Hoạt động giám sát được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phối hợp tổ chức đối thoại với nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với các cơ quan, tổ chức thẩm quyền...
Nội dung giám sát được Ủy ban MTTQ thị xã xây dựng hàng năm và ưu tiên lựa chọn những vấn đề, nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như: việc triển khai thực hiện nghị quyết HĐND và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết HĐND.
Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; việc thực hiện tái định cư, tạo việc làm sau thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trên địa bàn; việc thu và sử dụng các khoản thu thỏa thuận giữa các bậc phụ huynh và các nhà trường; việc thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn…
Để công tác giám sát đạt hiệu quả cao, trước khi tổ chức giám sát, Ủy ban MTTQ thị xã đều ban hành quyết định thành lập đoàn giám sát; đề cương báo cáo giám sát gửi đến các tập thể, cá nhân là đối tượng giám sát đề nghị xây dựng báo cáo, cung cấp tài liệu phục vụ công tác giám sát. Đồng thời, xây dựng lịch làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.
Sau giám sát, MTTQ thị xã đã kiến nghị với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan tổ chức liên quan và các đơn vị được giám sát kịp thời có kế hoạch, biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, triển khai rõ, cụ thể nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.
Qua giám sát cũng đã chỉ ra những sai phạm, bất hợp lý trong việc xây dựng các công trình, kịp thời kiến nghị với chủ đầu tư, đơn vị thi công điều chỉnh ngay trong quá trình thi công các công trình, từ đó chất lượng các công trình được nâng lên rõ rệt, việc sử dụng công trình đảm bảo hiệu quả tránh lãng phí.
Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ thị xã đã phối hợp với Thường trực HĐND, các ban HĐND thị xã tổ chức triển khai thực hiện 45 nội dung giám sát với 148 cuộc giám sát tại các cơ quan, đơn vị, xã, phường; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát 75 cuộc về việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam; việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Nghĩa Lộ; công tác thi hành án hình sự tại các xã, phường trên địa bàn...
Cùng đó, Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, phường đã phối hợp tổ chức 483 cuộc giám sát (giám sát qua nghiên cứu văn bản 128 cuộc, thành lập đoàn giám sát 65 cuộc, tham gia phối hợp giám sát 131 cuộc…).
Đối với công tác phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ thị xã Nghĩa Lộ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện phản biện bằng hình thức góp ý vào các dự thảo nghị quyết, chương trình, đề án của Thị ủy, HĐND, UBND thị xã. Đồng thời, thực hiện việc góp ý thường xuyên, đột xuất, định kỳ vào các kỳ họp HĐND, các hội nghị tiếp xúc cử tri; tổ chức lấy ý kiến của Ban tư vấn, các tổ chức thành viên, cán bộ trong hệ thống mặt trận vào các dự thảo Luật sửa đổi bổ sung hàng năm như: Bộ Luật dân sự (sửa đổi); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; Luật Tổ chức chính quyền địa phương... Theo đó đã có trên 500 ý kiến tham gia được MTTQ tổng hợp gửi lên cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Ông Lò Văn Vy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân để lựa chọn nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội sao cho phù hợp, đúng, trúng với những vấn đề mà xã hội và nhân dân quan tâm để tham mưu với cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện”. Cùng đó là tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành giám sát, phản biện xã hội phù hợp với thực tiễn, có tác động tích cực đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và địa phương.
Hồng Oanh