Nhân rộng và đẩy mạnh Phong trào “đền ơn đáp nghĩa”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa" của toàn tỉnh Yên Bái trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, các địa phương đều nỗ lực thực hiện tốt 5 chương trình chăm sóc người có công. Đã xây dựng được trên 85 % số xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”...

Đại tá Nguyễn Văn Khải - Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh tặng quà cho gia đình thương binh Đinh Kim Tuấn (Văn Chấn). (Ảnh: Thanh Năm)
Đại tá Nguyễn Văn Khải - Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh tặng quà cho gia đình thương binh Đinh Kim Tuấn (Văn Chấn). (Ảnh: Thanh Năm)

Cách đây 61 năm , ngày 27/7 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Ngày Thương binh toàn quốc, sau đổi thành Ngày Thương binh Liệt sĩ để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỏ lòng hiếu nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử, có ý nghĩa chính trị xã hội hết sức to lớn, khắc ghi trong tình cảm đạo lý của mỗi con người Việt Nam. Việc triển khai các hoạt động “ Đền ơn đáp nghĩa” là việc làm thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân và hàng năm tháng 7 là tháng hành động cao điểm của phong trào “ Đền ơn đáp nghĩa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, thương yêu và giúp đỡ họ” và quan điểm của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới đó là “Không chờ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội”...

Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã và đang làm được nhiều việc làm thiết thực trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chăm lo đời sống vật chất tinh thần của các gia đình có công với cách mạng ngày một tốt hơn, góp phần quan trọng vào việc giữ vững trật tự an ninh chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển .

Trong việc quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, toàn tỉnh đang quản lý trên 6 vạn hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó có trên 5 vạn người tham gia hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến đã được giải quyết chế độ hưởng trợ cấp 1 lần và trên 8.000 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, với số tiền chi trả trợ cấp hàng tháng trên 5 tỷ đồng, thực hiện việc  quản lý và chi trả trợ cấp  cho đối tượng chính sách bảo đảm đúng chế độ quy định .

Phong trào “ Đền ơn đáp nghĩa" của toàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả  rất đáng khích lệ, các địa phương đều nỗ lực thực hiện tốt 5 chương trình chăm sóc người có công. Đã xây dựng được trên 85 % số xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”: 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị chăm sóc phụng dưỡng,  100% đối tượng chính sách là bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ mồ côi được nhận đỡ đầu, chăm sóc. 

Trong 3 năm qua đã huy động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 3,8 tỷ đồng, riêng năm 2007 đã vận động ủng hộ được gần 1,7 tỷ đồng, hỗ trợ làm mới và tu sửa 112 nhà tình nghĩa cho người có công trị giá trên 1,6 tỷ đồng. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các đợt điều dưỡng tập trung tại Sầm Sơn -Thanh Hoá, Bãi Cháy - Quảng Ninh, Nhà nghỉ điều dưỡng cán bộ tỉnh cho gần 300 người và tổ chức điều dưỡng tại gia đình cho trên 1000 người có công, tạo điều kiện động viên người có công trong tỉnh được cải thiện, nâng cao sức khoẻ tiếp tục đóng góp cho xã hội. Con của những người có công đều được ưu tiên trong việc  học hành, được cấp tiền mua sách bút, đồ dùng học tập theo quy định, đồng thời được trợ cấp hàng tháng khi theo học tại các trường đào tạo nghề, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong toàn quốc.

Đến nay đã có trên 1000 học sinh, sinh viên được trợ cấp ưu đãi hàng tháng và gần 2000 học sinh được trợ cấp 1 lần, tạo điều kiện thuận lợi để con của người có công yên tâm phấn đấu học tập tốt. Công tác quản lý, chăm sóc, tu sửa nâng cấp các mộ, nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ luôn được chú trọng thường xuyên, phục vụ tốt việc thăm viếng của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực trạng nhà ở và mức sống của người có công trên địa bàn đầu năm 2008, toàn tỉnh còn trên 1.700 người có công người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến) còn khó khăn  về đời sống và nhà ở. Đây là nhóm người có công ngoài diện hưởng trợ cấp thường xuyên của Chính phủ (mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ), họ đã có những cống hiến nhất định trong các cuộc kháng chiến, nay tuổi già, sức yếu, gặp khó khăn về đời sống và nhà ở, đặt ra nhiệm vụ, nhận thức trách nhiệm mới đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, ủy ban mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới, nhằm bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng đồng thời phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội để Yên Bái  phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Điển hình trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là các địa phương, đơn vị: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Ngân hàng nhà nước tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Điện lực Yên Bái, Công ty Xăng dầu Yên Bái, Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác bà, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái và nhiều đơn vị khác. Những hoạt động, việc làm thiết thực của các địa phương và cơ quan, đơn vị đã góp phần quan trọng chăm sóc ngày càng tốt hơn cả về đời sống vật chất và tinh thần cho những người và gia đình có công với cách mạng.

Bản thân nhiều anh chị em thương, bệnh binh không những chấp hành nghiêm chính sách của Đảng và Nhà nước mà luôn có ý thức không trông chờ ỷ lại, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế làm giàu cho chính gia đình và quê hương, đất nước, xứng đáng là những “công dân kiểu mẫu” và gia đình cách mạng gương mẫu địa phương.

Tiêu biểu như vợ chồng thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Hùng và Đỗ Thị Nhâm ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái; Anh hùng lao động - thương binh 1/4 Khổng Minh Quí ở Phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái; thương binh Bế Thanh Cảm ở Minh Xuân, huyện Lục Yên; thương binh 1/4 Nguyễn Văn Thà ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái; thương binh 1/4 Lương Viết Huấn ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình; thương binh 1/4 Bùi Đức Trọng ở thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên...

Phát huy những thành tích đã đạt được và phấn đấu làm tốt hơn hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm tới, cần tập trung làm tốt những nội dung cơ bản, đó là:

1. Quản lý nắm chắc đối tượng người có công, thực hiện đúng chế độ chính sách, chi trả trợ cấp đầy đủ kịp thời, thực hiện công khai hoá các chế độ  ưu đãi đối với đối với người có công ngay tại cơ sở xã, phường, thị trấn; kiên quyết không để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực thực hiện chính sách đối với  người có công.

2. Phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể để có chương trình hành động với mục tiêu: không để còn hộ gia đình chính sách nghèo đói, nhà cửa dột nát, trước mắt quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi để hơn 1.700 người có công thuộc diện được thưởng huân, huy chương trong các cuộc kháng chiến có điều kiện nhà ở và đời sống tốt hơn.

3. Thường xuyên kiểm tra,  duy trì các xã, phường có phong trào làm tốt công tác thương binh liệt sĩ người có công; phấn đấu đến năm 2009 toàn tỉnh có 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh  liệt sỹ và người có công.

4. Nâng cao chất lượng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đổi mới công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng và thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người có công .

5. Thực hiện tốt quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ do UBND tỉnh ban hành, làm tốt việc quản lý chăm sóc, tu sửa, nâng cấp các mộ, nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi liệt sĩ; phấn đấu xây dựng để các công trình ghi công liệt sỹ trở thành các công trình văn hoá, lịch sử của mỗi địa phương .

Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là trách nhiệm của toàn xã hội. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với chức năng tham mưu giúp cho Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh phấn đấu tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo tỉnh  để chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả trong các hoạt động thực hiện chính sách đối với người có công và đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Hoàng Đức Vượng (Giám đốc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái)

Các tin khác

YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm, với sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ CNVC Văn phòng Tỉnh uỷ Yên Bái, công tác chuyên môn đã được đảm bảo, đội ngũ cán bộ, công chức viên chức đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng quà cho mẹ liệt sỹ Đào Thị Chí.

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2008), sáng 24/7, đoàn cán bộ tỉnh Yên Bái do đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy dẫn đầu, đã đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Báo Yên Bái.

YBĐT - Ngày 24/7, đồng chí Lê Mạnh Hùng - Phó bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái và lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và Văn phòng Tỉnh uỷ đã đến thăm và làm việc với Báo Yên Bái về công tác tuyên truyền xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở.

Các đại biểu chất vấn tại hội trường.

YBĐT - Trong ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVI, các đại biểu đã tiến hành chất vấn lãnh đạo một số ngành về những vấn đề mà cử tri quan tâm. YBĐT xin giới thiệu trả lời chất vấn của các ngành tại kỳ họp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục