Sau quy hoạch, rừng và đất rừng đi đâu?

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2011 | 9:23:32 AM

YBĐT - Thực hiện Chỉ thị của Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã tiến hành rà soát, quy hoạch toàn bộ diện tích rừng, đất rừng bao gồm: rừng đặc dụng, rừng và rừng phòng hộ, đất rừng, rừng sản xuất.

Nhiều diện tích lúa, hoa màu, nhà ở dân cư cùng thôn Trại Máng xã Vũ Linh quy hoạch nằm trong vành đai rừng phòng hộ đầu nguồn.
Nhiều diện tích lúa, hoa màu, nhà ở dân cư cùng thôn Trại Máng xã Vũ Linh quy hoạch nằm trong vành đai rừng phòng hộ đầu nguồn.

Nhằm triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Bảo vệ và phát triển rừng nhất thiết phải thực hiện rà soát, quy hoạch lại, xác định rõ diện tích các loại rừng. Đó cũng là cơ sở cho việc thực hiện sắp xếp lại sản xuất trong ngành lâm nghiệp, thực hiện chủ trương chính sách về đầu tư, giao khoán bảo vệ rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp... Chính phủ đã có Chỉ thị 38/2005/CT-TTg về việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.  

Thực hiện Chỉ thị của Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã tiến hành rà soát, quy hoạch toàn bộ diện tích rừng, đất rừng bao gồm: rừng đặc dụng, rừng và rừng phòng hộ, đất rừng, rừng sản xuất. Trong quá trình rà soát, tuân thủ theo các tiêu chí về phân cấp 3 loại rừng và đề ra định hướng phát triển rừng trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020. Mặc dù diện tích rừng rộng lớn, nguồn nhân lực hạn chế, song với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng đã được thực hiện đúng tiến độ.

Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp cho biết: “Qua rà soát và đánh giá, thực hiện theo đúng tiêu chí toàn tỉnh có trên 75 ngàn ha rừng (17.464 ha rừng tự nhiên, 44.095 ha rừng khoanh nuôi tái sinh và 14.113 ha rừng trồng phòng hộ) đây là những diện tích rừng nghèo kiệt phải chuyển sang trồng rừng sản xuất”.

Có một thực tế là diện tích rừng này trước đây vẫn được giao khoán cho các tổ chức cá nhân bảo vệ và đều có nguồn vốn đầu tư với kinh phí 50 tỷ đồng mỗi năm. Qua đó cũng cho thấy công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, nhiều diện tích rừng đã bị người dân lấn chiếm và sử dụng không đúng mục đích. Đấy là chưa kể diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn ở một số địa phương đều thụt hơn so với các số liệu trước khi chưa rà soát.

Bên cạnh đó còn cho thấy trữ lượng rừng cũng ngày một giảm, hầu như không có diện tích rừng giàu mà chủ yếu là rừng trung bình và nghèo kiệt. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm nhất là sau hơn ba năm rà soát lại diện tích rừng và chuyển đổi trên 75 ha rừng và đất rừng sang trồng rừng sản xuất đã được sử dụng và quản lý như thế nào?

Cán bộ kiểm lâm tỉnh, huyện và xã Vũ Linh kiểm tra thực địa theo bản đồ quy hoạch.

Ông Vũ Ngọc Tạo - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nói: “Qua rà soát, quy hoạch 3 loại rừng cũng còn những khó khăn nhất định, nhiều diện tích rừng phòng hộ, đai phòng hộ quy hoạch không chính xác, có những diện tích vào cả ruộng, vườn và nhà ở của người dân đã được cấp sổ đỏ từ nhiều năm nay. Đối với diện tích chuyển đổi sang trồng rừng kinh tế, Chi cục Kiểm lâm đang quản lý và giao cho các tổ chức, nhóm hộ tiếp tục khoanh nuôi bảo vệ”.

Để hiểu hơn rõ hơn về việc quản lý và sử dụng diện tích rừng sau quy hoạch, chúng tôi đã về huyện Yên Bình và một số xã trong huyện. Điều gây ngạc nhiên với chúng tôi là việc quản lý, sử dụng rừng và đất rừng ở Yên Bình rất lộn xộn. Chỉ tính riêng diện tích rừng và đất rừng của Lâm trường Yên Bình và Lâm trường Thác Bà chuyển sang cho huyện quản lý là 13.802 ha, hầu như diện tích này vẫn chưa giao cho tổ chức cá nhân nào nhưng thực tế thì đã “có chủ”.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Huyện đã nhận được trên 12 ngàn hồ sơ xin cấp đất của các hộ dân trên diện tích 7 ngàn ha. Hiện huyện đang xét hồ sơ để cấp đất, nhưng thực tế một số diện tích đất rừng đã bị một số hộ dân lấn chiếm để sản xuất, kinh doanh. Trước khi rà soát, quy hoạch toàn bộ diện tích này là rừng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh và rừng tự nhiên sản xuất do các lâm trường quản lý và giao khoán cho cán bộ, công nhân viên và người dân bảo vệ khoanh nuôi. Thế nhưng một số người được giao khoán đã khai thác và trồng rừng làm thay đổi hiện trạng rừng. Đất, rừng của Lâm trường Yên Bình đã được giao quản lý trên 1.200 ha nhưng đến nay đã bị một số hộ dân lấn chiếm”.

Qua thực tế và tìm hiểu chúng tôi thấy có một vấn đề lạ nữa là Hạt Kiểm lâm là cơ quan được giao quản lý bảo vệ rừng nhưng lại không nắm rõ việc thuê đất, thuê rừng với thời hạn 50 năm từ năm 2007 của Công ty cổ phần Bảo Minh với diện tích 774 ha tại xã Bảo Ái (đang triển khai thực hiện dự án); Công ty Lâm nghiệp Hà Nội trên 950 ha, Công ty TNHH Tân Thành An trên 636 ha đều thuộc xã Xuân Long. Ngoài ra đối chiếu với quy hoạch 3 loại rừng đã được phê duyệt tại Quyết định số 325/QĐ-UBND tỉnh ngày 15/3/2007 có trên 1.809 ha là đất rừng tự nhiên sản xuất, nhưng thực tế lại là đất trồng rừng sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định từ nhiều năm nay không có tranh chấp.

Chị Hoàng Thị Hiên, thôn Trại Máng, xã Vũ Linh nói: “Tôi năm nay đã 37 tuổi, ở đây hàng chục năm nay, trước đó vẫn trên mảnh đất này bố đẻ tôi đã ở đây từ nhỏ thế mà người ta quy hoạch và cắm mốc lộ giới là nằm trong vành đai rừng phòng hộ đầu nguồn. Không riêng gì gia đình tôi mà cứ theo quy hoạch thì cả chục ha ruộng lúa nước và nhà ở của hơn chục hộ ở thôn Trại Máng này cũng nằm trong quy hoạch vành đai rừng phòng hộ”.

Rời thôn Trại Máng, chúng tôi đến thôn Đá Trắng gặp ông Trần Văn Thông, ông bức xúc cho biết: “Đã từ lâu lắm rồi, tôi không còn nhớ rõ là năm nào nữa, chỉ biết lúc đó gia đình thấy đất hoang dưới chân dãy núi Yến thế là lên khai phá trồng rừng. Vài năm trở lại đây, cây sắn được giá gia đình chuyển trồng sắn và cứ như vậy không tranh chấp với ai và cũng không chính quyền hay một cơ quan ban ngành nào nói gì. Thế nhưng giờ xin cấp đất để gia đình sản xuất ổn định lâu dài thì lại bảo là nằm trong quy hoạch, gia đình chẳng biết đằng nào mà lần nữa. Quy hoạch gì thì quy hoạch, tôi chỉ mong muốn được Nhà nước cấp đất cho gia đình để chúng tôi yên tâm sản xuất thôi. Chúng tôi được biết theo chủ trương của Chính phủ là quy hoạch lại 3 loại rừng là chuyển những diện tích rừng nghèo, không có khả năng phòng hộ để ưu tiên cho người dân trồng rừng sản xuất”.

Một vấn đề không thể không nói đến là công tác quy hoạch 3 loại rừng ở Yên Bình có khá nhiều diện tích không đúng thực tế với diện tích gần 1.400 ha, trong đó có 991 ha rừng tự nhiên sản xuất, 220 ha chưa có cây rừng, 178 ha diện tích ngoài xen kẽ cây lâu năm thuộc 9 xã trong huyện. Ví như khu vực thôn Làng Cại, Ba Chãng, Khe Tam xã Phúc An thuộc tiểu khu 229 là những diện tích nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ nhưng thực tế tại thực địa lại là diện tích rừng trồng sản xuất (keo, bạch đàn), đất thổ cư và nương sắn của nhân dân đã được cấp quyền sử dụng đất.

Có thể nói việc quản lý và sử dụng rừng, đất rừng sau quy hoạch 3 loại rừng vẫn còn quá nhiều bất cập, không chỉ riêng ở Yên Bình. Qua thực tế tại cơ sở hầu hết ý kiến của người dân là mong muốn được các cấp, các ngành cần sớm điều chỉnh lại quy hoạch rừng và đất rừng, những diện tích rừng và đất rừng nằm trong quy hoạch trồng rừng sản xuất mà thực tế người dân đã trồng rừng kinh tế từ nhiều năm nay không có tranh chấp thì giao quyền sử dụng đất cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Đó không chỉ là ý kiến của người dân mà đó cũng là  mục đích của việc rà soát, quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị 38/2005/CT-TTg của Chính phủ và là cơ chế sắp xếp lại sản xuất trong ngành lâm nghiệp,  khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp.

Thanh Phúc

Các tin khác

YBĐT - Hiện nay, “con thuyền” doanh nghiệp ở Yên Bái rất khó có thể ra biển lớn mà phải thu hẹp thị trường, thậm chí ngừng “ra khơi” là tình trạng phổ biến. Vốn hoạt động chủ yếu vay ngân hàng với lãi suất cao, đầu tư nóng vội, năng lực “thuyền trưởng” yếu kém là nguyên nhân khiến nhiều DN rơi vào cảnh nợ đọng chồng chất, làm ăn thua lỗ...

Số kim tiêm này được chị Long gom nhặt chỉ trong 15 phút.

YBĐT - Dù cuộc sống còn bao nhọc nhằn khốn khó, song lẽ sống “vì mọi người” của vợ chồng anh Sơn, chị Long thật đáng để nhiều người trong chúng ta cùng học tập và làm theo.

CSĐTTP MT bắt các đối tượng trong ổ nhóm ma túy ở phường Hồng Hà thành phố Yên Bái.

YBĐT - Để ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, cần thiết có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.

Cán bộ Ban QLRPH Mù Cang Chải kiểm tra rừng phòng hộ tại xã Mồ Dề.

YBĐT - Mùa thu là thời tiết thích hợp nhất cho mùa trồng rừng ở Mù Cang Chải. Những cánh rừng hỗn giao trồng thông với sơn tra đang hồi sinh trên những mảnh nương mà trước đây người Mông đã phát đi để canh tác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục