Yên Bái: Tập trung khôi phục sản xuất sau lũ

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/9/2016 | 7:14:59 AM

YBĐT - Những diện tích không thể khắc phục được, chuyển sang trồng ngô thu đông và rau màu vụ đông. Đối với những diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ, huyện chỉ đạo bà con gia cố lại hệ thống bờ ao để tiếp tục nuôi trồng. 

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên hướng dẫn nhân dân trồng rau màu trên những diện tích bị vùi lấp sâu.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên hướng dẫn nhân dân trồng rau màu trên những diện tích bị vùi lấp sâu.

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã để lại hậu quả nặng nề trên địa bàn tỉnh. Hàng trăm héc - ta lúa, hoa màu bị vùi lấp, ngập chìm trong nước; nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng ngàn con gia cầm, gia súc bị lũ cuốn trôi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

Phát huy phương châm “4 tại chỗ”, ngay sau khi nước rút, các địa phương trong tỉnh đã bắt tay ngay vào chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất ổn định đời sống.

Xã Y Can, huyện Trấn Yên là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề của hoàn lưu bão số 3. Theo báo cáo của UBND xã, cơn bão số 3 đã làm trên 25 ha lúa, 15 ha ngô, gần 3 ha rau màu các loại bị ngập úng; gần 9 ha ao cá bị tràn; 12/12 thôn đều có diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng, vùi lấp. Trong đó, những diện tích ảnh hưởng trên 70% gồm: lúa 6,24 ha, ngô 14 ha, rau màu các loại trên 2,5 ha. Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa, ngô bị ngập vẫn chưa thể khôi phục được; một số diện tích bị bùn đất vùi lấp ngập sâu tới 50 cm vẫn chưa thể cải tạo để canh tác lại.

Đến thăm thôn Hạnh Phúc - một trong những thôn có diện tích ruộng bị vùi lấp nhiều nhất, chỉ về phía cánh đồng đã bị bùn đất vùi lấp trắng băng, đồng chí Trần Thị Thu - Chủ tịch UBND xã Y Can cho biết: “Đây là cánh đồng ven sông Hồng được coi là màu mỡ nhất và cũng là vựa lúa của xã. Vậy mà, hơn nửa diện tích lúa, ngô, hoa màu của thôn bị bùn đất vùi lấp. Có những chỗ bùn đất vùi sâu hơn 50 cm khiến việc khôi phục lại sản xuất gặp rất nhiều khó khăn”.

Ngay sau khi nước rút, xã đã tiến hành kiểm tra, đánh giá cụ thể những diện tích bị thiệt hại để tổng hợp, báo cáo huyện. Đối với sản xuất nông nghiệp, những diện tích nào khắc phục được, xã chỉ đạo nhân dân tập trung khắc phục, phòng trừ sâu bệnh bảo đảm không để mất mùa, ảnh hưởng đến năng suất. Những diện tích nào bị vùi lấp sâu thì nhanh chóng cải tạo, trước mắt có thể trồng các loại cây rau màu, ngô, các loại cây lương thực ngắn ngày. Diện tích nào không thể khôi phục, cải tạo được thì xem xét, chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như: táo, bưởi và nhất quyết không để đất nông nghiệp bị bỏ không. Những diện tích nuôi trồng thủy sản, xã đã chỉ đạo nhân dân gia cố lại bờ bao, vệ sinh, cải tạo diện tích ao nuôi để tiếp tục nuôi trồng thủy sản.

Đang cải tạo diện tích lúa bị vùi lấp để trồng rau màu, ông Nguyễn Trọng Duyên ở thôn Hạnh Phúc cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1 mẫu cả ngô và lúa, nhưng diện tích bị vùi lấp mất gần 1 mẫu. Những diện tích nào bị vùi lấp ít, gia đình tôi đã khắc phục xong, những diện tích bị vùi lấp không khôi phục được thì cải tạo để trồng rau, trồng ngô lấy thức ăn phục vụ chăn nuôi”.

Cũng như Y Can, xã Minh Tiến cũng là địa phương có diện tích bị ngập úng và vùi lấp tương đối nhiều, với gần 5 ha lúa và 9 ha hoa màu bị thiệt hại trên 70% không còn khả năng phục hồi. Đồng chí Nguyễn Duy Nam - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cả xã có 6/6 thôn đều bị ngập úng và vùi lấp, diện tích bị vùi lấp nhiều nhất là thôn Quang Minh, vì đây là thôn ven sông Hồng. Mặc dù nước đã rút, song đây là vùng trũng nên nhiều diện tích vẫn bị ngập úng, thời tiết nắng nóng khiến nhiều diện tích lúa, ngô ngập chìm trong nước đều bị thối rễ. Xã đã chỉ đạo nhân dân nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng, tập trung cải tạo đất để tiếp tục sản xuất. Một số diện tích bị vùi lấp quá sâu không thể cải tạo được, xã đã có văn bản gửi huyện để xin chuyển đổi sang mục đích khác”.

Theo báo cáo của UBND huyện Trấn Yên, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã làm thiệt hại 189 ha lúa, 123 ha cây màu và cây công nghiệp lâu năm. Trong đó, diện tích thiệt hại trên 70% gồm: 78 ha lúa, 55 ha ngô, hoa màu các loại và 8 ha cây công nghiệp lâu năm. Nước sông Hồng dâng cao làm vỡ, tràn 36 ha ao cá; lũ cuốn trôi 243 con gia cầm, gia súc.

Đồng chí Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phó ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) huyện cho biết: “Ngay sau khi nước rút, thành viên Ban Chỉ huy PCTT – TKCN huyện được phân công phụ trách các xã đã trực tiếp xuống địa bàn để kiểm tra, chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nhân dân khẩn trương hót dọn đất đá, cát bồi lắng, cải tạo đồng ruộng để khôi phục sản xuất. Những diện tích không thể khắc phục được, chuyển sang trồng ngô thu đông và rau màu vụ đông. Đối với những diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ, huyện chỉ đạo bà con gia cố lại hệ thống bờ ao để tiếp tục nuôi trồng; tập trung cải tạo hệ thống kênh mương đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, chống úng cho những diện tích còn lại; tu sửa hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đến từng hộ dân để trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí giúp người dân ổn định sản xuất”.

Hoàn lưu bão số 3 cũng làm huyện Văn Yên thiệt hại khá nặng nề về sản xuất nông nghiệp. Theo báo cáo của huyện, tổng diện tích lúa, ngô, rau màu bị thiệt hại trên 342 ha; trong đó, diện tích bị thiệt hại trên 70% gồm: 106 ha lúa, 131 ha ngô, rau màu, 220 con gia cầm, gia súc bị chết, cuốn trôi; thiệt hại hoàn toàn 10 ha ao nuôi và 2 lồng cá.

Đồng chí Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT – TKCN huyện Văn Yên cho biết: “Đối với những diện tích sản xuất nông nghiệp có thể khôi phục được, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương chỉ đạo nhân dân tập trung cải tạo lại để ổn định sản xuất. Những diện tích bị vùi lấp sâu không thể cải tạo được sẽ vệ sinh, dọn dẹp đồng ruộng để trồng các loại rau màu, ngô, đợi khi bề mặt đất cứng hẳn sẽ tiếp tục cải tạo lại và nếu không cải tạo được sẽ chuyển sang trồng các loại cây ăn quả. Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản, chăn  nuôi, tiếp tục vận động nhân dân gia cố, cải tạo lại ao nuôi, hệ thống chuồng trại. Căn cứ trên kết quả rà soát, thống kê tình hình thiệt hại, huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin kinh phí hỗ trợ cho từng hạng mục cụ thể để hỗ trợ nhân dân ổn định sản xuất”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 khiến gần 900 ha lúa, 550 ha hoa màu, 35 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại; trên 121 ha ao hồ nuôi cá, 46 lồng cá bị ngập úng, lũ cuốn trôi; gần 2.000 con gia cầm, gia súc bị chết, lũ cuốn trôi... Trong đó, diện tích bị thiệt hại trên 70% gồm: trên 601 ha lúa, 333 ha hoa màu, trên 8 ha cây trồng lâu năm… gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Trước những thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với các địa phương chỉ đạo nhân dân nhanh chóng vệ sinh đồng ruộng, khôi phục lại sản xuất nông nghiệp.

Đối với những diện tích sản xuất nông nghiệp có thể khôi phục được, chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân nhanh chóng cải tạo khôi phục lại. Những diện tích bị vùi lấp sâu không cải tạo được sẽ chuyển sang trồng các loại rau màu, ngô đông hoặc xem xét để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả. Căn cứ trên kết quả rà soát, đánh giá thiệt hại từng hạng mục và tờ trình xin hỗ trợ thiệt hại của các địa phương, UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan tổng hợp, báo cáo thiệt hại để trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các địa phương để nhân dân sớm ổn định sản xuất, chăn nuôi.

Đến nay, các địa phương đã chủ động tổ chức dọn dẹp, vệ sinh các khu ngập lụt, bị bồi lấp cũng như kịp thời ứng kinh phí để hỗ trợ giống cho nhân dân phát triển sản xuất, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Thanh Tân

Các tin khác
Xác định được tiềm năng của địa phương, huyện Văn Yên đang tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc.

YBĐT - Với việc triển khai tốt Đề án Phát triển chăn nuôi (gọi tắt là Đề án chăn nuôi), đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò - một trong những đề án nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Yên Bái, năm 2016, huyện Văn Yên được tỉnh tiếp tục phê duyệt hỗ trợ thêm 10 cơ sở chăn nuôi đại gia súc từ 10 con trở lên. Đây là động lực giúp huyện triển khai tốt đề án chăn nuôi nói riêng và các đề án khác trong thời gian tới. 

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Y Can thăm mô hình nuôi lợn rừng lai của gia  đình bà Nguyễn Thị Sen, thôn Tự Do.

YBĐT - Dự án Hỗ trợ và phát triển sinh kế trong việc nuôi lợn rừng lai do Hội LHPN tỉnh triển khai tại 2 xã Y Can và Tân Đồng, huyện Trấn Yên đã phát huy hiệu quả.

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Trấn Yên hướng dẫn người nộp thuế kê khai đăng ký nộp thuế tại bộ phận giao dịch

YBĐT - Theo số liệu thống kê của Cục Thuế tỉnh Yên Bái, đến ngày 26/8/2016, trên địa bàn tỉnh có 1.250 doanh nghiệp (DN) đã đăng ký nộp thuế điện tử (NTĐT) với cơ quan thuế, đạt 100% số DN trên địa bàn.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn đưa cây giống phục vụ người dân trồng rừng.

YBĐT - Phát huy thế mạnh đồi rừng, những năm qua huyện Văn Chấn đã rà soát lại 3 loại rừng; tăng quỹ đất phục vụ trồng rừng sản xuất, khuyến khích xã hội hóa nghề rừng. Nhờ đó, mà tốc độ trồng rừng diễn ra khá mạnh và kinh tế vườn rừng đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục