Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng bộ huyện Yên Bình (20/6/1947 - 20/6/2017)

Đảng bộ Yên Bình - 70 năm xây dựng và trưởng thành

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/6/2017 | 8:24:40 AM

YBĐT - Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 20/6/1947, Đảng bộ huyện Yên Bình chính thức được thành lập. 70 năm qua, với 22 kỳ đại hội, Đảng bộ huyện đã không ngừng lớn mạnh và có những bước trưởng thành vượt bậc.

Các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình trồng bưởi của gia đình Đinh Việt Vinh, thôn Đồng Danh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tháng 2/2017. Ảnh: Đức Toàn
Các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình trồng bưởi của gia đình Đinh Việt Vinh, thôn Đồng Danh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tháng 2/2017. Ảnh: Đức Toàn

Trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, Đảng bộ luôn phát huy tinh thần đoàn kết và sức mạnh tổng hợp, năng động, sáng tạo lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện giành được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của Đảng bộ tỉnh Yên Bái, cùng cả nước vững bước tiến lên trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Chi bộ xã An Vinh là Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Bình (sau đổi tên thành Chi bộ Bình Mục) gồm 22 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Mậu làm Bí thư. Sự phát triển của Chi bộ Bình Mục và một số chi bộ vùng thượng huyện sau đó đã trở thành cơ sở quan trọng để Tỉnh ủy quyết định thành lập Đảng bộ huyện Yên Bình.

Đây là một bước ngoặt trọng đại đối với phong trào cách mạng địa phương lúc bấy giờ và là tất yếu lịch sử khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Từ khi mới thành lập, trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách, song với ý chí quật cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Đảng bộ huyện Yên Bình đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền, xây dựng hậu phương vững mạnh, cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Với các phong trào, khẩu hiệu: “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo nuôi quân”,“ Tất cả cho tiền tuyến chiến thắng”, “Đi dân công là yêu nước”…

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, huyện Yên Bình đã đóng góp trên 2.000 dân công tham gia mở con đường Uông từ chợ Đồng ra Km10, đảm bảo bí mật an toàn và rút ngắn đường ra mặt trận phục vụ kháng chiến. Đồng thời, huy động trên 20 tấn thực phẩm, 1.200 tấn thóc vận chuyển ra tiền tuyến, góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đồng chí Nguyễn Minh Toàn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HDND huyện Yên Bình chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: Thanh Hương

Tiếp đó là cuộc cách mạng trên đồng ruộng, đẩy lùi nạn đói kinh niên, tạo tiền đề cho một nền sản xuất mới hình thành trên địa bàn huyện Yên Bình diễn ra vào năm 1956 - 1957 đã tiếp tục khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ huyện Yên Bình trong thời kỳ khôi phục, cải tạo nền kinh tế ở địa phương và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thành công nối tiếp thành công, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà trên dòng sông Chảy thuộc địa hạt Yên Bình. Lúc này, toàn Đảng bộ có 956 đảng viên. Cuộc vận động chuyển dân được xác định là cuộc cách mạng rộng lớn trên lĩnh vực tư tưởng và tổ chức của Đảng bộ huyện.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, bắt đầu bằng việc tổ chức các đợt học tập, tuyên truyền giáo dục, vận động sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các giáo giới và toàn thể nhân dân. Sau 2 năm triển khai mạnh mẽ (1962 - 1964), toàn huyện đã vận động được hơn 1.400 hộ dân tự giác di dời nhà cửa, mồ mả ông bà về nơi ở mới để khởi công xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà.

Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà là một trong những trọng điểm đánh phá của địch, do đó công tác chuyển dân ra khỏi vùng lòng hồ còn kéo dài đến năm 1968.

Kết thúc toàn đợt, huyện Yên Bình đã chuyển gần 2 vạn dân của 37/39 xã đến vùng quê mới, trong đó có gần một nửa chuyển sang các huyện bạn, tỉnh bạn. Hơn 3.000 ha ruộng nước được ví là “bờ xôi, ruộng mật” và nhiều công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc bị chìm sâu dưới lòng hồ.

Thành công của cuộc vận động chuyển dân phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà có ý nghĩa kinh tế, chính trị, quốc phòng to lớn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Bình trong thời kỳ cách mạng đầy gian khó ấy.

Hòa bình lập lại, non sông thu về một mối, huyện Yên Bình có 7 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 600 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, 351 người trở thành thương binh.

Huyện Yên Bình, xã Yên Bình và Nhà máy Thủy điện Thác Bà (nay là Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà) được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; gần 6.000 tập thể, cá nhân được trao, truy tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba...

Hôm nay, hòa chung vào dòng chảy của công cuộc đổi mới đất nước, phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, Đảng bộ huyện Yên Bình tiếp tục vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ 3 nhiệm vụ xây dựng Đảng với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh.

Trong đó, nhiệm vụ xây dựng Đảng được coi là then chốt, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là trung tâm và tăng cường quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đảng bộ đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và ban hành được nhiều Nghị quyết mang tính chiến lược đi trước, đón đầu, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 30 năm đổi mới đã làm cho Yên Bình thay da đổi thịt từng ngày.

Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy sức mạnh đoàn kết, sáng tạo của Đảng bộ; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương cho phát triển kinh tế, xã hội; đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới; đầu tư phát triển nông, lâm, nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng hiệu quả cao; tập trung thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, khai thác tiềm năng vùng hồ, bảo vệ môi trường… xây dựng huyện Yên Bình phát triển toàn diện.

Hôm nay, những mục tiêu ấy đang trở thành hiện thực, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 15,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm.

Trong sản xuất nông, lâm, nghiệp, đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa như vùng lúa cao sản, vùng chè nguyên liệu, vùng tre măng Bát độ, vùng quế và vùng cây ăn quả đem lại nguồn thu vài chục tỷ đồng mỗi năm cho nhân dân các dân tộc trong huyện.

Yên Bình cũng đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Những năm gần đây, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đều đạt từ 2.000 tỷ đồng trở lên, đã hình thành 2 cụm công nghiệp Thịnh Hưng và Mông Sơn, tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động, đóng góp nguồn thu không nhỏ cho ngân sách địa phương.

Là huyện có nhiều tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Yên Bái, nhất là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển du lịch, quy hoạch xây dựng các điểm, tua, tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch tâm linh tại các xã: Tân Hương, Vũ Linh, Phúc An, Hán Đà, Đại Minh và thị trấn Thác Bà, bước đầu đưa ngành công nghiệp không khói của huyện khởi động khá hiệu quả và làm cho bức tranh kinh tế của địa phương thêm đa sắc mầu.

Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, từ chỗ chỉ có 4 chi bộ với 49 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện Yên Bình đã có gần 5.900 đảng viên, sinh hoạt tại 54 chi, đảng bộ cơ sở, tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Qua bình xét hàng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đều đạt từ 88% trở lên, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém, gần 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.  

70 năm xây dựng và trưởng thành là quá trình ghi nhận chặng đường oanh liệt và hào hùng của Đảng bộ huyện Yên Bình trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh để giành lại nền độc lập, tự do; tiến hành cuộc cách mạng rộng lớn chuyển dân xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà; thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đạt nhiều thành tựu to lớn.

Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 - 20/6/2017) là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng bộ huyện trong suốt 70 năm qua, khơi dậy niềm tự hào và củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đồng thời, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân, lực lượng vũ trang trong toàn huyện phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, quyết tâm thi đua xây dựng huyện Yên Bình ngày càng phát triển vững mạnh và toàn diện.

Nguyễn Minh Toàn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Bình

Các tin khác
Cụ Tiêu Đức Hội - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Bình kể về lịch sử hào hùng của địa phương.

YBĐT - Chúng tôi đến thăm xã Yên Bình vào một ngày nắng đẹp đầu tháng Sáu. Trời xanh trong vắt hòa với màu xanh của những vườn cây ăn quả, những nương chè phủ kín các triền đồi được cắt tỉa cẩn thận, những vạt rừng trồng 3 - 4 năm tuổi đang vươn lên xanh tốt…

Các phóng viên Báo Yên Bái đang tác nghiệp.

YBĐT - Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, viết báo đúng định hướng đã khó, viết về Đảng còn khó hơn rất nhiều. Bởi, ngoài năng lực, tính nhanh nhạy, kịp thời, theo sát sự kiện, nhà báo viết về Đảng cần có tư chất, đạo đức, trách nhiệm của người đảng viên và chuyên cần học tập theo phong cách của Bác.

YBĐT - Học và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, đó là quan điểm, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Văn Chấn khi thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị.

Nhân dân giúp gia đình anh Vàng A Hồng ở bản Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi làm nhà đại đoàn kết.

YBĐT - Phát huy khối đại đoàn kết (ĐĐK) các dân tộc, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, là nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Mù Cang Chải trong những năm qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục