Túc Đán khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ hai, 31/10/2016 | 2:20:01 PM
YBĐT - Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, Túc Đán có 7 thôn, bản với trên 560 hộ dân, trên 3.100 nhân khẩu. Hiện nay, xã còn trên 500 hộ thuộc diện hộ nghèo. Để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, địa phương đã chú trọng tuyên truyền, vận động bà con tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để phát triển kinh tế gia đình.
Đường giao thông tại trung tâm xã Túc Đán được đổ bê tông, giúp nhân dân đi lại thuận lợi.
|
Để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, địa phương đã chú trọng tuyên truyền, vận động bà con tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để phát triển kinh tế gia đình.
Lợi thế trước tiên của Túc Đán là có đất đai rộng rãi, thuận lợi cho khoanh vùng các khu, bãi chăn thả đại gia súc. Để đàn vật nuôi phát triển ổn định trong điều kiện khí hậu có những lúc biến đổi khắc nghiệt ở vùng cao, ngoài chăn thả tự nhiên, địa phương còn vận động bà con trồng cỏ, tận dụng rơm rạ, thân cây ngô phơi khô dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa rét; làm chuồng nuôi nhốt.
Hiện tại, xã đã có trên 320 hộ làm được chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông để nuôi nhốt gia súc. Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng dịch bệnh hàng năm cũng được quan tâm đầy đủ.
Từ đầu năm 2016 đến nay, xã Túc Đán đã nhận được trên 4.000 liều thuốc và triển khai tiêm phòng các loại dịch bệnh cho trâu, bò, lợn... Bởi vậy, những năm gần đây, đàn gia súc, gia cầm ở Túc Đán phát triển ổn định với tổng đàn trên 1.000 con trâu, bò, ngựa; trên 1.500 con lợn, dê; trên 5.000 con gia cầm các loại. Trong đó, có nhiều hộ có đến hàng chục con đại gia súc như: ông Lý A Chu ở thôn Háng Tầu có khoảng 30 con trâu, bò, ngựa; ông Mùa A Của, Mùa Ga Lềnh ở thôn Háng Tầu có từ 10 đến 15 con trâu, bò...
Ông Vàng A Giàng - Phó Chủ tịch UBND xã Túc Đán cho biết: “Xác định rõ vấn đề trình độ, nhận thức của bà con còn có những hạn chế nhất định, nên cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, xây dựng các mô hình kinh tế mới thì xã đặc biệt quan tâm đến việc định hướng cho nhân dân phát triển các loại cây, con phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác và đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương”.
Xã Túc Đán đang quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác để từng bước tiến tới đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Qua đó, phần lớn diện tích ruộng, nương của địa phương đã được chuyển sang gieo cấy chủ yếu bằng các loại giống lúa, ngô mới có năng suất cao.
Hiện tại, năng suất lúa đã tăng từ 40 tạ/ha những năm trước lên trên 44 tạ/ha năm 2016; năng suất ngô đạt trên 25 tạ/ha năm 2016, tăng gần 3 tạ/ha so với năm trước. Diện tích gieo cấy lúa 2 vụ/năm cũng tăng lên từ 78 ha năm 2015 lên trên 81 ha năm 2016. Trong 2 năm qua, xã Túc Đán còn chuyển đổi được trên 30 ha đất trồng lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi cho giá trị kinh tế cao hơn, tập trung chủ yếu ở thôn Háng Tầu và Tà Chử, vì đây là 2 thôn ít ruộng nước, đời sống nhân dân chủ yếu sống dựa vào nương rẫy.
Trưởng thôn Tà Chử - Mùa A Chống cho biết: “Trước năm 2010, Tà Chử chỉ có mấy hộ có ruộng, còn lại sống bằng lúa nương nên gần như cả thôn phải ăn đong quanh năm. Sau khi được bà con bầu làm trưởng thôn, tôi đã cùng với cán bộ xã đi từng nhà vận động bà con chuyển đổi đất trồng sắn, lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô; tận dụng hết những diện tích đất có đủ nước tưới để khai hoang ruộng bậc thang trồng lúa nước; mở rộng đường về thôn để xe máy vận chuyển phân bón, nông sản, vật liệu xây dựng; góp công sức kéo điện lưới quốc gia về thôn phục vụ đời sống sinh hoạt của bà con... Thấy cuộc sống sung túc từng ngày, bà con rất nhiệt tình ủng hộ và tự giác nâng cao ý thức trong mọi hoạt động tập thể, chăm chỉ lao động sản xuất. Hiện nay, thôn Tà Chử đã có trên 15 ha ruộng nước, 14 ha nương ngô thì có 10 ha là diện tích mới chuyển đổi”.
Đi đôi với tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng tối đa các tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế thì địa phương cũng nâng cao trách nhiệm triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi đến với nhân dân, góp phần tạo đà để phát triển kinh tế. Qua đó, năm 2016, xã đã được đầu tư bê tông hóa trên 650 m đường liên thôn ở thôn Tà Chử và Pá Te; tu sửa và mở mới được trên 10 km đường đất đi các thôn: Háng Tầu, Tống Trong, Tống Ngoài và có hàng trăm hộ được hỗ trợ giống lúa, ngô, vật nuôi; được cấp phát trên 2.400 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo... giúp bà con có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống, chăm sóc sức khỏe.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đặng Văn Thái, một trong những hội viên Hội Nông dân có diện tích rừng nhiều nhất, nhì thôn Ngòi Ngù, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình.
YBĐT - Hơn ba chục năm gắn bó với ngành nông nghiệp, chị mang không ít nỗi niềm, trăn trở, buồn vui... cùng người nông dân. Chị nói rằng, cả đơn vị chỉ có năm biên chế, phụ trách một địa bàn trọng điểm và rộng lớn nên từ “tướng” tới “quân” luôn bám cơ sở, chẳng mấy lúc ngồi văn phòng.
YBĐT - Về thôn Trung Mỹ, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên hỏi đến ông Phạm Ngọc Chiến, mọi người ai cũng biết ông là một nông dân cần cù, biết vươn lên thoát nghèo từ việc trồng cây dược liệu.
YBĐT - Hiện nay, diện tích cây ăn quả có múi của huyện Trấn Yên tập trung chủ yếu ở các xã: Hưng Thịnh, Quy Mông, Hồng Ca, Việt Cường, Hưng Khánh. Riêng vụ xuân năm 2016, nhân dân các xã trồng mới 91,9 ha đạt 115% kế hoạch.