Cậu sinh viên người Yên Bái với “Ngôi làng tự chống đỡ thiên tai”
- Cập nhật: Thứ ba, 5/4/2011 | 10:32:44 AM
YBĐT - Có một điều đặc biệt ít người biết là trưởng nhóm, phụ trách đồ án đạt giải nhất lại là một cậu sinh viên trẻ sinh ra và lớn lên trên quê hương Yên Bái. Đó là Đào Thanh Hải, sinh năm 1989, trú tại tổ 12, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái.
Đào Thanh Hải (thứ hai từ phải sang) và nhóm bạn nhận giải thưởng tại Manila (Philipin) ngày 17/3/2011.
|
Đồ án “Ngôi làng tự chống đỡ thiên tai - Sefl-helf Proofing Village” giành giải nhất cuộc thi “Design Against the Elements - Cuộc thi thiết kế chống lại các yếu tố ảnh hưởng bởi thiên tai” của các sinh viên Việt Nam đã vượt qua các nước có thế mạnh về khoa học như Đức, Áo, Mỹ… và thuộc nhóm sinh viên được đánh giá cao bởi tính linh hoạt, sáng tạo, có khả năng ứng dụng trong thực tế.
Từ cuộc thi mang tầm quốc tế…
Cuộc thi “Design Against the Elements - Cuộc thi thiết kế chống lại các yếu tố ảnh hưởng bởi thiên tai” được khởi động từ ngày 5/3/2010, đã thu hút gần 400 bài dự thi của các thí sinh trên toàn cầu. Trải qua các vòng loại ngặt nghèo, Ban giám khảo cuộc thi gồm những kiến trúc sư danh tiếng trên thế giới thuộc các quốc gia Pháp, Mỹ, Mehico, Philippin, NewZealand đã chọn ra 4 bài xuất sắc nhất của kiến trúc sư và 4 bài xuất sắc nhất của sinh viên.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học, cộng với trí thông minh thiên bẩm nên ngay từ nhỏ Hải đã tỏ ra là một học sinh xuất sắc với số điểm luôn ở mức cao “ngất ngưởng”.
Năm 2004, vì thể lực gầy gò, sợ sức khỏe không đảm bảo khi theo học trường chuyên cách nhà khá xa, nghe lời bố mẹ, Hải nộp hồ sơ theo học Trường THPT Lý Thường Kiệt (TP Yên Bái), chính ngôi trường này là nơi đã đắp bồi cho Hải những kiến thức vô giá trong tương lai.
Năm 2007, tốt nghiệp phổ thông loại giỏi, tự tin với khối kiến thức tích lũy được, Hải đăng ký dự thi một trường đại học duy nhất là Đại học Kiến trúc Hà Nội và trúng tuyển ngay vào Khoa Kiến trúc công trình với 28 điểm, xếp thứ 36 trong tổng số các học sinh thi đậu vào Trường.
Với bảng thành tích đáng nể trong học tập, Hải được thầy cô và bạn bè tín nhiệm bầu làm lớp phó phụ trách học tập, năm học nào Hải cũng được nhà trường đánh giá là sinh viên khá giỏi.
Năm học thứ ba, Hải được thầy chủ nhiệm lớp tin tưởng giao chủ trì thiết kế một số hạng mục công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong đó có Đồ án nhà để xe máy lưu động được đánh giá cao về mặt ý tưởng.
Với vẻ bề ngoài cao ráo, trắng trẻo và có vẻ ít lời trong giao tiếp nhưng khi được hỏi về giải thưởng danh giá vừa nhận được, Hải đã hào hứng chia sẻ với tôi về ý tưởng khi xây dựng Đồ án “Ngôi làng tự chống đỡ thiên tai”: Nhiều năm qua, chứng kiến cảnh người dân, đặc biệt là dân nghèo quê mình, rồi đồng bào miền Trung cũng như các khu vực khác trên thế giới liên tiếp chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề bởi những thảm họa thiên tai như lũ lụt, bão gió, trong đầu Hải đã luôn nung nấu một suy nghĩ là đem những kiến thức được học trong nhà trường để thiết kế nên một công trình góp phần giảm thiểu đến mức tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tháng 5/2010, tìm hiểu trên mạng, Hải biết về cuộc thi thiết kế chống lại những ảnh hưởng bởi thiên tai với mục đích nhằm kêu gọi mọi người trong ngành kiến trúc và quy hoạch đô thị cùng nhau đóng góp sức lực và sự sáng tạo để phát triển nhà ở bền vững, chống lại thiên tai cho cộng đồng dân cư ở các đô thị vùng nhiệt đới.
Sau nhiều ngày suy nghĩ và nghiên cứu kỹ nội dung yêu cầu của cuộc thi, Hải đã trao đổi với một số bạn sinh viên giỏi là Đặng Ngọc Anh và Nguyễn Hà Thắng cùng học Khoa Kiến trúc và mời các bạn tham gia.
Nhóm đã mời cô Nguyễn Hạnh Nguyên - kiến trúc sư, giảng viên Khoa Kiến trúc làm giáo viên hướng dẫn cho nhóm. Hải được cô giáo và các bạn tín nhiệm cử làm trưởng nhóm chủ nhiệm đồ án dự thi. Cả nhóm đã quyết định thiết kế một mô hình khu dân cư ổn định, có tính cộng đồng cao dành cho người thu nhập thấp, không chỉ sống được trong điều kiện thông thường mà còn có thể sống sót qua thảm họa tự nhiên.
… Đến những ngôi nhà mơ ước trong tương lai
Từ ý tưởng đó, Đồ án “Ngôi làng tự chống đỡ thiên tai” đã ra đời. Trong quá trình xây dựng Đồ án cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhiều khi cả nhóm tranh luận gay gắt nhưng với luận cứ khoa học vững chắc, bản tính quyết đoán, Hải đã thuyết phục được các bạn xây dựng Đồ án dự thi theo ý tưởng của mình là xây dựng ngôi làng dựa trên địa hình khu đất đã cho tạo thành hai “đảo tự nhiên” nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của mực nước lũ, các nhóm nhà có thể giúp đỡ nhau khi có thiên tai.
Dự án được xây dựng dựa trên 2 ý tưởng chủ đạo, đó là ý tưởng quy hoạch và ý tưởng một modul nhà.
Trong đó: ý tưởng quy hoạch thể hiện dựa vào địa hình, các khu vực dân cư và khu vực công cộng sẽ được tập trung vào “2 bán đảo tự nhiên” và kết nối với nhau bằng một cây cầu đi bộ. Không gian xanh và các khu vực đậu xe sẽ được dựa trên các diện tích còn lại. Khu vực dân cư nhỏ sẽ được tổ chức để giúp đỡ nhau trong các trường hợp có thảm họa tự nhiên.
Còn ý tưởng một modul nhà cho thấy: căn nhà được thiết kế theo dạng PISTON (cố định vị trí, tự nổi và trượt tầng). Đó là “Piston - nhà” kết hợp hai cấu trúc: lớp kết cấu vỏ có tác dụng chống lại tác động của bão và lớp kết cấu lõi nhẹ dễ dàng nổi khi có lũ.
“Ngôi làng tự chống đỡ thiên tai” cũng sạch sẽ và trở lại bình thường ngay sau khi có lũ lụt. Vật liệu để xây dựng ngôi nhà là những loại vật liệu thông dụng tại địa phương, đáp ứng được yêu cầu chống bão lũ và có giá thành phù hợp với nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp. Ngôi làng là một mô hình có thể áp dụng cho nhiều khu vực tương tự.
Tuy nhiên, Hải cũng cho biết, sau cuộc thi mong muốn lớn nhất của nhóm là có thể biến ý tưởng ngôi nhà thành hiện thực như một mô hình thử nghiệm. Chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh khi sử dụng mà chỉ có thể thực nghiệm và thực tế mới có thể tìm ra và giải quyết triệt để được.
Tin vui nối tiếp tin vui bởi ngay sau khi vừa đạt được giải thưởng của cuộc thi thiết kế chống lại các yếu tố ảnh hưởng bởi thiên tai, nhóm của Hải đã được Hội Kiến trúc sư Việt Nam mời thuyết trình Đồ án.
Sau đó, Hải đã tham gia thiết kế một đồ án tham dự cuộc thi “Nhà ở cho nông thôn vùng bão lũ Việt Nam” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức, đồ án của Hải được các kiến trúc sư gạo cội đánh giá cao và đạt giải nhì cuộc thi này.
Hy vọng rằng, đồ án “Ngôi làng tự chống đỡ thiên tai” và “Nhà ở cho nông thôn vùng bão lũ Việt Nam” của Hải sẽ sớm được thử nghiệm và đưa vào ứng dụng trong thực tế, giúp cho người dân thường xuyên phải sống trong vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt thiên tai tránh được những thiệt hại do thảm họa thiên nhiên đem lại.
Đây chính là một món quà vô giá mà Hải và các bạn của mình dành tặng cho quê hương Yên Bái thân yêu nói riêng và những khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai nói chung. Đào Thanh Hải thực sự đã trở thành niềm tự hào của thế hệ những người Việt trẻ nói chung và của tuổi trẻ Yên Bái hôm nay, là tấm gương sáng về ý chí tự học và sáng tạo để cho các bạn học sinh, sinh viên noi theo.
Tân Nhân
Các tin khác
Vượt qua các trở ngại, dự án Chương trình 135 của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, tạo bước đột phá nhằm đưa Mù Cang Chải thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), rút ngắn khoảng cách về mọi mặt với vùng thấp.
YBĐT - Sông Hồng đang có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là chất thải nguy hại từ phía đầu nguồn chảy về; cùng với đó là tình trạng biến dạng dòng chảy bởi nạn khai thác khoáng sản.
YBĐT - Bản Sán Trá nơi Sĩ Di ở còn nghèo lắm, ngày nắng xe máy còn được, ngày mưa thì chỉ đi bộ, vấp ngã rồi lại đứng lên bằng chính đôi chân khuyết tật của mình, bằng khát vọng học chữ, Sĩ Di đang nỗ lực để phấn đấu hoàn thiện mình.