Như vẫn nghe lời Bác dặn dò
- Cập nhật: Thứ tư, 21/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cách đây tròn nửa thế kỷ, ngày 25 tháng 9 năm 1958, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái có niềm vui lớn được đón Bác Hồ đến thăm. Trong buổi nói chuyện với các đại biểu ở sân Căng Yên Bái, Bác Hồ đã phân tích rất giản dị và dễ hiểu vấn đề đoàn kết dân tộc.
Phố huyện Mù Cang Chải hôm nay. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Ngày ấy, tỉnh Yên Bái mới có 10 dân tộc nên Bác đã ví như 10 ngón tay. Bác nói: “Nếu xòe 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào?”. Và Người khẳng định dứt khoát “Phải đập vào đầu chúng nó”.
Vấn đề đoàn kết lúc nào và ở đâu Bác Hồ của chúng ta cũng đặt lên hàng đầu. Nói chuyện với địa phương, đơn vị nào, bao giờ Bác cũng nói đến đoàn kết, có lẽ không một người Việt Nam nào lại không biết câu Bác nói:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công
Với Bác Hồ, đoàn kết không chỉ là lời nói mà phải là những việc làm cụ thể, thiết thực. Bác đã nói với nhân dân Yên Bái: “Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà, dân tộc nhiều người phải giúp đỡ dân tộc ít người, dân tộc ít người cần cố gắng làm ruộng. Hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau. Dân tộc đông người không phải giúp qua loa, cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp. Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm. Giúp nhau thì việc gì cũng nhất định làm được”.
Sức mạnh của đoàn kết, của tập hợp lực lượng còn được Bác giải thích trong việc thành lập tổ đổi công, thông qua hình tượng trực quan, Bác ví dụ: “Một ngón tay có đỡ nổi cái ống phóng thanh? Năm ngón tay cũng chưa chắc, phải cả 10 ngón tay mới nổi. Ở nông thôn làm ăn riêng lẻ 1-2 nhà thì không tốt, làm ít kết quả, 5-10 nhà cùng làm thì nhanh hơn, tốt hơn. Cho nên phải vào tổ đổi công”.
Ngoài vấn đề hàng đầu là đoàn kết, trong buổi nói chuyện, Bác căn dặn rất kỹ lưỡng về nhiệm vụ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm để nâng cao đời sống cho nhân dân. Và người cũng khẳng định đó là nhiệm vụ của tổ chức Đảng, chính quyền, của cán bộ đảng viên và toàn thể nhân dân. Bác nói rằng, muốn sản xuất được nhiều phải làm ăn định canh, phải tăng vụ và chăm sóc đầy đủ. Bởi vì “Ruộng không có phân như người không có cơm... muốn nhiều thóc phải bỏ nhiều phân”.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn ngủi được nghe Bác chỉ bảo dặn dò, vậy mà mỗi người dân Yên Bái học được biết bao bài học lớn, mỗi lời Bác dạy là hành trang quí giá để chúng ta vươn tới ấm no. Vấn đề tiết kiệm Bác thường xuyên nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân. Bác ví “cần” mà không “kiệm” thì như gió vào nhà trống. Còn với nhân dân Yên Bái, Bác nói rất mộc mạc mà ai cũng hiểu: “Ví dụ, mỗi gia đình trước kia thu được 1 tấn, bây giờ nhờ có phân bón nên được 2 tấn, thế là có tăng gia, tăng gia nhiều đấy! Nhưng làm được bao nhiêu lại chén hết thì kết quả cũng như không”.
Bác nghiêm khắc phê phán những hủ tục, tập quán lãng phí, tốn kém trong đám cưới, đám ma. Bác cho rằng, những hủ tục đó là không tốt, mà đã không tốt là xấu và người yêu cầu đã xấu thì phải sửa. Bấm trên đầu ngón tay, Bác làm một con tính đơn giản, nếu mỗi người mỗi ngày tiết kiệm một dúm gạo thì mỗi năm tỉnh Yên Bái tiết kiệm được 750 tấn gạo. Tiết kiệm mỗi ngày 1 dúm gạo thì quả là không khó, nhưng để ai cũng hiểu, cũng tự giác thực hiện thì phải tuyên truyền, vận động và có cách làm cụ thể, thiết thực. Bác Hồ nói: “Làm như thế có khó không? Không khó. Có dễ không? Không dễ. Mà phải có tổ chức”.
50 năm đã trôi qua với biết bao vần xoay, biến đổi. Những sự kiện lớn lao như cuộc vận động chuyển dân để xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà - đứa con đầu lòng của ngành thủy điện Việt Nam. Rồi đến sáp nhập tỉnh Hoàng Liên Sơn năm 1976, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 và tái lập tỉnh Yên Bái năm 1991. Trước mọi thử thách và biến động xã hội, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn nhớ lời Bác căn dặn hôm nào, tiếp tục đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, phát huy tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Yên Bái thành địa phương phát triển trong khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc.
Không nói đâu xa, chỉ nhìn vào vài sự kiện nổi bật năm 2007 vừa qua như: tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,66%, cao nhất từ trước tới nay, thu nhập bình quân đầu người trên 6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 24,16%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH với tổng vốn đầu tư cho phát triển gần 2500 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều công trình lớn được xây dựng, một số công trình đã đưa vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; nhân dân các dân tộc, các tôn giáo đoàn kết, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng an ninh, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị không ngừng được nâng lên; chỉ bấy nhiêu sự kiện, chúng ta cũng thấy rõ thế và lực của tỉnh nhà đã và đang chắp cánh vươn lên. Điều mong muốn của Bác Hồ đang ngày càng trở thành hiện thực trên quê hương Yên Bái thân yêu.
Tháng 5 mừng sinh nhật Bác, nhớ Bác, đọc lại và suy ngẫm bài nói chuyện của Bác với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái từ 50 năm trước, những lời ân cần âu yếm ấy như vẫn đang vang trong tâm trí mỗi người con Yên Bái hôm nay.
Bùi Văn Tòng
Các tin khác
YBĐT - Ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), cách thức tổ chức thi kể chuyện về Bác đã trở thành một tiết học đặc biệt được toàn trường đón đợi. Tiết học đặc biệt ấy đã thực sự chuyển tải, thấm nhuần một cách hiệu quả nhất những bài học đạo đức, những gửi gắm mà Bác Hồ hàm ý qua từng câu chuyện tới học sinh toàn trường và cả các thầy cô giáo một cách sâu sắc nhất.
Ngày 20/5/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Hội và thông lệ quốc tế, kêu gọi huy động nguồn lực của nhân dân Việt Nam giúp đỡ nhân dân Trung Quốc đã bị thiệt hại do động đất tại tỉnh Tứ Xuyên vào giữa tháng 5/2008; giúp đỡ nhân dân Myanmar bị thiệt hại do cơn bão Nargis đầu tháng 5/2008.
YBĐT - Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt 35 năm qua, cán bộ, chiến sỹ lực lượng kiểm lâm Yên Bái đã không nề gian khổ, hiểm nguy, luôn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa có thư gửi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nhân Ngày truyền thống phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2008, toàn văn như sau: