Hai ngày qua, một số vị đại biểu đã đồng thời gửi câu hỏi đến người đứng đầu Chính phủ khi chất vấn các vị bộ trưởng, trưởng ngành.
Nối tiếp hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, sáng nay (8/11), từ 8h đến 9h30, Quốc hội tiếp tục chất việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Sau giải lao, từ 9h50 đến 11h là thời gian dành cho Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đồng thời gửi nội dung chất vấn đến Thủ tướng Chính phủ.
Ông Thông nói, hiện nay, vẫn còn 13/129 văn bản quy định chi tiết của luật, nghị định đã có hiệu lực pháp luật trong nhiệm kỳ này nhưng vẫn chưa ban hành các văn bản cụ thể, cá biệt có văn bản còn nợ tới 2 năm 9 tháng.
"Nếu chúng ta không giải quyết thì con số 2 năm 9 tháng sẽ kéo dài hơn. Một số văn bản theo đánh giá chất lượng chưa đảm bảo, vừa ban hành thời gian ngắn đã sửa đổi, bổ sung hoặc là không có hiệu lực thi hành do không phù hợp với luật và thực tiễn hoặc có bất cập, vướng mắc, cản trở sự phát triển”, theo lời đại biểu.
Đại biểu muốn biết trách nhiệm của các vị bộ trưởng, trưởng ngành trong vấn đề trên và hướng giải pháp trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) gửi đến Thủ tướng Chính phủ chất vấn liên quan đến việc thực hiện yêu cầu về hoàn thiện thể chế nêu tại Nghị quyết số 134 của Quốc hội khóa XIV.
"Nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội nói vui rằng, nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ của thí điểm. Việc thực hiện thí điểm tuy có mặt tích cực là giúp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật. Song mặt khác lại tạo ra sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật gây ra tâm lý bất ổn định, không bình đẳng trong thực thi pháp luật giữa các địa phương, giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật”, bà Thủy đặt vấn đề.
Sau đó, đại biểu "đề nghị Thủ tướng cho biết việc trình Quốc hội thông qua các nghị quyết về thực hiện thí điểm quá nhiều cơ chế, chính sách pháp luật như vừa qua có phải là biểu hiện của sự bất cập, thiếu chủ động trong tầm nhìn và về năng lực đề xuất xây dựng chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan hay không? Đối với các chính sách đang thực hiện thí điểm, nếu thấy có tác dụng hiệu quả tốt thì tại sao Chính phủ không khẩn trương xây dựng trình Quốc hội sửa đổi luật để áp dụng thống nhất mà vẫn tiếp tục đề xuất chỉ mở rộng phạm vi thực hiện thí điểm trong một số dự án hay địa phương cụ thể. Như vậy liệu có tạo kẽ hở cho tham nhũng về chính sách, hình thành cơ chế xin, cho hay không?”.
Chiều 7/11, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) cũng nêu câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, nhưng bà nói, câu hỏi này liên quan tới Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Bộ Văn hóa.
"Giải pháp nào để bảo vệ cá nhân và tổ chức khi bị cộng đồng mạng "bạo hành”? Ví dụ, hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam thì cộng đồng mạng dập cho tơi bời, lúc đó ai bảo vệ họ và cách bảo vệ như thế nào? Hay phải chờ họ khiếu nại, kiến nghị và làm đơn? Với kiểu bạo hành góp ý xây dựng theo kiểu "đập cho chết" thì rất nguy hiểm”, bà Châu nêu vấn đề.
Hồi âm chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quy định quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72, Chính phủ sẽ ký trong tháng 11 hoặc tháng 12 này. Đây là một nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có việc xâm hại đời tư thì xử lý như thế nào, ông Hùng thông tin và nói thêm, sau khi có thể chế thì cũng phải có các thiết chế để hỗ trợ người dân.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập trung tâm xử lý tin giả, xử lý các thông tin xâm hại người dân ở mức quốc gia, gọi là trung tâm xử lý tin giả quốc gia, khá nhiều quốc gia cũng đã làm cách này, Bộ trưởng cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì cần phải thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn, tức là ở mức các tỉnh, vì hiện nay chúng ta "di chuyển” lên không gian mạng hầu hết các hoạt động của cuộc sống.
"Chúng tôi cũng cân nhắc là có thể sẽ ban hành trong năm nay, yêu cầu thành lập trung tâm xử lý tin giả, hỗ trợ người dân trên không gian mạng ở mức cấp tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hồi âm đại biểu.
(Theo Báo Đầu tư)