Dự thảo Luật Cán bộ, công chức: Xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2008 | 12:00:00 AM

Chiều 21/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu Quốc hội nghe trình bày và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức. Đây là dự án Luật quan trọng, tác động trực tiếp đến đội ngũ gần 2 triệu cán bộ, công chức ở nước ta và có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (trước đây dự kiến gọi là Dự thảo Luật Công vụ) gồm 8 chương, 91 điều, trong đó quy định cụ thể về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền của cán bộ, công chức; đạo đức, văn hoá giao tiếp của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; công tác khen thưởng kỷ luật đối với cán bộ công chức…

Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Dự án Luật Cán bộ, công chức là đổi mới một cách cơ bản hoạt động công vụ và quản lý cán bộ, công chức phù hợp với thể chế chính trị ở Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gắn với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phù hợp với sự đổi mới vai trò của Nhà nước theo hướng quản lý, phục vụ, đáp ứng các nhu cầu, lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cán bộ, công chức của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sớm ban hành dự án Luật Cán bộ, công chức theo Tờ trình của Chính phủ, trong đó quán triệt chủ trương đã được khẳng định trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng: “xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thật sự là công bộc của nhân dân. Thực hiện các giải pháp nhằm chấn chỉnh bộ máy và quy chế hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức”.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng nêu rõ những kết quả và hạn chế của những biện pháp cải cách nền hành chính quốc gia trong thời gian qua: nền hành chính phục vụ đã bắt đầu hình thành thay thế cho nền hành chính quan liêu, bao cấp; công tác tuyển chọn, quản lý cán bộ, công chức ngày càng công khai, minh bạch, có sự phân cấp rõ hơn về thẩm quyền; đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo cơ bản, tăng về số lượng và chất lượng, bước đầu đã có sự chuẩn hoá; một số cơ quan của Nhà nước, của Đảng đã được sắp xếp lại theo hướng tinh giảm… Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu của nhân dân cũng như mong muốn của Đảng và Nhà nước.

Phát biểu tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã phân tích, góp ý và đề nghị làm rõ một số nội dung quy định trong Dự thảo Luật Cán bộ, công chức, cụ thể như: về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Cán bộ, công chức; về việc có nên quy định về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong Luật này; về thanh tra công vụ; về chính sách lựa chọn, sử dụng và đãi ngộ tài năng trong hoạt động công vụ; về tuyển dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức…

Ngày 22/5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức. Buổi chiều, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua các Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh.

(Theo ĐCSVN)

Các tin khác
Phố huyện Mù Cang Chải hôm nay. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Cách đây tròn nửa thế kỷ, ngày 25 tháng 9 năm 1958, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái có niềm vui lớn được đón Bác Hồ đến thăm. Trong buổi nói chuyện với các đại biểu ở sân Căng Yên Bái, Bác Hồ đã phân tích rất giản dị và dễ hiểu vấn đề đoàn kết dân tộc.

YBĐT - Ở Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), cách thức tổ chức thi kể chuyện về Bác đã trở thành một tiết học đặc biệt được toàn trường đón đợi. Tiết học đặc biệt ấy đã thực sự chuyển tải, thấm nhuần một cách hiệu quả nhất những bài học đạo đức, những gửi gắm mà Bác Hồ hàm ý qua từng câu chuyện tới học sinh toàn trường và cả các thầy cô giáo một cách sâu sắc nhất.

Ngày 20/5/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Hội và thông lệ quốc tế, kêu gọi huy động nguồn lực của nhân dân Việt Nam giúp đỡ nhân dân Trung Quốc đã bị thiệt hại do động đất tại tỉnh Tứ Xuyên vào giữa tháng 5/2008; giúp đỡ nhân dân Myanmar bị thiệt hại do cơn bão Nargis đầu tháng 5/2008.

Rừng nguyên sinh ở xã Nà Hẩu (Văn Yên). (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Thực hiện lời dạy của Bác, trong suốt 35 năm qua, cán bộ, chiến sỹ lực lượng kiểm lâm Yên Bái đã không nề gian khổ, hiểm nguy, luôn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục