Quảng Trị: Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/4/2024 | 8:53:19 AM

Bến Hải-Hiền Lương đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc và tiềm thức nhân loại là biểu tượng sáng ngời của niềm tin và khát vọng hòa bình, thống nhất non sông; là ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Quang cảnh Lễ thượng cờ Thống nhất non sông
Quang cảnh Lễ thượng cờ Thống nhất non sông

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Dự Lễ trọng này có Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng và đông đảo nhân dân.

Trong không khí trang nghiêm, lá cờ Tổ quốc được kéo lên trên đỉnh Kỳ đài lịch sử giữa tiếng nhạc Tiến quân ca oai hùng và sự xúc động của hàng nghìn người dân có mặt.

Buổi Lễ cũng đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những người con ưu tú của quê hương, đất nước đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Phát biểu tại Lễ Thượng cờ, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, lấy vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải làm ranh giới ngăn cách.

Dòng sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Cầu Hiền Lương trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất của dân tộc.

Tỉnh Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất.

Trong những năm tháng chiến tranh, Mỹ-Ngụy đã triển khai nhiều trận đánh hủy diệt nhằm đưa Quảng Trị trở thành "vành đai trắng,” biến Quảng Trị trở thành vùng "đất lửa.”

Bằng ý chí kiên cường, lòng quả cảm và niềm tin sắt son với Đảng, với cách mạng, vượt lên mọi đau thương mất mát, tàn khốc của cuộc chiến tranh, quân và dân Quảng Trị đã kiên cường, bất khuất, anh dũng bám trụ đánh địch với quyết tâm "Một tấc không đi, một ly không rời,” chiến đấu và bảo vệ quê hương đến ngày đất nước thống nhất.

Suốt những năm tháng ấy, lá cờ trên kỳ đài Hiền Lương nơi đầu cầu giới tuyến vẫn kiêu hãnh tung bay, trở thành niềm tin và ý chí thống nhất của đồng bào hai miền Nam-Bắc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng, vẻ vang ấy vẫn còn sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Bến Hải-Hiền Lương đã khắc ghi vào lịch sử của dân tộc và tiềm thức nhân loại là biểu tượng sáng ngời của niềm tin và khát vọng hòa bình, thống nhất non sông; là ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước và sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Sau Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông, các đại biểu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị tưởng nhớ và tri ân các Anh hùng liệt sỹ.

Sáng cùng ngày, Giải Đua thuyền truyền thống "Thống nhất non sông” đã diễn ra trên dòng sông Bến Hải với sự tham gia của Đội tuyển của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và các đội đua đến từ tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An và Bình Thuận thi đấu ở 5 nội dung.

Giải đua thuyền đã thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham gia cổ vũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Các tin khác
Thanh niên miền Bắc, trong đó có thanh niên Yên Bái hưởng ứng Phong trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. (Ảnh: T.L)

Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn, kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhân dân Yên Bái tự hào vì đã đóng góp được 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm; tiễn đưa gần 25.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Phác luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, cách mạng.

Xã Đại Phác, huyện Văn Yên được coi là cái nôi cách mạng của địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đỉnh cao là chiến công phá tan đồn Đại Phác, chặt đứt một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ theo hành lang Đông - Tây của Pháp mở màn cho chiến thắng sông Thao. Phát huy truyền thống cách mạng, từ một vùng đất nghèo, Đại Phác hôm nay đang chuyển mình, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với đoàn viên, thanh niên về công tác chuyển đổi số.

Kế thừa những thành quả vĩ đại của Chiến thắng lịch sử 30/4, các thế hệ cha ông đã xây dựng, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt mà Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định là phải tích cực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống cho nhân dân và xây dựng tỉnh phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

(Ảnh: baochinhphu)

Cách đây 49 năm, khi thời cơ tổng công kích vào thành lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn đã điểm, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch quyết chiến chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng sức mạnh “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn; Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục