Kỷ niệm 10 năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4/10/2013 – 4/10/2023)

Đại tướng trong lòng nhân dân Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/10/2023 | 10:12:10 AM

YênBái - Hàng năm, cứ đến ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4/10), người dân Yên Bái lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của Đại tướng với cán bộ, nhân dân trong tỉnh cùng với nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ thể thể hiện tình cảm sâu sắc, lòng biết ơn và sự kính trọng của người dân đối với Đại tướng.

Đại diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngày 4/10/2023, tròn 10 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, hình ảnh về sự tiếc thương trong giây phút tiễn biệt Đại tướng vẫn còn trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Trên khắp mọi miền đất nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng, hàng năm, cứ đến ngày mất của Đại tướng, người dân lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của Đại tướng với cán bộ, nhân dân trong tỉnh cùng với nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ thể thể hiện tình cảm sâu sắc, lòng biết ơn và sự kính trọng của người dân đối với người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 tại làng An Xá, tổng Đại Phong Lộc, huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Ninh (nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Ông là một nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất, người đã có công lao to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng đã lãnh đạo quân và dân ta giành thắng lợi trong nhiều trận đánh quan trọng, góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một minh chứng tiêu biểu cho tài năng quân sự của Đại tướng. Đây là chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. 

Sau ngày đất nước thống nhất, Đại tướng tiếp tục giữ trọng trách Chủ nhiệm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, trực tiếp chỉ huy quân đội ta tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây và làm nhiệm vụ quốc tế. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một nhà lãnh đạo quân sự tài ba mà còn là một nhà chính trị, nhà ngoại giao xuất sắc. Ông đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Đại tướng là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm và trí tuệ sáng suốt. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng là một biểu tượng cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Trong những năm tháng chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều chuyến thăm và làm việc để động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân Yên Bái, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, Đại tướng vẫn luôn quan tâm, giúp đỡ, động viên, chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. 

Qua những lần được gặp Đại tướng, người dân Yên Bái luôn nhớ ơn và trân trọng những đóng góp to lớn của ông cho đất nước và nhắc nhở con cháu học tập, noi theo tấm gương của Đại tướng để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Lần giở lại những hình ảnh và tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Hà Lâm Kỳ - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái không giấu nổi niềm xúc động trào dâng khi kể về những kỷ niệm khi được ở bên Đại tướng. Vinh dự được gặp Đại tướng tới 5 lần, mỗi lần đi là một kỷ niệm không thể nào quên đối với nhà văn Hà Lâm Kỳ. Và kỷ niệm sâu sắc nhất đối với nhà văn Hà Lâm Kỳ đó là sau buổi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 15/8/1997, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã tặng Đại tướng cuốn truyện dài Gió Mù Cang viết về Đội du kích Khau Phạ. 

Đại tướng vui vẻ nhận lời rồi Đại tướng đã viết tặng nhà văn Hà Lâm Kỳ một tấm thiệp. Tấm thiếp đó đã được nhà văn Hà Lâm Kỳ gìn giữ như báu vật của gia đình và của chính mình. Ông Kỳ chia sẻ: "Tôi có 4 lần đưa đoàn các em thiếu nhi, học sinh, sinh viên tỉnh Yên Bái về thăm, chúc thọ Đại tướng. Trong những lần đến thăm Đại tướng như vậy đều có những kỷ niệm rất vui, cũng rất xúc động. Ví dụ như lần được Đại tướng căn dặn đối với người làm công tác văn hóa, căn dặn những em học sinh, sinh viên của Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh và các em học sinh dân tộc phấn đấu học tập thật giỏi để trở thành những cán bộ văn hóa phục vụ nhân dân năm 2003”. 

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Đại tướng, người dân Yên Bái lại tổ chức nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ Đại tướng. Các hoạt động này thể hiện tình cảm sâu sắc, lòng biết ơn và sự kính trọng của người dân Yên Bái đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với ông Nguyễn Quang Đua - cựu chiến binh tại xã Minh Xuân, huyện Lục Yên dù đã lớn tuổi nhưng vẫn nhớ như in dịp về thăm Vũng Chùa - Đảo Yên, Quảng Bình, nơi Đại tướng yên nghỉ. 

Ông Đua chia sẻ: "Đây là một chuyến đi mà tôi sẽ không bao giờ quên. Khi đến Vũng Chùa, chúng tôi được nhìn thấy mộ Đại tướng nằm trên một ngọn núi, bên cạnh một bãi biển thơ mộng. Mộ Đại tướng được xây dựng rất đơn giản, với một tấm bia đá ghi dòng chữ "Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam". Tại đây, đoàn của ông đã thắp hương, dâng hoa và kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Đại tướng rồi ghé thăm khu tưởng niệm để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp và xem những thước phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cầm quân thiên tài của cách mạng Việt Nám. 

Ông Đua chia sẻ thêm: "Tình cảm của người dân cả nước dành cho Đại tướng vô cùng sâu sắc, chân thành. Tôi được chứng kiến tình cảm đó qua hàng nghìn ánh mắt, hành động của rất nhiều người dân đến đây để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn với Đại tướng. Trước anh linh của Đại tướng, được tìm hiểu thêm về những công lao to lớn của Đại tướng đối với dân tộc khiến tôi càng tự hào mình cũng từng là người lính tham gia bảo vệ Tổ quốc”. Trong một lần hiếm hoi được cùng đoàn công tác cán bộ, nhân dân xã Minh Xuân đi về thăm Vũng Chùa - Đảo Yến như vậy đã là một kỷ niệm đáng nhớ để ông Đua tiếp tục cố gắng học tập, lao động sản xuất, nuôi dạy con cháu để xứng đáng với công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tình cảm của người dân Yên Bái dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một biểu hiện sinh động của lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc của nhân dân ta. Tình cảm này sẽ mãi mãi được lưu truyền và phát huy, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Để thể hiện tình cảm của mình đối với Đại tướng, người dân Yên Bái đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, như đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến, Quảng Bình hàng năm, đặc biệt là trong dịp 10 năm ngày mất của Đại tướng (4/10/2013 - 4/10/2023). Hòa cùng dòng người đến viếng mộ Đại tướng, người dân Yên Bái bày tỏ lòng biết ơn, cùng tình cảm của cộng đồng 32 dân tộc địa phương - một vùng đất còn nhiều khó khăn nhưng đang nỗ lực, phấn đấu, thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. 

Tại Yên Bái hôm nay, việc giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ được đặc biệt quan tâm, những bài học, tấm gương của Đại tướng được thế hệ đi trước, các thầy cô giáo thường xuyên giới thiệu cho các em học sinh trong mỗi buổi học ngoại khóa hay trong các tiết học lịch sử để từ đó tình cảm của người dân Yên Bái đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ mãi mãi được lưu truyền và phát huy, góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương. 

Văn Dương

Tags Đại tướng Võ Nguyên Giáp Yên Bái Quảng Bình

Các tin khác
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (ẢNh: T.L)

18 giờ 9 phút, thứ Sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2013 tại Bệnh viện 108, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào cõi vĩnh hằng. Thông tin được báo điện tử VnExpress đưa tin đầu tiên lúc 20h 42 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013 làm chấn động toàn thể người dân đất Việt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm khu Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng lần đầu tiên sau 40 năm (năm 1994).

"18 giờ 30 phút ngày 4/10/2013, đang chuẩn bị nấu cơm chiều, tôi nhận được điện thoại của người em gái công tác tại Hà Nội báo tin dữ: "Đại tướng của mình vừa mất rồi, chị ạ. Cả Hà Nội đang buồn lắm..." - Những dòng cảm xúc trong ngày cả nước đau thương tiễn biệt Đại tướng cách đây tròn 10 năm trong bài viết của nhà báo Hà Thanh Hương vẫn như vừa mới hôm qua. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu lại cùng bạn đọc!

Nhà văn Hà Lâm Kỳ - Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Yên Bái báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân nhân dịp đoàn giáo viên, học sinh nhà trường về thăm Đại tướng ngày 2.9.2003.

Hôm nay, kỷ niệm 10 năm ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4/10/2013 – 4/10/2023), Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà văn Hà Lâm Kỳ hồi tưởng về lần vinh dự được gặp Đại tướng tại nhà riêng trong ngày cả nước đau thương tiễn biệt Đại tướng.

Ngày làm việc thứ 2 Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngân sách nhà nước năm 2023; làm việc tại tổ thảo luận về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới,...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục