Cứu người là lẽ sống

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/10/2011 | 8:59:50 AM

YBĐT - Dù cuộc sống còn bao nhọc nhằn khốn khó, song lẽ sống “vì mọi người” của vợ chồng anh Sơn, chị Long thật đáng để nhiều người trong chúng ta cùng học tập và làm theo.

Số kim tiêm này được chị Long gom nhặt chỉ trong 15 phút.
Số kim tiêm này được chị Long gom nhặt chỉ trong 15 phút.

Anh và chị là 2 số phận chịu nhiều thiệt thòi, mất mát. Chị mồ côi từ nhỏ, còn anh là người tàn tật. Hai mảnh đời ấy đã nương tựa nhau, gây dựng một gia đình hạnh phúc và vượt lên trên cả hạnh phúc cá nhân là lòng nhân ái mà anh chị dành cho những người xung quanh. Đó là anh Lương Minh Sơn và chị Hồ Thị Long hiện đang trú tại tổ 10, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Mỗi tháng 3 ngày uống nước trừ cơm

Đã hơn chục năm nay chị Hồ Thị Long vẫn luôn làm công việc bị không ít người cho là “gàn dở” ngày ngày đi nhặt bơm kim tiêm do những kẻ nghiện chích ma túy vứt lại. Chị làm việc đó chỉ bằng một suy nghĩ giản đơn: “Nếu không nhặt, người khác, nhất là trẻ con giẫm phải thì tội lắm, không chỉ đau, nhỡ đâu có HIV  thì khổ đời họ”. 

Quả thật khi nghe câu chuyện chị Long mỗi ngày xách xô đi nhặt bơm kim tiêm không ít người đã tỏ ra hoài nghi bởi đấy là công việc không mang lại lợi ích gì cho chị, lại còn nguy hiểm, mất thời gian, hơn nữa nhà chị là hộ nghèo “rớt mồng tơi”, suốt ngày chị phải đầu tắt mặt tối lo làm lụng để có cái bỏ vào nồi. Thậm chí, có lúc đến con chó cũng phải đem bán nốt, bán cả cái công tơ điện đang treo trên cột để lấy tiền lo cho đứa con mắc bệnh hiểm nghèo. Chị từng tâm sự: “Có giai đoạn khó khăn quá cả nhà đã phải bảo nhau mỗi tháng nhịn ăn 3 ngày, trong 3 ngày ấy cứ đi làm về rồi chỉ uống nước trừ bữa thôi.

Cứ như thế, một năm thì nhịn được một tháng. Lúc đó chỉ hy vọng có thể chắt chiu dành dụm mong sao có ngày cuộc sống đỡ khổ hơn”. Nhiều người bảo chị là “hâm”, là “dở” những người hàng xóm “tình nghĩa” hơn thì tỏ ra ái ngại gọi chị ra thẽ thọt: “Hâm có mức độ thôi, lo việc nhà mình còn chưa đủ mệt sao mà lại còn đi rước nợ đời”. Song, tất cả những điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của chị. Ban đầu, khi nhà còn ở mãi tận trong xóm sâu, xung quanh là ruộng, mỗi khi đi làm đồng về dù có đang kĩu kịt gánh nặng trên vai nhưng hễ cứ trông thấy kim tiêm là chị lại dừng lại để nhặt vì sợ người khác không nhìn thấy vô tình sẽ giẫm phải. Đến khi con đường nối từ km 5 thành phố Yên Bái với thị trấn Yên Bình được mở, đường mới chạy qua sát nhà chị, mặt đường đất mới ủi rộng thênh thang, chưa có điện đèn lại ít xe cộ qua lại, trẻ con đã coi đây là sân chơi của mình. Song đây cũng trở thành điểm dừng chân lý tưởng của những đối tượng nghiện ma túy.

Chị Long đã nhiều lần chứng kiến cảnh các đối tượng nghiện lên cơn vật thuốc, chị kể: “Tôi đã nói các chú đói thì phải ăn, khát thì phải uống nhưng chích xong nhớ đậy cái nắp kim tiêm vào hộ chị kẻo các cháu nhỏ chạy chơi không may giẫm phải thì tội lắm. Các chú ấy quay sang hỏi chị có chích không, chị bảo chả tội gì. Rồi các chú ấy bảo chị cứ yên tâm bọn em chỉ hít thôi không chích đâu, “bà chị hâm gàn” cứ về đi. Nói vậy, nhưng các chú ấy đi rồi, chị lại phải ra nhặt ống tiêm toàn máu, nhiều kim tiêm bị bẻ cong theo kiểu “trả thù đời”, ai đi qua là rất dễ “mắc”. Có hôm, chị nhặt được mấy xô bơm kim tiêm, về đếm thử được 280 chiếc. Đành lên đồi đào hố rồi đổ xuống đấy lấy củi về đốt!”

