Phát triển nhờ liên kết

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/2/2014 | 2:53:31 PM

YBĐT - Dẫu năm 2014 được dự báo là một năm khó khăn cho sản xuất, kinh doanh chè nhưng với cách làm, hướng đi như hiện nay chắc chắn đơn vị sẽ hoàn thành kế hoạch, tạo nền tảng cho sản xuất, kinh doanh chè bền vững.

Diện tích chè già cỗi được trồng cải tạo thay thế bằng giống chè mới cho năng suất, chất lượng búp tốt.
Diện tích chè già cỗi được trồng cải tạo thay thế bằng giống chè mới cho năng suất, chất lượng búp tốt.

Sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong vài năm trở lại đây liên tục gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất chè có “thâm niên” trong nghề cũng lao đao khốn khó, không ít doanh nghiệp đã phá sản và cũng khá nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng vì thiếu nguyên liệu, nguyên liệu xấu và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng Công ty cổ phần Chè Liên Sơn vẫn sản xuất, kinh doanh tốt, doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, đời sống và việc làm người lao động được bảo đảm.

Kết thúc niên vụ sản xuất, kinh doanh chè năm 2013, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn thu mua 3.480 tấn chè búp tươi, chế biến được trên 1.000 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt 27 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 2,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Nếu chỉ nhìn con số đó thì không có gì đối với một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè đã có thâm niên hoạt động vài chục năm nay nhưng đối với những người tâm huyết với ngành chè, hiểu tường tận về cây chè và hiểu được tình hình sản xuất, kinh doanh chè trong những năm trở lại đây thì đó là cả một kỳ tích! Toàn tỉnh Yên Bái có trên 12.000ha chè, tập trung ở các huyện: Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên nhưng có tới trên 100 doanh nghiệp, công ty, cơ sở chế biến chè có công suất trên 3 tấn búp tươi/ngày và hàng ngàn cơ sở chế biến thủ công. Nhà máy, cơ sở chế biến vượt quá 1,5 lần khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu, dẫn đến tình trạng tranh giành nguyên liệu quyết liệt.

Để có nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp thi nhau đẩy giá lên cao, người nông dân hám lời thu hái bất chấp chất lượng cùng với thiếu sự đầu tư dẫn tới vùng chè năng suất giảm, chất lượng ngày một đi xuống. Nguyên liệu càng ít thì cuộc đua giữa các doanh nghiệp càng gay gắt. Làm ăn “chụp giật” không chủ động được nguyên liệu, thiếu đầu tư, năng suất thấp, thu hái không đủ chi phí là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều doanh nghiệp phá sản, sản xuất cầm chừng.

 

Công nhân Công ty vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ.

Công ty cổ phần Chè Liên Sơn đã chọn cho mình một hướng đi riêng. Đối với hơn 245ha chè kinh doanh, doanh nghiệp tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tích cực đầu tư thâm canh tăng năng suất, đặc biệt là áp dụng quy trình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Đối với diện tích chè già cỗi, đơn vị tổ chức trồng thay thế bằng giống chè mới như chè lai LDP1, LDP2, chè Phúc Vân Tiên... nên năng suất chè ngày một nâng lên, nhiều diện tích năng suất đã đạt 21 - 25 tấn/ha. Dẫu vẫn còn nhiều diện tích chè trồng cải tạo đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nhưng trong năm 2013, doanh nghiệp vẫn tự sản xuất được 2.500 tấn chè búp tươi, đáp ứng trên 60% công suất nhà máy.

Song song, để có đủ nguyên liệu sản xuất, Công ty đã lựa chọn ký hợp đồng tiêu thụ ổn định lâu dài với trên 300 hộ dân ở xã Sơn Lương và thị trấn Nông trường Liên Sơn. Không chỉ ký hợp đồng tiêu thụ mà đơn vị còn thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống các hộ dân tư vấn kỹ thuật, chăm sóc, thu hái. Hộ dân nào không có điều kiện đầu tư, Công ty ứng trước vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sau đó đến vụ thu hồi sản phẩm. Đối với những hộ dân ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như các vật tư khác trong vòng 3 tháng, doanh nghiệp không tính lãi.

Trong thu mua sản phẩm, Công ty mua bằng giá thị trường, thậm chí cao hơn nhưng chất lượng sản phẩm phải đảm bảo. Điều đó đã tạo sự tin tưởng giữa doanh nghiệp và nông dân, nông dân coi nhà máy như là của mình và Công ty cũng coi người nông dân như chính những công nhân của nhà máy. Năm 2012, từ vùng này đã đem về cho nhà máy trên 700 tấn nguyên liệu, năm 2013 mua được trên 1.000 tấn nguyên liệu tốt, đáp ứng cho chế biến.

Trong chế biến, ngay từ cuối năm trước, Công ty đã gặp gỡ, tìm kiếm bạn hàng đồng thời xây dựng kế hoạch, chiến lược sản phẩm cụ thể theo đơn của bạn hàng. Mặc dù là nhà máy sản xuất chè đen nhưng bạn hàng cần chè xanh, doanh nghiệp cũng đáp ứng chè xanh và muốn chè phẩm cấp cao sẽ có phẩm cấp cao... nên hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn đạt hiệu quả.

Năm 2014, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn phấn đấu sản xuất, tiêu thụ trên 1.500 tấn chè thành phẩm các loại, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng, đảm bảo việc làm thu nhập cho người lao động bình quân trên 3,5 triệu đồng/người/tháng. Dẫu năm 2014 được dự báo là một năm khó khăn cho sản xuất, kinh doanh chè nhưng với cách làm ấy, hướng đi ấy, chắc chắn đơn vị sẽ hoàn thành kế hoạch, tạo nền tảng cho sản xuất, kinh doanh chè bền vững.

Thanh Phúc

Các tin khác
Đồng chí Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (phải) kiểm tra đề tài khoa học Các biện pháp kỹ thuật phòng, chống mối phá hoại chè Shan Suối Giàng.

YBĐT - Thời gian qua, ngành KH&CN Yên Bái được Bộ KH&CN, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, chứng nhận cúp vàng Vì sự nghiệp xanh Việt Nam. Sở KH&CN Yên Bái vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, nhiều tập thể, cá nhân được nhận cờ và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các cấp.

Vốn ODA từ Nhật Bản là nguồn tài chính quan trọng cho Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng.

Tổng số tiền viện trợ phát triển (ODA) mà Nhật Bản dành cho Việt Nam đến nay là 1,64 tỷ USD, cao gấp đôi nước đứng thứ hai trong danh sách.

Ngày 27-2, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết: Sau hơn ba năm triển khai Nghị định số 99/2010/NĐCP ngày 24-9-2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay, toàn quốc đã có 34 tỉnh, thành phố lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh, tạo ra nguồn thu khoảng 2.850 tỷ đồng. Riêng năm 2013, số thu toàn quốc đạt 1.068 tỷ đồng.

Giá truyền tải điện được phê duyệt chỉ chiếm 5,5% giá bán điện bình quân, nên doanh thu chỉ đủ bù đắp chi phí.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có tờ trình gửi Bộ Công Thương đề nghị nâng giá truyền tải điện từ 83,3 đồng/kWh hiện nay lên 86,4 đồng/kWh để có vốn thực hiện đầu tư xây dựng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục