Nhộn nhịp ngày mùa

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/7/2014 | 3:00:52 PM

YBĐT - Mùa này đến huyện vùng cao Mù Cang Chải, trên khắp các cánh đồng, đâu đâu cũng gặp cảnh bà con đồng bào Mông, đồng bào Thái nhanh tay gặt hái những bông lúa nặng trĩu hạt và gặt đến đâu tiếp tục cày xới đến đó để gieo cấy cho kịp thời vụ.

Đồng bào Mông xã Nậm Có được mùa lúa xuân.
Đồng bào Mông xã Nậm Có được mùa lúa xuân.

Trên gương mặt của mỗi người đều hiện rõ niềm vui được mùa. Thành quả ấy là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.

Huyện Mù Cang Chải có trên 8.980 hộ với gần 53.200 nhân khẩu, sinh sống trên địa bàn 13 xã và 1 thị trấn, trong đó người Mông chiếm khoảng 91%, còn lại là các dân tộc Thái, Kinh, Tày, Mường... Những năm chín mươi của thế kỷ trước, cuộc sống nơi đây vẫn còn "phủ bóng" những tập quán lạc hậu. Mỗi năm, đồng bào chỉ gieo cấy một vụ, việc chăm bón chưa được quan tâm, năng suất cây trồng thường rất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Vụ đông được gieo trồng bằng cây thuốc phiện nên nhiều gia đình có từ 1 đến 2 người nghiện, thậm chí có những gia đình còn nhiều hơn. Vì thế, tình trạng đói nghèo xảy ra triền miên, phần lớn người dân thiếu gạo ăn từ 3 đến 5 tháng mỗi năm.

Trước thực trạng đó, Huyện ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn các giải pháp về việc xóa đói giảm nghèo và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn. Sau những cuộc họp ở cấp huyện, ở xã, ở thôn rồi họp già làng, người có uy tín... một cuộc "cách mạng" chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ đã được triển khai cùng với công tác tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện. Ở những xã có diện tích gieo trồng lúa nước lớn như: Khao Mang, Mồ Dề, Chế Cu Nha, Cao Phạ, Nậm Có... nhiều người dân đã phản đối gay gắt. Lý do thứ nhất là bao đời nay chưa từng có ai làm; thứ hai là trời rét thường kéo dài, bà con sợ cây lúa không lên nổi, chỉ uổng công làm.

Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã đã đến tận thôn bản họp dân, kiên trì tuyên truyền, vận động và phân tích rõ ràng, cặn kẽ cho dân hiểu về lợi ích lâu dài của việc đổi thay này. Ông Sùng A Sa - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có nhớ lại: "Ban đầu, lúc xã mới triển khai bỏ trồng, bỏ hút thuốc phiện và đưa cây lúa nước vào trồng trong vụ đông, nhiều người dân không ủng hộ. Tuy nhiên, xã cho đó là chủ trương đúng đắn nên đã quyết tâm thực hiện. Năm 1993, khoảng gần 100ha cây thuốc phiện trên địa bàn được xóa bỏ và đến năm 1994, xã đã đưa cây lúa nước vào gieo trồng thí điểm trên diện tích 6ha. Vụ đầu thành công, người dân đã tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng bộ, chính quyền địa phương".

Sau vụ thí điểm đầu tiên được thực hiện thành công ở các xã Nậm Có, Cao Phạ, Mồ Dề và thị trấn Mù Cang Chải, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện chủ động giống, phân bón, vật tư cho các vụ tiếp theo; phân công các ban, ngành, đoàn thể phụ trách các xã và các xã cũng phân công cán bộ phụ trách các thôn, bản để phối hợp hướng dẫn, đôn đốc nhân dân thực hiện kịp thời việc gieo cấy vụ đông xuân. Khí hậu khắc nghiệt, mùa rét thường kéo dài nên các ban, ngành, đoàn thể được phân công phụ trách địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để nghiên cứu, xem xét, lựa chọn thời điểm gieo mạ, làm đất đảm bảo gieo trồng đạt hiệu quả. Từ đó, việc gieo trồng cây lúa nước vụ đông xuân được triển khai đến tất cả các xã, thị trấn và việc trồng cây thuốc phiện cũng được xóa bỏ hoàn toàn.

Từ khi sản xuất thêm vụ hai, đời sống của nhân dân Mù Cang Chải đã từng bước được nâng lên. Dần dần, người dân đã có ý thức tự giác gieo trồng và chăm sóc, bảo vệ tốt cây lúa vụ đông xuân. Những năm gần đây, diện tích lúa vụ đông xuân và vụ mùa không ngừng tăng lên, năm sau tăng nhiều hơn năm trước.

Cụ thể như năm 2011, diện tích lúa vụ đông xuân của toàn huyện là 860ha, vụ mùa 2.578ha thì năm 2012, con số tương ứng là 1.050ha, 2.639ha và năm 2013, diện tích lúa nước tăng lên đến 3.710ha, trong đó có 1.205ha lúa vụ đông xuân. Đi đôi với tăng vụ, người dân cũng đã biết thâm canh, chăm sóc cây lúa tốt, đảm bảo có đủ nước tưới. Nhờ đó, năng suất lúa cũng không ngừng nâng lên. Nếu như năm 2011, năng suất bình quân đạt 42,5 tạ/ha thì đến năm 2013 đã tăng lên 46,4 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực năm 2013 đạt 25.532 tấn, vượt 0,5% kế hoạch và tăng 11.023 tấn so với năm trước.

Vụ đông xuân năm 2014, hầu hết các xã đều đăng ký và thực hiện đạt cao hơn kế hoạch đề ra của huyện. Ví dụ như Nậm Có, kế hoạch huyện giao là 235ha thì người dân đăng ký thực hiện 250ha, xã Cao Phạ 210/195ha, Mồ Dề gần 60/45ha.

Ông Giàng A Vàng - Bí thư Đảng ủy xã Khao Mang cho hay: "Năm 1997, xã thực hiện gieo trồng thành công 15ha lúa vụ đông xuân, diện tích này đã được nâng lên 30ha năm 1998, 70ha năm 1999, đến vụ đông xuân 2013 - 2014 là 165ha, vượt 25ha so với kế hoạch huyện giao. Sản xuất được vụ đông xuân, nhân dân có đủ gạo ăn. Nay khi đến thời vụ là người dân đã tự giác làm, không cần nhắc nhở".

Ông Chang A Dờ ở bản Phình Ngài, xã Nậm Có - một bản nằm cách trung tâm xã nửa ngày đường đi bộ nói: "Đảng dẫn đường, chỉ lối cho chúng tôi làm thêm vụ đông xuân cho nên khoảng 5 năm trở lại đây, người dân bản tôi và gia đình tôi không còn phải ăn cơm ngô, không còn phải ăn bánh tam giác mạch nữa. Khi có gạo ăn, tôi thấy đảm bảo sức khỏe hơn".

Đồng chí Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải khẳng định: "Thực hiện sản xuất vụ đông xuân thắng lợi, bình quân lương thực đầu người của huyện đã đạt 500kg/năm; tỷ lệ hộ nghèo từng bước giảm xuống, năm 2012 là 75%, năm 2013 còn 66% và hết năm 2014 cố gắng giảm xuống 60%. Năm nay, số hộ phải cứu trợ chỉ còn rất ít và số gạo cứu trợ là 30 tấn. Đó chính là tiền đề để vùng cao Mù Cang Chải mỗi ngày thêm đổi thay".

Sùng A Hồng

Các tin khác

Sáng nay 15/7, giá vàng trong nước đồng loạt giảm trên 100.000 đồng/lượng theo xu hướng đi xuống của giá thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường lại nới rộng lên mức 3,3 triệu đồng/lượng.

Triển khai công tác rà soát hộ nghèo ở Túc Đán, huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh cấp khoảng 9,9 tỷ đồng cho gần 86.300 người thuộc 20.156 hộ nghèo ở vùng khó khăn của 7 huyện là Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu.

Người dân đến nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tại thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Kết thúc 6 tháng đầu năm 2014, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mức tăng trưởng khá, đạt trên 584 tỷ đồng. Đây là tín hiệu khả quan khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi, nhiều khoản thu từ cuối năm 2013 chuyển sang đã góp phần thuận lợi cho số thu 6 tháng. Tuy nhiên, công tác thu ngân sách trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn đòi hỏi ngành thuế phải p

Ảnh minh họa

Các khoản vay để mua các loại máy móc, thiết bị quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất trong năm thứ ba.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục