Thầm lặng những cung đường

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đoàn tàu hướng Lào Cai – Hà Nội rầm rầm chạy qua, ánh đèn lướt thành một vệt dài rồi chìm sâu vào bóng đêm hun hút. Tiếng rú vang của đoàn tàu tạo thành tiếng động lớn khiến tôi rùng mình. Người đàn ông đi phía trước vẫn miệt mài dõi mắt vào đường ray, đôi chân bước điệu nghệ trên thanh tà vẹt. Ánh đèn vẫn sáng khắp nẻo tuần đường...

Anh Phạm Anh Tuấn trên đường tuần.
Anh Phạm Anh Tuấn trên đường tuần.

Người soi đường

Đặt chân đến ga Yên Bái khi chiều chạng vạng tối, loay hoay mãi cuối cùng tôi cũng tìm đến được Phòng Đội tuần đường. Định bụng gõ cửa nhưng cửa vẫn im ỉm khóa. Một người đàn ông nhìn chúng tôi tò mò, sau khi biết ý định muốn gặp những người tuần đường, anh chỉ cho chúng tôi lên phòng ngồi đợi tầm 22 giờ thì ban 3 tiếp tục đổi ca đi tuần. Tiếp tôi là anh Nguyễn Ngọc Xuân – Chủ tịch Công đoàn đơn vị trực thay vì Cung trưởng có nhiệm vụ đột xuất. Một căn phòng nhỏ có chiếc giường cá nhân, chiếc điếu cày, những bảng phân công công tác, bảng theo dõi kế hoạch, những sơ đồ...

Nhân vật chính cuối cùng đã xuất hiện. Với dáng người nhỏ nhắn, trên vai khoác túi đồ nghề, tay cầm đèn lủng lẳng bước tới, anh là Phạm Anh Tuấn, công nhân tổ tuần đường đến đổi ca trực. Khi chúng tôi hỏi về công việc, anh chỉ cười: “Có gì đâu, nghề của tôi đơn giản chỉ là sách đèn cùng túi đồ nghề đi bộ, có thế thôi!”. Tôi biết anh tếu táo vậy chứ nhìn khuôn mặt đen sạm gầy gò của anh đủ biết công việc chẳng nhẹ nhàng chút nào. Anh với tay lấy điếu cày, rít một hơi rồi chậm rãi kể: “Tôi vào ngành đường sắt được 28 năm và thực sự theo nghề tuần đường được 18 năm”. Không chỉ riêng gì anh Tuấn, cả 5 người trong đội tuần đường, bàn chân ai cũng đau rát, mỏi nhừ, đứng lên ngồi xuống cũng thấy ê ẩm, nhưng đi nhiều quen, rồi yêu công việc từ lúc nào cũng không hay. Anh Tuấn tự hào bảo: “Làm nghề này phải được đào tạo bài bản và được ngành giao thông vận tải cấp chứng chỉ đấy!”. Quản lý cung đường Yên Bái dài 18km, ngày nào cũng vậy, các anh phải cuốc bộ để theo dõi, kiểm tra trục trặc kịp thời thông báo xử lý những sự cố như hỏng hóc, sụt lún. Hàng tháng còn phải triết phối kiện, làm cỏ mỗi người một cây số, để những đoàn tàu xuôi, ngược Lào Cai – Yên Bái – Hà Nội được an toàn. “Mấy năm trở lại đây, nạn mất cắp vật liệu trên đường tàu đã đỡ  bởi những đối tượng nghiện hút ma túy đã được quản lý chặt chẽ hơn nên công việc cũng đỡ vất vả” - anh Tuấn tâm sự.

Ngày nào cũng cung đường ấy, thời gian ấy, đến nỗi các anh nhớ từng đinh đóng thanh ray, ốc vít hay từng đám cây, bụi cỏ trên đường: “Những ngày mây quang mưa tạnh thì không sao chứ mưa dầm gió bấc, nắng như đổ lửa thì vất vả lắm!” - anh Trần Quang Luân, người tổ trưởng bộc bạch. Chẳng vậy mà trong tổ tuần đường có 5 người, mỗi người một dáng dấp khác nhau nhưng đều tựa chung một điểm: da đen sạm như công nhân mỏ và ai cũng gầy. Trong túi đồ nghề mà các anh luôn đeo bên người, ngoài cờ – lê, pháo lệnh, đèn tín hiệu, sổ, thẻ bài... thì các anh không có thêm một vật dụng hay thuốc men gì phòng khi gặp cảm sốt bất ngờ đơn cử nhất là lọ dầu gió, chủ yếu là tự các anh tự trang bị chứ ngành chưa có chế độ ưu đãi gì.

Toả sáng trong đêm

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đi thực tế một lần, anh Nguyễn Ngọc Xuân hóm hỉnh: “Các cậu còn trẻ, khỏe nhưng chắc gì theo kịp bọn tớ”. Ngẫm cũng đúng, mỗi ngày anh phải đi bộ hơn 8 tiếng, tổng cộng quãng đường là 18km, nếu nhân với 26 năm trong nghề thì quả là một con số kỷ lục.

Đêm đã về khuya dần, ngoài trời đang rả rích mưa, anh Tuấn đang lóc cóc chuẩn bị túi đồ nghề và không quên dặn tôi cầm chiếc ô đi theo cho đỡ ướt. Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình. Đi cách ga khoảng 900m, ánh sáng phát ra từ đèn trên tay anh Tuấn đã không đủ để chúng tôi thấy đường. Những hòn đá hộc trơn trượt khiến chúng tôi có thể ngã bất cứ lúc nào. Vừa đi anh vừa tâm sự. năm 1998 ở đoạn cầu Trạm - Mậu A gặp cảnh xác chết đứt đôi – chứng kiến cảnh ấy, mình định vắt chân lên cổ chạy nhưng rồi định thần lại. Nhà dân cách xa nên mình phải chạy đi gọi người đến kéo xác chết ra khỏi đường ray rồi mời công an đến giải quyết mới được tiếp tục đi. Còn lần lên Cam Đường, đêm tối như mực lại gặp đúng thời điểm mưa bão, trên đồi tụt xuống một tảng đá mồ côi lớn, đường kính 1m nằm giữa đường ray, khi ấy chỉ còn cách quay lại Pom Hán báo tình hình để kịp thời thông báo cho tàu phanh gấp.

Đang say sưa nói về nghề, bỗng dưng anh dừng lại rút cái cờ-lê trong túi hí hoáy siết lại mấy con ốc lỏng rồi cuộc hành trình lại tiếp tục. Những bước chân người tuần đường vẫn thoăn thoắt bước liên hồi không ngừng nghỉ. Đồng hồ trên tay đã quá 12 giờ, sự mệt mỏi  bắt đầu xuất hiện trong câu chuyện của chúng tôi. Đường tuần còn dài mà đôi chân mỏi nhừ, đôi mắt cũng như muốn nhắm nghiền lại. Một đoàn tàu khách lao tới, tiếng còi hú vang như xé cả màn đêm tĩnh lặng. Ngoài việc qua mỗi trạm phải xin thông hành và phải ký vào sổ thì 12 giờ đêm nay anh Tuấn và anh Luân phải đến điểm ký vào sổ giao ban và đổi thẻ bài. Công việc lúc trở về lặp lại như vậy các anh mới hoàn thành nhiệm vụ. Quay trở về đến Ga Yên Bái đã 1h25 phút sáng. Nắm chặt bàn tay thô ráp của các anh, những bàn tay hàng chục năm siết chặt không biết bao nhiêu con ốc, thu dọn vật cản để những đoàn tàu lăn bánh an toàn, chúng tôi cũng thấm thía nỗi nhọc nhằn ít biết của những người tuần đường.

Gió rít lên từng hồi, ngọn đèn trong tay người tuần đường vẫn toả sáng bởi. Trong lúc mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ thì đâu đó trên các nẻo đường tuần, những con người ấy vẫn đang thức để mang lại sự bình an cho những chuyến tàu.

Xuân Tiên

Các tin khác
Nhà Rông Tây Nguyên.

YBĐT - Chẳng biết từ bao giờ, hình ảnh Tây Nguyên núi rừng hùng vĩ đã in đậm trong trái tim và trí nhớ của tôi. Là bởi tôi từng say mê đọc Trường ca Đăm Sam, Trường ca Xing Nhã, Trường ca Y Ban- những bản anh hùng ca bất diệt, phản ánh tinh thần đấu tranh vô cùng dũng cảm, thông qua các nhân vật lí tưởng, cho khát vọng tự do của con người trong buổi bình minh của lịch sử.

Người dân ở 8 thôn đã nhận trên 2300 kg lúa giống và 650 kg ni lông che mạ.

YBĐT - Làm gì để giải quyết căn bản bài toán Bản Mù và vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái? Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ ngày 21/7/2006 với nhiệm vụ và giải pháp cụ thể chính là chiếc gậy chỉ đường, là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế vùng cao.

Hệ thống mương nội đồng được đầu tư từ chương trình kích cầu Nhà nước 60%, nhân dân 40% khô cạn, bỏ phí khi con mương Tây Sơn - Nà Cáy không đưa nước được về đồng ở Thoóc Phưa.

YBĐT - Vụ xuân này, cũng như những vụ xuân trước, nông dân thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế (Lục Yên) lại “nóng” hơn chuyện mua nước cấy lúa dù nông dân đã được Nhà nước miễn thuỷ lợi phí. Đây là hậu quả của sự tắc trách trong công tác quản lý, cũng như thiếu ý thức của một số đơn vị và người dân sống liền kề, đã khiến con mương Tây Sơn – Nà Cáy ngừng hoạt động.

Trên đỉnh Suối Giàng.

YBĐT - Những tôm chè tuyết cổ thụ hái khi mặt trời mọc, được làm héo bằng gió trời rồi sao khô trong những chiếc chảo gang trên bếp lửa một cách kỳ công với bí quyết riêng đã làm ra một sản phẩm mới trên đất Suối Giàng: chè xanh "5 cực". Lê Quang Tùng, người làm ra loại chè này, cho hay, đó là, cực khổ, cực sạch, cực đẹp, cực ngon, cực đắt. Còn tôi thì nghĩ, chè xanh "5 cực" chính là sự ngợi ca nhiệt huyết, ý chí và sáng tạo của con người, những người đã nguyện gắn bó đời mình với vùng chè cổ thụ …

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục