Sáng ngày 14-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Phát biểu tại đây, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đánh giá cao cuộc cải cách hành chính đang được triển khai mạnh mẽ.
Nhiều khó khăn thách thức
Theo ông Hận, đây là cuộc cách mạng nền hành chính và khẳng định ông đồng tình, tin tưởng vào sự thành công của cuộc cải cách mang tính lịch sử này.
Tuy nhiên, ông Hận cũng cho rằng việc sáp nhập đơn vị hành chính là thay đổi lớn, ảnh hưởng đến toàn diện đời sống xã hội, từ kinh tế - xã hội cho đến tâm tư, nguyện vọng của người dân.
"Không ít địa danh gắn với lịch sử và người dân địa phương giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Một cấp chính quyền đã hoàn thành sứ mệnh, chấm dứt sự tồn tại”- ông Hận chia sẻ.
Cùng với đó, nhiều cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách sau thời gian dài gắn bó với bộ máy nhà nước phải nghỉ việc, loay hoay tìm hướng đi mới, gặp không ít khó khăn khi tái hòa nhập thị trường lao động. Những người ở lại thì chưa rõ sẽ được bố trí công tác ra sao, nơi ăn chốn ở như thế nào.
Người dân cũng lo ngại việc địa bàn bị nới rộng, trung tâm hành chính xa dân có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Cán bộ cấp xã có tăng nhưng vẫn không bù đắp được so với khi còn cấp huyện. Lực lượng công an xã tuy đông hơn trước nhưng khi xảy ra tình huống cấp bách, không dễ huy động hỗ trợ như trước.
"Địa bàn rộng lớn, giao thông kém khiến việc tiếp cận trung tâm hành chính tỉnh là xa xỉ với người dân vì vừa tốn thời gian, vừa tốn chi phí”- ông Hận nói.
Từ đó, ông đề nghị cần phân cấp mạnh hơn cho chính quyền cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các xã, phường giáp ranh để giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho người dân.
Cách mạng bộ máy thành công nằm ở cấp xã
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng hiệu quả của việc tinh gọn bộ máy phụ thuộc lớn vào tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã. Theo ông, trong mô hình mới, cấp xã giữ vai trò là nơi thực thi chính sách, phục vụ người dân, giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư và cung cấp dịch vụ công thiết yếu.
Vì vậy, ông đề xuất tăng cường nhân sự chuyên trách tại cấp xã, trong đó cần bổ sung số lượng Phó Chủ tịch HĐND và đại biểu chuyên trách ở cấp này.
Ông Ngân cũng kiến nghị cần sửa đổi quy định pháp luật hiện hành theo hướng rõ ràng, linh hoạt hơn.
Cụ thể, tại Điều 39, việc xác định số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã nên giao cho Chính phủ căn cứ vào yếu tố dân số, diện tích, tính chất đô thị - nông thôn, yêu cầu an ninh quốc phòng… để quyết định phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)
Tương tự, số lượng Phó Chủ tịch và đại biểu chuyên trách HĐND cấp xã nên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, nhằm đảm bảo sự phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Về khoản 3 Điều 29 của dự luật, đại biểu Ngân cho rằng việc quy định Trưởng ban HĐND xã là đại biểu không chuyên trách, trong khi Phó Trưởng ban "có thể” là chuyên trách khiến vai trò giám sát ở cấp xã chưa rõ ràng.
"Tôi kiến nghị quy định rõ một trong hai vị trí phải là đại biểu chuyên trách, để nâng cao hiệu quả giám sát và quyết nghị của HĐND cấp xã”- ông nhấn mạnh.
(Theo PLO)