Giải bài toán miền Tây

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nằm ở phía tây của tỉnh Yên Bái, đây là địa bàn lớn, nơi tập trung sinh sống của phần lớn đồng bào Mông, Thái, Dao… Vì vậy, nơi đây cũng là nơi khó khăn, đặc biệt, hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu, tỷ lệ đói nghèo rất cao. Giải quyết bài toán miền Tây là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, huyện.

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc cùng lãnh đạo các ngành và thị xã Nghĩa Lộ thăm gia đình chị Cầm Thị Bình, bản Lè 2, phường Trung Tâm làm giàu từ nghề dệt thổ cẩm.
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc cùng lãnh đạo các ngành và thị xã Nghĩa Lộ thăm gia đình chị Cầm Thị Bình, bản Lè 2, phường Trung Tâm làm giàu từ nghề dệt thổ cẩm.

Cuối tháng 6 này, cùng đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Hoàng Xuân Lộc dẫn đầu, chúng tôi đến miền Tây để tìm hiểu những khó khăn và giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nhân dân nơi đây.

Dù đường trơn do trời mưa tầm tã gần cả tháng trời, nhưng gia đình Khang Giàng Lử và Hờ A Sang  ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha  vẫn "vinh dự" được  đón đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh và huyện Mù Cang Chải đến thăm.

Bên bếp lửa  ấm cúng trong căn nhà rộng, thay mặt bà con dân bản, chủ nhà Khang Giàng Lử báo cáo với đồng chí Bí thư  và đoàn công tác của tỉnh: “Được sự  quan tâm đầu tư giúp đỡ của Nhà nước, người Mông bản Dề Thàng đã định canh, định cư, được vay vốn để đầu tư sản xuất, trồng lúa nước, ngô, rau màu, phát triển chăn nuôi… Vì vậy, đời sống của bà con đã khá hơn,  nhiều hộ đã đủ ăn, đủ mặc. Nhưng, để xóa đói giảm nghèo bền vững bà con vẫn vẫn rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước trong việc hỗ trợ cây, con giống,  vốn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất”.

Đem  theo những tâm tư, nguyện vọng của người dân và những nhận định đánh giá sau khi trực tiếp xuống cơ sở, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Mù Cang Chải, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Xuân Lộc đã biểu dương những kết quả mà Đảng bộ huyện đạt được trong thời gian qua, như: khắc phục khó khăn về thời tiết cấy  được 448ha lúa đông xuân, đưa tổng sản lượng lương thực vụ xuân ước đạt trên 3.500 tấn; gieo 142 ha đậu tương, 910 ha ngô; chỉ đạo làm tốt vụ mùa với cơ cấu giống mới chiếm trên 70%; tiếp tục duy trì và khôi phục đàn gia súc, đẩy mạnh việc trồng rừng, bảo vệ rừng; làm tốt lĩnh vực y tế - xã hội... song những kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Vì vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Đảng bộ huyện Mù Cang Chải trước mắt cần vận động nhân dân tập trung làm tốt vụ mùa, vụ hè thu để bảo đảm an ninh lương thực. Lâu dài hơn, ngoài lúa, phải đưa các loại cây như: ngô, đậu tương, lạc, các loại cây lấy bột... vào canh tác, Đảng bộ phải phấn đấu để giải quyết đói giáp hạt vào năm 2010.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói chuyện với gia đình Khang Giàng Lử - bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.

Rời Mù Cang Chải, xuôi đèo Khau Phạ, đoàn công tác đến với huyện vùng cao Trạm Tấu. Cùng là vùng cao, nhưng xét về tổng thể, Trạm Tấu còn khó khăn hơn Mù Cang Chải. Theo điều tra  mới nhất,  toàn huyện có 4104 hộ, trên 23 ngàn nhân khẩu thì có tới 1979 hộ nghèo. Vì vậy, đầu năm qua, tỉnh đã phải hỗ trợ trên 140 tấn gạo cứu đói cho 1.723 hộ dân. Trong hàng loạt nguyên nhân đói nghèo như: địa hình phức tạp khó khăn trong sản xuất, trình độ dân trí thấp, tư tưởng trông chờ ỷ lại còn nặng nề, thời tiết khắc nghiệt..., còn do việc chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Những năm trước đây, Trạm Tấu loay hoay không biết “nuôi con gì, trồng cây gì”, nhưng đến nay, sau nhiều thử nghiệm, nhiều loại cây trồng có thể giúp bà con nơi đây thoát khỏi đói nghèo. Cụ thể, vụ  lúa  chiêm xuân này năng suất  lúa ước đạt 41 tạ/ha; các loại cây như: đậu tương, ngô xuân, lạc...  đều sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Nhưng do công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, nhất là cán bộ, đảng viên các xã chưa thật sự bám dân nên kết quả ở cơ sở có sự chuyển biến chậm, diện tích cây trồng thấp, dẫn đến nhiều hộ dân vẫn đói nghèo. Từ đói nghèo, hàng loạt vấn đề xã hội nảy sinh như việc phá rừng, buôn bán lâm sản, tái trồng thuốc phiện, trộm cắp...

Sau khi đi kiểm tra tình hình thực tế, tìm hiểu đời sống bà con thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, trong  buổi làm việc với lãnh đạo huyện Trạm Tấu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nghiêm khắc kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền huyện Trạm Tấu. Phân tích những thuận lợi, khó khăn và những giải pháp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: “Trong nhiều giải pháp để đưa Trạm Tấu nhanh chóng thoát khỏi khó khăn thì giải pháp đột phá là công tác cán bộ.  Để làm tốt công tác cán bộ, cùng với việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất chính trị, huyện cần làm tốt công tác luân chuyển cán bộ, nếu khó khăn tỉnh sẽ hỗ trợ nguồn cán bộ. Bên cạnh đó, huyện cần xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm phẩm chất đạo đức, thay thế những cán bộ năng lực yếu”.

Trong chuyến công tác này, điều chúng tôi cảm nhận là những trăn trở của đồng chí  Bí thư Tỉnh ủy về vấn đề rừng. Hai huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu đều có vài chục nghìn héc ta rừng, sản vật rừng phong phú, đa dạng, nhưng một nghịch lý là đời sống bà con vẫn nghèo! Rừng thì vẫn bị phá, bị khai thác và cháy. Nguyên nhân sâu xa từ khâu quản lý: rừng chưa có chủ thực sự mà ở đây không ai khác chính là người dân địa phương. Vì vậy, nên trong tư tưởng chỉ đạo tại hai huyện vùng cao, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy luôn khẳng định: Việc giao đất, giao rừng cần phải được đẩy nhanh, mà chủ thể số một vẫn là các hộ dân, người dân cần có rừng để chăm sóc, bảo vệ và được hưởng lợi trực tiếp từ rừng.

Nằm dưới cánh đồng Mường Lò trù phú, thị xã Nghĩa Lộ đã mang dáng dấp một đô thị hiện đại. Năm 2007, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị xã đạt 15%, thu ngân sách đạt 14,2 tỷ đồng, giá trị canh tác trên 1 ha diện tích đạt 48,5 triệu đồng... 6 tháng đầu năm  2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế  thị xã vẫn có bước tăng trưởng khá.

Những mô hình mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến thăm cũng là những mô hình có quy mô, cách thức làm ăn khá bài bản. Đó là  hộ  gia đình anh Phạm Vũ Phương, tổ 13, phường Tân An đầu tư 1,4 tỷ đồng nuôi hàng trăm con nhím thương phẩm hay hộ gia đình anh Đào Công Thuận ở bản Lè 2 phường Trung Tâm đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi lợn...

Dù đã có bước phát triển khá, nhưng với một thị xã có tới 70% dân số làm nông nghiệp để người dân vươn lên làm giàu cũng là những vấn đề phải bàn. Gợi mở những vấn đề đối với lãnh đạo thị xã, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Nghĩa Lộ cần phải có bước đột phá về quy hoạch chi tiết đồng ruộng, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó cần chú ý việc dồn điền đổi thửa tích tụ ruộng đất, nông nghiệp cần đi thẳng vào  sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, có như vậy, thị xã mới tạo được bước đột phá trong sản xuất.

Trong mỗi buổi làm việc với lãnh đạo địa phương, cùng đưa ra các giải pháp cụ thể, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy  bao giờ cũng nhấn mạnh yếu tố “cán bộ”.  Cán bộ là cái gốc của công việc, là người vừa đưa chủ trương, chính sách của đảng vào cuộc sống, đồng thời phải là người thực hiện chủ trương, chính sách đó. Bên cạnh đó, người cán bộ, đảng viên phải là người có tư duy năng động, bám dân, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào với những việc làm cụ thể, sát thực như đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa các hủ tục lạc hậu, những nhận thức cũ, lạc hậu... Như vậy, mỗi cán bộ sẽ là tấm gương để bà con học tập noi theo. Nếu cán bộ không gương mẫu, vẫn trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, vào Nhà nước thì việc không chuyển biến ở cơ sở là điều tất yếu!

Bài toán đói nghèo và phát triển không phải là những gì cao siêu mà xuất phát từ thực tế, đó là việc đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, đưa các loại cây con vào nuôi trồng với cơ cấu mùa vụ hợp lý; là áp dụng khoa học vào sản xuất, đẩy mạnh trồng rừng và giữ rừng, phát triển cơ sở hạ tầng...vv... 

Nhưng để làm được điều đó, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước thì mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân phải thực sự vượt lên chính mình, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục tính trông chờ, ỷ lại trong mỗi người. Làm được điều đó, viễn cảnh một miền Tây không còn đói nghèo,  một miền Tây phát triển trong tương lai sẽ không còn xa nữa.

Nguyễn Đình

Các tin khác

YBĐT - Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử dân tộc. Mặc dù ở xa các trung tâm đô thị lớn song ảnh hưởng của Đảng có tác động lớn đến phong trào cách mạng ở Yên Bái.

Đã 6 tháng Việt Nam thực hiện vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2008-2009. Dư luận quốc tế đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng đã được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu tại HĐBA thời gian qua. Từ ngày 1/7 đến 31/7 tới, Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ. Dư luận một lần nữa tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh mới và hết sức quan trọng này.

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945- 30/6/2008), Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt các cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ đang cư trú trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Đại lộ Nguyễn Thái Học bên hồ công viên Yên Hòa.

YBĐT - Cả 11 Đảng bộ xã, phường cùng các chi Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ thành phố Yên Bái đã và đang phát huy truyền thống 63 năm để hoàn thành trọng trách là vai trò hạt nhân lãnh đạo mọi nhiệm vụ, để thành phố Yên Bái xứng đáng là Trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục