“Nóng” chuyện chọn trường

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/5/2013 | 9:22:26 AM

YBĐT - Phải học trường “chuyên” là “mệnh lệnh” của anh Trần Mạnh Hưng ở phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) đưa ra đối với Thắng - cậu con trai đang học lớp 9. Nghe ở đâu có “lò” hoặc có thầy cô nào luyện thi tốt, Thắng đều được cha mẹ xin vào học cho bằng được.

Được học ở trường chuyên là mơ ước của rất nhiều học sinh trước cánh cửa hành trang vào đời.
Được học ở trường chuyên là mơ ước của rất nhiều học sinh trước cánh cửa hành trang vào đời.

Mùa thi năm nay dường như “nóng” hơn bởi những đổi mới trong quy chế tuyển sinh vào lớp 10. Năm nay, cuộc “chạy đua” vào các trường “danh tiếng” trên địa bàn thành phố “hứa hẹn” nhiều kịch tính. Có người còn cho rằng, thi vào lớp 10 bây giờ căng thẳng như thi vào đại học.

Hội chứng trường "chất lượng cao"

Phải học trường “chuyên” là “mệnh lệnh” của anh Trần Mạnh Hưng ở phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) đưa ra đối với Thắng - cậu con trai đang học lớp 9 Trường THCS Lê Hồng Phong. Tuy sức học vào loại “nhàng nhàng” nhưng theo yêu cầu của bố mẹ, Thắng ra sức ôn thi và dự định đăng ký dự thi vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Hàng ngày, sau giờ học chính khoá, nghe ở đâu có “lò” hoặc có thầy cô nào luyện thi tốt, Thắng đều được cha mẹ xin vào học cho bằng được.

Trò chuyện với tôi, anh Hưng cho biết: “Cho cháu thi vào trường này tôi cũng lo lắm, bởi sức học của cháu như vậy không biết có đỗ không. Nhưng quanh phố này, con nhà người ta ai cũng học trường chuyên, cùng lắm thì Nguyễn Huệ. Nếu không được vào trường này thì cố gắng cho cháu vào trường Nguyễn Huệ chứ bây giờ mà cho cháu học dân lập, tôi chẳng còn mặt mũi nào nhìn anh em bạn hữu”.

Cũng chuyện thi vào trường THPT “chất lượng cao”, hôm vừa rồi đến chơi nhà anh chị Huyền, Dũng ở đường Cao Thắng (thành phố Yên Bái) tôi được biết, sau một thời gian bàn bạc, anh chị quyết định cho con mình thi vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Nhìn bảng điểm của con anh chị, tôi thấy thật ái ngại cho quyết định “táo bạo” này. Dù đạt danh hiệu tiên tiến suốt mấy năm học THCS nhưng cháu Vân Anh - con của anh chị chỉ xếp thứ “hai mấy” trong lớp học có gần 40 học sinh. Nhìn bảng điểm tôi chẳng thấy cháu có môn nào học “nhỉnh” hơn đôi chút.

“Tôi chẳng ham hố gì chuyện oai với bạn bè nhưng cho cháu học trường này tôi thực sự yên tâm vì cách dạy dỗ của các thầy, cô giáo cũng như phong trào học tập của học sinh. Hy vọng được học tập trong môi trường như vậy cháu sẽ tiến bộ hơn”, anh Dũng tâm sự.

Không chỉ ở thành phố Yên Bái, một số huyện như Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ, việc chọn trường “chất lượng cao” tuy không đến nỗi “căng” như ở thành phố nhưng cũng trở thành một vấn đề “nóng”. Bên cạnh đó, với nguyện vọng vào trường “chất lượng cao”, nhiều thí sinh ở huyện cũng đăng ký dự thi vào các trường ở thành phố. Thầy Nguyễn Vĩnh Truyền - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết:

“Năm học 2012 - 2013, nhà trường tuyển sinh 402 học sinh vào lớp 10 thì có tới gần 100 em là học sinh các huyện, thị trên địa bàn tỉnh”. Được chứng kiến nỗi âu lo luôn thường trực trên gương mặt của các bậc phụ huynh và sự hồi hộp của con em họ, tôi cũng cảm thấy kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 quả là căng thẳng, thậm chí còn hơn cả thi đại học.

 

Trường THPT Nguyễn Huệ - một trong những cơ sở giáo dục thu hút lượng lớn học sinh dự thi tuyển sinh vào lớp 10.

Leo cao có sợ ngã đau?

Nguyện vọng lo cho con em được vào học ở các trường “chất lượng cao” dù vì bất cứ lý do gì cũng đều là nguyện vọng chính đáng của các bậc phụ huynh. Mong muốn được học tập ở những trường có nhiều thành tích của các em học sinh cũng là mong muốn đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu cứ hướng con em mình đăng ký dự thi vào các trường có điểm tuyển sinh quá cao mà không tính đến sức học thì e rằng sẽ khó thực hiện được.

Năm nay, cuộc thi tuyển sinh vào lớp 10 được thực hiện khá sớm (ngày 24 - 25/6), riêng đối với học sinh thi vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành phải thi thêm một môn thi đã lựa chọn. Năm học 2013 - 2014, ngoài 5 môn chuyên là: Toán, Lý, Hoá, Ngữ Văn và Ngoại ngữ còn một môn chuyên mới là chuyên Toán tin. 

 Điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm này là những học sinh nào đạt từ giải 3 trở lên trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn: Toán, Lý, Hoá, Sử, Địa, Sinh, Ngữ văn và Ngoại ngữ hoặc trong 4 năm học THCS đều xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10, số lượng không vượt quá 5%; thí sinh thi vào trường công lập phải thi 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn còn thi Ngoại ngữ hay Lịch sử sẽ do học sinh tự chọn.

 

Giờ kiểm tra cuối năm của học sinh khối lớp 10, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.

Để đảm bảo khách quan cho kỳ thi tuyển, Sở Giáo dục - Đào tạo bố trí lực lượng giám thị là giáo viên giảng dạy khác bộ môn thi nhưng đổi chéo 50%. Riêng giám thị coi thi ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và Trường THPT Nguyễn Huệ đổi 100% giám thị làm công tác tuyển sinh. Thực tế cho thấy, không ít các bậc phụ huynh đang ỷ vào tiền bạc, những mối quen biết “cạy cục” tìm cửa cho con em mình vào trường “chất lượng cao” mà không hề nghĩ đến hậu quả.

Ông Đặng Quang Khánh - Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo khẳng định: “Năm nay, cùng với sự đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Sở đã chỉ đạo các trường siết chặt quy chế, đồng thời tiến hành quy trình tuyển sinh chặt chẽ hơn. Bất cứ trường hợp nào vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy chế, bảo đảm kỳ thi năm nay diễn ra theo đúng mục tiêu đề ra, đó là: an toàn, nghiêm túc, công khai, công bằng, đúng quy chế”.

Những vấn đề đặt ra

Từ thực trạng một số bậc phụ huynh tìm mọi cách cho con em mình vào học ở trường “chất lượng cao” cho thấy, ngoài mong ước “ngẩng cao đầu” với mọi người thì mong muốn cho con em mình được học tập, rèn luyện ở môi trường giáo dục có chất lượng tốt cũng là mong muốn chính đáng và đây là vấn đề đáng quan tâm đối với những nhà quản lý giáo dục và các trường học.

Điều cần làm trước mắt ở đây là các trường THPT trên địa bàn cần đổi mới phương thức quản lý, huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo niềm tin cho người dân khi gửi gắm con em mình đến học tập, rèn luyện.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến quy chế thi cần được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ các bước tuyển sinh, hạn chế tối đa tình trạng tiêu cực để mỗi khi mùa thi đến, các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh được vơi bớt lo âu, căng thẳng, nhất là chuyện chọn trường, chọn lớp.

Quang Thiều

Các tin khác
Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn trao đổi với bà con đồng bào Mông xã Suối Giàng về công tác bảo vệ rừng.

YBĐT - Một yếu tố nói thì có vẻ “sách vở” nhưng thực sự người cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm phải có tình yêu với rừng, có lòng dũng cảm.

Lễ rước dâu trong đám cưới người Mông.
(Ảnh: A mua)

YBĐT - Bây giờ, đến Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái), tục thách cưới được xóa bỏ hẳn, cuộc sống của bao cặp vợ chồng trẻ người Mông ở Nà Hẩu đã không còn cảnh túng bấn trong nợ nần sau kết hôn.

Giá nhím rẻ nhưng hàng ngày gia đình anh Toàn vẫn phải đầu tư hơn 500 ngàn mua thức ăn  cho nhím.

YBĐT - Sau nuôi hươu lấy nhung thì nhím và ba ba gai là hai vật nuôi "hot" nhất đối với người nông dân.

Làng Trực Bình 2 giờ đã được mở mang, khang trang với nhiều ngôi nhà xây đẹp mắt.

YBĐT - Người không công ăn việc làm, người tranh thủ lúc nông nhàn đi làm phụ vữa và có cả những người trở thành người đứng đầu các đội thợ, làm chủ thầu và trở nên giàu có ở làng thợ xây Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục