Lao đao “con thuyền” doanh nghiệp
- Cập nhật: Thứ năm, 20/10/2011 | 2:52:46 PM
YBĐT - Hiện nay, “con thuyền” doanh nghiệp ở Yên Bái rất khó có thể ra biển lớn mà phải thu hẹp thị trường, thậm chí ngừng “ra khơi” là tình trạng phổ biến. Vốn hoạt động chủ yếu vay ngân hàng với lãi suất cao, đầu tư nóng vội, năng lực “thuyền trưởng” yếu kém là nguyên nhân khiến nhiều DN rơi vào cảnh nợ đọng chồng chất, làm ăn thua lỗ...
|
Lãi ít, nợ nhiều
Tới Công ty TNHH Hồng Quân, một DN sản xuất chế biến gỗ rừng trồng xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) nhà xưởng lèo tèo vài ba công nhân cố sắp xếp gọn lại đống sản phẩm còn ngổn ngang. Bên cỗ máy lừng lững chiếm rất nhiều diện tích nhà xưởng, một cán bộ quản lý cho hay đó là dây chuyền viên nén nhiên liệu nhưng do một chi tiết bị hỏng nên cả dây chuyền không thể hoạt động. Nói viên nén nhiên liệu nghe có vẻ lạ chứ thực ra sản phẩm này được tận dụng từ mùn cưa thêm chút phụ gia qua các công đoạn sấy, nén thành viên làm nhiên liệu chất đốt. Trong xưởng có đến vài chục tấn viên nén như thế, tuy nhiên khi bóp nhẹ nó đã bị bở tơi do để quá lâu ngày.
Giám đốc Công ty - ông Phạm Văn Phẩm ngao ngán: “Gần 10 tỷ đồng vay ngân hàng đầu tư vào dây chuyền, mới chạy được thời gian thì bị hỏng bộ phận khuôn. Loại khuôn này phải đặt hàng tận bên Đức với giá khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, Công ty cũng không thể đặt mua để tiếp tục hoạt động vì không còn vốn lưu động, còn ngân hàng đã đóng băng vì nợ xấu”. Chẳng biết ông giám đốc đã vay những ngân hàng nào, chỉ biết mỗi ngày ngủ dậy ông phải tính làm sao ra 13 triệu đồng để trả lãi cho ngân hàng! Khi không thể hoạt động, cỗ máy trị giá cả chục tỷ đồng cũng chỉ là đống sắt vụn và cũng chẳng ai dám mua lại.
Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp & Sản xuất công nghiệp cũng buồn thiu: “Hiện tài sản của đơn vị có thể bị phát mại do còn nợ ngân hàng gần 3 tỷ đồng. Công ty phải thu hẹp sản xuất, công nhân vào làm được đào tạo thành thợ lành nghề thì bỏ đi nơi khác gần hết…”. Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khó khăn như vậy nhưng doanh nghiệp lớn như xi măng, chè cũng lao đao trước cơ chế thị trường, tín dụng chặt chẽ...
Trong 9 tháng qua, Công ty cổ phần Chè Văn Hưng mới sản xuất và thu mua được 2.420/4.620 tấn theo kế hoạch năm, doanh thu đạt 6,5 tỷ đồng/25 tỷ đồng kế hoạch, nộp ngân sách 700 triệu đồng/2 tỷ đồng kế hoạch. Lý do được Giám đốc Công ty đưa ra là giá thành sản xuất tăng so với năm ngoái.
Chẳng hạn như giá than tăng gần gấp đôi, cước phí vận chuyển, rồi nhân công cũng tăng khoảng 20%. Mặt khác, từ khi thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần năm 2004, Công ty không thể vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển do khoản nợ xấu từ trước đó. Để ổn định sản xuất, Công ty đã chọn giải pháp tăng vốn điều lệ cổ đông từ 7 tỷ đồng lên 9 tỷ đồng, kêu gọi đầu tư nước ngoài xây dựng dây chuyền chế biến chè đen CTC tương đối hiện đại và được nhà đầu tư bao tiêu sản phẩm.
Ông Tài, Đội trưởng Đội 4 đã có 30 năm gắn bó với ngành chè xót xa: “Nhiều lúc chúng tôi phải lấy cả giấy chứng nhận đất của gia đình để vay ngân hàng duy trì sản xuất. Thế nhưng, cũng không tránh khỏi có những lúc sản phẩm tiêu thụ bế tắc, tiền mua chè phải trả chậm, dẫn đến lương chậm, đời sống nông trường viên gặp khó…”.
Nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh với những lý do tưởng chừng đơn giản nhưng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất. Ví như dây chuyền nghiền bột đá, sản xuất xi măng, dây chuyền chế biến sắn… khi đang vận hành thì ngừng hoạt động do điện sụt áp. Theo các công ty phản ánh, có tháng xảy ra tới 30 lần điện sụt áp. Việc điện sụt áp khiến máy ngừng hoạt động, nhất là đối với dây chuyền sản xuất xi măng phải thêm công lao động dọn dẹp khắc phục trước khi khởi động lại máy. Thậm chí có nhiều lúc điện quá yếu không thể chạy máy để sản xuất.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trong số 17 DN 100% vốn Nhà nước do địa phương quản lý có 4 DN (23,6%) hoạt động cầm chừng hoặc không thể hoạt động như các lâm trường: Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn. DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có 7 DN đã hoạt động nhưng hiện 4 DN hoạt động cầm chừng. Đối với DN tư nhân và công ty TNHH cũng có trên một nửa số DN hoạt động cầm chừng và có tới 75 DN phải ngừng sản xuất như Công ty TNHH Đông Thái Dương, Công ty thực phẩm Phú Tài, Công ty TNHH Hồng Quân, Công ty cổ phần Phú Yên…
Dây chuyền viên nén nhiên liệu ở Công ty TNHH Hồng Quân trị giá gần chục tỷ đồng đang có nguy cơ biến thành sắt vụn.
“Bình ô xy” tín dụng
Có rất nhiều lý do khiến các DN trên địa bàn làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả đó là sự đầu tư nóng vội, thiếu sự nghiên cứu đầu tư theo chiều sâu từ cơ chế, chính sách quản lý đến chính sách pháp luật. Một số lĩnh vực DN phát triển quá nhiều như xây dựng, tư vấn giám sát, chế biến lâm - nông sản, dẫn đến thiếu việc làm. Năng lực tài chính nhiều DN yếu kém nên hoạt động khó khăn, hiệu quả không cao.
Ông Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho rằng: “8 tháng qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã thực hiện cho vay đối với các DN đủ điều kiện, với tỷ lệ trên 99,3% tổng số bộ hồ sơ vay vốn của khách hàng, dư nợ cho vay đạt 6.428 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ 8,14%...
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng, quỹ tín dụng hiện chiếm 3,88% so với tổng dư nợ, tăng 2,38% so với cuối năm 2010 và tiềm ẩn những rủi ro phát sinh. Hơn nữa, hạn mức tăng trưởng năm 2011 từ nguồn vốn điều hòa hệ thống chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, do đó ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của các DN. Lãi suất cao và thực hiện cho vay chặt chẽ, DN khó tiếp cận vốn nhưng DN lỗ không phải nguyên nhân do lãi suất cao”.
Thực tế cho thấy, DN có tỉ lệ nợ cao hơn vốn chủ sở hữu là rất nhiều. Chính vì vậy mà lợi nhuận họ làm ra đã chi một phần không nhỏ cho lãi vay. Hơn nữa, việc thiếu hụt đồng tiền trong thanh toán làm ảnh hưởng đến kế hoạch thanh toán các khoản nợ vay của ngân hàng, đẩy các DN vào tình thế khó khăn ngày càng chồng chất.
Nhiều DN chọn phương án sản xuất cầm chừng và chỉ nhận các đơn hàng có mức sinh lời cao đủ để bù đắp chi phí. Một số DN tạm đình hoãn, dãn tiến độ thực hiện dự án, hạn chế đầu tư mở rộng quy mô. Điều dễ nhận thấy nhất đối với DN có vấn đề “sức khỏe tài chính kém” đầu tư lớn nhưng không có vốn dài hơi sẽ gặp khó, thậm chí văng ra ngoài quỹ đạo hoạt động khi các ngân hàng “rút bình ô xy” tín dụng.
Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu thì công tác quản lý Nhà nước về DN còn có mặt yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu chung, chưa phát huy tốt vai trò định hướng, cung cấp thông tin, giải quyết khó khăn vướng mắc. Thực tế cho thấy, việc phân cấp và xác định trách nhiệm quản lý Nhà nước giữa các ngành, các cấp, chưa rõ ràng nhiều khi chồng chéo, không thống nhất một đầu mối quản lý, nắm bắt hoạt động DN. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính chậm chễ gây trở ngại cho DN.
Ngăn chặn nguy cơ yếu kém
Trước thực trạng về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn, tỉnh đã có động thái tích cực như tổ chức hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN. Các ban, ngành chức năng đi khảo sát thực tế một số DN để có ý kiến đề xuất với tỉnh, và các bộ ngành Trung ương nghiên cứu đề ra cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động của các DN ở địa bàn miền núi đặc thù.
Theo một số nhà quản lý, để DN vượt khó và phát triển cần làm rõ nội dung về quản lý Nhà nước đối với DN. Các cấp, ngành, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Tỉnh cần tiếp tục sắp xếp đổi mới DN, thực hiện chuyển đổi sở hữu đối với những DN không cần thiết phải duy trì 100% vốn Nhà nước. Các ngân hàng nghiên cứu đổi mới phương pháp tiếp cận cho vay, tạo điều kiện tập trung vốn ưu tiên cho DN lớn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, có dự án thực sự khả thi, giảm DN nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu.
Việc tháo gỡ khó khăn, vực dậy các DN là yêu cầu cấp thiết của tỉnh, tuy nhiên người dân cũng cho rằng một số DN lợi dụng vốn Nhà nước, vốn vay ngân hàng để đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả cần có biện pháp xử lý nghiêm minh. Về vấn đề này, ông Trương Ngọc Biên - Giám đốc Sở Công thương cho rằng: "Đối với một số lâm trường làm ăn thua lỗ liên tục, khó xử lý giải thể thì cho thực hiện phá sản hoặc bán DN. Đồng thời, rà soát tăng cường xử lý hành chính và có giải pháp ngăn chặn kịp thời đối với DN có biểu hiện yếu kém về năng lực, tài chính, làm ăn thua lỗ".
Những yếu tố chủ quan cộng với sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường khiến nhiều DN lao đao. Hiện toàn tỉnh có 1.157 DN sản xuất, kinh doanh nhiều loại hình, trong đó, công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 50%, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là xây dựng, công nghiệp, thương mại- dịch vụ. Trong thời gian qua, các DN đã có sự phát triển nhanh về số lượng, vượt mục tiêu đề ra của năm 2010. Cơ cấu ngành nghề và qui mô vốn kinh doanh có sự thay đổi khá nhanh, hiện có 200 DN có vốn đăng ký kinh doanh trên 10 tỷ đồng trở lên. Các DN đã ngày càng khẳng định được vị trí của mình, đóng góp vào ngân sách trên 40% tổng số thu cân đối năm qua. Tuy nhiên, hoạt động của nhiều DN chưa thực sự hiệu quả, hiện nay nhiều DN phải hoạt động cầm chừng hoặc phải đóng cửa. |
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Dù cuộc sống còn bao nhọc nhằn khốn khó, song lẽ sống “vì mọi người” của vợ chồng anh Sơn, chị Long thật đáng để nhiều người trong chúng ta cùng học tập và làm theo.
YBĐT - Để ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, cần thiết có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
YBĐT - Mùa thu là thời tiết thích hợp nhất cho mùa trồng rừng ở Mù Cang Chải. Những cánh rừng hỗn giao trồng thông với sơn tra đang hồi sinh trên những mảnh nương mà trước đây người Mông đã phát đi để canh tác.
YBĐT - Ông Trường Cúc bảo, tiềm năng nuôi ong mật ở thành phố Yên Bái và của tỉnh này còn lớn lắm. Lúc đầu chả ai nghĩ ở giữa lòng thành phố chỉ có nhà tầng, bê tông, gạch ngói lại nuôi được ong mật.