Hành trình của ước mơ
- Cập nhật: Thứ ba, 7/10/2014 | 8:58:36 AM
YBĐT - Cuộc sống thật là ý nghĩa phải không các bạn? Đằng sau những suy tư phiền muộn, đằng sau những khó khăn, thử thách vẫn luôn có những niềm vui, những điều kì diệu xảy đến với chúng ta hàng ngày.
Khi tôi đặt bút viết lên những dòng tâm sự kể về ước mơ của mình cũng là lúc miền Bắc đang đón nhận một cơn bão mới. Ngồi trong căn nhà tranh mái cọ, gió mưa không thể làm tôi vơi đi ý chí, ngược lại, nó càng khẳng định được sự mạnh mẽ của bản thân tôi.
Ông bà nội tôi bất ngờ gặp tai nạn. Cha tôi khi ấy phải bỏ dở công tác, trở về quê để lo cho ông bà. Tài sản ở quê vốn không nhiều, chi phí chạy chữa cho ông bà lại khá lớn. Ông bà mất, sau bao ngày trăn trở, đắn đo suy nghĩ, để lại căn nhà và mấy sào ruộng vườn cho chú, cha mẹ tôi rời quê hương ở “ngôi làng cười Văn Lang” huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ để ngược lên Yên Bái xây dựng kinh tế mới vào năm 1987.
Thời gian đầu, cha mẹ tôi không lựa chọn làm công nhân mà mở hàng bán hàng khô và thịt lợn. Lần lượt các chị tôi ra đời, rồi tới tôi là vừa tròn “năm anh em trên một chiếc xe tăng” với duy nhất tôi là con trai. Cuộc sống những ngày đầu trôi qua êm đềm nhưng rồi khi xóa hẳn bao cấp, những tiểu thương lên kinh doanh ngày một nhiều, công việc của cha mẹ tôi không thuận lợi như trước…
Mẹ tôi không may mắn như những người phụ nữ khác. 35 tuổi mẹ đã phải sống chung với bao bệnh tật. Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Cha tôi sau đợt đi đào đá đỏ bị ốm sốt dài ngày, sức khỏe cũng không còn được như xưa nữa. Thay vì cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn lại một dáng người gầy gầy, teo teo, đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió.
Tuy vậy, cha mẹ luôn là những người giàu nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu các con. Bệnh tật, ốm đau nhưng cha mẹ chưa bao giờ chịu đầu hàng số phận mà luôn tìm cách vượt lên mọi khó khăn, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Cha mẹ luôn nói với chúng tôi rằng sẽ luôn chiến đấu, chiến đấu cho tới chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người, bởi ngày xưa, vì nhà nghèo nên cha mẹ đều phải nghỉ học sớm.
Trong những bữa cơm tối đông đủ cả nhà, cha mẹ thường nhắc nhở chúng tôi cách sống làm người sao cho phải đạo và phải cố gắng học tập để có được một công việc ổn định, có được cuộc sống không phải vất vả như mẹ cha… Trong suốt thời ấu thơ đó, chị em tôi mỗi người đã ấp ủ một ước mơ riêng thật đẹp cho tương lai của mình. Và tôi đã ước mơ trở thành một người chiến sĩ để đi tiếp con đường còn dang dở của cha.
Thời gian trôi đi, mái tóc cha mẹ dần bạc đi. Chị em tôi càng nhận thấy được rằng, cuộc sống thật không hề đơn giản nhưng chính nhờ những khó khăn thử thách, ấy mà chị em tôi ngày càng trưởng thành hơn. Con đường đến trường của năm chị em tôi gắn liền với chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Học cấp I, II nhà gần trường thì đi bộ, cấp III học xa, chị học sáng phải đạp xe thật nhanh về để em lấy xe đi học. Các chị, ngoài giờ học thì làm việc nhà, hay đi gặt, cấy hái thuê cùng mẹ để có thêm tiền mua sách vở. Còn tôi, sáng đi học, chiều đi chăn vịt, đánh cá cùng chú hàng xóm. Những lúc ở ngoài đồng, ngoài đàn vịt và những chú én, người bạn luôn theo sát chị em tôi là những cuốn sách giáo khoa, những cuốn sách tham khảo phải đọc vội, vì mượn từ bạn cùng lớp.
Sau những nỗ lực vươn lên ấy, các chị tôi đi học xa nhà. Giờ chị cả tôi đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, lập gia đình, sống và làm việc tại Hà Nội. Chị hai tôi đã thi tốt nghiệp và đợi lấy bằng cử nhân của Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Hai chị thứ ba và thứ tư của tôi đang học tại Đại học Thương mại và Đại học Thái Nguyên và tôi đang bước vào lớp 10.
Mọi việc tưởng đã an lành với gia đình nhưng không ngờ khi trở về gia đình, chị gái thứ hai của tôi đột nhiên bị ốm, mất ăn mất ngủ dài ngày. Cha mẹ tôi gọi y sĩ tới truyền nước, bệnh tình của chị không thuyên giảm mà ngày một nặng thêm. Những khớp cơ chân tay của chị bị vỡ nước. Chuyển lên tuyến trên, gia đình tôi mới biết được rằng chị tôi bị bệnh tim đã khá nặng.
Chỉ vì vội vàng và không có nhiều kiến thức về y học để biết rằng, bệnh nhân bị tim mạch không thể truyền nước, cha mẹ tôi đã vô tình suýt làm hại chị tôi và đáng oán trách thay người y sĩ không khám qua cơ bản tình trạng của bệnh nhân như huyết áp, tim mạch mà cứ tiến hành truyền nước… Không khí gia đình trở nên buồn lặng. Cha ít nói hơn, ánh mắt mẹ lại trũng sâu hơn trước. Một thời gian dài, chị tôi không đi được, phải mất gần một năm điều trị mới trở về trạng thái ổn định.
Hoàn cảnh gia đình đã làm tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi biết, cha mẹ và các chị cũng biết ước mơ trở thành một người chiến sĩ của tôi nhưng những cơn đau của mẹ, sự mệt mỏi vì bệnh tật của chị và sự nghèo khó đã dần định hình trong tôi một ước mơ rõ nét hơn. Tôi tìm thấy ước mơ của mình: Ước mơ trở thành “một người chiến sĩ nhưng là người chiến sĩ quân y” để chữa bệnh cho chị, cho cha mẹ, cho những người nghèo, đồng bào dân tộc còn thiếu kiến thức về y học, để kiếm tiền phụng dưỡng ba mẹ và đi tiếp những bước đường còn dở dang trong tuổi trẻ của chị, trong quãng đường quân ngũ của cha.
Cuộc sống thực sự đẹp đẽ bởi học tập và làm việc hết mình. Cuộc sống sẽ không phải là gánh nặng mà là đôi cánh, là sáng tạo, là niềm vui và ước mơ sẽ chắp cánh, khơi nguồn cho những sáng tạo và là nơi bắt nguồn của mọi niềm vui. Gấp trang cuốn nhật kí Đặng Thùy Trâm, tôi đã mơ về ngày được đọc và mang trong tim lời thề Hypocrate.
Hán Thành Đạt (Lớp 10B6, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trấn Yên)
Các tin khác
Cô ơi…! Các cô ơi! Sao con gọi mà các cô không có ai lên tiếng vậy? Có phải các cô quên con không? Con rất buồn nếu các cô quên con đấy. Nhưng con biết các cô sẽ không lãng quên con đâu mà.
Mẹ vốn là người mạnh mẽ. Mẹ là người tự tin và xinh đẹp. Mẹ là người mà nó luôn thần tượng. Mẹ đối với nó là cả quầng hào quang lung linh và ấm áp. Hơn thế nữa, với nó, mẹ là tất cả! Và nó yêu mẹ hơn bất kì ai trên đời.
Bỗng dưng hôm nay tôi lại nhớ về những kí ức tuổi thơ, kí ức của một thời xa xưa mà không bao giờ còn có thể được tận hưởng, cái gọi là “thời trẻ con” ấy!
Thời gian trôi qua nhanh quá, các cậu nhỉ! Tớ tự hỏi mình sẽ còn học cùng nhau bao lâu nữa, nhiều lúc tớ chỉ muốn cho thời gian ngừng lại thôi. Các cậu quí mến tớ như thế nào nhỉ? Còn tớ, tình cảm của tớ dành cho các cậu mãi chẳng phôi phai vì đó là điều bất diệt.