Dù tuổi đã cao, tóc đã bạc, dáng đi cũng không còn nhanh nhẹn như trước nhưng ký ức về những năm tháng đấu tranh gian khổ mà vô cùng oanh liệt lại bừng lên khi ông lần lượt gặp gỡ, tay bắt mặt mừng với từng đồng chí, nhớ lại một thời hoa lửa...
Kết nạp Đảng trên chiến trường
Không chỉ CCB Lê Văn Chiến mà những người từng tham gia trận đánh lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nay hầu hết đã trên 80 tuổi, người cao nhất đã 92 tuổi. Những ngày này, các ông luôn cảm thấy bồi hồi, xúc động.
Ông Chiến nhớ nhất vào ngày 12/3/1954, Đại đội 59 đào hào suốt đêm. Máy bay địch quần thảo trên đầu, đại bác ở Mường Thanh, Hồng Cúm cấp tập bắn vào trận địa, tiếp đến là xe tăng, xe ủi tiến thẳng vào trận địa mà Đơn vị 59 đang đào giao thông hào.
Tình hình căng thẳng khi địch quá đông, với 2 tiểu đoàn lại có máy bay, xe tăng yểm trợ, ta chỉ có 1 đại đội, chiến sĩ phải đào hào nhiều đêm vừa mệt vừa đói. Nhưng do lòng căm thù giặc, tinh thần dũng cảm và có công sự vững chắc nên địch tiến vào ta đánh bật ra, hai bên giằng giật quyết liệt, tranh chấp từng đoạn giao thông hào.
Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, mặt ai cũng sạm đen vì khói súng nhưng chiến sĩ ta vẫn bình tĩnh đánh trả. Mãi đến 1 - 2 giờ chiều, đạn đã bắn hết, ném hết lựu đạn, khi đó, xe tăng địch vẫn tiến đến, ông dùng ngay thủ pháo của đồng đội đã hy sinh đang còn đeo trên người chờ cho xe tăng địch đến gần, ném tiêu diệt xe tăng địch rồi ngất lịm.
Khi tỉnh dậy thì được biết, sau khi bị vùi lấp, may mà bộ phận tải thương Trung đoàn đi qua "có đồng chí đá phải cái chân của tôi thấy vẫn còn nóng, mang về trạm xá 2 ngày mới dậy”. Sau lần đó, ông thấy mình thật may mắn không bị thương chỉ đau ê ẩm người. Sau 8 ngày điều trị, ông xin trở lại đơn vị chiến đấu.
Cuộc chiến đấu ngày 12/3/1954 về tương quan lực lượng quá chênh lệch nhưng chiến sĩ ta vẫn chiến đấu kiên cường, nhiều chiến sĩ hy sinh trong đó có cả đại đội trưởng và chính trị viên, về phía địch 100 tên bị tiêu diệt và bắt sống. Qua trận chiến đấu, Đại đội của ông được cấp trên đề nghị tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.
Ông Chiến không thể quên được ngày 29/3/1954, khi tổ chức họp dưới hầm, đồng chí Trần Tuấn Viên - chính trị viên Đại đội, Bí thư Chi bộ đánh giá: "Đồng chí Lê Văn Chiến cùng với đồng đội với tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Đồng chí xứng đáng được Đại đoàn tặng Bằng khen Chiến sĩ thi đua, được thưởng Huy hiệu Bác Hồ. Đồng chí xứng đáng là một đảng viên”.
Sau giải phóng Điện Biên, ông Chiến được phân công về làm việc tại Bộ Tài chính, rồi về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải. Sau khi về hưu, ông tham gia nhiều công việc tại địa phương đến năm 2012 mới nghỉ.
Sợi dây nối lịch sử và hiện tại
CCB Lê Văn Chiến cho biết: "Hàng năm, vào ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, các CCB đều tổ chức gặp mặt tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thị xã Nghĩa Lộ để thắp hương tưởng nhớ công lao trời biển của Bác Hồ rồi cùng nhau ôn lại những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc”.
Ban Liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên thị xã Nghĩa Lộ được thành lập từ ngày 7/5/1996, trở thành nơi hội tụ các chiến sĩ Điện Biên thuộc các đại đoàn 308, 304, 316, 312, 351 sau khi nghỉ chế độ ra quân có nguyện vọng tập hợp lại.
Tại đây, họ cùng nhau ôn lại ký ức về năm tháng gian khổ nhưng oai hùng, cùng sống lại một thời tuổi trẻ và chia sẻ khó khăn, buồn vui trong cuộc sống. Khi thành lập, Ban Liên lạc có 34 đồng chí, trải qua thời gian, cùng tuổi cao, sức yếu, nhiều người nay không còn. Hiện tại, Ban Liên lạc chỉ còn 15 người, mỗi năm, tổ chức gặp mặt nhau từ 2 đến 3 lần.
Tâm nguyện của các CCB là có được sức khỏe và sự minh mẫn để tham gia các buổi giao lưu, nói chuyện truyền thống, giúp thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử, nhất là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chính vì vậy, các hội viên thường được các nhà trường trên địa bàn mời đến kể chuyện truyền thống. Bằng cách kể chuyện sinh động, các CCB đã tạo sự hứng thú với môn Lịch sử cho các em học sinh.
Tròn 20 năm thành lập, Ban Liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên thị xã Nghĩa Lộ không chỉ là nơi gặp gỡ những chiến sĩ Điện Biên năm xưa mà còn là "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp thế hệ trẻ.
Anh Dũng