“Sợi dây” nối lịch sử và hiện tại

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/5/2024 | 7:59:48 AM

YênBái - Năm 1996, Ban Liên lạc (BLL) truyền thống Chiến sĩ Điện Biên thị xã Nghĩa Lộ được thành lập. Thành viên là cựu chiến binh (CCB) thuộc các đơn vị Đại đoàn 308, 304, 316, 312, 351 đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. BLL vừa là nơi gặp gỡ của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa cùng nhau ôn lại những ký ức về năm tháng của một thời tuổi trẻ đầy gian khổ mà oai hùng, vừa là nơi để CCB được chia sẻ những khó khăn, buồn vui trong cuộc sống; là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng và cũng là “sợi dây” nối lịch sử với hiện tại.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và thị xã nghĩa lộ thăm, tặng quà gia đình cựu chiến binh Lê Văn Chiến - Trưởng Ban liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên, thị xã Nghĩa Lộ.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và thị xã nghĩa lộ thăm, tặng quà gia đình cựu chiến binh Lê Văn Chiến - Trưởng Ban liên lạc truyền thống Chiến sĩ Điện Biên, thị xã Nghĩa Lộ.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước tổ chức kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7/5/1954 - 7/5/2024), chúng tôi có dịp cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thị xã Nghĩa Lộ đến thăm, tặng quà động viên các chiến sĩ Điện Biên hiện đang sinh sống tại thị xã. Trong ngôi nhà của gia đình CCB Lê Văn Chiến - Trưởng BLL truyền thống Chiến sĩ Điện Biên những ngày này luôn ngập tràn tiếng nói, tiếng cười hân hoan, náo nhiệt vì có nhiều cơ quan, đoàn thể, bạn bè, đồng đội đến thăm hỏi, chúc sức khoẻ ông. Dù tuổi đã cao, không còn nhanh nhẹn như trước nhưng những ký ức về năm tháng gian khổ nhưng oai hùng vẫn in đậm trong ký ức ông. 

Ông Chiến bộc bạch: "Những ngày này, không chỉ gia đình tôi mà những CCB trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã từng tham gia trận đánh lịch sử nay hầu hết đã bước sang tuổi trên 80, 90 luôn cảm thấy bồi hồi, xúc động. Đến nay, đã bảy thập niên trôi qua, song tình cảm của một thời cùng "nằm gai nếm mật”, những hình ảnh về chiến dịch 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, rồi những tiếng reo vang ngày đại thắng... vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí thế hệ chiến sĩ Điện Biên Phủ chúng tôi”. 

Được biết, theo thông lệ, cứ vào ngày 7/5 - kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên phủ, BLL truyền thống Chiến sĩ Điện Biên thị xã Nghĩa Lộ lại tổ chức gặp mặt tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để dâng hương tưởng nhớ công lao của Bác Hồ; cùng nhau ôn lại những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc. Mỗi lần gặp nhau là một lần cảm xúc trào dâng mãnh liệt, có khi vui mừng vì đồng đội vẫn khoẻ nhưng đôi lúc lòng cũng thật buồn khi nghe tin đồng đội ốm đau, bệnh tật… 

Từ khi thành lập, BLL có 34 đồng chí, nay trải qua thời gian với những vết thương hằn sâu của chiến tranh, bom đạn cùng tuổi cao, sức yếu, đến nay, BLL chỉ còn lại 10 đồng chí, hầu hết đều đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy. Dù vậy, BLL vẫn hoạt động, gặp mặt thường niên để các CCB thường xuyên thăm hỏi sức khỏe, quan tâm giúp đỡ nhau về vật chất, động viên nhau về tinh thần. 

Ông Chiến cho biết thêm: "Mỗi năm, BLL đều tổ chức gặp mặt các chiến sĩ Điện Biên trên địa bàn từ 2 - 3 lần. Cùng với những buổi gặp mặt thường niên, các CCB còn thường xuyên thăm hỏi sức khỏe, quan tâm giúp đỡ nhau về vật chất, động viên về tinh thần đối với gia đình các thành viên trong BLL”.

Với mỗi chiến sĩ Điện Biên, thị xã Nghĩa Lộ hôm nay, điều tâm nguyện lớn nhất là có được sức khỏe và sự minh mẫn để tham gia các buổi giao lưu, nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ, giúp họ hiểu biết về lịch sử, nhất là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua đó, nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng để thế hệ trẻ phấn đấu rèn luyện, học tập xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp xứng đáng với những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước. Các CCB thường được các nhà trường trên địa bàn mời đến kể chuyện truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Từ những buổi nói chuyện của các CCB đã giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là kết tinh của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân, toàn quân ta trên con đường đấu tranh, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, trở thành động lực để bồi đắp thêm lòng yêu nước cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay. 

BLL truyền thống Chiến sĩ Điện Biên, thị xã Nghĩa Lộ đã và đang trở thành địa chỉ đỏ - "sợi dây” nối lịch sử với hiện tại, tương lai, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, lý tưởng sống cho thế hệ trẻ sẵn sàng cống hiến sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. 

Ngọc Sơn

Tags Nghĩa Lộ chiến sỹ Điện Biên tặng quà xòe Thái

Các tin khác
Cô và trò Trường Mầm non Âu Lâu, thành phố Yên Bái tham quan Bảo tàng tỉnh.

Cả dân tộc Việt Nam đang sống lại những ngày tháng lịch sử Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Rất nhiều hoạt động sôi nổi đã và đang được tổ chức nhằm nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau rằng: chúng ta may mắn được hưởng nền hòa bình, độc lập - những điều quý giá nhất mà lớp lớp cha anh đi trước đã cống hiến, hy sinh.

Quang cảnh Lễ thượng cờ Thống nhất non sông

Bến Hải-Hiền Lương đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc và tiềm thức nhân loại là biểu tượng sáng ngời của niềm tin và khát vọng hòa bình, thống nhất non sông; là ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Thanh niên miền Bắc, trong đó có thanh niên Yên Bái hưởng ứng Phong trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. (Ảnh: T.L)

Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn, kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhân dân Yên Bái tự hào vì đã đóng góp được 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm; tiễn đưa gần 25.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Phác luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, cách mạng.

Xã Đại Phác, huyện Văn Yên được coi là cái nôi cách mạng của địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đỉnh cao là chiến công phá tan đồn Đại Phác, chặt đứt một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ theo hành lang Đông - Tây của Pháp mở màn cho chiến thắng sông Thao. Phát huy truyền thống cách mạng, từ một vùng đất nghèo, Đại Phác hôm nay đang chuyển mình, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục