Cần có những giải pháp tức thì khi nông dân “quay lưng” với chè

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/5/2013 | 9:34:42 AM

YBĐT - Để người nông dân không quay lưng với cây chè, để cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu, để có thể duy trì vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao hiệu quả kinh tế của cây chè, giúp người nông dân có thể sống, có thu nhập cao từ cây chè.

Người dân tiếp tục phá chè trồng rừng.
Người dân tiếp tục phá chè trồng rừng.

Bài bản hơn gia đình anh Minh, anh Hùng; gia đình anh Tuấn - chủ diện tích trên chục héc-ta đã chặt bỏ, phá hết các nương chè, sau đó quy hoạch trồng rừng. Trong hai năm đầu, anh trồng sắn xen canh. Hiện đồi cây của gia đình đã khép tán. Cây chè được xác định là cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường và là cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu của nông dân.

Vì vậy, từ nhiều năm trước đây, Yên Bái đã có chủ trương phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung từ một vài vạn héc-ta, thời điểm cao nhất đến trên 13 vạn. Tuy nhiên, vài năm gần đây, hàng ngàn héc-ta chè đã bị phá bỏ và đang diễn ra tình trạng người dân quay lưng lại với chè.
  
Phá chè trồng rừng

Cách đây vài chục năm, để tạo được một nương chè hay vùng chè tập trung ở Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn… người dân, các nông trường đều phải vất vả cuốc đất, bốc chà phá rừng, đào đất trồng chè. Nhưng tiếc rằng, chỉ vài năm gần đây, tình trạng đó lại diễn ra ngược lại.

 Từ trung tâm thành phố Yên Bái mất vài phút là có thể đến vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh tại thôn Bảo Thịnh, thôn Thanh Niên, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái). Giờ đây, cả vùng chè rộng lớn mấy chục héc-ta phần lớn đã trở thành những rừng cây lâm nghiệp, số ít diện tích còn lại không sinh trưởng, phát triển do không được tập trung chăm sóc.

Đưa chúng tôi thăm đồi keo xanh tốt trên 2 năm tuổi, tán keo đã kín mặt đất, anh Minh - một chủ rừng cho biết: “Gia đình mua thanh lý của Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh với giá gần 100 triệu đồng nhưng thấy để lại chè không hiệu quả kinh tế nên tiếp tục đầu tư gần 30 triệu đồng phá hết diện tích chè hiện có và thuê trồng keo”.

Anh dự tính, khoảng dăm năm nữa, khi khai thác sẽ cho gia đình một nguồn thu tương đối. Cũng có diện tích chè tương đương như của anh Minh nhưng do không có điều kiện kinh tế để tiếp tục đầu tư, nên anh Hùng - một nông dân lại thuê nhân công trồng keo vào đồi chè. Anh tính toán, keo lớn đến đâu, chè chết đến đó. Nếu thuê nhân công thì tốn kém, nếu canh tác kiểu này thì chu kỳ cây sau, chè chết hết là có đất sạch để trồng rừng.

Hiện nay, rừng keo của anh đã phủ kín những nương chè và những cây chè do không có ánh nắng để quang hợp cũng như không thể cạnh tranh với loại cây lâm nghiệp lớn nên đã chết từng mảng. Bài bản hơn gia đình anh Minh, anh Hùng; gia đình anh Tuấn - chủ diện tích trên chục héc-ta đã chặt bỏ, phá hết các nương chè, sau đó quy hoạch trồng rừng. Trong hai năm đầu, anh trồng sắn xen canh. Hiện nay, đồi cây của gia đình đã khép tán.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đối với diện tích chè của Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh trên địa phận xã Minh Bảo là hơn 80ha thì hiện nay chỉ còn chục héc-ta. Đối với diện tích chè trong dân là trên 240ha thì nay giảm xuống chỉ còn trên 160ha. Cũng giống như xã Minh Bảo, diện tích chè của xã Thịnh Hưng (Yên Bình) cũng đang thu hẹp nhanh.

Dạo vòng quanh các thôn, không hiếm gặp những đồi keo mới trồng mà trước đây là diện tích chè. Buồn hơn nhiều, đồi chè của người dân thuộc Công ty cổ phần Chè Văn Hưng quản lý để cỏ rậm um tùm, chết từng mảng do không chăm sóc.

Phó chủ tịch UBND xã Lương Xuân Trường cho biết: “Từ năm 2008 trở về trước, cây chè là cây chủ lực, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân trong xã. Nhưng chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích chè của xã đã giảm nhanh chóng, từ 178ha xuống còn 123ha.

Trước tình trạng người dân phá chè trồng rừng, Đảng ủy xã phải ra nghị quyết yêu cầu các thôn không để dân phá chè trồng rừng. Tuy nhiên, việc cấm cũng khó vì các anh thấy đấy, hiệu quả kinh tế của cây chè thời điểm này rất thấp”. Hay như ở các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn rất nhiều hộ phá chè trồng cam, ở Trấn Yên phá chè trồng các loại cây khác…

Người dân quay lưng lại với cây chè nên diện tích chè của tỉnh đã giảm đi nhanh chóng. Cụ thể, năm 2006, toàn tỉnh năm 2010 trên 13.000ha, đến nay chỉ còn 11.371,8ha giảm 3.254ha so với giai đoạn 2004 - 2010. Lý giải vấn đề này là do quá trình quy hoạch cũ biến động về giá cả thị trường dẫn đến diện tích trồng mới không đạt kế hoạch, một số chuyển sang làm đường giao thông, làm khu tái định cư, phần lớn  diện tích người dân chuyển sang trồng cây lâm nghiệp. Đó là chưa kể nhiều diện tích chè chỉ còn trên giấy khi người dân để hoang hóa, không chăm sóc. 

 

Nhiều nơi keo đã phủ kín nương chè.nhiều vùng chè đã trở thành vùng cây lâm nghiệp.

Đâu là nguyên nhân?

Gắn bó với người nông dân từ nhiều năm nay, cây chè ở Yên Bái có những thăng trầm. Nhưng một điều có thể khẳng định, cây chè là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu; là cây xóa đói giảm nghèo,  làm giàu của nông dân có hiệu quả đã được chứng minh. Thực tế, những diện tích phá bỏ là những diện tích chè cũ, lâu năm, năng suất thấp. Tuy nhiên, việc người dân “quay lưng” lại cây chè, không cải tạo mà phá bỏ chè mới thật sự đáng lo!

Gắn bó với cây chè hơn hai mươi năm có lẻ, chuyện về cây chè, ông Đặng Thái Lợi, thôn Đào Kiều, xã Thịnh Hưng (Yên Bình) không khỏi buồn rầu: “Các chú tính, làm chè thì vất vả nhưng thu nhập phập phù, năm được năm mất. Mấy năm nay, thời tiết thất thường, giá cả bấp bênh, công lao động và giá cả vật tư tăng cao, làm chè chẳng có lãi, người dân chúng tôi chẳng còn thiết tha với cây chè nữa”. Diện tích 0,5ha chè của gia đình, ông đã trồng hết keo. Chỉ vào những cây keo đã cao tới 3 - 4 mét, ông bảo: “Vài năm nữa, cây sẽ cho một món thu”.

Tôi hỏi: “Thế bây giờ, gia đình mình sống bằng nguồn gì?”. Ông cho biết: “Không có thu nhập từ chè, mình chuyển sang các công việc khác như làm thợ nề. Tuy vất vả nhưng thu nhập vẫn khá và đều hơn”. Trường hợp của gia đình ông Lợi là tình trạng chung của nhiều nông dân Yên Bái, đối với cây chè “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Cũng giống như ông Lợi nhưng chị Yên may mắn hơn một chút vì trên 20 năm gắn bó với cây chè còn có đồng lương hưu ít ỏi trên 1 triệu đồng để sinh hoạt thường ngày. Nghĩ về những ngày làm công nhân của công ty chè, chị xót xa: “Chẳng ai muốn bỏ cây chè đâu chú ạ nhưng làm chè vất vả lắm mà thu nhập chẳng là bao. Như tôi đây, vài chục năm gắn bó với chè, giờ chẳng có gì ngoài đồng lương hưu ít ỏi”.

Cùng sự vất vả của nghề làm chè, thị trường bấp bênh không ổn định, giá cả đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp… Bên cạnh đó, do khai thác triệt để bằng máy cắt cả cành, ngọn để chế biến chè đen làm cây chè “kiệt sức”, trong khi đó cây lâm nghiệp lấy gỗ lại ngày càng có giá trị kinh tế cũng do một nguyên nhân hết sức quan trọng là chè Yên Bái từ nhiều năm nay chỉ làm chè đen, chè xanh, chất lượng thấp, không có thương hiệu. Có thêm chè ô long nhưng quá ít không tạo được vùng nguyên liệu nên một vài cơ sở tan rã sớm.

Nhiều năm nay các tỉnh giá trị 1 kg chè chế biến có chất lượng, cả về mẫu mã bao bì hấp dẫn… nên đã nâng được giá trị 1 kg chè lên gấp 2 – 3 lần thậm chí gấp 5 lần Yên Bái. Trong khi đó giá trị 1 kg chè Yên Bái quá thấp chỉ hơn 1 đô la. Vì vậy, việc người nông dân bỏ chè chuyển sang gỗ cũng là tất yếu.

Đáng lo ngại hơn, đối với những diện tích chè còn lại cũng đang trong tình trạng báo động “sống dở, chết dở” do không được tập trung đầu tư chăm sóc. Việc mất vùng nguyên liệu, nơi có hàng vạn người dân lao động và phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến chè đang là nhãn tiền…

Cần có những giải pháp đồng bộ tức thì!

Vùng chè đã trở thành vùng cây lâm nghiệp.

Để người nông dân không quay lưng với cây chè, để cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu, để có thể duy trì vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao hiệu quả kinh tế của cây chè, giúp người nông dân có thể sống, có thu nhập cao từ cây chè. Giải quyết bài toán này, không còn cách nào khác là cần có sự chung tay vào cuộc của bốn nhà: vai trò quản lý của Nhà nước, sự tích cực của nhà nông, sự quan tâm của nhà khoa học, sự đầu tư của nhà doanh nghiệp trong định hướng, mở các hướng đi; thực hiện các giải pháp về: kỹ thuật, giống, trồng, chăm sóc, thiết bị chế biến chè các sản phẩm về chè có chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, tiện lợi cho người tiêu dùng, đồng thời, lao động và đào tạo lao động… Trong đó, sắp xếp lại sản xuất, chế biến chè, tìm đầu ra cho sản phẩm chè… giữ vai trò quyết định.

Một tín hiệu vui trong bức tranh màu xám của chè Yên Bái là để khôi phục vị thế cây chè, tỉnh đang tích cực triển khai Đề án phát triển trồng chè giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, toàn tỉnh sẽ quy hoạch vùng chè trên 11.000ha, vùng chè tập trung trên 10.000ha, trong đó quy hoạch trồng lại chè là trên 2.700ha, quy hoạch thâm canh trên 6.500ha, chăm sóc chè hiện có 590ha, quy hoạch trồng mới 170ha.

Với những mục tiêu và giải pháp đề ra, Đề án có thể sẽ giải quyết bài toán cho cây chè Yên Bái. Tuy nhiên, từ khi Đề án triển khai đến lúc có kết quả là một khoảng thời gian dài. Mà trong khoảng thời gian này, ít ai dám đảm bảo rằng, diện tích chè hiện tại sẽ không tiếp tục mai một…

Nguyễn Đình

Các tin khác
Được học ở trường chuyên là mơ ước của rất nhiều học sinh trước cánh cửa hành trang vào đời.

YBĐT - Phải học trường “chuyên” là “mệnh lệnh” của anh Trần Mạnh Hưng ở phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) đưa ra đối với Thắng - cậu con trai đang học lớp 9. Nghe ở đâu có “lò” hoặc có thầy cô nào luyện thi tốt, Thắng đều được cha mẹ xin vào học cho bằng được.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn trao đổi với bà con đồng bào Mông xã Suối Giàng về công tác bảo vệ rừng.

YBĐT - Một yếu tố nói thì có vẻ “sách vở” nhưng thực sự người cán bộ, chiến sỹ kiểm lâm phải có tình yêu với rừng, có lòng dũng cảm.

Lễ rước dâu trong đám cưới người Mông.
(Ảnh: A mua)

YBĐT - Bây giờ, đến Nà Hẩu, huyện Văn Yên (Yên Bái), tục thách cưới được xóa bỏ hẳn, cuộc sống của bao cặp vợ chồng trẻ người Mông ở Nà Hẩu đã không còn cảnh túng bấn trong nợ nần sau kết hôn.

Giá nhím rẻ nhưng hàng ngày gia đình anh Toàn vẫn phải đầu tư hơn 500 ngàn mua thức ăn  cho nhím.

YBĐT - Sau nuôi hươu lấy nhung thì nhím và ba ba gai là hai vật nuôi "hot" nhất đối với người nông dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục