Sống hòa hợp

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/10/2012 | 9:40:38 AM

Một người hòa nhập với mọi người, thích nghi với môi trường xung quanh sẽ thấy cuộc đời đáng sống hơn và có những mối quan hệ tốt đẹp. Chúng ta sống trong thế giới này, không chỉ học để biết, học để làm mà còn học để chung sống với nhau.

Bạn cùng lớp. (Ảnh: Sùng A Hồng)
Bạn cùng lớp. (Ảnh: Sùng A Hồng)

Các bạn tôi thường trêu tôi là “nói xuôi cũng được nói ngược cũng xong” chẳng phải vì tôi hoạt ngôn hay giỏi ăn nói gì mà vì cái tính trung lập như “ba phải”, “nước đôi” của tôi. Nhiều người thích tự tin khẳng định “Tôi cá tính” nhưng tôi thì tự hào: “Tôi trung lập”. Tôi luôn cố hướng đến cho mình một trạng thái cân bằng và hòa hợp nhất có thể.

Bởi vì cuộc sống là sự hài hòa của vạn vật, của mọi điều. Bản chất của tự nhiên đã là một khối hòa hợp, gắn kết. Sông có chảy mới bồi đắp phù sa, nơi sa mạc khô cằn có loài xương rồng gai góc. Tất cả cùng được tạo ra, cùng tồn tại, vì vậy mà chúng vừa ảnh hưởng lẫn nhau, vừa dần thích nghi với xung quanh.

Sự hòa hợp là quy luật cùng sinh tồn và phát triển, cũng là quy luật tất yếu của cuộc sống. Loài vật không chịu được thời tiết khô hạn hoặc lạnh giá sẽ dần bị thay thế bởi loài khác phù hợp hơn, biết thích nghi hơn. Giữa con người với thiên nhiên cũng cần có sự hòa hợp. Khi con người sống giữa thiên nhiên, ta phải biết yêu thương, trân trọng và hòa mình với thiên nhiên.

Bạn có thấy từ thời nguyên thủy, loài người  đã chung sống với thiên nhiên, họ học cách sống hòa hợp trước khi biết chế ngự thiên nhiên? Chăm sóc cây non rồi cũng có ngày hái quả, nuôi một chú cún mang đến niềm vui nho nhỏ.  Đó là lý do các cuốn sách về sức khỏe hay tâm lý đều khuyên bạn hãy gần gũi với thiên nhiên để cảm thấy mạnh khỏe hơn, thư thái và hạnh phúc hơn. Một khi mối quan hệ hòa hợp vốn có ấy bị phá vỡ bởi những hành động đi quá giới hạn như khai thác đến mức cạn kiệt nguồn tài nguyên hay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến con người phải nhận lại hàng loạt những hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu… khôn lường.

Trong chính bản thân của con người cũng có và cần sự hòa hợp nhất định. Về mặt sinh học, cơ thể người cần có sự trao đổi không khí với môi trường, các cơ quan phải cùng điều phối hoạt động: quá trình hô hấp hít- thở, nhận- thải, cơ chế nhiễm bệnh- kháng bệnh… cũng dựa trên nguyên lý cân bằng. 

Về tâm lý, thật lý tưởng nếu con người ta luôn giữ cho tâm trí mình cân bằng, theo như thuyết của việc thiền hay Yoga thì là “giữ lòng mình như mặt hồ phẳng lặng”. Không nghĩ đến bất cứ thứ gì và để đầu óc mình được thảnh thơi là một cách nghỉ ngơi tĩnh sau khi “vắt óc”, “đau đầu” vì suy nghĩ, làm việc liên tục.

Người ta thường nói chung chung “Cái gì quá cũng không tốt”. Ăn thiếu chất sẽ suy dinh dưỡng mà ăn uống vô độ thì béo phì. Ngủ nhiều sinh bệnh mà mất ngủ còn hại sức khỏe hơn. Đừng ham thích quá thứ gì để rồi nghiện nó, giống như đừng quá mê đắm ai mà khổ vì người đó. Đừng dựa dẫm, phụ thuộc vào một thứ để rồi bị lệ thuộc vào nó. Đừng giữ mãi một thói quen rồi một ngày thấy cuộc sống thật nhàm chán. 

Giữa linh hồn và thể xác, giữa con và người, ta không thể chỉ giữ nghiêng về một phần nào cả. Bạn thấy không, điều quan trọng là giữ chúng ở một chừng mực nào đó, để chúng hòa hợp.

Giữa người với người, sự hòa hợp là cực kì cần thiết. Nếu mọi người đều biết tiết chế cái tôi của mình để chung sống với cái ta của cộng đồng sẽ tạo ra một xã hội có sự gắn kết bền vững, khối đoàn kết để phát triển. Nếu ai cũng biết nhìn nhận mọi vấn đề dưới nhiều góc độ, biết đặt mình vào vị trí của người khác, vào nhiều hoàn cảnh khác nhau thì sẽ không còn ngăn cách, những mâu thuẫn hay bất đồng.

Trong tình bạn, hai người bạn mà biết nhường nhịn, hòa hợp sẽ bổ sung cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Trong hôn nhân, “thuận vợ thuận chồng” khiến tình cảm bền chặt, anh em hòa thuận thì gia đình yên ấm. Trong công việc, kĩ năng làm việc nhóm và khả năng hợp tác là tiêu chí lớn của các nhà tuyển dụng và là chìa khóa của sự thành đạt, thăng tiến. 

Một người hòa nhập với mọi người, thích nghi với môi trường xung quanh sẽ thấy cuộc đời đáng sống hơn và có những mối quan hệ tốt đẹp. Chúng ta sống trong thế giới này, không chỉ học để biết, học để làm mà còn học để chung sống với nhau.

Dù lắm khi sự hòa hợp có thể bị coi là thiếu chính kiến, mọi thứ đều trung hòa, bình bình và ổn định đến phát chán nhưng hãy xem lại nhé, vì có thể bạn đang làm quá lên. ý nghĩa của sống cân bằng, hòa hợp đang bị chuyển hóa thành một dạng khác mất rồi. Như với bản thân tôi, việc cân nhắc một việc dưới quá nhiều góc độ làm đầu óc tôi rối lên và không thể quả quyết nổi.

Vậy nên, có hai điều mà bạn phải nhớ là: thứ nhất, từ “too” có nghĩa là “quá” trong tiếng anh luôn mang nghĩa phủ định và tiêu cực dù bạn có sử dụng với bất cứ trường hợp nào và quy tắc ngôn ngữ này đúng trong cả cuộc sống. Vì thế mà… thứ hai, hãy sống cân bằng và hòa hợp nhưng cẩn thận kẻo “hòa nhập” lại thành “hòa tan”, lúc này là do… hãy xem lại điều thứ nhất!

Nguyễn Diệu Huyền -(Lớp 12Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành)

Các tin khác
Xa nhà, các bạn cùng chia sẻ cách học tập của riêng mình...

YBĐT - Với cái quyết định cứng rắn, tôi đã về thành phố trọ học những năm cuối cấp để hoàn thành chặng đường học sinh của mình.

Dễ thương con gái. (Ảnh: Quang Tuấn)

Tớ là một cô bé nhút nhát, nhẹ nhàng. Ấy vậy mà khi ở bên bạn lúc nào cũng tỏ ra đanh đá để rồi lại phải nghe bạn nói: "Chanh chua".

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Đối với mọi người, gia đình tôi cũng giống như biết bao gia đình khác nhưng với riêng tôi thì đây chính là thiên đường thu nhỏ. Bởi trong thế giới thần tiên ấy, tôi có cha và mẹ - những người yêu thương tôi hơn bất cứ điều quý giá nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục