Qua các cuộc giám sát cho thấy, những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về BVPTR được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao. Nhiệm vụ BVPTR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.
Do đó, các quy định của Luật BVPTR (nay là Luật Lâm nghiệp) và các văn bản triển khai hướng dẫn thực hiện các quy định của luật được triển khai thực hiện nghiêm túc và đã đạt được những kết quả tích cực.
Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các văn bản quy định về BVPTR cơ bản kịp thời, thuận lợi cho tổ chức triển khai thực hiện. Các cơ chế, chính sách về BVPTR, chi trả DVMTR được triển khai đúng quy định và có hiệu quả, góp phần từng bước quản lý BVPTR theo hướng bền vững.
Một số đề án trồng rừng, chính sách về hỗ trợ trồng rừng đã tạo bước đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, sử dụng hiệu quả đất đai như chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất, chi trả DVMTR, hỗ trợ trồng quế, trồng tre măng Bát độ...
Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong quản lý, BVPTR, đặc biệt là trong PCCCR được quan tâm. Các quy định về thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế được triển khai thực hiện nghiêm túc.
Công tác khoán bảo vệ rừng được triển khai đảm bảo đúng quy định. Hầu hết các hộ, nhóm hộ nhận khoán có tinh thần trách nhiệm cao, bảo vệ tốt diện tích rừng được khoán bảo vệ. Trong năm 2019, tổng diện tích rừng giao khoán bảo vệ trên 215 ha; kinh phí giao khoán bảo vệ từ nguồn ngân sách Nhà nước 29.146,6 triệu đồng.
Phong trào trồng rừng được duy trì và phát triển và hàng năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Diện tích, chất lượng rừng được nâng lên. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm các địa phương đã trồng rừng trên 15.000 ha, với tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho trồng, chăm sóc rừng trên 51 tỷ đồng, góp phần nâng độ tre phủ rừng của tỉnh đạt 63%.
Các quy định về chi trả DVMTR được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Từ năm 2016 đến nay, tổng số tiền DVMTR Quỹ BVPTR đã tiếp nhận là 291.406 triệu đồng. Tổng số tiền DVMTR đã giải ngân là 287.337 triệu đồng. Tiền DVMTR đã góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong BVPTR.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác BVPTR và chi trả DVMTR vẫn còn những hạn chế, bất cập, đó là: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa sâu sát, quyết liệt; công tác quy hoạch 3 loại rừng thời gian qua thực hiện đã phát sinh những bất cập; nguồn ngân sách đầu tư cho BVPTR hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu, phân bổ kinh phí còn chậm; công tác khoán BVR còn có những hạn chế...
Qua giám sát, HĐND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành của Trung ương cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho người dân có thể sống gắn bó lâu dài và làm giàu từ rừng; bố trí kịp thời, đầy đủ vốn ngân sách để thực hiện việc BVPTR của tỉnh theo mức đã quy định, đảm bảo tiến độ theo chương trình, đề án đã phê duyệt.
HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh liên quan đến lĩnh vực quản lý, BVPTR; rà soát, đánh giá thực hiện quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2011 - 2020 để phục vụ quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn tiếp theo; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến quản lý, BVPTR.
Đức Toàn