Hôm nay (1-7), Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch HĐBA LHQ

Sẵn sàng cho trọng trách quốc tế lớn

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/7/2008 | 12:00:00 AM

Hôm nay (1-7), Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ). Nhân sự kiện quan trọng này, ông Lê Hoài Trung - Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), đã có cuộc trao đổi với báo giới về chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐBA của Việt Nam trên cương vị và trọng trách đặc biệt này.

- Chúng ta đã có bước “khởi động” cho nhiệm vụ mới là Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ được 6 tháng. Những công việc mà Việt Nam đã làm trong 6 tháng qua ở HĐBA LHQ đã giúp gì cho công việc Chủ tịch HĐBA LHQ?

 

Là Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam chủ động tham gia các hoạt động của HĐBA, đóng góp vào tất cả văn kiện của HĐBA LHQ nhằm bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước.

Trong 6 tháng qua, sau khi gia nhập HĐBA LHQ, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, được các nước đánh giá cao. Các công đoạn vận hành bộ máy của Việt Nam khi tham gia HĐBA trong 6 tháng qua nhìn chung diễn ra khá suôn sẻ theo đúng hoạch định của chúng ta. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa Đại sứ nước ta tại LHQ với các cơ quan chức năng ở trong nước mà đặc biệt là Bộ Ngoại giao khá tốt. Công việc của Ủy viên HĐBA LHQ rất bận với cường độ làm việc lớn, khẩn trương, nhưng Việt Nam bước đầu đã bắt nhịp nhanh với các hoạt động của HĐBA. Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình an ninh chính trị thế giới không có những biến động lớn, không có những sự kiện liên quan đến an ninh trật tự gây ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên các cuộc xung đột đã tồn tại từ trước ở châu Phi, Trung Đông; các vấn đề liên quan đến Iran, Sudan, Serbia, Myanmar… cũng nảy sinh một số phức tạp mới đòi hỏi phải giải quyết.

Việt Nam tích cực đóng góp ý kiến để các phái bộ của LHQ hoạt động có hiệu quả hơn. Đại diện Việt Nam tại HĐBA đã góp phần làm tăng cường hợp tác giữa các thành viên Tổ chức Không liên kết, giúp cho tổ chức này có tiếng nói chất lượng hơn trong quan hệ quốc tế đa phương. Những hoạt động của Việt Nam ở HĐBA trong 6 tháng đầu tiên gia nhập đã giúp cho nước ta có vị thế tốt hơn trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, là tiền đề quan trọng để Việt Nam sẵn sàng đảm nhận trọng trách lớn ở LHQ.

- Theo ông đâu là những kết quả thể hiện rõ nét vai trò của Việt Nam ở HĐBA LHQ thời gian qua?

Việc Việt Nam trở thành Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ và tích cực thể hiện quan điểm, cũng như tìm giải pháp góp phần hạ nhiệt các điểm nóng và hòa giải các mâu thuẫn trên thế giới được các nước đánh giá rất cao. Việt Nam đã tham gia chủ động vào các cuộc họp của HĐBA, đóng góp vào tất cả văn kiện của hội đồng nhằm bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các dân tộc. Với việc thể hiện thái độ tích cực trong giải quyết các xung đột, khủng hoảng trên thế giới, kêu gọi các bên kiềm chế, đối thoại; ủng hộ các giải pháp tổng thể, tính tới lợi ích chính đáng của tất cả các bên... Nhiều nước đã ghi nhận, bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục giữ “phong độ” tích cực của mình để góp phần vào duy trì hòa bình, an ninh thế giới; đồng thời, đóng vai trò quan trọng hơn trong Phong trào Không liên kết. 

- Khi đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐBA, Việt Nam có đặt ra nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá nào không, thưa ông?

Theo thứ tự luân phiên, Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ trong 1 tháng, từ ngày 1-7-2008 đến ngày 31-7-2008. Đảm nhiệm chức vụ này là một công việc rất nặng, trong đó có việc phải chuẩn bị báo cáo để trình bày trước Đại hội đồng LHQ đề cập đến tất cả mọi vấn đề, liên quan đến mọi khu vực trên thế giới.

Trên cương vị Chủ tịch HĐBA, Việt Nam sẽ phải xây dựng chương trình làm việc tháng và chương trình nghị sự các cuộc họp của HĐBA. Đây là công việc khá phức tạp vì phải xử lý nhiều yêu cầu khác nhau của các nước về việc đưa hoặc không đưa một vấn đề nào đó vào chương trình nghị sự, thời điểm và thành phần mời tham dự. Với thẩm quyền của Chủ tịch HĐBA, Việt Nam sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ các nước đạt được sự thống nhất chung. Không chỉ vậy, Việt Nam sẽ chủ trì, điều hành các cuộc họp kín hoặc công khai của hội đồng. Để chuẩn bị cho các cuộc họp này, Chủ tịch HĐBA sẽ phải tiến hành các cuộc tham khảo với các nước thành viên HĐBA khác, các nước, các tổ chức, cá nhân liên quan để thương lượng dự thảo các tài liệu của HĐBA như các tuyên bố, nghị quyết.

Với tư cách Chủ tịch HĐBA, Việt Nam sẽ thay mặt Đại hội đồng phát biểu, trả lời báo chí, thông báo cho các nước thành viên LHQ về kết quả các cuộc họp của hội đồng. Trong thời gian làm Chủ tịch, Việt Nam sẽ đại diện cho HĐBA trong quan hệ với các nước, các tổ chức trong và ngoài LHQ, trong đó thường xuyên phải điều hành các cuộc gặp với Tổng thư ký LHQ và các lãnh đạo cấp cao khác của Ban thư ký LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - xã hội, các nước có yêu cầu...

- Việc đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ vào tháng 7 và phải chuẩn bị báo cáo năm của HĐBA có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam?

Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Khi nước nào đảm nhận cương vị Chủ tịch vào tháng 7, thì sẽ làm báo cáo năm của HĐBA. Sự trùng hợp này mang đến cho Việt Nam thêm nhiều trọng trách và nhiệm vụ phát sinh. Tuy nhiên, cũng có thể đây lại là điều tốt cho Việt Nam. Bởi khi làm báo cáo năm, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn để khẳng định vai trò và đóng góp của mình với cộng đồng quốc tế; đồng thời, qua đó cũng tranh thủ mở rộng quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước thành viên của LHQ. Việt Nam phải chuẩn bị báo cáo năm của HĐBA (giai đoạn từ 31-7-2007 đến 31-7-2008) gửi Đại hội đồng LHQ, kiểm điểm hoạt động của HĐBA trên tất cả 60 đề mục trong chương trình nghị sự hiện nay.

- Như vậy, nhiều thách thức chờ đón Việt Nam khi đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐBA?

Để có thể đảm đương vai trò Chủ tịch HĐBA, chúng ta cũng phải hiểu rõ và vận dụng thông thạo các thủ tục, nắm rõ các vấn đề đang thảo luận tại HĐBA để nắm được quan điểm của tất cả các nước, các nhóm nước về vấn đề đó. Thách thức lớn nhất là việc tham gia vào các công việc của quốc tế, quyết định những vấn đề mang tính hòa bình, an ninh quốc tế, trong đó có rất nhiều sự kiện xảy ra, rất phức tạp và tế nhị đòi hỏi phải giữ vững lập trường nhưng cũng phải linh hoạt. Điều này đòi hỏi các cán bộ ngoại giao không chỉ giỏi chuyên môn, có quá trình tích lũy kinh nghiệm để có thể tham gia thảo luận các vấn đề, mà còn cần sự phối hợp thống nhất thông suốt giữa các đại diện ngoại giao Việt Nam ở LHQ và các cơ quan chức năng ở trong nước để có những quyết định đúng đắn, phù hợp với Hiến chương LHQ và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

- Cảm ơn ông. 

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại LHQ, Đại sứ Lê Lương Minh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại diện của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, Chủ tịch HĐBA trong tháng 7-2008, khẳng định: Chúng ta đã sẵn sàng đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 7-2008.

Đại sứ Lê Lương Minh cho rằng nhiệm kỳ Chủ tịch HĐBA có thành công hay không phụ thuộc vào vai trò của chủ tịch trong việc điều hành và phối hợp các hoạt động của HĐBA, vai trò trung gian tạo điều kiện dung hòa bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên để HĐBA có tiếng nói chung đối với những vấn đề được thảo luận, khả năng tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan khác của LHQ và khả năng phối hợp với các nước và đối tác ngoài HĐBA và báo chí. Đại sứ nhấn mạnh, trong khi đóng vai trò điều phối, dung hòa quan điểm và lợi ích giữa các nước thành viên, chủ tịch phải bảo vệ được quan điểm, lợi ích quốc gia, mà không có thái độ thiên vị trong phương pháp điều hành.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Đảng ủy Quân sự tỉnh Yên Bái: Bồi dưỡng đối tượng Đảng và lý luận chính trị cho đảng viên mới/Đảng bộ huyện Lục Yên: Kết nạp 109 đảng viên mới

YBĐT - Ngay sau khi có Nghị quyết số 49 - NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Tỉnh uỷ Yên Bái xác định rõ Nghị quyết là một chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược của Đảng đối với công cuộc cải cách tư pháp, nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ giữa cải cách tư pháp với cải cách kinh tế và cải cách hành chính phục vụ sự nghiệp đổi mới.

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc cùng lãnh đạo các ngành và thị xã Nghĩa Lộ thăm gia đình chị Cầm Thị Bình, bản Lè 2, phường Trung Tâm làm giàu từ nghề dệt thổ cẩm.

YBĐT - Nằm ở phía tây của tỉnh Yên Bái, đây là địa bàn lớn, nơi tập trung sinh sống của phần lớn đồng bào Mông, Thái, Dao… Vì vậy, nơi đây cũng là nơi khó khăn, đặc biệt, hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu, tỷ lệ đói nghèo rất cao. Giải quyết bài toán miền Tây là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, huyện.

YBĐT - Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử dân tộc. Mặc dù ở xa các trung tâm đô thị lớn song ảnh hưởng của Đảng có tác động lớn đến phong trào cách mạng ở Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục