Thần Hộ mệnh
- Cập nhật: Thứ hai, 13/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - Mẹ à! Hôm nay mẹ hát cho con nghe nha mẹ! Bài Con cò ngày xưa mẹ vẫn ru con ấy!
-Lớn thế này mà còn làm nũng mẹ, còn bé bỏng gì đâu!
-Đi nào mẹ! Mẹ hát đi mẹ!
Mẹ nhìn chị, cười âu yếm. Rồi mẹ hát, giọng hát quen thuộc đã lớn lên cùng chị suốt 20 năm qua. Giọng hát trong ký ức tuổi thơ buồn bã.
Chị sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, quanh năm thiếu cái ăn cái mặc. Chị trưởng thành trong một "mái ấm" chẳng chút bình yên. Chị đã sớm mất người cha thân yêu nhất. Ông bỏ nhà đi biệt tăm từ ngày chị còn quá nhỏ. Căn nhà nhỏ chỉ còn hai mẹ con quấn quýt bên nhau. Nhiều khi nhìn mẹ, chị chỉ muốn khóc òa lên nhưng chị vẫn im lặng vì mẹ là người phụ nữ kiên cường, cả cuộc đời, bà chưa một lần rơi nước mắt.
Ngày ấy, làm gì được học hành đầy đủ như bây giờ, vậy mà chị vẫn cứ miệt mài học. Không học ban ngày, chị học ban đêm, chị vừa làm vừa lẩm nhẩm học bài. Trong đầu chị lúc ấy, việc học là cách duy nhất giúp hai mẹ con thoát cảnh chạy ăn từng bữa. Thế nên chị cứ học, học và học. Học quên ăn, quên ngủ, quên mọi thứ, thậm chí cả bản thân... Rồi cái ngày mong chờ bấy lâu cũng đã đến. Chị có giấy gọi nhập học lớp chọn trên tỉnh. Đây quả là niềm tự hào lớn. Mẹ cầm tờ giấy báo trên bàn tay run run. Mẹ chị vui và tự hào lắm! Nhưng mẹ khẽ buông một tiếng thở dài não nề, buồn rười rượi. Đôi mắt mẹ nhìn xa xăm. "Ở nhà thôi con ạ!". Chị mở to đôi mắt nhìn mẹ, sững sờ. "Con muốn đi học!". Chị giãy nảy. Mẹ vẫn lắc đầu: "Nhà mình làm gì có tiền?". Chị lăn đùng ra nhà, khóc lóc. "Con không biết! Con muốn đi học!". Mẹ cũng chẳng nói gì, lẳng lặng đi vào buồng trong. Từ hôm ấy, chị để ý, ngày nào mẹ cũng đi làm từ tờ mờ sáng đến tận tối mịt mới về. Hỏi thì mẹ bảo là làm nhiều, sắp mùa nên cố cho xong. Cứ vài ngày, mẹ lại phải giã thuốc lá bảo chị đắp vai. Đôi vai gầy guộc của mẹ tím bầm lại, có lần còn rớm máu. Chị hỏi, mẹ chỉ cười. Tim chị thắt lại. Rồi một ngày, chị biết mẹ đi làm thuê. Mẹ nhận làm đủ thứ việc: gánh phân, cấy lúa, gieo mạ... Việc gì mẹ cũng làm hết, chỉ cần có tiền vậy là được. Lần này chị không nhịn được nữa, chị úp mặt lên trang sách mà khóc nức nở, khóc như chưa bao giờ được khóc. Tất cả xót xa bật tung ra hết, tiếng nấc cụt, nghẹn ngào rơi lẻ loi...
Bằng sự hy sinh của mẹ và quyết tâm không bỏ cuộc chị đã thi đỗ đại học. Mắt chị nhòa lệ vì sung sướng. Hai mẹ con ôm lấy nhau mà khóc. Lần đầu tiên chị nhìn thấy mẹ khóc, lần đầu tiên. Nhưng mẹ lại gạt ngay ý định nhập học của chị. Một lý do đơn giản - nhà không có tiền. Chị muốn đi tiếp con đường chị đã chọn nhưng lại không dám đòi mẹ thêm. Cả đời mẹ đã cho chị quá nhiều: tình yêu, sự hy sinh. Giờ chị còn có thể đòi hỏi thêm gì nữa. Chị chỉ gục đầu vào lòng mẹ thầm thì "Mẹ à! Con biết nhà mình khó khăn, nhưng chỉ có học mới thoát được cái cảnh nghèo khó này!". Mẹ im lặng, vuốt nhè nhẹ lên tóc chị. Và chị vào đại học theo đúng ước mơ của mình. Số tiền ít ỏi hàng tháng chị nhận được đều đặn. Mẹ viết thư bảo chị cứ yên tâm, tiền này các bác cho, không phải lo gì cả. Nhưng cuối cùng thì chị gần như ngã ngửa khi biết mẹ đang làm giúp việc cho "một nhà giàu có, cái công việc người đời vẫn gọi là "Ô-shin". Lòng chị đau như cắt. Mẹ ơi! Ông trời quả không phụ lòng người, chị đậu bằng xuất sắc và có một công việc nhẹ nhàng với thu nhập khá. Chị đón mẹ về căn nhà mới trên thành phố.
Và ngày hôm nay, khi nhận được giấy gọi sang Hàn Quốc công tác, chị lại ôm lấy mẹ khóc. Vậy là những năm tháng cực khổ đã qua. Giờ đây, nắng vàng đang trải dài trên con đường chị bước. Trái tim chị đập rộn ràng trong lồng ngực. Vì chị biết, chị luôn có một thần hộ mệnh ở bên - người mẹ thân yêu!
Bùi Thị Thùy Linh
Lớp 10 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành
Các tin khác
Mỗi sớm mai thức dậy là hàng ngàn ngôi sao mờ dần đi trên bầu trời, để lại những giọt sương còn trĩu lại trên từng ngọn cỏ, long lanh.
Không biết con đường đi đến giảng đường đại học mà một học sinh nông thôn phải đi sẽ còn bao nhiêu trở ngại và bạn có thực hiện được ước mơ của mình hay không?
Nó là một đứa con gái không giỏi Văn nhưng lại muốn có tên, có bài đăng báo. Mỗi lần cầm tờ báo Yên Bái trên tay, chuyên mục nó giở ra đầu tiên là "Nắng sân trường" - một trang viết hay và bổ ích.
Có thể bạn không là hoa khôi của lớp, không phải là tâm điểm của sự chú ý, không nổi tiếng khắp trường...