Kỷ niệm 47 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất (25/4/1976 - 25/4/2023)

Yên Bái nối tiếp hành trình từ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/4/2023 | 8:00:07 AM

YênBái - "Từng tiểu đoàn thành một tổ bầu cử. Các đơn vị treo cờ, anh em xếp hàng ngay ngắn đi bầu cử và cũng khai mạc trang trọng. Lúc bấy giờ, chúng tôi nhìn ở bên ngoài dân háo hức, bộ đội mình cũng phấn chấn. Mình là người vừa ra khỏi cuộc chiến nên khí thế hừng hực như khi ra trận vậy”- hồi ức của Đại tá Nông Phương Nam về ngày 25/4/1976 - ngày Tổng tuyển cử bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh trao đổi với cử tri huyện Trạm Tấu tại cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tháng 9/2022.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh trao đổi với cử tri huyện Trạm Tấu tại cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tháng 9/2022.

Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta kết thúc thắng lợi, xóa bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Cách mạng Việt Nam từ đây chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn cả nước độc lập thống nhất cùng thực hiện một nhiệm vụ tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.

Dù non sông đã thu về một mối, nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước. Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; chính quyền các cấp có HĐND và ủy ban hành chính. Ở miền Nam có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, UBND cách mạng ở địa phương. 

Sớm nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc đó là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước, tháng 11/1975, đại biểu nhân dân hai miền Nam - Bắc đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị. 

Hội nghị đánh giá tình hình và đi đến quyết định "Cần tổ chức sớm Cuộc Tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất". 

Sau thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị, ngày 3/1/1976, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 228-CT/TW yêu cầu các cấp ủy Đảng phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo Tổng tuyển cử trong cả nước, cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 

Trong không khí tưng bừng, ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. 
Đại tá Nông Phương Nam ở tổ 4, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái là người tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, rồi được tham gia cuộc bầu cử thống nhất bằng việc tham gia bỏ phiếu tại doanh trại ở căn cứ Lai Khê, tỉnh Thủ Dầu Một. 

Ông kể: "Từng tiểu đoàn thành một tổ bầu cử. Các đơn vị treo cờ, anh em xếp hàng ngay ngắn đi bầu cử và cũng khai mạc trang trọng. Lúc bấy giờ, chúng tôi nhìn ở bên ngoài dân háo hức, bộ đội mình cũng phấn chấn. Mình là người vừa ra khỏi cuộc chiến nên khí thế hừng hực như khi ra trận vậy”. 

Bà Lê Thị Khương ở tổ 7, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình nhớ lại: "Ngày ấy gia đình tôi còn ở xã Bảo Ái! Cũng như mọi người, cuộc sống vất vả lắm. Ông nhà tôi đi bộ đội, mình tôi ở nhà nuôi mấy đứa con, bận bịu với công việc! Ai đi bỏ phiếu sớm thì thích hơn, phấn khởi hơn nên đa số đến trưa đã bỏ phiếu xong rồi!”… 

Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn với tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%; trong đó, miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%; có nhiều xã, huyện, thị xã, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu; cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm. 


Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Liên Sơn được bầu trong Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất cả nước ngày 25/4/1976. 

Vào thời điểm này, 3 tỉnh: Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lao Cai sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Vinh dự, tự hào, trong số 492 đại biểu khóa VI, tỉnh Hoàng Liên Sơn có 4 đại biểu gồm: bà Hoàng Thị Khước và các ông: Nguyễn Ngọc Hồ, Bàn Văn Quan, Hoàng Quốc Thịnh. Bà Hoàng Thị Khước lúc đó là kỹ sư nông nghiệp công tác ở huyện Văn Yên. Bà được cán bộ, nhân dân huyện giới thiệu vào danh sách bầu vào Quốc hội khóa VI với cơ cấu là tuổi trẻ, đại biểu nữ, người dân tộc thiểu số và đại diện cho đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật. 

Bà Khước nhớ lại: "Tôi được cử tri tín nhiệm và bầu với số phiếu đạt tỷ lệ gần 90%. Vì thế, trong quá trình công tác và thực hiện trọng trách mà cử tri giao phó, tôi luôn cố gắng gần gũi nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để mang đến Quốc hội những vấn đề thực tế nhất ở cơ sở”. 

Kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trước đó, các đại biểu của tỉnh Hoàng Liên Sơn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm với cử tri và nhân dân. Các đại biểu đã cùng Quốc hội khóa VI đã quyết định những vấn đề quan trọng trong thời kỳ phát triển đất nước. 

Cụ thể là, đóng góp trí tuệ, trách nhiệm trong việc quyết định về đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất; cơ cấu lãnh đạo của các cơ quan trong bộ máy nhà nước khi chưa có hiến pháp mới, tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo cao nhất của Chính phủ và Nhà nước, hình thành các cơ quan trong bộ máy Nhà nước để điều hành công việc chung của đất nước. Trong nhiệm kỳ 1976 - 1981, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp 1980; thông qua 6 luật và pháp lệnh; phê chuẩn mười hai hiệp định, hiệp ước và công ước quốc tế. 

 Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại Khu vực bỏ phiếu số 13, nhà văn hóa tổ dân phố số 14, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 23/5/2021.

Hôm nay, Quốc hội khóa XV đang nối tiếp hành trình là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong số 499 vị đại biểu được bầu; tỉnh Yên Bái có 6 đại biểu trúng cử với số phiếu bầu cao gồm: ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Thành Trung - Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; bà Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải; bà Triệu Thị Huyền - cán bộ Tỉnh đoàn Yên Bái. 

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các đại biểu khóa XV đã tích cực triển khai hoạt động trong điều kiện nhiều khó khăn mới phát sinh do dịch bệnh Covid-19. Các đại biểu đã nỗ lực với quá trình chuyển đổi số và đổi mới của Quốc hội trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh; hoạt động giám sát và khảo sát cũng như tham gia kỳ họp bất thường của Quốc hội… 

Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp tổ chức lấy ý kiến; tổ chức khảo sát, làm việc trực tiếp tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương để lấy ý kiến tham gia dự án luật, giúp đại biểu có thêm thông tin tham gia, đóng góp ý kiến tại các kỳ họp. Trước kỳ họp, các đại biểu được phân công cụ thể các nội dung để tìm hiểu, nghiên cứu sâu, chuẩn bị ý kiến thảo luận có chất lượng, sát với thực tế địa phương, đóng góp vào thành công của các kỳ họp. 

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu chủ trì thảo luận tại tổ Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV. 

Kỳ họp thứ 4 cuối năm 2022, các đại biểu Yên Bái đã tham gia 40 lượt ý kiến trong 13 phiên thảo luận tổ và có 13 ý kiến tại các phiên thảo luận toàn thể ở Hội trường. Kỳ họp bất thường diễn ra đầu tháng 3/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đã thống nhất biểu quyết bầu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. 

Cùng với hoạt động giám sát thực hiện nghiêm túc, bài bản, kịp thời, các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp đã được tổ chức tốt. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp; đồng thời, kết nối trực tuyến đến 8 điểm cầu tại các huyện, thị xã của tỉnh với sự tham dự của hàng ngàn cử tri. Qua các cuộc tiếp xúc đã tiếp thu, tổng hợp nhiều ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương.

Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, các ĐBQH tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy truyền thống kể từ ngày bầu Quốc hội thống nhất, để hoàn thành tốt trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó, thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ thứ XV cũng như các nhiệm kỳ tiếp theo.

Quang Tuấn

Tags Tổng tuyển cử Yên Bái bầu cử đại biểu quốc hội tiếp xúc cử tri giám sát

Các tin khác
Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đồng chí Đỗ Quang Minh - Bí thư Đảng ủy Khối tặng giấy khen cho 15 chi, đảng bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tiêu biểu năm 2022.

Chiều 24/4, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khối lần thứ 13 (mở rộng); sơ kết công tác quý I và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023. Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dự và chỉ đạo Hội nghị.

Quang cảnh Lễ khai trương Trang thông tin đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Chiều 24/4, Báo Nhân Dân chính thức khai trương Trang thông tin đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và “Những việc cần làm ngay” tại địa chỉ http://nguyenvanlinh.nhandan.vn.

Sáng nay - 24/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy đã có bài phát biểu với nội dung sâu sắc tại Hội nghị gặp mặt cán bộ tham gia Đề án 11. Báo Yên Bái xin trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ!

Sáng nay – 24/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức Hội nghị gặp cán bộ tham gia Đề án số 11 – ĐA/TU ngày 8/8/2018 của Tỉnh uỷ về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quán lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục