Bài 1: Vì tình nghĩa xóm làng
- Cập nhật: Thứ tư, 20/7/2016 | 10:10:28 AM
YBĐT - Không làm việc trong các cơ sở y tế, cũng chẳng có áo blouse trắng, thế nhưng họ luôn hoàn thành nhiệm vụ của một người thầy thuốc thực thụ - đó là nhân viên y tế thôn, bản (NVYTTB). Đối với họ, việc trở thành NVYTTB phục vụ người dân không còn là trách nhiệm mà chính là tình nghĩa xóm làng.
Nhân viên y tế thôn Sài Dưới, xã Trung Tâm (Lục Yên) tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
|
Thông tư số 07/2013/TT-BYT của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của NVYTTB. Theo đó, họ có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; phát hiện, tham gia giám sát và báo cáo tình hình dịch, bệnh; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng… Khẳng định rằng, lực lượng y tế thôn, bản là “cánh tay nối dài” của y tế cơ sở. Qua đó, họ có vai trò rất lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 1.943 NVYTTB đang hoạt động, nữ giới chiếm 70,8%, góp phần tích cực giúp y tế cơ sở và ngành y tế đạt được những kết quả cao.
Nhiều năm nay, người dân ở xã Quang Minh, huyện Văn Yên đã quen với hình ảnh NVYTTB đến từng nhà để cân trẻ, chăm sóc sức khỏe người già, vận động sinh đẻ có kế hoạch, tiêm chủng mở rộng, khám thai định kỳ; kiểm tra tình hình vệ sinh, dịch bệnh; tổ chức các buổi truyền thông... Những ngày tháng 7, trời nóng như đổ lửa, chúng tôi đến thăm chị Nguyễn Thị Mái thôn 2, xã Quang Minh. Đang mang thai 3 tháng nhưng chị vẫn phải làm việc vất vả để lo cho bữa ăn hàng ngày.
Chị Mái tâm sự: “Bản thân em cũng như bà con ở đây sẽ chẳng hiểu hết được vai trò của tiêm chủng mở rộng, khám thai định kỳ, cách chăm sóc thai nhi… nếu như không có sự tư vấn của NVYTTB. Em cũng nghe thoáng qua từ mọi người trong thôn truyền tai nhau về việc khám thai định kỳ, tiêm phòng nhưng cụ thể thế nào thì chưa biết. Nhưng từ khi được NVYTTB đến tận nhà tư vấn về lợi ích của việc tiêm phòng, cách chăm sóc thai nhi để cho trẻ sau này sinh ra khỏe mạnh. Tháng nào có lịch tiêm, họ đều đến nhắc gia đình đến trạm y tế xã để tiêm phòng, kiểm tra…”.
Thôn 2, xã Quang Minh với 94 hộ dân, phần lớn đồng bào Dao sinh sống, nhận thức người dân không đồng đều, thậm chí trong cộng đồng vẫn tồn tại một số hủ tục. Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân còn khá hạn chế. Song với sự nỗ lực, trách nhiệm của NVYTTB đã góp phần thực hiện tốt công tác này.
Bước sang năm thứ 23 gắn bó trong vai trò NVYTTB, với anh Triệu Văn Thông ở thôn 2, không hề quên những khó khăn, vất vả trong những năm đầu tham gia công tác này, nhưng với anh đó là niềm tự hào, vinh dự vì được chăm sóc nhân dân, vì cộng đồng, những công việc như vậy đã trở nên quen thuộc. Anh chia sẻ: “Bất kể trời mưa hay nắng, ngoài công việc thường xuyên được phân công, bà con cần là tôi lập tức có mặt ngay. Mình sẽ tận tụy với công việc để không phụ lòng tin của họ. Bởi làm công việc này không chỉ là phục vụ người dân mà còn là tình nghĩa, vì xung quanh là hàng xóm, là người thân của mình cả…”.
Chị Chu Thị Hồng - cán bộ y tế thôn Lèm, xã Phú Thịnh trên đường đi vận động công tác dân số.
Rời Quang Minh trong sự cảm mến, lòng tin của người dân gửi gắm vào NVYTTB. Chúng tôi đến xã Trung Tâm - xã thuộc vùng 135 của huyện Lục Yên. Cách trung tâm xã chừng hơn 4 cây số, vượt qua con dốc dựng đứng, tôi ghé thăm thôn Sài Dưới, thấy chị Bàn Thị Châm - NVYTTB đang tận tụy, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc của mình.
Chị Châm chia sẻ: “Em tham gia công tác y tế thôn, bản được 8 năm. Mặc dù công việc nhiều, khá vất vả, chế độ hỗ trợ cũng chẳng được bao nhiêu nhưng em luôn tâm niệm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng như chăm sóc bản thân mình và người thân. Công việc của em cũng không theo kế hoạch định kỳ nên việc bố trí công việc gia đình cũng khá vất vả nhưng em sẽ cố gắng để không phụ lòng tin của bà con đã trao gửi”.
Với những hộ có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng và phụ nữ mang thai, chị Châm dành thời gian đến tận nhà tuyên truyền về lợi ích của chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình dinh dưỡng cho trẻ, vận động phụ nữ mang thai tới sinh con tại trạm y tế… Với người cao tuổi, chị cũng trở thành người tư vấn sức khỏe thường xuyên của họ. Ngoài ra, chị Châm còn tham gia sơ, cấp cứu ban đầu cho nhiều trường hợp người dân không may bị chấn thương, bị đột quỵ… Sự nhiệt tình, trách nhiệm của chị đã góp phần đem lại kết quả thiết thực khi nhiều năm qua, thôn Sài Dưới không có dịch bệnh xảy ra, 100% trẻ em trong độ tuổi và phụ nữ mang thai được tiêm phòng đầy đủ, trẻ suy dinh dưỡng giảm…
Nói về vai trò của NVYTTB, Y sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Minh (Văn Yên) cho biết: “NVYTTB có nhiệm vụ tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, nắm tình hình dịch bệnh trong thôn, bản và thường xuyên thông tin hai chiều với trạm y tế về dịch bệnh, họ cũng chính là những cộng tác viên dân số đắc lực, tuyên truyền các biện pháp kế hoạch hóa gia đình cho những người trong độ tuổi sinh đẻ; tuyên truyền về phòng chống suy dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi; tuyên truyền bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan... Hoạt động của đội ngũ NVYTTB đã giúp cho tỷ lệ trẻ trong độ tuổi và phụ nữ mang thai tiêm phòng đạt 100%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm… Đặc biệt, nhiều năm qua, trên địa bàn xã không có dịch, bệnh lớn nhỏ xảy ra. Qua đây thấy rằng, hiệu quả của các NVYTTB đã góp phần tích cực vào kết quả công tác y tế, vệ sinh môi trường trên địa bàn xã”.
Đồng quan điểm với Y sỹ Hương, ông Hoàng Minh Vững - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Tâm (Lục Yên) chia sẻ thêm: “Thực tế cho thấy, nhờ sự làm việc tận tụy, hết lòng với công việc, không ngại khó, ngại khổ, NVYTTB đã luôn đồng hành với nhân dân để tuyên truyền, vận động bà con khi có bệnh phải đến trạm y tế khám nên trong nhiều năm gần đây, lượng người dân đến khám, chữa bệnh tại Trạm vẫn luôn duy trì ở mức cao: khoảng trên dưới 1 lần/người/năm”.
Mặc dù khác nhau về địa giới hành chính, dù ở vùng thấp, vùng cao hay vùng đặc biệt khó khăn, nhưng tất cả họ - NVYTTB đều có chung một sứ mệnh cao cả là vì sức khỏe của nhân dân, vì cộng đồng.
Trần Minh
(Bài 2: Trăn trở trước những khó khăn).
Các tin khác
YBĐT - Tôi gặp chị - người phụ nữ đằm thắm có đôi mắt hút hồn, duyên dáng trong chiếc áo cỏm ôm sát eo thon. Bên ngôi nhà sàn truyền thống ấm cúng có 3 thế hệ trong gia đình cùng chung sống, cũng là cơ sở nghỉ dưỡng của khách du lịch cộng đồng, chị khiêm tốn khi nói về mình trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã song lại rất hào hứng khi chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở địa phương.
YBĐT - “Bây giờ, ai còn trồng chè...” - nghe bạn chê mà anh thấy “nóng mặt”. “Trồng chè thì đói lắm!” - nghe thêm một người bạn tỏ vẻ cảm thông mà lòng anh “đau” vì “tủi”. Những sự lòng “đầy tự trọng trai tráng” ấy đã suốt một năm dài không tưởng “hành hạ” người thanh niên 22 tuổi. Mặc bao xì xèo, anh vẫn quyết tâm đưa cây cam về trồng thay thế cây chè, sau đó là cây chanh tứ thời...
YBĐT - Những ngày cuối tháng 6, xe tôi từ bản Đêu, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) bon bon theo con đường bê tông uốn lượn như dải lụa trắng vắt ngang lưng trời đến với xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu.
YBĐT - Già làng Thào Bủa Sử chẳng nhớ nổi mình đã dừng chân trước bao nhiêu ngôi nhà, nói chuyện với bao nhiêu người ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải này. Chỉ biết rằng, những nơi già đến, hủ tục, đói nghèo bị đẩy lùi nhường chỗ cho đời sống mới với ấm no, hạnh phúc. Dân bản, chính quyền tin yêu, nể trọng và gọi già Sử là già làng chống hủ tục.