Khi củi đốt ít chị đi nhặt rồi về giấu vào trong góc cái chuồng gà cũ của nhà, dồn lại vài lần rồi để nguyên cả xô xách ra chỗ người ta xúc rác, mỗi lần như vậy chị lại phải bỏ 1 cái xô, không dám đổ xuống đất, cũng không dám cho vào bao tải bởi sợ nếu không may những người công nhân vệ sinh môi trường sẽ chạm phải. Thời gian, cô con dâu về ở cùng với chị chuẩn bị sinh nở, chị cũng động viên con đi nhặt ống kim tiêm cùng. Vậy là 2 mẹ con và cả em bé trong bụng sáng sáng tay xách xô, tay cầm cái gắp tre đi nhặt ống kim tiêm. Từ chỗ làm một mình, đến nay chị đã vận động cả gia đình cùng tham gia.

Phòng bệnh cho mọi người

Gia đình chị Long, Sơn trong ngày vui của con gái.

Anh Lê Minh Sơn (chồng chị) là thương binh hạng 3/4, vĩnh viễn mất 41% sức khỏe. Anh bị bỏng nặng, khuôn mặt đã hoàn toàn bị biến dạng, dúm dó, cả người anh đầy thương tích kể từ sau lần anh không màng đến tính mạng của bản thân lao vào cứu trụ sở Bưu điện huyện Yên Bình, cứu được cả 4 người trong một gia đình đang sắp chết cháy trong đám lửa và nhiều tài sản khác nữa cho  Nhà nước vào năm 1979, khi ấy anh vừa tròn 18 tuổi. Đám cháy đã làm anh mê man bất tỉnh và nằm viện suốt 4 tháng 13 ngày.

Sau lần đó, anh được tuyên dương, được gặp Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam Trần Thị Thanh Thanh và được Nhà nước nước cho đi nghỉ an dưỡng miễn phí. Nhưng anh không đi mà xin được quy đổi ra tiền, rồi đem gửi về trường dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu.

Cảm kích trước những nghĩa cử cao đẹp của anh, qua mai mối, chị Long đã quyết định cùng anh xây dựng gia đình. Có vợ đã giúp anh Sơn được an ủi phần nào. Song, nỗi mặc cảm về diện mạo khiến anh không muốn xuất hiện trước mặt người lạ, mấy năm đầu mới cưới, anh cũng không dám về quê vợ. Trong số rất nhiều tấm ảnh của gia đình mà chúng tôi được xem đều không có mặt anh. Chỉ duy nhất có 1 tấm ảnh gia đình chụp trong đám cưới cô con gái của anh.

Chị Long kể: “Mọi người động viên mãi anh mới ngồi vào nhưng khi thợ ảnh bấm máy anh vẫn quay mặt đi hướng khác không muốn để lộ ra khuôn mặt toàn sẹo của mình”. Còn chị Long cũng sớm mồ côi bố mẹ, ở với người họ hàng. Tuy hơn anh 3 tuổi, song anh chị đã đến với nhau như những mảnh ghép vốn có của cuộc sống. Năm 2004, thắt lưng buộc bụng, đi vay mượn thêm anh chị cố làm được cái nhà. Thời gian này, sức khỏe anh Sơn rất yếu do bị bệnh thận, không thể giúp việc gì cho vợ. Để đỡ công thuê thợ, một mình chị Long ngày ngày làm phụ vữa cho 6 người thợ xây, mỗi ngày chị chỉ dám ngủ đôi ba tiếng nhưng vẫn tranh thủ dành thời gian đi nhặt kim tiêm.

Giờ thì đối tượng nghiện ở đây cũng ít hơn, phần vì con đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng có đèn điện và nhiều người qua lại, phần vì lực lượng công an cũng tăng cường các ca tuần tra kiểm soát nên công việc của chị cũng “nhàn” hơn. Song, cứ vài ngày, chị Long lại tranh thủ đi thu kim tiêm gọn lại một chỗ rồi lâu lâu mang xô đi nhặt để tiêu hủy. Cùng đi nhặt kim tiêm với chị vào một buổi sớm, tay thoăn thắt nhặt kim tiêm, chị Long không quên nhắc nhở chúng tôi phải hết sức cẩn thận vì có nhiều cái kim đã được bẻ cong lình chữ “L” chỉ cần chạm nhẹ vào xi lanh là nó có thể sẽ đâm vào chân tay mình ngay. Chị bảo: “Trong số những cái kim này  ai biết được có bao nhiêu cái dính con HIV, chẳng may ai chạm phải thì coi như toi đời, nhất là lũ trẻ”.

Lòng tốt cũng có “gen”!

Nhiều người thắc mắc, căn nguyên nào khiến chị làm những công việc không mấy ai muốn làm này. Câu trả lời thật đơn giản: “Chị chỉ làm những việc chị nghĩ là nên làm, với lại ngày xưa bố chị cũng đã từng dẫn một ông lão ăn mày về nhà, bảo các con hãy coi ông như ông nội của mình và chăm sóc ông trong suốt 8 năm cho đến khi ông mất. Đó cũng là tấm gương cho chị”.

Cứu giúp người khác dường như đã trở thành bản năng trong con người chị Long và anh Sơn. Có lần chẳng kịp suy nghĩ, chị Long đã nhảy từ độ cao  trên 3m xuống ao để cứu được một bé trai bắt đầu chìm xuống nước khi cố nhoài người ra với theo quả bóng. Chúng tôi hỏi chị đã nghe ai đó ở, đâu cũng đi làm như mình chưa? chị bảo cứ thấy kim tiêm là chị nhặt thôi chứ cũng không nghe thấy ai nói cả, hỏi chị có hay xem ti vi, đọc báo không, chị rụt dè khoe: “Ngày xưa nhà chị ở Vĩnh Kiên (xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình) cứ ngày đi làm, tối về học ké vào lớp bổ túc văn hóa dạy cho công nhân ở Nông trường Thác Bà. Học được buổi nào biết buổi đấy thôi chứ chị cũng không được học hành gì nhiều, thành thử chị mới học hết lớp 4. Giờ lâu không đọc, mắt mũi lại kém đọc mãi chẳng được mấy chữ nên chị ít đọc báo lắm. Nhà có cái ti vi điều khiển hỏng từ lâu rồi cũng chẳng biết mở nên có mấy khi xem được ti vi đâu?”. 

Dù cuộc sống còn bao nhọc nhằn khốn khó, song lẽ sống “vì mọi người” của vợ chồng anh Sơn, chị Long thật đáng để nhiều người trong chúng ta cùng học tập và làm theo.

Bảo Linh

Các tin khác
CSĐTTP MT bắt các đối tượng trong ổ nhóm ma túy ở phường Hồng Hà thành phố Yên Bái.

YBĐT - Để ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, cần thiết có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.

Cán bộ Ban QLRPH Mù Cang Chải kiểm tra rừng phòng hộ tại xã Mồ Dề.

YBĐT - Mùa thu là thời tiết thích hợp nhất cho mùa trồng rừng ở Mù Cang Chải. Những cánh rừng hỗn giao trồng thông với sơn tra đang hồi sinh trên những mảnh nương mà trước đây người Mông đã phát đi để canh tác.

Ông Phùng Thọ Trường kiểm tra tầng ong trước khi vào vụ nghỉ đông.
(Ảnh: Văn Thông)

YBĐT - Ông Trường Cúc bảo, tiềm năng nuôi ong mật ở thành phố Yên Bái và của tỉnh này còn lớn lắm. Lúc đầu chả ai nghĩ ở giữa lòng thành phố chỉ có nhà tầng, bê tông, gạch ngói lại nuôi được ong mật.

Gia đình yên vui, hạnh phúc giúp phụ nữ người Dao - Yên Thành yên tâm lao động, sản xuất. (Trong ảnh: Các thành viên CLB “Gia đình không bạo lực” đan rọ tôm).

YBĐT - Bạo lực gia đình - vấn đề nhức nhối bao năm ở Yên Thành nay đã từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Niềm vui, hạnh phúc lại trở lại với bao mái nhà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục