Việc kiểm tra nhằm kịp thời đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh trong lĩnh vực giáo dục và y tế tại các xã đặc biệt khó khăn, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và giải pháp của các địa phương đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh bán trú và người dân không được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế khi xã đặc biệt khó khăn được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thời gian qua, huyện Văn Yên đã tích cực, chủ động trong việc triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Quy mô trường lớp, học sinh được duy trì ổn định; công tác huy động học sinh ra lớp và duy trì số lượng đảm bảo, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần khá cao (trên 98% ở các cấp học).
100% xã, thị trấn và huyện duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Toàn huyện có 47 trường công lập được đánh giá ngoài và công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 74 %; chất lượng giáo dục của Văn Yên ngày càng được nâng cao.
Tuy vậy, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, huyện còn gặp nhiều khó khăn. Toàn huyện thiếu trên 270 giáo viên, trong đó, thiếu nhiều giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, gây khó khăn trong việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Nhiều trường và học sinh gặp khó khăn khi các xã đạt chuẩn nông thôn mới, khi Quyết định 861 của Thủ tướng chính phủ có hiệu lực, năm 2021 đã có gần 500 học sinh bán trú thôi hưởng chính sách; dự kiến đến năm học 2024-2025 có gần 2 nghìn học sinh bán trú bị tác động khi xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Các chế độ giảm, trong khi học phí tăng ảnh hưởng rất lớn đến công tác huy động, duy trì số lượng, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, đặc biệt vào những ngày trời mưa bão... trong khi đó nhiều học sinh nhà ở xa trường, giao thông chưa thuận lợi.
Sau khi các xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới sẽ chuyển thành xã khu vực I, việc duy trì huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì tiêu chí số 14 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới địa phương gặp khó. Cùng đó, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên cũng thôi hưởng phụ cấp...
Thực hiện quyết định 861/QĐ-TTg đã tác động đến tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội trên địa bàn huyện. Thời điểm mới triển khai quyết định, Văn Yên giảm trên 32.000 người. Đến nay, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, số người tham gia bảo hiểm y tế đã tăng trở lại trên 22.000 người; tuy nhiên trên 10.000 người chưa tham gia mua BHYT trở lại.
Đối với chi trả trợ cấp xã hội qua hệ thống bưu điện được triển khai đã góp phần giảm tải công việc cho cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã. Nhưng số lượng, thời gian chi trả tại nhà còn ít, thời gian chi trả dài hơn do nhân viên bưu điện trực cả tháng, dẫn đến người dân đến nhận chính sách muộn hơn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Văn Yên và các địa phương cơ sở đã nêu những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh đề nghị huyện Văn Yên cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội, nâng cao hơn nữa đời sống của người dân; phối hợp với các ngành liên quan tiến hành rà soát, xác định lại các thôn, xã đặc biệt khó khăn trình các cấp có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung lại danh sách xã, thôn đặc biệt khó khăn, có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Tiếp tục chỉ đạo chính quyền các địa phương tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, chính sách dân tộc để vận động nhân dân cho con em đi học; làm tốt công tác phối hợp chăm sóc, giáo dục học sinh; có các giải pháp duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của địa phương; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động học sinh ra lớp và thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo.
Huyện cũng cần phát huy vai trò, tính chủ động của các tổ chức đoàn thể, hội, của đội ngũ tuyên truyền viên, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng; thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để nắm bắt, tuyên truyền, giải thích đúng, đầy đủ nội dung chính sách đến các hộ gia đình và người dân chịu tác động trực tiếp của điều chỉnh chính sách; làm cho người dân đồng thuận, hiểu rõ về sự thay đổi và chủ động mua bảo hiểm y tế hộ gia đình để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được liên tục, hạn chế nguy cơ tái nghèo nếu bị ốm đau, bệnh tật.
Văn Yên cũng quan tâm chỉ đạo Bưu điện huyện bố trí cán bộ tăng thời gian chi trả tại nhà cho các đối tượng không có điều kiện đến nhận trực tiếp, ưu tiên đối với người khuyết tật, người già cả, neo đơn.
Đối với các sở, ngành của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yên cầu Sở Giáo dục đào tạo cần thực hiện giải pháp để hỗ trợ các trường và học sinh để đảm bảo các mục tiêu giáo dục; tiếp tục rà soát số trường tổ chức cho học sinh ở bán trú dân nuôi, tham mưu chính sách hỗ trợ đối với các trường; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý học sinh; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học cho các trường vùng cao.
Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến của các Bộ, ngành trung ương hướng dẫn thực hiện chính sách đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới có 100% thôn đặc biệt khó khăn; kiến nghị Ủy ban Dân tộc, Chính phủ điều chỉnh, cập nhật danh sách thôn, xã đặc biệt khó khăn đảm bảo kịp thời, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và kết quả xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Đối với các các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh để triển khai các chính sách đúng, đầy đủ, kịp thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Nguyễn Hà