Dưới chân núi Hoàng Liên yêu dấu

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2025 | 4:39:02 PM

YênBái - Yên Bái – Lào Cai sẽ về một nhà, đồng bào các dân tộc 2 tỉnh sẽ lại đầm ấm cùng sinh sống dưới chân núi Hoàng Liên hùng vĩ với cuộc sống thanh bình êm trôi bên dòng sông Hồng nặng đỏ phù sa.

Một góc thành phố Yên Bái hôm nay.
Một góc thành phố Yên Bái hôm nay.


Thông tin sáp nhập hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai, với tôi, không bất ngờ. Tôi chắc chắn như vậy. Bởi ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, thầy tôi - Giáo sư Nguyễn Văn Ba (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã nói: "Tỉnh Hoàng Liên Sơn nhà cậu quá rộng, đi lại khó khăn thật. Lãnh đạo các huyện xa như: Than Uyên, Bắc Hà mà có việc cần về thị xã Yên Bái báo cáo xin ý kiến lãnh đạo tỉnh thì phải đi mất hai ngày, báo cáo xong, về huyện thêm hai ngày nữa, chưa kể phải xuống tận xã, xa cách như thế có khi nhiều việc… đã xong. Tiến tới kiểu gì cũng phải tách tỉnh”.

Rồi thầy Ba của tôi lại khẳng định luôn: "Tách một thời gian, lại sáp nhập thôi. Nghe mâu thuẫn phải không các cậu? Nhưng không đâu, xã hội sẽ ngày càng phát triển, đường sá ngày một tốt lên, phương tiện ngày càng hiện đại hơn, khoảng cách đương nhiên sẽ ngắn lại. Chưa kể thông tin liên lạc, khoa học  - công nghệ, trình độ quản lý, đời sống kinh tế - xã hội phát triển… Việc sáp nhập sẽ diễn ra, lúc đó, không những không ảnh hưởng gì mà còn giảm được bộ máy hành chính”. 

Nghe thầy giải thích cặn kẽ, tôi hiểu ra và mong đến ngày tách tỉnh để cha tôi không phải đi công tác xa nhà (thời đó nhà tôi ở xã Nga Quán, nay là xã Cường Thịnh sau sáp nhập, huyện Trấn Yên). Cha tôi đi tăng cường biền biệt hàng chục năm nơi biên giới, từ Bát Xát tới Cam Đường, Bảo Thắng, gần nhất là Bảo Yên, nhưng một tháng mới về thăm nhà được một lần.


Cao tốc Nội Bài - Lào Cai nối liền hai tỉnh Yên Bái - Lào Cai tạo điều kiện cho bước phát triển mới cho tỉnh Lào Cai sau hợp nhất

Cuối năm 1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia tách thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Cha tôi chuyển về Yên Bái công tác và giờ đây Yên Bái và Lào Cai lại sáp nhập. Vậy là lời thầy đã đúng 100%. Thật quá khâm phục! Tiếc là thầy tôi đã khuất núi, cha tôi cũng đã "về với tổ tiên” không được chứng kiến hai tỉnh Lào Cai - Yên Bái sáp nhập, chứng kiến sự kiện trọng đại, chứng kiến niềm vui của đại gia đình các dân tộc dưới chân núi Hoàng Liên về chung một nhà theo đúng nghĩa đen. 

Đáng để ăn mừng lắm vì đó không chỉ là một dấu mốc lịch sử, là quan điểm và sự chỉ đạo của Trung ương Đảng mà nó còn phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện nay, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại. Hợp nhất để tạo nên sức mạnh, để có một không gian phát triển đủ lớn và để tận dụng lợi thế, đặc biệt là tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng quê trong xu thế hội nhập.

Do yêu cầu của lịch sử, hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai chia tách, dù vậy, cả hai vẫn nằm trong vùng Tây Bắc của Tổ quốc, mang trong mình nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội và truyền thống lịch sử cách mạng. 


Yên Bái - Lào Cai chung dòng sông Hồng bốn mùa chở nặng phù sa, nay mai sẽ là tuyến đường thủy lớn giao thương liên tỉnh từ Lào Cai về đến Hải Phòng.

Lấy dòng họ tôi làm thí dụ. Cha tôi có hơn 30 năm công tác tại các huyện thuộc tỉnh Lào Cai. Anh cả tôi và mấy anh con bác, con bá đều đi bộ đội và trực tiếp chiến đấu tại Ý Tý, Cam Đường, Si Ma Cai, Bắc Hà. Hai người anh họ của tôi, người hy sinh đúng ngày 17/2/1979 tại thị xã Lào Cai, một người ngã xuống sau đó một ngày khi bảo vệ nhà máy Apatite trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phái Bắc Tổ quốc. Dòng họ chúng tôi chia đôi, sinh sống tại hai tỉnh. Trong đó, gia đình ông bà trẻ sống tại khu vực cầu Bùn, huyện Bảo Yên, cách xã Lang Thíp, huyện Văn Yên đúng một con suối… Kể lại chuyện gia đình, dòng họ để thấy được, dù là hai tỉnh nhưng chúng ta vẫn là một. Nếu xét về tâm tư, tình cảm mỗi cá nhân, mỗi gia đình, dòng họ, hay nói rộng hơn vẫn nằm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Về kinh tế, giai đoạn chia tách, mỗi địa phương đều đã tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của mình, tranh thủ, tận dụng, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển và thu được những thành tựu hết sức quan trọng. 

Nếu Lào Cai có thành phố tỉnh lỵ sầm uất, tổng thu ngân sách của tỉnh năm 2024 lên đến trên 13 nghìn tỷ đồng… nhờ vào tiềm năng về khoáng sản, du lịch, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu thì Yên Bái với chủ trương phát triển theo hướng "xanh - hài hòa - bản sắc - hạnh phúc” luôn có sự ổn định và phát triển đồng đều, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân khởi sắc. Huyện Trấn Yên là huyện đầu tiên của vùng Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn (mới 2019). Năm 2024, hai huyện Yên Bình, Văn Yên cùng cán đích nông thôn mới (toàn tỉnh đến nay có 5 huyện thị đạt chuẩn nông thôn mới gồm: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên). Năm 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu trên 60% số thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao.


Một góc thành phố Lào Cai hôm nay.

Hơn 20 năm chia tách, Yên Bái và Lào Cai vẫn là anh em một nhà, lãnh đạo hai tỉnh luôn duy trì mối quan hệ hợp tác về mọi mặt, đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Thỏa thuận hợp tác giữa Lào Cai và Yên Bái được ký kết lần đầu vào ngày 26/2/2006. Hai tỉnh đã thể hiện mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đoàn kết, giao lưu, học hỏi lẫn nhau, là đối tác tin cậy, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hợp tác về các lĩnh vực, tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển. 

Theo đó, nhiều chương trình hợp tác giữa hai bên đã được duy trì triển khai như: Ngành nông nghiệp hai tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng vùng giáp ranh. Công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông, đô thị được hai tỉnh quan tâm triển khai đồng bộ. Từ đó, hợp tác về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông liên kết Lào Cai - Yên Bái và liên kết vùng đạt nhiều kết quả. 

Hiện, đã hoàn thành giai đoạn I của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nâng cấp tuyến quốc lộ 70. Quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao khổ 1.435 mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đi qua Yên Bái) và kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, hai bên còn phối hợp triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường liên huyện giáp ranh giữa hai tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chung trong khu vực. 

Trên lĩnh vực văn hóa và du lịch, cùng với Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai đã từng duy trì và triển khai thành công Chương trình "Du lịch về cội nguồn”; Yên Bái và Lào Cai cũng nằm trong 8 tỉnh duy trì hiệu quả Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua.


Cửa khẩu Lào Cai.

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Yên Bái và Lào Cai cùng nằm trong khu vực phòng thủ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân khu II và Bộ Quốc phòng; công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) luôn được duy trì đảm bảo nhờ sự phối hợp giữa công an hai tỉnh. Đặc biệt, các khu vực giáp ranh luôn luôn được cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an quan tâm. Trong đó, mô hình liên kết bảo đảm ANTT khu vực giáp ranh giữa xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái với xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai được Bộ Công an đánh giá rất cao và yêu cầu nhân rộng ra toàn quốc. 

Một kỷ nguyên phát triển mới đã chính thức mở ra, hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển toàn diện, bền vững hơn nhờ sự kết hợp hài hòa giữa tiềm năng, thế mạnh của cả hai địa phương. Theo đó, với vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ giao thương với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, các tuyến đường sắt, các tuyến đường liên tỉnh... sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế vùng và vươn tầm ra khu vực, quốc tế. 

Sự kết nối giữa tiềm lực về công nghiệp, khoáng sản, dịch vụ logistics của Lào Cai với lợi thế nông - lâm nghiệp và du lịch sinh thái, cộng đồng của Yên Bái sẽ tạo nên sự bổ trợ mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, xanh, bền vững. Sự giao thoa văn hóa của các dân tộc thiểu số và truyền thống cách mạng lâu đời sẽ là nền tảng vững chắc để nhân lên sức mạnh nội sinh, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân.

Còn rất nhiều những chương trình hợp tác giữa hai địa phương, những quy chế phối hợp giữa các ngành, đặc biệt là lịch sử, truyền thống văn hóa, mối quan hệ làm ăn giữa các thành phần kinh tế; tình cảm gắn bó làng quê, dòng tộc, máu mủ… giữa nhân dân các dân tộc Yên Bái - Lào Cai mà trong khuôn khổ một bài viết này không thể kể hết.

Đồng chí Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: "2 tỉnh Yên Bái - Lào Cai phấn khởi, tự hào từng chung một mái nhà Hoàng Liên Sơn, hôm nay tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, nghĩa tình gắn bó, cùng phát triển, mở rộng và nâng tầm, để phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của vùng trung du, miền núi phía Bắc, một điểm sáng trong hợp tác phát triển vùng biên và hội nhập quốc tế, để nhân dân các dân tộc trên địa bàn có cuộc sống ngày càng ấm no, phát triển và hạnh phúc hơn, hiện thực hóa những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Yên Bái và Lào Cai tháng 9 năm 1958”.

Lào Cai và Yên Bái đều có chung lịch sử gắn bó lâu đời và những điều kiện tự nhiên thuận lợi, giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt hai địa phương đều nằm trên trục động lực sông Hồng. Đây là những tiền đề quan trọng khi hợp nhất hai tỉnh phải trở thành "cỗ xe tam mã”, phát triển mạnh mẽ hơn. 


Yên Bái và Lào Cai cùng nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Yên Bái - Lào Cai sẽ về một nhà, đồng bào các dân tộc sẽ lại đầm ấm dưới chân núi Hoàng Liên hùng vĩ, cuộc sống thanh bình em trôi bên dòng sông Hồng nặng đỏ phù sa. Tinh giản biên chế, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả làm một chủ trương lớn, một cuộc cách mạng về thể chế để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Quá trình sắp xếp không tránh khỏi những mất mát, thiệt thòi, nhưng đó chỉ là những hy sinh nhỏ, những thiệt thòi mang tính chất cá nhân… Cái được lớn nhất từ ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nhiều ngày tháng qua là hy sinh phần nhỏ cá nhân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai thế hệ con em chúng ta, để cả dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Lê Phiên

Tags Yên Bái Lào Cai Hoàng Liên

Các tin khác
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII

Bộ Chính trị trình Trung ương Đề án về “Phương hướng Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031” với chủ trương là tổ chức bầu cử sớm hơn.

Quang cảnh buổi họp báo.

Ngày 10/4, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Thành uỷ TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Sáng 10/4, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Sau đây là toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư:

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Yên Bái năm 2025 kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Yên Bình.

Xác định xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để giúp người dân “an cư lạc nghiệp”, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã huy động mọi nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công có nơi ở ổn định. Năm 2025, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu hỗ trợ xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo và hộ gia đình có công với cách mạng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực và điều kiện kinh tế - xã hội, song, Yên Bái quyết tâm "không để ai phải ở nhà tạm, nhà dột nát".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục