Cảm Ân phát huy hiệu quả những cây thuốc quý
- Cập nhật: Thứ tư, 16/9/2015 | 2:46:09 PM
YênBái - YBĐT - Nhiều năm qua, hoạt động của Chi hội Đông y xã Cảm Ân (Yên Bình) đã phát huy hiệu quả đáng khích lệ như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực trồng, sử dụng, phát triển nguồn dược liệu tại địa phương. Bên cạnh đó, Chi hội đã phối hợp tốt với trạm y tế xã trong chữa bệnh bằng thuốc nam phục vụ nhân dân.
Vườn thuốc của gia đình ông Hoàng Ngọc Trung (bên phải) thôn Tân Lập xã Cảm Ân đã có trên 50 cây các loại.
|
Chỉ tính riêng trong năm 2014, Chi hội Đông y xã đã khám và bốc thuốc điều trị cho hơn 1.700 lượt người; bán và khai thác nguồn dược liệu trên 1,1 tấn. Chất lượng khám chữa bệnh của Chi hội ngày càng được cải thiện đã khiến bệnh nhân yên tâm tin tưởng đến lấy thuốc tại các gia đình hội viên trên địa bàn xã. Chi hội Đông y xã Cảm Ân còn khám miễn phí cho 153 trẻ em, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn với số tiền thuốc trị giá trên 1.700 ngàn đồng.
Với 35 hội viên là các ông lang, bà mế, cán bộ y tế trên địa bàn xã và một số hội viên xã Bảo Ái, Mông Sơn cùng tham gia sinh hoạt hội. Chi hội luôn quan tâm đến việc nâng cao y đức trong chữa bệnh phục vụ cộng đồng. Ngoài việc sử dụng nguồn dược liệu sẵn có tại địa phương, các hội viên trong Chi hội còn tích cực đi các huyện trong tỉnh, các tỉnh khác như: Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ… để sưu tầm, khai thác thêm các nguồn dược liệu về trồng và cung cấp phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, Chi hội luôn coi trọng việc phát triển vườn cây thuốc nam tại các hộ gia đình, tại trạm y tế, các trường học trên địa bàn để phục vụ chữa bệnh cũng như giúp học sinh nhận biết về cây thuốc, công dụng của thuốc nam.
Đến thăm vườn thuốc nam của ông Hoàng Ngọc Trung - thôn Tân Lập, xã Cảm Ân, ông vừa là hội viên Chi hội Đông y và cũng là một trong số 19 thành viên của thôn tham gia Dự án Bảo tồn và Phát triển cây thuốc, bài thuốc để cải thiện sinh kế và sức khỏe cho người dân tộc thiểu số được triển khai từ tháng 8/2013 do tổ Caritas - Australia tài trợ. Sau hơn 2 năm thực hiện Dự án cho thấy hiệu quả rất thiết thực.
Ông Trung phấn khởi cho biết: “Ban đầu dự án hỗ trợ giống cây lá khôi và lưới che để xây dựng vườn thuốc nam mẫu. Gia đình tôi cũng đầu tư vốn và tích cực sưu tầm, đưa vào ươm trồng, nhân giống thêm những loại cây thuốc nam quý hiếm như đinh lăng, hoàng tinh hoa trắng, mạch môn, củ dòm... để trồng tại vườn nhà. Hiện nay, gia đình đã trồng được 2 sào cây thuốc quý với 50 cây các loại, góp phần rất hữu ích cho việc khám chữa bệnh. Từ việc trồng và thu hoạch cây thuốc nam đã mang lại lợi ích chăm sóc sức khỏe, tạo việc làm và tăng thu nhập cho gia đình”.
Thông qua việc tham quan chia sẻ kinh nghiệm về các loài cây trồng, nhiều hộ dân tại 8 thôn của xã Cảm Ân đã thay đổi nhận thức, tự tin hơn để phát triển cây thuôc nam tại vườn nhà. Nhờ vậy, mô hình trồng vườn thuốc nam tại gia đình ngày càng trở nên phổ biến với bà con ở Cảm Ân. Đến nay, toàn xã đã có trên 200 vườn thuốc nam, trong đó, 2 năm thực hiện Dự án nhân dân các thôn đã trồng mới 80 vườn cây thuốc nam tại gia đình. Trong phong trào này, các hội viên Chi hội Đông y đều là nòng cốt trong các thôn, nhóm, hộ tham gia dự án. Từ đây, kinh nghiệm trồng, khai thác, chế biến, sử dụng thuốc nam của các ông lang, bà mế và hội viên có cơ hội được phát huy. Với những việc làm thiết thực, 5 năm gần đây, Chi hội Đông y xã Cảm Ân liên tục được UBND tỉnh, Hội Đông y tỉnh, UBND huyện Yên Bình tặng bằng khen, giấy khen vì thành tích trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và thành tích tham gia xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Ông Trương Kim Sơn - Chi hội trưởng Chi hội Đông y xã Cảm Ân cho biết: “Đặc tính của thuốc nam từ lâu được nhân dân ưa chuộng vì tận dụng nguồn thuốc có sẵn của địa phương, tự trồng, tự chế biến. Hơn nữa, thuốc nam ít có tác dụng phụ, kinh phí điều trị bệnh thấp. Vì vậy, thời gian tới, Chi hội Đông y xã sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều cây thuốc quý để ứng dụng các bài thuốc mới, làm cho vườn thuốc nam của Chi hội ngày càng phong phú. Đồng thời, kết hợp nhiều cách chữa trị bệnh giữa y học cổ truyền, y học dân tộc và y học hiện đại để đem đến cách chữa trị tốt nhất cho người bệnh; tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân để đẩy mạnh phát triển vườn thuốc nam trong các gia đình, các vườn mẫu thuốc nam tại trạm y tế, trường học”.
Q.N
Các tin khác
YBĐT - Là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, song An Lương đã biết phát huy tiềm năng về đất đai để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp; đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây quế vào trồng để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân trong xã, nhờ vậy đời sống nhân dân đã có những bước phát triển mới.
Đó là khẳng định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong trả lời phóng viên báo chí ngày 15-9. EVN khẳng định do điều chỉnh tỉ giá, riêng Tập đoàn này đã phát sinh khoản lỗ khoảng 12.000 tỉ đồng.
YBĐT - Sau 5 năm thực hiện, thông qua mô hình giảm nghèo bền vững phát triển đàn bò sinh sản, với chính sách hỗ trợ trực tiếp, cụ thể và từ hiệu quả việc chăn nuôi của người dân xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) cho thấy, chính sách này rất phù hợp và bước đầu đạt hiệu quả, mang lại niềm vui, cơ hội giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
YBĐT - Hơn 15 năm gắn bó với vùng sắn Văn Yên, Nhà máy Chế biến sắn (thuộc Công ty cổ phần Nông lâm sản Yên Bái) đã đưa cây sắn trở thành cây “triệu đô”. Không chỉ thành công trong xây dựng mối quan hệ bền chặt với người dân và vùng nguyên liệu, Nhà máy còn đưa sản phẩm tinh bột sắn ra thị trường thế giới, đem về cho nông dân Văn Yên hàng chục triệu đô mỗi năm.