Yên Bái: Hội đồng nhân dân với giám sát hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương
- Cập nhật: Thứ tư, 20/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong những năm qua hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) trong việc giám sát đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Các đại biểu Quốc hội Khoá XII tỉnh Yên Bái thăm lớp học của Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Trạm Tấu. (Ảnh: Thế Quynh)
|
Xác định tổ chức kỳ họp HĐND là một trong những hoạt động chủ yếu của HĐND, theo qui định HĐND các cấp họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ, để chuẩn bị tổ chức kỳ họp HĐND, việc thẩm tra các báo cáo của các cơ quan tư pháp được Thường trực HĐND phân công giao cho Ban Pháp chế tiến hành thẩm tra báo cáo, tại cuộc họp thẩm tra các nội dung còn có ý kiến khác nhau về đánh giá, nhận định tình hình, thống kê số liệu, trách nhiệm phối hợp, kết quả hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ Ban Pháp chế đã yêu cầu các cơ quan tư pháp tiếp thu giải trình, trên cơ sở đó Ban Pháp chế tổng hợp báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp.
Tuy nhiên trong các kỳ họp của HĐND, nội dung chất vấn liên quan tới hoạt động của các cơ quan tư pháp không nhiều, chủ yếu tập trung vào việc chất vấn các nội dung vụ việc cụ thể được giải quyết như: những vấn đề dư luận quan tâm về chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp; trình tự thủ tục tố tụng; cải cách thủ tục trong hành chính tư pháp...
Nhìn chung, các chất vấn tại kỳ họp đã được các cơ quan tư pháp tiếp thu và trả lời nghiêm túc. Đối với những nội dung chất vấn không thể trả lời ngay được các cơ quan tư pháp đã xem xét trả lời bằng văn bản sau kỳ họp. Trong công tác giám sát đã có sự phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, ban pháp chế HĐND cấp huyện, thị xã, thành phố, tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh tại địa phương nơi giám sát để tránh sự chồng chéo, đồng thời nâng cao hiệu quả giám sát không để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài hoặc đơn thư vượt cấp về lĩnh vực tư pháp.
Thông qua hoạt động giám sát các hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp cho thấy: các cấp, các ngành đã nắm vững mục tiêu, quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân cấp huyện, các cơ quan tư pháp đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, xét xử đúng người, đúng pháp luật không để xảy ra tình trạng oan sai do hoạt động tố tụng hình sự gây ra; các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư pháp bổ trợ như Luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh, từng bước thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp... hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, góp phần tích cực giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của HĐND đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp cũng còn một số tồn tại, hạn chế do chất lượng đại biểu không đồng đều; tỉ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh còn ít, ở cấp huyện thì trưởng, phó ban và thành viên các ban của HĐND hoạt động kiêm nhiệm; nghiệp vụ chuyên ngành còn nhiều hạn chế, chưa được tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra nhất là giám sát về hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp.
Việc tổ chức giám sát các hoạt động tư pháp mới thông qua chủ yếu tại kỳ họp; ở cấp huyện việc giám sát các cơ quan tư pháp còn chung chung chưa đi sâu vào chuyên đề, việc theo dõi thực hiện kết luận sau giám sát còn nhiều khó khăn... Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên trước hết là do năng lực của đại biểu còn nhiều hạn chế, do cơ cấu, đặc biệt là cấp cơ sở. Sự phối hợp giữa thường trực HĐND và ban pháp chế chưa được thường xuyên liên tục. Thành viên ban pháp chế ở cấp huyện 100% hoạt động kiêm nhiệm, chưa được hưởng chế độ đãi ngộ; ở cấp tỉnh chó có 1 phó ban hoạt động chuyên trách; cơ cấu thành viên của Ban Pháp chế không đồng đều, thiếu trình độ chuyên môn về luật nên khi giám sát hoạt động tư pháp gặp nhiều khó khăn, trong khi lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, nên công tác tư pháp chưa được đặt đúng vị trí, còn thiếu sự đầu tư cho lĩnh vực này.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp, cần phải tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách hoạt động ở HĐND cấp tỉnh, huyện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giám sát đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát trong lĩnh vực này; HĐND các cấp cần xây dựng và thực hiện tốt nghị quyết về chương trình giám sát, lựa chọn những nội dung trọng tâm, thiết thực liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân và yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc cải cách tư pháp.
Đặc biệt cần quan tâm tới chất lượng của đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện; có chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với đại biểu HĐND huyện, đồng thời khẩn trương xác định rõ mô hình hoạt động của HĐND cấp huyện để đội ngũ cán bộ yên tâm công tác.
Nguyễn Huy Cường
Các tin khác
YBĐT - Chiều 19/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị bàn biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 4.
Ngày 19/8, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã trao tượng trưng hàng viện trợ khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản cho người dân vùng chịu thiệt hại trong trận mưa lũ vừa qua. Số hàng viện trợ bao gồm: Lều bạt, chăn màn và máy phát điện..., tổng trị giá 150.000 USD.
YBĐT - Ngày 19/8, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội nghị sơ kết công tác những tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, đồng thời khánh thành trụ sở làm việc Ban Chỉ đạo. Đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.
Tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2008) diễn ra ngày 18/8 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: "Noi gương những anh hùng đã mở lối tới độc lập tự do và hạnh phúc cho dân tộc, học tập và làm theo tấm gương đồng chí Tôn Đức Thắng, chúng ta phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm của mình trước vận mệnh của dân tộc và của Đảng, tăng cường đoàn kết, quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra".