Nông thôn mới ở Nghĩa Lộ: Gia tăng thụ hưởng cho người dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/9/2016 | 7:27:02 AM

YBĐT - Nghĩa Lộ có 3/7 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM) gồm: Nghĩa An, Nghĩa Lợi và Nghĩa Phúc. Mặc dù thuộc địa bàn thị xã, song xuất phát điểm của các xã này khi bước vào XDNTM còn rất thấp, chỉ đạt từ 1 đến 2 tiêu chí trong 19 tiêu chí NTM.

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Nghĩa Lộ hướng dẫn người dân chăm sóc lúa.
Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Nghĩa Lộ hướng dẫn người dân chăm sóc lúa.

Trải qua 5 năm XDNTM, giờ đây, khu vực nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thị xã đã mang một diện mạo mới. Điều trực quan hiện diện rõ nhất là những đổi thay về cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Ông Đỗ Quang Minh - Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Thị xã xác định cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân”.

Vì những xác định rõ ràng này, cơ sở hạ tầng đã được thị xã ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng. Những khoản đầu tư lớn có thể kể đến trong 5 năm như: bê tông hóa 22,5 km, mở mới 20,3 km đường giao thông nông thôn; xây 5 cầu bản; kiên cố hóa 15,43 km kênh mương, 4 đập thủy lợi; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất 2 trạm y tế đạt chuẩn; nâng cấp 2 trạm biến áp, 7,5 km đường dây điện; xây dựng 4 công trình, dự án cấp nước tập trung tại 3 xã, cung cấp nước cho gần 900 hộ dân; 80% phòng học được kiên cố hóa...

117 tỷ đồng là số vốn đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu ở 3 xã XDNTM. Với những sự đầu tư này, chuyện đi lại chưa bao giờ dễ dàng đến thế khi 100% đường trục xã, liên xã và hơn 85% đường trục thôn đều là những con đường đã được bê tông; chuyện tưới tiêu cho đồng ruộng thuận lợi rất nhiều khi 65% kênh mương được kiên cố hóa; chuyện sinh hoạt, sản xuất cũng rất thuận tiện khi điện lưới quốc gia vào tận nhà của 100% hộ dân, gần 88% hộ dân được sử dụng nước sạch...

Đúng là NTM, người thụ hưởng trực tiếp không ai khác chính là người dân. Bà Hà Thị Chiển - Trưởng thôn Nậm Đông, xã Nghĩa An hồ hởi bảo rằng: “Có nước sạch, có điện để dùng, có đường để đi, có bệnh thì đến khám ở trạm y tế cũng rất tốt, hóa ra NTM là như vậy. Ngày trước, cán bộ đến tuyên truyền bảo là làm NTM là cho chính người dân được hưởng thụ, giờ thì dân chúng tôi đã hiểu rõ điều cán bộ nói rồi”.

Có lẽ, điều người dân cảm nhận rõ nhất về những lợi ích mà NTM mang lại không chỉ là điện, đường, trường, trạm mà chính là sự phát triển kinh tế gia đình mình. Gia đình bà Hà Thị Vân ở thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi tham gia mô hình trồng ngô nếp tím Fancy 111. Đây là giống ngô có đặc tính sinh trưởng mạnh, chống chịu bệnh cao, năng suất bắp tươi còn vỏ đạt từ 18 - 20 tấn/ha.

Theo bà Vân, như gia đình bà, bình quân 1.000 m2 cho thu hoạch được 4.000 bắp, bán với giá 3.000đ/bắp, như vậy cho thu nhập 12 triệu đồng/1.000 m2, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng ngô nếp thường. Mô hình trồng rau súp lơ của gia đình bà Hà Thị Hom ở thôn Sang Thái, xã Nghĩa Lợi cho thu nhập 10 triệu đồng/1.000 m2.

Mô hình trồng su su của gia đình chị Điêu Thị Vân ở thôn Xà Rèn, xã Nghĩa Lợi, chính vụ mỗi ngày thu hoạch được từ 15 - 30 kg quả, bán với giá 10.000đ/kg, mang lại thu nhập gấp 3 - 4 lần so với trồng các loại rau thông thường... Đó đều là những kết quả cụ thể về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trong XDNTM ở Nghĩa Lộ. “Đây được coi là một trong những nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm trong thực hiện XDNTM. Chính vì vậy, trong 5 năm qua, nhiệm vụ này được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thị xã đến cơ sở tập trung chỉ đạo” - Phó Chủ tịch UBND, Phó ban Chỉ đạo XDNTM thị xã Nghĩa Lộ - Chu Quốc Tuấn khẳng định.

Để thực hiện có hiệu quả nội dung này, trên cơ sở xác định những tiềm năng, lợi thế của địa phương, thị xã đã xây dựng Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2016; Dự án Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và các dự án thử nghiệm giống cây, con mới. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất hàng năm của tỉnh, thị xã đã hỗ trợ trên 2,76 tỷ đồng để xây dựng 15 mô hình phát triển sản xuất. Đồng thời, hàng năm thị xã đã tập trung nguồn lực, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn như: vốn Chương trình 135, Chương trình Hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh, Chương trình Hỗ trợ chăn nuôi trâu bò cho hộ người có công với cách mạng, vốn sự nghiệp khoa học... với tổng số tiền trong 5 năm là trên 7 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.

Có thể kể đến các mô hình như: mô hình sản xuất lúa hàng hóa hàng năm duy trì bình quân 500 ha/vụ, mô hình trồng hoa trong nhà lưới, trồng cà chua, súp lơ xanh vụ đông, trồng ngô nếp tím, ngô HN88, trồng nấm sò, nấm rơm trái vụ...

Ông Chu Quốc Tuấn đánh giá: “Các mô hình phát triển sản xuất đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, cách thức tổ chức sản xuất của người nông dân từ sản xuất quảng canh sang sản xuất hàng hóa nên đã tạo sự chủ động tích cực trong thời vụ sản xuất, cơ cấu giống, công tác phòng trừ sâu bệnh”.

Vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, đạt tỷ lệ 75% diện tích 2 vụ lúa trở lên. Hàm lượng khoa học, kĩ thuật trong sản phẩm nông nghiệp được nâng lên rõ rệt... Thu nhập trên đất lúa được gia tăng, năm 2015 là 126 triệu đồng/ha, tăng 67% so với năm 2010... Những kết quả đạt được trong nông nghiệp cùng với công nghiệp và thương mại - dịch vụ góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người tại 3 xã đạt từ 18 - 20 triệu đồng/người - cập với chuẩn thu nhập của Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM.

Không chỉ đời sống vật chất được nâng cao, người dân còn được thụ hưởng những giá trị về giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường qua quá trình XDNTM. Bà Điêu Thị Xiêng ở bản Đêu 1, xã Nghĩa An cho biết: “Có thể thấy rõ, thời gian qua, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong các bản làng của chúng tôi ngày một nâng cao khi văn hóa văn nghệ ngày một phát triển. Rất nhiều các sinh hoạt, hoạt động văn hóa văn nghệ được tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo nên một sân chơi tinh thần bổ ích, thiết thực”.

Đúng như bà Xiêng cảm nhận, nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm thực hiện các mục tiêu trên lĩnh vực văn hóa trong XDNTM gắn với mục tiêu xây dựng thị xã văn hóa - du lịch trong 5 năm qua. Một loạt các hoạt động khai thác, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống được đẩy mạnh như: triển khai đề tài nghiên cứu bảo tồn 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ; các điệu xòe cổ được đưa vào chương trình ngoại khóa của các nhà trường, truyền dạy cho các đội văn nghệ quần chúng; tổ chức trình diễn màn đại xòe cổ dân tộc Thái xác lập Kỷ lục Việt Nam; đưa nghệ thuật xòe Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống, duy trì và phát triển các đội văn nghệ quần chúng trong cộng đồng, dạy chữ Thái cổ... Các thiết chế văn hóa cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Trong 5 năm đã xây dựng, nâng cấp 2 nhà văn hóa xã, 3 nhà văn hóa thôn bản, duy trì và phát triển các đội văn nghệ quần chúng với 27 đội văn nghệ ở 3 xã hiện nay.

Một đổi thay dễ nhận thấy nhất trong đời sống hàng ngày của người dân nhờ thực hiện XDNTM đó là vấn đề vệ sinh môi trường. Thị xã đã phát động và triển khai Phong trào 3 sạch (sạch nhà, sạch ngõ, sạch đường) trong cộng đồng dân cư, các đoàn thể với những hoạt động cụ thể về vệ sinh môi trường. Thôn Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi là một ví dụ điển hình trong hoạt động này.

Chị Lường Thị Hồng Chung - người dân trong thôn cho biết: “Qua thực tế mình thấy cùng chung tay thực hiện các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường như thế này không chỉ góp phần vào thực hiện NTM như Hội Phụ nữ xã tuyên truyền mà chính là làm cho sạch nhà, sạch bản của mình. Nhà cửa, đường làng, đường bản sạch sẽ ở thấy tốt hơn trước rất nhiều, ít bệnh tật hơn”.

5 năm qua, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn sẵn có của gia đình, nhân dân 3 xã đã đầu tư nâng cấp, xây mới 238 nhà tắm, 328 nhà tiêu hợp vệ sinh, 37 công trình xử lý chất thải chăn nuôi... góp phần quan trọng nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường ở 3 xã và tạo môi trường sống xanh, sạch cho chính người dân.

Sau 5 năm XDNTM, 3 xã trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Cụ thể: Nghĩa An đạt 15 tiêu chí, Nghĩa Lợi đạt 13 tiêu chí, Nghĩa Phúc đạt 11 tiêu chí. Các tiêu chí chưa hoàn thành đều đạt mức từ 50% các chỉ tiêu trở lên. Những con số là rất cụ thể, định lượng, định tính được, cho thấy kết quả của chương trình. Song, quan trọng hơn, những điều người dân được thụ hưởng ít nhiều đã hiện hữu. XDNTM, xét cho cùng cũng chính là để nâng cao chất lượng cuộc sống khu vực nông thôn. Và cũng vì mục tiêu này, Nghĩa Lộ sẽ tiếp tục nỗ lực trong thực hiện XDNTM giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đến năm 2020 cả 3 xã đều đạt xã NTM và tiếp tục xây dựng ít nhất 1 xã trở thành phường.

Hạnh Quyên

Các tin khác
Nông dân huyện Văn Chấn chăm sóc rau màu vụ đông.

YBĐT - Vụ đông năm 2016, toàn tỉnh đặt mục tiêu sản xuất 10.000 ha cây trồng các loại, sản lượng đạt trên 58.000 tấn.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn internet)

Bắt đầu từ 15 giờ chiều 20-9, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh với mức tăng nhẹ: xăng RON 92 tăng 156 đồng/lít lên 16.232 đồng/lít; xăng E5 tăng 145 đồng/lít lên 15.981 đồng/lít; dầu diesel 0,05S giảm 133 đồng/lít còn 12.255 đồng/lít; dầu hỏa giảm 99 đồng/lít, còn 10.886 đồng/lít; dầu ma dút 180 CST 3,5S tăng 4 đồng/kg lên 9.343 đồng/kg.

Ngư dân Quảng Trị vận chuyển cá lên bờ sau chuyến đánh bắt hải sản ngoài khơi xa.

Bộ Y tế cho biết các loại cá ở tầng nổi đã an toàn song các loại hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.

Ảnh minh họa.

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BCT (Thông tư 19), ngày 14/09/2016, quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất bia và nước giải khát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục