Sức hút du lịch tâm linh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/2/2025 | 2:03:23 PM

YênBái - Yên Bái không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ mà còn có những điểm du lịch tâm linh linh thiêng - nơi gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống qua bao thế hệ. Mỗi độ xuân về, các đền, chùa trên địa bàn tỉnh lại đón hàng nghìn du khách đến chiêm bái, vãn cảnh.

Lễ khai hội đền Mẫu Thác Bà, huyện Yên Bình.
Lễ khai hội đền Mẫu Thác Bà, huyện Yên Bình.


Ngay thời khắc giao thừa, khắp các nẻo đường Yên Bái, từng dòng người đổ về các đền, chùa mang theo lòng thành kính và ước nguyện một năm mới an lành, hạnh phúc. Trong tiết trời trong lành, hơi lạnh của mùa đông vẫn còn vương vấn, cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng càng tôn lên vẻ linh thiêng của những ngôi đền, chùa cổ kính. 

Là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đền Mẫu Đông Cuông huyện Văn Yên trở thành điểm đến được nhiều du khách quan tâm bởi vẻ đẹp mộc mạc và những giá trị tâm linh thiêng liêng được hun đúc qua thời gian. Nằm bên dòng sông Hồng hiền hòa, đền Mẫu Đông Cuông từ lâu được biết đến là nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, vị thần cai quản núi rừng theo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. 

Hàng năm, vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng, Lễ hội đền Mẫu Đông Cuông diễn ra trong không khí trang nghiêm, sôi động, thu hút đông đảo du khách, người dân địa phương. 

Chiêm bái, vãn cảnh đền Mẫu Đông Cuông, du khách Võ Bích Hạnh đến từ thành phố Hà Nội chia sẻ: "Khi bước vào khuôn viên đền, nghe tiếng nhạc nhẹ nhàng, tiếng chuông thỉnh, hương trầm bay bổng, tiếng lầm rầm cầu nguyện của mọi người xung quanh, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng, tràn đầy hy vọng cho năm mới với nhiều thành công mới”. 

Đi về phía đông của tỉnh, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Mẫu Thác Bà, huyện Yên Bình cũng là thiết chế văn hóa, tín ngưỡng được đông đảo nhân dân, du khách ghé thăm dịp đầu năm. Từ lâu, đền Mẫu Thác Bà được nhân dân địa phương coi là nơi linh thiêng, giao hòa giữa trời đất và con người. Đền khai hội vào ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm. 

Ở phần lễ diễn ra các nghi thức như: rước kiệu cá, rước lễ vật, nổi trống chiêng khai hội, dâng hương, dâng rượu, dâng lễ vật và hóa Chúc văn. Lễ hội đền Mẫu Thác Bà còn được tô điểm bằng phần hội với các hoạt động văn hóa đa dạng như: đánh cờ, đẩy gậy, giao lưu văn nghệ. 

Ông Nguyễn Văn Thanh ở thị trấn Thác Bà cho biết: "Tôi đến đây không chỉ để tham dự lễ hội mà còn để tìm về sự bình yên trong tâm hồn. Cảm giác được hòa mình vào không khí linh thiêng, giữa những lời cầu nguyện và âm thanh của thiên nhiên thật sự rất đặc biệt”. 

Cùng với đền Đông Cuông, đền Thác Bà, dịp đầu xuân này các điểm di tích lịch sử - văn hóa tâm linh Yên Bái thu hút đông đảo du khách như: đền Trái Đó, đình Trạng, đình Ngòi A (huyện Văn Yên); đền Hóa Cuông, đền Hạ Bằng La, đền Quy Mông, đình làng Dọc (huyện Trấn Yên); đình, đền, chùa Nam Cường (thành phố Yên Bái); đình Ba Chãng, đình Khả Lĩnh, đình Phúc Hòa (huyện Yên Bình); đình Bằng Là (huyện Văn Chấn); đình Bản Phố, đình Làng Xóa, đền Suối Tiên (huyện Lục Yên)…

Công tác quản lý, tổ chức đón du khách gần xa được ban quản lý các di tích, đền, chùa, chính quyền các địa phương quan tâm đẩy mạnh.

Các cơ quan chức năng đã có sự chuẩn bị chu đáo từ khâu vệ sinh, an ninh trật tự đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật luôn được đảm bảo mang lại cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn và an toàn. Ban tổ chức lễ hội tại các địa phương đều dự kiến thu, chi trong tổ chức hoạt động lễ hội đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích; bố trí, sắp xếp phù hợp nơi công đức, đặt lễ, tiền "giọt dầu” trong di tích theo quy định. Ban quản lý các đền, chùa, di tích cũng tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân khi đến chiêm bái, thực hành tín ngưỡng; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lễ hội.

Trong nhịp sống hiện đại ngày càng bận rộn, du lịch tâm linh chính là cánh cửa để mỗi con người có thể tạm rời xa những ồn ào của cuộc sống, tìm lại sự kết nối với cội nguồn. Những lễ hội linh thiêng được tổ chức tại các đền, chùa trên địa bàn tỉnh chính là nơi lưu giữ ký ức, khơi dậy hy vọng, là động lực để mỗi người bước tiếp trên con đường tới xã hội hạnh phúc. Sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, du lịch tâm linh ở Yên Bái sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương.

Lê Thương

Tags Yên Bái du lịch tâm linh văn hóa giá trị gìn giữ

Các tin khác
Nhóm bạn trẻ người Nhật Bản trải nghiệm tết truyền thống tại Mường Lò Farmstay, thị xã Nghĩa Lộ.

Vài năm gần đây, nhiều gia đình đã lựa chọn du lịch như một hình thức sum họp, gắn kết gia đình trong chuỗi ngày nghỉ tết quý giá. Yên Bái - một địa danh trên "bản đồ du lịch" Tây Bắc đang nỗ lực không ngừng để trở thành điểm du lịch tết lý tưởng, thân thiện, để du lịch tết ở một nơi xa vẫn như trải nghiệm tết nhà.

Đồng bào Mông ở Nà Hẩu luyện tập điệu múa Sênh tiền để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Xã Nà Hẩu nằm nép mình giữa những dãy núi trùng điệp của huyện Văn Yên, nơi những cánh rừng nguyên sinh trải dài với hệ thống động thực vật phong phú. Những bản làng người Mông nơi đây đang từng ngày "thay da đổi thịt" nhờ người dân đã biết tận dùng tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, nâng cao đời sống.

Chị Đinh Thị Đương có sáng kiến khôi phục Lễ hội Mùa đông của người Mường, xã Phúc Sơn để thúc đẩy du lịch địa phương.

Phúc Sơn là xã xa nhất và khó khăn nhất của thị xã Nghĩa Lộ. Địa hình phức tạp với núi non trùng điệp, thung lũng hẹp và hệ thống suối chằng chịt, nhiều người xem đây là trở ngại phát triển, nhưng Đinh Thị Đương - cô gái dân tộc Mường lại nhìn thấy tiềm năng du lịch trải nghiệm và quyết tâm khai thác thế mạnh này, mở ra hướng đi mới cho du lịch địa phương.

Múa khèn trong Lễ hội

Lễ hội “Gầu Tào” có truyền thống lâu đời, gắn liền với cộng đồng người Mông cư trú trên địa bàn các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với không gian trọng điểm thuộc địa bàn huyện Trạm Tấu. Ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2318 công nhận lễ hội “Gầu Tào” của người Mông các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội “Gầu Tào” sẽ được tổ chức trong hai ngày 14-15/2 tại Sân vận động huyện Trạm Tấu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục