Ngày hội được tổ chức chủ yếu ở địa bàn khu dân cư. Tùy theo điều kiện, mỗi địa phương có thể lựa chọn hình thức tổ chức cho phù hợp, tuy nhiên phải đảm bảo Ngày hội được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Đây là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ, qua đó tiếp tục củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư; tập hợp, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận và khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngày hội còn là dịp phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ của người dân trong cộng đồng; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân.
Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội ở mỗi địa phương góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn với việc ghi nhận, biểu dương các cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư..., góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương và cả nước.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp hướng dẫn việc tổ chức Ngày hội đảm bảo thời gian, chất lượng, hiệu quả; chú trọng đổi mới nội dung, phương thức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và khu dân cư.
Đồng thời, các hoạt động trong Ngày hội cần đảm bảo tiết kiệm, an toàn, tránh hình thức, lãng phí; tổ chức Ngày hội có sự tham gia đầy đủ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dân cư. Nội dung phần Lễ tổ chức trang trọng, ngắn gọn; nội dung phần Hội cần tạo được không khí vui tươi, đầm ấm và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, vùng, miền.
Tại Ngày hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp sẽ tập trung tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang và kết quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc gắn với truyền thống cách mạng của quê hương và cộng đồng; thành tựu đạt được sau 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của địa phương; những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; chỉ thị, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp về tổ chức Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029…
Bên cạnh đó, Ngày hội Đại đoàn kết tại các địa phương cần giới thiệu, lan tỏa các mô hình tiêu biểu, những việc làm hay, giải pháp sáng tạo trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; gương người tốt, việc tốt và những tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, đất nước...
Về hình thức tuyên truyền, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Mặt trận Tổ quốc các địa phương vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình; cổng thông tin điện tử, trang Fanpage, mạng xã hội của cộng đồng, địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và mỗi cá nhân; tuyên truyền thông qua cuộc sinh hoạt cộng đồng dân cư; sinh hoạt của các tổ chức Đoàn thể nhân dân; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động dân vũ; hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, vùng, miền...
Theo Hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc tổ chức Ngày hội tại khu dân cư do Ban Công tác Mặt trận chủ trì; nếu tổ chức theo hình thức liên khu dân cư thì do Ban công tác Mặt trận (nơi đăng cai tổ chức Ngày hội) chủ trì, phối hợp các Ban công tác Mặt trận khác tham gia thực hiện. Các địa phương tại khu vực, địa bàn biên giới, có thể mời bạn bè các nước láng giềng cùng tham dự Ngày hội...
(Theo Báo Tin tức)