Tuần rừng cùng kiểm lâm
- Cập nhật: Thứ hai, 13/5/2013 | 9:45:42 AM
YBĐT - Một yếu tố nói thì có vẻ “sách vở” nhưng thực sự người cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm phải có tình yêu với rừng, có lòng dũng cảm.
Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn trao đổi với bà con đồng bào Mông xã Suối Giàng về công tác bảo vệ rừng.
|
Đứng ở đỉnh dốc Cổng Trời nhìn về phía hai bản Tập Plăng I và II của xã Suối Giàng (Văn Chấn) thấy bạt ngàn rừng già trải đầy nắng vàng giữa lúc giao mùa xuân - hạ. Đi sâu vào lõi rừng, nắng chỉ phảng phất trên ngọn lá. Dưới tán rừng, tiếng gió luồn trong núi vẫn rít vu vu từng đợt. Hơi nước bốc lên mù mịt và lạnh như thể giữa mùa đông.
Đá ẩm ướt lâu ngày mọc rêu trơn như bôi mỡ nên chỉ cần sơ sẩy tích tắc là có thể ngã vật vào đá. Vắt thì ít nhưng muỗi nhiều như trấu nên vỗ được con ở má bên này thì con khác lại đốt vào gáy vào má bên kia. Thành thử, mới đi được một lúc là mặt mũi đã nhem nhuốc. Kinh nghiệm của mấy anh người Mông cùng đi bảo rằng: “Muỗi đốt thì lấy lá cây phất phất không cho nó đậu vào đốt người chứ đừng có vỗ nát con muỗi ra là con khác nó thấy mùi máu sẽ kéo đến đông hơn đấy!”.
Một lần đi tuần cùng kiểm lâm, được ngắm những cánh rừng đặc toàn gỗ to cùng bao điều mắt thấy tai nghe, mới hiểu để giữ được những cánh rừng, các chiến sỹ kiểm lâm đã phải vất vả đến nhường nào.
Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm Văn Chấn Vũ Trọng Huân, diện tích tự nhiên toàn huyện rộng gần 130.000ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên gần 46.000ha, rừng trồng gần 32.000ha, đất chưa có rừng gần 18.000ha. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm chỉ có 44 biên chế và 10 cán bộ hợp đồng nên lực lượng làm việc gián tiếp phải giảm đến mức tối đa để dành người bám sát cơ sở. Một số nơi một người vẫn phải phụ trách tới hai xã.
Trong 5 đội kiểm lâm gồm: Cầu Gỗ, Chấn Thịnh, Suối Xuân - Cầu Nhì, Bản Dõng, Suối Quyền thì Đội Cầu Gỗ và Bản Dõng được coi là thiếu nhân lực trầm trọng bởi địa bàn 2 đội này ở nơi đầu mối giao thông và rừng phân tán trong nhiều xã. Nhiệm vụ của kiểm lâm trước đây chủ yếu là quản lý, bảo vệ rừng nhưng nay đã thêm cả nhiệm vụ phát triển rừng. Bởi vậy, anh em kiểm lâm địa bàn còn phải nắm rõ thực trạng rừng, đất rừng ở cơ sở giúp cho lãnh đạo đơn vị làm tốt công tác tham mưu với huyện chỉ đạo triển khai Đề án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng…
Trên đường tuần tra.
Trở lại với câu chuyện giữ rừng, vì sao thiếu người, địa bàn phức tạp là thế mà vẫn giữ được những cánh rừng xanh tươi? Cán bộ, chiến sỹ Hạt Kiểm lâm huyện đều nhận định: Trước hết là nhờ vào các chính sách phát triển kinh tế ở vùng cao nên đã giảm mạnh sự lệ thuộc đời sống của người dân vào khai thác rừng tự nhiên. Còn đối với ngành kiểm lâm thì đó là nhiệm vụ được giao nên dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải hoàn thành.
Tâm sự chung của những kiểm lâm địa bàn là khi đã được giao phụ trách ở địa bàn nào mà để xảy ra điểm nóng thì người phụ trách phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Bởi thế, dù khó khăn đến mấy cũng không được lùi bước. “Bí quyết” căn bản là phải vận động được chính quyền cơ sở cùng người dân tham gia tích cực vào việc giữ rừng; hướng dẫn nhân dân biết cách bảo vệ rừng.
Đội trưởng Đội Kiểm lâm Suối Xuân - Cầu Nhì từng phụ trách nhiều địa bàn khẳng định: “Nếu như không kéo được sự nhập cuộc của chính quyền cơ sở và người dân tham gia bảo vệ rừng thì rất khó giữ được rừng. Thực tế nhiều năm về trước đã có những nơi người nhà cán bộ hoặc chính cán bộ xã, thôn khai thác gỗ rừng trái phép dẫn đến tình trạng dân cũng hùa theo suy bì rằng cán bộ nó làm được thì mình cũng làm được”. Thế nên, kiểm lâm huyện đã có lúc phải xử lý cả trường hợp ở một xã khi tận thu một cây gỗ đổ ngang đường để dùng vào việc chung của xã nhưng người dân báo với kiểm lâm là xã đang khai thác trái phép.
Khi kiểm lâm đến kiểm tra thì quả nhiên xã chưa làm đúng thủ tục khai thác tận thu nên toàn bộ số gỗ bị tịch thu. Những việc làm ấy đã mang lại niềm tin cho dân để rồi bà con ở đã thực sự là “tai mắt” của kiểm lâm. Đồng thời, phải biết lắng nghe kinh nghiệm từ người dân để biết thêm những nguy cơ có thể dẫn tới cháy rừng; biết nghe những âm thanh, biết nhìn những dấu vết cảnh báo rừng đang bị xâm hại. Dân báo chỗ này, chỗ kia có người đang khai thác, tàng trữ, mua bán lâm sản trái phép là phải có mặt ngay để nắm tình hình và xử lý, cũng là tạo lập niềm tin tưởng, hợp tác của người dân đối với kiểm lâm cơ sở…
Một yếu tố nói thì có vẻ “sách vở” nhưng thực sự người cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm phải có tình yêu với rừng, có lòng dũng cảm. Yêu rừng nên anh Nguyễn Trung Kiên mới có bộ ảnh cưới trong trang phục kiểm lâm với những cánh rừng, thác nước đẹp nhất ở Văn Chấn.
Cán bộ chiến sỹ Hạt Kiểm lâm Văn Chấn kiểm đếm gỗ tịch thu của lâm tặc.
Thiết nghĩ, chỉ có tình yêu với những cánh rừng thì người cán bộ kiểm lâm mới vượt qua được những công việc đầy gian nan và không kém phần nguy hiểm. Mỗi kíp đi tuần tra tối thiểu phải có 3 đến 4 kiểm lâm, vì thế, không ít kiểm lâm ngày đi tuần rừng, đêm vẫn phải thức thay nhau canh chừng, đón lõng thì mới bắt được đối tượng. Đặc biệt, từ khi lâm tặc sử dụng điện thoại di động phục vụ cho việc khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản thì việc chống lâm tặc càng phức tạp hơn nhiều.
Ban ngày chúng theo dõi từng bước đi của kiểm lâm rồi mới thông báo cho đồng bọn tỏa vào rừng. Khi vận chuyển gỗ từ rừng ra, lợi dụng lúc nhá nhem tối, đêm khuya hay mờ sáng, chúng cho một người đi trước và nếu bị bắt thì thông tin cho đồng bọn dừng lại hoặc là đi thành tốp rồi về không để cho kiểm lâm mất cảnh giác thì toán sau sẽ chở gỗ ra.
Chúng thường đi đông người để tạo áp lực với kiểm lâm. Trước đây, có quy định tịch thu phương tiện vận chuyển gỗ thì lâm tặc đi loại xe máy cũ nát để khi gặp kiểm lâm thì chúng sẵn sàng vứt lại gỗ và phương tiện. Đến nay, chuyển sang xử phạt hành chính thì lâm tặc lại dùng xe tốt nên nếu bị bắt thường ảnh hưởng lớn về kinh tế nên bọn chúng càng liều lĩnh, táo tợn hơn khi chống lại kiểm lâm.
Điển hình, cách đây khoảng 3 năm, lâm tặc đã tập trung đông người tấn công đội Kiểm lâm Bản Dõng khiến một cán bộ bị thương. Năm ngoái, đội Kiểm lâm Suối Xuân - Cầu Nhì cũng bị hai vụ khá nghiêm trọng sau khi xử lý đối tượng vi phạm ở bản Khau Khua xã Phình Hồ (Trạm Tấu), đội đã bị rất đông người Mông ở bản này bao vây đập vỡ kính ô tô.
Ở một vụ khác, đội đã bị năm, sáu chục người dân ở xã Thanh Lương (Văn Chấn) cướp gỗ tịch thu của lâm tặc khiến công an và quân đội phải vào cuộc mới giải tán được đám đông. Sau những đợt tấn công lâm tặc, không ít kiểm lâm phải nghe những lời đe doạ của chúng qua điện thoại hoặc qua người khác khiến người thân vô cùng lo lắng.
Tuy nhiên, những hành động, thủ đoạn của chúng vẫn không làm nao núng bản lĩnh của những người chiến sỹ kiểm lâm. Họ dám đối mặt với bao thử thách trong công việc là quyết giữ cho lá phổi xanh không bị tổn thương, xâm hại; giữ cho bao lợi ích kinh tế được sản sinh ra từ rừng như nguồn dược liệu, nước tưới cho nông nghiệp, chăn nuôi và nước làm nên những dòng điện phục vụ cho nền công nghiệp…
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Bây giờ, đến Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái), tục thách cưới được xóa bỏ hẳn, cuộc sống của bao cặp vợ chồng trẻ người Mông ở Nà Hẩu đã không còn cảnh túng bấn trong nợ nần sau kết hôn.
YBĐT - Sau nuôi hươu lấy nhung thì nhím và ba ba gai là hai vật nuôi "hot" nhất đối với người nông dân.
YBĐT - Người không công ăn việc làm, người tranh thủ lúc nông nhàn đi làm phụ vữa và có cả những người trở thành người đứng đầu các đội thợ, làm chủ thầu và trở nên giàu có ở làng thợ xây Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
YBĐT - “Đây là tiếng loa khuyến học xã Thanh Lương. Đã đến giờ học bài, mời các cháu học sinh ngồi vào bàn học tập. Đề nghị các gia đình tạo điều kiện không gian yên tĩnh để các cháu học bài”. Những câu nhắc nhở trên loa phát thanh ở các thôn, bản trở thành quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức người Thanh Lương (Văn Chấn).