Từng bước cải thiện đời sống người dân
- Cập nhật: Thứ ba, 24/12/2013 | 2:39:46 PM
YBĐT - Đặc thù xã vùng cao, địa hình của Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đa phần là đồi núi dốc, tập quán canh tác của đồng bào Mông trồng lúa nước vào vụ mùa và trồng lúa nương.
Nhân dân xã Hồ Bốn tham gia ý kiến về phát triển kinh tế địa phương.
|
Thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, xã đã thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện về việc đưa các giống lúa lai, lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất kết hợp vận động nhân dân khai hoang ruộng nước, đưa vào trồng lúa vụ đông xuân, chuyển đổi trồng lúa nương năng suất thấp sang trồng các giống ngô lai.
Đi đầu phong trào là những cán bộ, đảng viên, trưởng các thôn bản. Kết quả vụ mùa năm 2001 - năm được đánh giá là bước ngặt về cơ cấu giống lúa lai đối với Hồ Bốn, góp phần từng bước phá bỏ tập quán lạc hậu, thâm canh manh mún của nhiều hộ dân. Hiện nay, xã đã đưa các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy ở 153ha ruộng nước, trong đó 40ha lúa đông xuân năng suất 51 tạ/ha/vụ; vụ mùa gieo cấy ổn định 113ha, năng suất 41 tạ/ha/vụ. Diện tích trồng lúa nương toàn xã 150ha trước đây đã được chuyển đổi dần sang trồng ngô, nâng diện tích trồng ngô hàng năm toàn xã lên 148ha.
Những năm gần đây, với sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện, nhân dân hàng năm đưa vào trồng trên 50ha lạc, 30ha sắn, gần 20ha đậu tương, khoai lang, khoai sọ, rau màu các loại… đã góp phần tạo nguồn lương thực cơ bản, đáp ứng sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
Đồng chí Giàng A Dê - Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn cho biết: “Xã có 8 thôn bản, trên 400 hộ, những năm trước, tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 90%. Nhiều nhà đói đứt bữa mỗi năm 4, 5 tháng. Mặc dù hàng năm, những hộ này được trợ giúp gạo cứu đói nhưng đời sống vẫn rất khó khăn. Đưa lúa đông xuân vào gieo cấy 5 năm nay cũng đã góp phần tạo nguồn lương thực quan trọng cho nhiều hộ. Bên cạnh đó, trồng cây ngô lai thay thế cây lúa nương năng suất thấp đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 71%”.
Hồ Bốn hơn 10 năm qua được Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng như điện, đường, trường, trạm y tế hàng trăm tỷ đồng; hỗ trợ nhân dân xóa nhà dột nát hỗ trợ nhân dân giống lúa, ngô. Các tổ chức từ Trung ương tới tỉnh cũng thường xuyên thăm hỏi, tăng quà, chăn, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh… Đó chính là động lực giúp địa phương tiếp tục phấn đấu vươn lên và nhân dân từng bước thoát nghèo.
Những năm gần đây, chăn nuôi của Hồ Bốn cũng có bước phát triển khá mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhân dân đã tận dụng đồng đất đồi và chủ động chuyển sang chăn nuôi hàng chục con trâu, bò, dê; trồng cỏ voi, thu gom rơm khô làm thức ăn dự trữ vào mùa đông cho trâu, bò và các biện pháp chống rét, chủ động tiêm phòng dịch bệnh…
Làm tốt việc này nên những năm gần đây, đàn gia súc, gia cầm tăng trưởng khá, đàn trâu có 572 con, bò 392 con, dê 134 con, lợn 855 con và gia cầm các loại gần 5.000 con. Xã còn thực hiện tốt mô hình “3 không”: không giấu dịch, không mua gia súc và sản phẩm gia súc mắc bệnh, không vứt xác gia súc khi mắc bệnh. Các gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã ý thức về vệ sinh chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần hạn chế dịch bệnh có thể xảy ra.
Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo giữ vững an ninh - quốc phòng được Đảng bộ, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả đến từng cơ sở và đây là điều kiện tốt để Hồ Bốn ngày càng phát triển.
Thạch Phong
Các tin khác
YBĐT - Với kinh nghiệm nuôi trâu nhiều năm, hơn ai hết, gia đình anh Hà Văn Bảy ở thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê (Văn Chấn) đã nhận thức rõ việc bảo vệ, chăm sóc con trâu duy nhất của gia đình có ý nghĩa rất lớn.
Sáng nay, 24-12, tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu.
Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ GTVT 2 phương án nâng cấp đường sắt bắc - nam, nhằm khai thác có hiệu quả tuyến đường hiện có trước khi nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt đôi khổ 1,435 m.
Do sản xuất thua lỗ, năng lực điều hành hạn chế, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường... trong năm 2013 đã có đến 60.737 doanh nghiệp Việt Nam giải thể hoặc ngừng hoạt động.