Xây dựng Đảng mạnh từ gốc - Thực tiễn sinh động của Yên Bái: "Gốc có vững thì cây mới bền”

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/5/2022 | 7:34:12 AM

YênBái - Dù đã rất coi trọng công tác xây dựng Đảng, nỗ lực ban hành nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng tổ chức cơ sở đảng và hệ thống chính trị, thế nhưng hiện nay, trước những tác động khách quan của nhiều yếu tố, cơ sở đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi cấp có thẩm quyền phải sớm nhận diện, tháo gỡ kịp thời để “Gốc có vững thì cây mới bền”.

Quang cảnh TP Yên Bái hôm nay.
Quang cảnh TP Yên Bái hôm nay.


Băn khoăn sáp nhập, tinh giản

Xã Yên Thái sáng một ngày cuối tuần, địa phương tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân. Bước ra từ đám đông, vầng trán toát mồ hôi, đồng chí Trần Công Lập, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Thái (Văn Yên) vồn vã đón khách và mở lời chân chất: "Xin lỗi các anh, đội ngũ cán bộ hôm nay bận giúp dân tiêm phòng nên chỉ có mình tôi làm việc với anh em”.

Nhìn về phía đội ngũ cán bộ đang tích cực hỗ trợ người dân tiêm vaccine, đồng chí Lập bắt đầu câu chuyện như thể phân bua: "Cán bộ cơ sở vất vả lắm anh ạ, việc gì cũng đến tay cả!”. Nói rồi đồng chí Bí thư Đảng ủy đến bàn làm việc in bộ tài liệu chuẩn bị cho cuộc trao đổi với chúng tôi rồi tiếp lời: "Giá như có một đồng chí cán bộ chuyên trách mảng văn phòng đảng ủy thì hay biết mấy. Giờ ở xã chỉ có cán bộ phụ trách công tác văn phòng cho cả Đảng ủy, HĐND và UBND nên anh em vất vả quá!”.

Vì thấy cấp dưới quá bận bịu, vất vả nên đồng chí Trần Công Lập và Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã đều phải xắn tay vào làm mọi việc, vừa soạn thảo nghị quyết, họp hành, chỉ đạo, đi cơ sở, lại vừa làm công tác văn phòng, đánh máy, tự soạn thảo các văn bản... Thi thoảng, nếu có ý định "tận dụng” cán bộ văn phòng thì phải "nhìn ngang, nhìn dọc”, phần vì thương anh em, phần vì không muốn bị tắc trách bởi đồng chí cán bộ văn phòng khó có điều kiện xử lý công việc một cách đầu-cuối.

Được biết, do quy định về biên chế, 100% các đảng ủy xã ở Yên Bái hiện nay không có văn phòng đảng ủy xã, cũng không bố trí cán bộ giúp việc đảng ủy xã. Đội ngũ cán bộ cơ sở trăn trở, cho rằng chỉ cần "cắt” một biên chế bên chính quyền (theo biểu biên chế) sang thì sẽ rất tiện cho công tác quản lý, điều hành. Trên thực tế, nhiều nơi buộc phải vận dụng như vậy, nhưng xem ra chỉ là giải pháp tạm thời và không thể chính danh.

Mặc khác, nói là công tác xây dựng đảng ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng, thế nhưng trong khung biên chế cấp xã hiện chỉ có hai vị trí chuyên trách lĩnh vực này (đó là bí thư đảng ủy xã và phó bí thư thường trực đảng ủy xã). Trong khi đó, cả hai vị trí này đều phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều cương vị, chức danh khác nhau bên HĐND, chính quyền, LLVT và đoàn thể... Ví như đồng chí phó bí thư thường trực đảng ủy xã thường phải cáng đáng thêm cương vị chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phụ trách các mảng: Tổ chức, tuyên giáo, dân vận, các tổ chức đoàn thể quần chúng...

Nhiều cán bộ giữ vị trí này cho rằng, hiện công việc quá vất vả, cả về đầu việc, cường độ làm việc với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và tiến độ. Trong khi, cán bộ chuyên trách công tác Đảng gần như "đơn thương độc mã” vì khó nhận được sự tương trợ, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội. Kết quả điều tra xã hội học đối với đội ngũ cán bộ, công chức xã (ở 8 đảng bộ xã, thị trấn), cho thấy: 92% cán bộ, công chức xã đánh giá vị trí bí thư đảng ủy xã và phó bí thư thường trực đảng ủy xã quá vất vả so với các vị trí công tác khác; 89% cán bộ, công chức cho rằng, việc cáng đáng, kiêm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau của lãnh đạo xã có chi phối lớn đến chất lượng công tác xây dựng Đảng; 92% cán bộ cho rằng, việc tham gia hội họp và tiến hành công tác tổng hợp-báo cáo (theo ngành dọc) tốn quá nhiều thời gian và công sức, ảnh hưởng đến hoạt động đi cơ sở của cán bộ...

Trước thực tế đó, nhiều cán bộ chủ chốt cấp huyện và xã ở Yên Bái đề xuất, về lâu dài cần nghiên cứu, có giải pháp bổ sung số lượng cán bộ chuyên trách về Đảng ở cấp xã. Trước mắt, 100% cán bộ chủ chốt (cả ở 4 cấp) ở Yên Bái đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét việc bố trí cán bộ văn phòng đảng ủy xã; vừa giúp đảng ủy về công tác hành chính, văn phòng; vừa có nguồn đào tạo, bồi dưỡng phát triển lên các vị trí chuyên trách công tác Đảng về sau.

Kết quả điều tra xã hội học của Báo Quân đội nhân dân cũng cho thấy: 100% cán bộ, công chức xã nhất trí đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí cán bộ văn phòng đảng ủy xã; 97% bí thư, phó bí thư thôn, bản cho rằng, họ gặp khó và vướng trong thực hiện các thủ tục hành chính Đảng, nhưng không thể trực tiếp nhờ sự hỗ trợ từ lãnh đạo xã; 96% bí thư, phó bí thư thôn, bản đề xuất nên bố trí vị trí cán bộ văn phòng đảng ủy xã để hỗ trợ nghiệp vụ cho cơ sở và thuận lợi cho công tác hợp đồng, báo cáo các nội dung liên quan về Đảng...

Cũng đề cập đến những khó khăn ở cấp xã, đồng chí Nguyễn Quốc Toản, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Trấn Yên cho biết, hiện nay việc tinh giản biên chế bộ máy từ Trung ương đến tỉnh, huyện đang khá hợp lý, nhưng về đến cấp xã lại xuất hiện không ít khó khăn, vướng mắc. Bộ máy biên chế của cấp xã khi tuyển vào mới chỉ có 21 (hoặc 23, 25) cán bộ, công chức tùy loại xã. Thế nhưng, tuyển được cán bộ, công chức vào làm việc thì nhân sự chỉ có ngần ấy chuyên ngành đã "khớp” từ đầu với các vị trí công tác khác nhau có tính đặc thù.

Thế nên, việc sắp xếp cán bộ chỉ loanh quanh ở trong ngần ấy nhân sự; lại khó luân chuyển từ cán bộ sang công chức và ngược lại. Hơn thế, việc quy hoạch chỉ là 1,5 cho các vị trí; ngay cả quy hoạch ban chấp hành đảng bộ xã trong nhiệm kỳ cũng không biết nên xoay chuyển thế nào để bảo đảm số lượng theo các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định. Nhiều cán bộ đầu ngành cấp xã như chủ tịch hội phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên, chủ tịch hội cựu chiến binh đã hết nhiệm kỳ hoặc hết tuổi, nhưng không tìm ra nguồn để thay thế...

Bài 5:

Cán bộ huyện Văn Chấn tham quan mô hình sản xuất quế tại thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn. 

Cùng gỡ "bài toán khó”

Trong hành trình về với đồng bào các dân tộc Yên Bái, đến bất kỳ địa phương nào, người dân cũng bày tỏ lòng biết ơn, sự trân trọng trước những công lao, đóng góp của đội ngũ cán bộ xã, thôn, bản trong công cuộc đổi mới, phát triển quê hương. Tỉnh ủy Yên Bái ghi nhận và đúc kết trong nhiều văn kiện quan trọng của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khẳng định: Cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố là "cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đây là đội ngũ cán bộ gần dân, sát dân nhất, nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân rõ nhất; là lực lượng cốt cán, quyết định chất lượng vận động quần chúng và hiện thực hóa mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ở cơ sở.

Có vị trí, vai trò hết sức quan trọng với nhiều cống hiến to lớn, thế nhưng hiện nay sự ghi nhận, mức độ được thụ hưởng của đối tượng này do Nhà nước chi trả hoàn toàn chưa tương xứng với công sức, trí tuệ và đóng góp của họ cho quê hương, đất nước. Trong khi đó, đời sống của đại đa số cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ không chuyên trách thôn, bản, tổ dân phố ở Yên Bái đang gặp không ít khó khăn.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Công Lập, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Yên Thái cho rằng, hiện nay, với chức vụ của các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, thì mức phụ cấp chi trả chỉ 1,0. "Như vậy, nếu như bí thư chi bộ hưởng mức phụ cấp 1,0 (tương đương 1.490.000 đồng) mà kiêm trưởng ban công tác mặt trận thì được hưởng 50% định biên nữa cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng/tháng. Theo giá cả thị trường bây giờ, nguồn thu này chắc chỉ đủ chi xăng xe cơ động thực hiện các cuộc họp và đi vận động quần chúng trên địa bàn”, anh Lập thẳng thắn phân tích.

Là người trong cuộc, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Trưởng thôn Phố Nhoi, xã Yên Thái (Văn Yên) không ngần ngại phản ánh: "Nhiệm vụ của bí thư chi bộ, trưởng thôn rất nhiều, từ xây dựng chương trình, nghị quyết đến tổ chức họp chi bộ và triển khai nghị quyết đến nhân dân... Thế nhưng phụ cấp hằng tháng nhiều khi không đủ để chi phí cho các hoạt động, chứ chưa nói đến việc nuôi gia đình”.

Trong khi đó, theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, thì các vị trí trưởng đoàn thể ở thôn, bản (chủ tịch phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, nông dân...) đều không được hưởng phụ cấp.

Thực tế cho thấy, mọi hoạt động ở cơ sở đều có sự hiện diện và đóng góp công sức của đội ngũ cán bộ này. Phong trào ở thôn, bản có mạnh hay không, kết quả thi đua yêu nước đạt được đến đâu, đời sống văn hóa tinh thần ra sao, an ninh chính trị địa bàn bảo đảm mức nào... tất cả là do các đồng chí cán bộ đầu ngành thôn, bản phụ trách và chịu trách nhiệm. Trong khi, đời sống của họ về cơ bản còn rất nhiều khó khăn.

Hơn thế, sau khi sáp nhập thôn, bản thì địa bàn phụ trách của cán bộ thôn, bản rộng hơn trước; địa hình chia cắt bởi nhiều đồi, núi, khe suối, đường giao thông đi lại không thuận tiện; khoảng cách về địa lý giữa các hộ trong thôn, xã rất lớn, có nơi từ đầu thôn đến cuối thôn khoảng 6-7km... Do đó, việc sinh hoạt cộng đồng và tổ chức họp thôn, bản để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất thiết phải có nguồn kinh phí bảo đảm thì mới triển khai thực hiện được.

Bài 5:
Lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm và động viên cán bộ, nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca. 

Khảo sát có chủ ý ở đối tượng đoàn viên, thanh niên với câu hỏi: "Bạn có thích được làm cán bộ thôn (bản) để góp sức xây dựng quê hương không?”. Kết quả là trên 70% đoàn viên, thanh niên không có nhu cầu; 97% khẳng định nguyên nhân khiến đoàn viên, thanh niên không mặn mà, không có nhu cầu là vì chứng kiến đời sống của cán bộ quá khó khăn, mức thu nhập quá thấp, trong khi công việc lại quá nặng nhọc, vất vả. 98% số phiếu được hỏi nêu nhận định: Hiện tại, cán bộ thôn, bản không được cấp có thẩm quyền quan tâm, coi trọng mà chỉ là tận dụng hoặc vận động sử dụng...

Kết quả đó rất đúng với suy nghĩ của nhiều cán bộ thôn, bản. Các đồng chí trưởng ngành mà chúng tôi trực tiếp trò chuyện đều cho rằng, vấn đề không chỉ là câu chuyện thu nhập (phụ cấp), mà quan trọng hơn là tư duy của các cấp dành cho cán bộ thôn, bản. Cơ hội để phấn đấu, phát triển không có, thu nhập cũng không, bảo hiểm y tế và các chế độ khác hoặc chẳng có, hoặc chưa có... Thế thì khác gì "triệt tiêu” mọi nỗ lực, phấn đấu của cán bộ cơ sở.

Để giải quyết bài toán đặt ra ở cơ sở, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho rằng, hiện nay Đảng bộ tỉnh Yên Bái đang chủ trương dùng cơ chế khoán quỹ phụ cấp và đã vận dụng đến mức cao nhất mà Trung ương cho phép để nâng mức khoán lên; đồng thời khuyến khích cán bộ không chuyên trách cấp xã kiêm nhiệm để chế độ được nâng lên. Trong khi đó, đối với trưởng các đoàn thể ở thôn, bản, vì không có cơ chế hỗ trợ nên Yên Bái thực hiện hỗ trợ kinh phí cho thôn để đỡ phần nào chi phí xăng xe, điện thoại... giúp các đồng chí này trang trải thêm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với sự quan tâm của các cấp đối với cán bộ thôn, bản, thời gian qua, trên địa bàn Yên Bái cũng xuất hiện một số mô hình khá hay, nhằm tạo nguồn quỹ vốn hỗ trợ hoạt động của đội ngũ cán bộ thôn, xã (không được hưởng phụ cấp). Ví như mô hình ở thôn Vàng Ngần, chi bộ lãnh đạo đội ngũ cán bộ thôn tổ chức trồng một rừng quế-là tài sản chung của thôn. Từ 15ha (năm 2003), đến nay rừng quế đã phát triển lên 45ha.

Mỗi khi Vàng Ngần có công việc chung, như: Xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm, công trình an sinh xã hội, tổ chức lễ hội... thì đều trích kinh phí từ khai thác rừng quế chung của thôn. Chính nhờ vậy, chi bộ đã giải quyết được phần khó khăn về kinh phí hoạt động và hỗ trợ cán bộ thôn... Đây thật sự là một mô hình hiệu quả, cần được nghiên cứu, nhân rộng ở các thôn, bản vì phù hợp với thực tế ở Yên Bái; góp phần "gỡ khó” trước bài toán hỗ trợ kinh phí cho cán bộ cơ sở thực hiện các nhiệm vụ.

Thế nhưng, tất cả những sáng kiếu nêu trên chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, vấn đề chế độ phụ cấp cho cán bộ thôn, bản là "bài toán khó”, đòi hỏi các cấp ủy, cơ quan chức năng phải quyết liệt vào cuộc, tích cực nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, lắng nghe cơ sở, để đưa ra các phương án, giải pháp cuối cùng vừa thấu tình vừa đạt lý.

Và tất nhiên, những khó khăn nêu trên không chỉ hiện hữu ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái, mà là vấn đề chung của tất cả các địa phương trong cả nước. Với trách nhiệm trước Đảng, trước dân, đội ngũ cán bộ ở Yên Bái mong muốn: Nên có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với tất cả cán bộ thôn, bản và mức thụ hưởng phụ cấp cần tính toán hợp lý, căn cứ vào thực tế và đặc thù địa bàn, vùng miền, chứ không thể áp đặt xơ cứng, chung chung cho tất cả các vùng, miền như nhau.

"Tôi nghĩ hệ thống chính trị cũng giống như một cây đại thụ, thân cây muốn phát triển thì gốc phải vững chắc. Mà gốc ở đây chính là tổ chức đảng cơ sở, hệ thống chính trị cơ sở và đội ngũ cán bộ cơ sở. Chúng ta không thể không tinh giản biên chế ở cơ sở, nhưng phải căn cứ vào thực tế để có giải pháp hợp lý. Nếu rễ cây mà thưa ít, không đủ sức bám vào mảnh đất quần chúng thì thật sự rất đáng lo ngại. Ở thời điểm hiện tại, việc thấu triệt quan điểm của Trung ương về việc tinh giản cơ quan tham mưu Trung ương và khâu trung gian là xu hướng cần quan tâm, triển khai ở các cấp, các ngành", đồng chí Lê Trí Hà, Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ, Yên Bái.

 
(Theo QĐND)


Các tin khác
Trung tâm Chính trị thị xã Nghĩa Lộ khai giảng lớp sơ cấp chính trị lồng ghép chương trình đảng viên mới năm 2021.

Những năm qua, Trung tâm Chính trị thị xã Nghĩa Lộ luôn bám sát sự chỉ đạo của Thường trực Thị ủy và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Chiều 9/5, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với Đảng bộ huyện Trấn Yên kiểm tra việc triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 9/5/2022 về việc thi hành kỷ luật đối với ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.

Theo chương trình làm việc, Hội nghị Trung ương 5 bế mạc vào ngày 10/5/2022.

Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai được Trung ương thảo luận ngay từ ngày đầu tiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục