn nhiếp ảnh đi cùng cứ chép miệng mà tấm tắc: “Ôi, giá mùa hoa nở thì đúng là chốn đào nguyên”. Từng đến Đà Lạt – thành phố hoa, Sa Pa – thành phố trong sương, Bắc Hà - cao nguyên trắng và bây giờ Mộc Châu, được chiêm ngưỡng bao cảnh đẹp của đất nước thì lại càng cảm thông với rung động tâm hồn nghệ sỹ.
Sơn La - Châu Mộc là đây, vùng đất của núi Mường Hung và dòng sông Đà, sông Mã; với cây đào Tô Hiệu bên ngục tù năm xưa và hiện nay là nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á đang hấp dẫn du khách tới thăm. Nhớ đêm giao lưu tại Làng văn hoá Bản Cọ, các em gái áo cỏm khăn piêu, má ửng hồng như trái đào chín niềm nở đón khách, tay rót rượu mời, miệng cứ líu lo hỏi chuyện bằng cái giọng nói tiếng Kinh chưa sõi. Nhìn em đẹp, em xinh, tôi cứ vẩn vơ nghĩ đến hình ảnh cô gái Thái trong bài thơ Em là con gái Châu Yên “Gái Châu Yên ấm như bông vải, ngọt như canh rau; Má thơm mùi quả lê, cao gạc; Miệng nên khướu khi hát, Chân nên công khi xoè”. Con người Sơn La thế đấy, những người Thái, người Mông, người Khơ Mú, người Kinh... cởi mở và hiếu khách. Chúng tôi đến với các bạn hôm nay đâu chỉ là để ngắm nhìn cảnh đẹp và uống chén rượu nồng, mà chính là để được say trong cái nghĩa tình Sơn La vậy.
Giải thích về tên địa danh, anh Hoàng Bắc - phóng viên Báo Sơn La nôm na: sơn là núi, la là suối và Sơn La chính là quê hương của núi và suối. Nhiều và hiểm trở vậy chăng nên những năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô, sông Đà đã in sâu trong tiềm thức của lớp người tham gia chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ. Còn hôm nay, lớp cháu con của họ lại đến Sơn La để trị thuỷ sông Đà.
Đưa chúng tôi đi thăm công trình trọng điểm quốc gia, anh say sưa: “Sông Đà nổi tiếng bởi sự hung hãn và dữ dằn mỗi mùa mưa lũ đang bị con người khuất phục. Với 5 bậc thang thuỷ điện là: Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình công suất 1.920MW đã xây dựng; Nhà máy Thuỷ điện Sơn La đang xây dựng công suất 2.400MW và Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu, Huội Quản, Bản Chát sẽ xây dựng thì sông Đà trở thành nguồn cung cấp thuỷ điện lớn nhất cả nước, lên tới 6.000MW. Riêng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La có nhiệm vụ cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa cạn cho đồng bằng Bắc Bộ, nhất là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Công trình đã được khởi công và chặn dòng vào ngày 2-12-2005, dự kiến phát điện tổ máy đầu tiên vào năm 2010”.
Chiều nay, công trường rực rỡ cờ hoa để chào đón mét khối bê tông đầm lần thứ một triệu. Đây là phương pháp đổ bê tông theo công nghệ mới, không chỉ tiết kiệm về chi phí mà còn rút ngắn được thời gian thi công. Như vậy, tiến độ công trình năm 2008 sẽ hoàn thành sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch và dự án cũng sẽ hoàn thành vào năm 2012 chứ không phải 2015 như dự kiến ban đầu. Giữa hùng vĩ núi cao và thăm thẳm sông sâu, một công trình vĩ đại do con người tạo ra đã hiện rõ hình hài. Đập dâng, tràn xả lũ, những ống thép áp lực rộng đủ cho xe tải cỡ lớn chui lọt... đang được những người thợ tài hoa của Tổng công ty xây dựng Sông Đà, Tổng công ty lắp máy Lilama, Lidico nâng dần đến cao trình lớn nhất và chuyển vào vị trí lắp đặt tổ máy.
Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân có sống lại hôm nay chắc cũng không thể tưởng tượng nổi trên dòng nước dữ lại có một chàng trai vừa trẻ vừa dũng mãnh đến nhường này. Kể cả Nhà máy thuỷ điện Sơn La, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng có 49 công trình thuỷ điện với tổng công suất 3.398MW đang được đầu tư xây dựng. Tỉnh còn quy hoạch 78 dự án nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ khác để đến năm 2020 có 127 nhà máy và trạm thuỷ điện. Các nhà máy đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 400 tỷ đồng/năm. Chẳng thế mà có nhà đầu tư nói vui “Sơn La là vương quốc của thuỷ điện”.
Gần đây, Sơn La còn được người ta biết đến với đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bò sữa, chè shan tuyết Mộc Châu đã xây dựng được thương hiệu. Còn cây ngô từ khi đưa vào cũng sớm vượt qua loại cây xoá đói giảm nghèo để trở thành cây làm giàu của một số hộ gia đình. Diện tích bây giờ đã lên tới 82.000ha, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh lên trên 65 vạn tấn/năm. Nhìn rộng dài về tương lai, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh khoá XII còn bổ sung một số chỉ tiêu cơ bản để sớm đưa Sơn La ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo, tạo cơ sở và tiền đề phát triển trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, cây cao su được đưa vào nghị quyết với mục tiêu đến năm 2010 trồng mới 12.000ha. Đây là loại cây trồng có sự liên kết với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Tập đoàn đã thành lập tại đây Công ty Cao su Sơn La và áp dụng cơ chế cho người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, trong đó mỗi ha người dân góp vào được tính tối đa 10 triệu đồng. Họ được trở thành cổ đông của Công ty theo luật định và hưởng lợi tức theo lợi nhuận của Công ty; được tuyển dụng vào làm việc và hưởng các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động.
Cây cao su sau 1 năm tuổi trên đất Ít Ong (Mường La - Sơn La).
Nhằm triển khai chương trình hiệu quả, Ban chỉ đạo phát triển cây cao su các cấp được thành lập để đảm nhiệm công tác tuyên truyền, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở và thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ tham gia đóng góp đất trồng cao su. Với quyết tâm cao, tỉnh đã quy hoạch được 4.771,6 ha trên địa bàn 5 huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Yên Châu, Mường La, Mai Sơn. Các nhà máy chế biến cũng được quy hoạch xây dựng tại Thuận Châu, Sông Mã, Mường La và Phù Yên. Năm 2007 và niên vụ 2008 đã trồng được 2.112ha, số công nhân tuyển vào Công ty Cao su Sơn La là 356 người và thời gian tới thêm 350 công nhân nữa. Nhân thăm Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, chúng tôi ghé vào để “mục sở thị” kết quả trồng loại cây mới tại xã Ít Ong, huyện Mường La.
Cả đội sản xuất có khoảng 200 lao động, đều là dân thuộc 2 bản Thái đã góp đất cho Công ty. Riêng Quàng Văn Nạo là đội phó thì nhà đã có 3 người trở thành công nhân từ hơn một năm nay. Phấn khởi lắm, có việc làm và thu nhập ổn định, lại thêm nguồn thu từ trồng xen hoa màu và cỏ phục vụ chăn nuôi trên diện tích được giao chăm sóc khi cây cao su chưa khép tán. Bây giờ đi làm bằng xe máy, có thể phóng theo các đường phân lô chẳng kém chốn đường bằng, điều mà người dân Sơn La mơ ước bấy lâu nay đã thành hiện thực. Càng vui hơn khi cây cao su vượt qua được thử thách của đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008 và đang sinh trưởng tốt.
Đi dưới hàng cây lớn ngập đầu người, đội trưởng Trần Thị Thuỷ báo tin: “Diện tích trồng qua 2 năm của đội là 300ha, năm 2009 mở rộng lên 500ha. Không còn phải nghi ngờ về hiệu quả của cây cao su, qua 5 năm sẽ cho thu nhựa”. Ơi cô gái của đất Quảng Bình, em đã qua Nam Lào để ươm trồng loại cây làm giàu cho đất nước, nay lại tới Sơn La mang no ấm đến với đồng bào. Hơn ba mươi tuổi đời, xuân xanh gửi cùng màu lá mà một mình vẫn phòng không. Ai đó nhắn gửi “Đến đây thì ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh cây mới về”. Cao su đã bén rễ xanh cây rồi đó, và em vẫn ở lại trụ bám cùng đất, bắt đất đẻ ra vàng.
Sơn La cuối năm đang bộn bề công việc, nhất là giải quyết hậu quả do cơn bão số 6 gây ra nhưng vẫn phải ưu tiên và tập trung cao độ cho nhiệm vụ di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La. Đã có 1.728 hộ ổn định cuộc sống và tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện để tái định cư các hộ còn lại cùng di chuyển trung tâm huyện Quỳnh Nhai đến Phiềng Lanh vào đầu năm 2009. Tháng 8 năm nay, Chính phủ lại ra Nghị định thành lập thành phố Sơn La thuộc tỉnh Sơn La. Thêm một điều kiện tốt để quê hương của núi và suối vươn dậy, khởi sắc, hoà cùng dòng điện sông Đà làm đẹp thêm Tây Bắc – Hòn ngọc của Tổ quốc Việt Nam.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Trong chuyến công tác vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái), tình cờ chúng tôi được cán bộ Trung tâm bố trí cho gặp Lù Bản Dơ, người xã Tú Lệ (Văn Chấn), một đối tượng thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Vừa cắt cơn, còn yếu, gặp chúng tôi, Dơ khóc: “Tao nghiện hút khi đi khai thác pơ mu, bây giờ ân hận lắm. Mày xin cán bộ cho tao về với vợ con đi!”. Theo những gì Dơ kể, chúng tôi vượt đường để đến với mảnh đất nơi Lù Bản Dơ và nhiều người đã sa vào con đường tội lỗi.
YBĐT - “...Trong buổi lễ ra mắt tại trụ sở UBND phường Nguyễn Thái Học, hàng chục cặp vợ chồng “có H” (người nhiễm virút HIV) ấy vừa mừng lại vừa lo. Lo mọi người biết mình bị nhiễm HIV có tăng thêm mức độ kỳ thị không? Mừng vì được ra mắt, được tự tin đứng trước mọi người”. Đó là tâm trạng chung mà các thành viên nhóm Hoa Ban Trắng của thành phố Yên Bái vừa trải qua sau buổi lễ ra mắt...”.
YBĐT - Bây giờ, người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) gọi Nguyễn Quang Huy là "Huy cá hồi". Cái tên chẳng liên quan gì tới "biệt tài" buôn bán, pha chế "cơm đen" một thời nức tiếng vùng Tây Bắc. Khép lại những trang đời lầm lỡ trong sự bao dung, nhân ái của cộng đồng, một trang đời mới được viết bằng chính đôi tay, trái tim, nghị lực của Huy đang mở ra trước mặt trời...
YBĐT - Đại uý Nguyễn Văn Thành - cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý (một số tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi để đảm bảo bí mật, phục vụ cho công tác điều tra phá án) khoanh tròn một điểm nhỏ trên tấm bản đồ hành chính tỉnh Yên Bái rồi nói: "Đây là Pú Cang, từ đây sang Sơn La, qua Lào rất gần. Cũng từ đây về quốc lộ 32 đi Hà Nội và các tỉnh đồng bằng rất tiện. Vì thế, Pú Cang trở thành địa điểm tập kết, buôn bán ma tuý "có tiếng" ở Yên Bái. Và cũng từ lâu Pú Cang- Nậm Khắt, Mù Cang Chải luôn nằm trong "tầm ngắm" của bọn tội phạm và cả lực lượng phòng chống ma tuý".