Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận ở tổ về Dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi)

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/6/2023 | 5:38:12 PM

YênBái - Trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều nay - 5/6, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái và đại biểu Khang Thị Mào đã phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Luật.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Mở đầu thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đánh giá cao Chính phủ trong quá trình tổng kết và tài nguyên nước năm 2012 và xây dựng dự án Luật tài nguyên nước sửa đổi để trình Quốc hội tại kỳ họp này. Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, chính sách mới mà theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. 

Dự thảo luật lần này thì đã có quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra là một yêu cầu cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay không chỉ các quốc gia mà trên phạm vi toàn cầu đều phải quan tâm xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống nói chung, trong đó có an ninh nguồn nước. 


Theo đại biểu, Dự án Luật đã bổ sung thêm các quy định về các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc kinh tế thị trường là rất cần thiết để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thái độ ứng xử của các tổ chức, cá nhân đối với tài nguyên nước - một trong các nguồn tài nguyên quan trọng và quý giá hàng đầu của quốc gia, cùng với tài nguyên đất đai để từ đó có tư duy và cách tiếp cận khoa học, phù hợp thực tiễn về giá trị kinh tế của tài nguyên nước cũng như việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, bền vững tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. 

Những quy định mới này cũng để góp phần tính đúng, tính đủ chi phí tài nguyên nước trong giá thành các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo cơ chế thị trường để tránh làm lãng phí, thất thoát nguồn lực nhà nước, cũng như hạn chế các rủi ro cho các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam khi hội nhập vào thị trường quốc tế, tránh bị từ chối hoặc bị áp thêm các sắc thuế do vi phạm các quy định về sử dụng tài nguyên nước theo thông lệ quốc tế.

Đại biểu cho biết, theo thông lệ quốc tế thì tất cả các cái sản phẩm, hàng hóa gì có sử dụng tài nguyên nước thì đều phải tính toán chi phí tài nguyên nước trong giá thành sản phẩm, từ nuôi trồng thủy sản, sản xuất điện và các sản phẩm khác... 

Tham gia ý kiến vào dự án Luật, đại biểu nêu những vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể, điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tại Khoàn 6, Điều 11 quy định căn cứ quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt, Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm tổ chức xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước của mình. Đại biểu cho rằng khái niệm "của mình” là không phù hợp với UBND cấp tỉnh thì được nhưng với Bộ Tài nguyên Môi trường thì nhiệm vụ đó là áp dụng cho cả quốc gia. 


Trong quy định về hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước bao gồm năm hoạt động: điều tra, đánh giá tài nguyên nước, kiểm kê tài nguyên nước, xây dựng báo cáo tài nguyên nước quốc gia, xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc giám sát, cảnh báo, dự báo tài nguyên nước; xây dựng báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước của tỉnh, của ngành, của lĩnh vực gửi Bộ Tài nguyên Môi trường để tổng hợp. 

"Vì vậy, tại nội dung của khoản 6 Điều 11, tôi đề nghị sửa lại là: căn cứ quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia, UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước cấp tỉnh. Như vậy rõ hơn, đối với các quốc gia thì Bộ Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện; còn đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện” - đại biểu nhấn mạnh. 

Cũng về quy hoạch tài nguyên nước như Điểm b khoản 1 quy định là quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thì được lập cho thời kì 10 năm tầm nhìn từ 25 đến 30 năm. Trong quy định về tổng hợp lưu vực sông, thì hướng dẫn là phải lập căn cứ vào chiến lược tài nguyên nước mà chiến lược tài nguyên nước thì được xây dựng cho 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm. Như vậy, căn cứ để lập quy hoạch chiến lược, mà chiến lược thì tầm nhìn 10 năm, tầm nhìn 20 năm; trong khi quy hoạch thì quy định là 10 năm, tầm nhìn đến 30 năm, còn xa hơn cả chiến lược. Đại biểu đề nghị điều chỉnh nội dung này cho phù hợp. 

Đối với quy định về chức năng nguồn nước và hành lang bảo vệ nguồn nước tại khoản 3, Điều 23. Tại khoản này có quy định nguồn nước có một hoặc nhiều chức năng cơ bản, nêu còn thiếu một chức năng, đó là cấp nước cho hoạt động kinh doanh dịch vụ, như tưới cây, rửa xe, rửa đường… đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung này. 

Tại Điều 24 ở khoản 6 nêu: căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh rà soát, xác định danh mục của các sông, suối phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước rồi lập, cắm mốc và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, đại biểu đề nghị sửa khoản này theo hướng là: căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh rà soát, xác định danh mục của các nguồn nước phải lòng hành lang bảo vệ. Như vậy nó bao bao gồm tất cả các nguồn nước kể cả sông, suối, hồ, ao, đầm phá...

Nêu quy định về điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở Chương 5 có quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng nước theo thẩm quyền thì ở đây có liệt kê ra các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước nhưng không quy định đối với từng cơ quan thẩm quyền tới đâu. Đại biểu cho rằng nên sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng quy định rõ về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc cấp phép giấy phép khai thác tài nguyên nước, tương tự thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản…

Đại biểu cũng bày tỏ trăn trở về một lĩnh vực rất quan trọng đó là quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì chưa được quy định cụ thể trong Luật Tài nguyên nước…


Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải phát biểu thảo luận ở tổ chiều nay - 5/6.

Tán thành quy định tại Điều 68 tích hợp hoạt động tài nguyên nước của dự thảo luật, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng đây là một công cụ quan trọng để đo lường giá trị tài nguyên nước và hiệu quả sử dụng tài nguyên nước. Quy định này đã thể hiện giá thể chế hóa được quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về việc phải đánh giá đầy đủ giá trị tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Quan tâm đến vấn đề tích trữ nước, điều hòa, phân bổ nguồn nước để đáp ứng nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong thời thời kỳ hạn hán, thiếu nước như trong năm nay, các vùng sâu, vùng xa cũng rất là hạn hán, hoạt động nông nghiệp cũng rất là khó khăn. 

Nêu dự thảo Luật tài nguyên nước (sửa đổi) lần này đã đề cập khá nhiều cụm từ tích trữ nước, đại biểu cho rằng hồ chứa thủy điện ngoài nhiệm vụ cơ bản là phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường. Điển hình như là đảm bảo dòng chảy để tối thiểu phối hợp với các hồ chứa thủy lợi, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của vùng hạ lưu trong mùa cạn kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ. 


Thực tế những năm gần đây, khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các hồ chứa nước, thủy điện đã tham gia khá tích cực vào việc tích trữ nước và xả nước để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, tưới tiêu chung, thời kỳ hạn hán, thiếu nước, đại biểu đặt vấn đề, dự thảo cần làm rõ quy định  hoạt động tích trữ nước của các hồ thủy điện có được coi là hoạt động tích trữ nước được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như quy định tại Điều 69 hay không. 

Đại biểu cũng cho rằng trường hợp cần yêu cầu huy động các hồ chứa thủy điện, tích trữ nước hoặc xả nước để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất ở hạ du mà ảnh hưởng đến lợi ích phát triển của đơn vị thì nên nghiên cứu, xem xét chế độ đền bù và chia sẻ lợi ích từ các tổ chức, cá nhân hưởng lợi cho các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện để đảm bảo tính công bằng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Hoàng Sâm - Quang Tuấn

Tags Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ Luật tài nguyên nước Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy Khang Thị Mào

Các tin khác
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận phát biểu ý kiến sáng 5/6.

Tham gia thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị tạo sự chủ động, linh hoạt về nhà ở công nhân cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng - cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Amiral Latouche Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh vì sự sinh tồn-phát triển của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 cũng như con đường đi lên CNXH ngày nay.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận ở tổ sáng 5/6.

Sáng 5/6, sau khi nghe Tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã dự phiên thảo luận ở tổ cùng đại biểu các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Phước, Hòa Bình.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tích cực thảo luận tại kỳ họp Quốc hội/ UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ tháng 6/ Sơ kết công tác tuyên truyền biển đảo 6 tháng đầu năm/ Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”/ Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Yên Bái năm 2023/ Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp/ Nghệ thuật khèn Mông của Yên Bái vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia... là những tin tức thời sự nổi bật của tỉnh Yên Bái trong tuần qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục