Chú trọng phòng trừ sâu bệnh hại rau vụ đông
- Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2016 | 8:01:56 AM
YBĐT - Vụ đông năm 2016, thành phố Yên Bái xây dựng kế hoạch gieo trồng 303,5 ha rau, đậu các loại trên đất soi, đất màu, đất ruộng. Diện tích này phần lớn tập trung ở các xã: Tuy Lộc, Tân Thịnh, Văn Phú, Âu Lâu, Phúc Lộc, Minh Bảo...
Lãnh đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Yên Bái trao đổi kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh hại cây dưa chuột với người dân.
|
Tính đến ngày 18/10/2016, toàn thành phố đã thực hiện gieo trồng 204,5 ha, đạt 67,3% kế hoạch. Đối với cây rau, đậu các loại được trồng rải vụ, nhiều trà, phù hợp với nhu cầu thị trường. Riêng cây rau và khoai tây trồng trên đất hai lúa kết thúc trước ngày 15/11/2016 để bảo đảm thời gian thu hoạch, kịp thời vụ gieo trồng lúa đông xuân.
Ngay từ đầu vụ, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Yên Bái đã dự báo tình hình dịch hại chủ yếu và biện pháp phòng trừ trên một số cây trồng vụ đông; lựa chọn một số loại thuốc được phép sử dụng trên rau hiện có tại thị trường thành phố để hướng dẫn bà con sử dụng khi cần thiết; mỗi tháng có dự báo tháng cùng với hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại rau.
Trạm đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau các loại; phối hợp tập huấn, tuyên truyền cho 30 cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn chỉ được bán những loại thuốc theo quy định. Đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường và khuyến nông viên cơ sở dự báo chính xác tình hình sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Hiện nay, rải rác diện tích rau, đậu vụ đông trên địa bàn toàn thành phố Yên Bái bị nhiễm sâu bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình, trong đó rau cải, rau ăn lá các loại, bắp cải, su hào, súp lơ bị nhiễm là 7,2 ha tính đến ngày 25/10/2016. Đối với rau cải, rau ăn lá các loại, bắp cải, su hào và súp lơ, tình trạng sâu khoang, bọ nhảy, lở cổ rễ đã, đang xuất hiện và gây hại.
Trong đó, khó phòng trừ nhất là bọ nhảy và cách phòng trừ hiệu quả nhất phải thực hiện từ khi bọ nhảy còn non. Các loại thuốc: Emal USA 50,5 SG, Rholam 50 WP, Sherpa 25 EC, Scorpion 18 EC... đều có sử dụng để phun phòng trừ bọ nhảy. Đối với su su, mướp, bầu, bí các loại, hiện phổ biến nhất là bệnh phấn trắng đã, đang xuất hiện và gây hại ở bí siêu ngọn, bí ăn quả. Bệnh phấn trắng và bệnh sương mai gây hại toàn bộ lá, đặc biệt là lá non và lá bánh tẻ. Người trồng rau có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ bệnh này: Daconil 500 SC, Aliette 80 WP, Ridomil, Antracol 70 WP, Score 250 EC, Anvil 5 SC, Zineb 80 WP...
Đối với cây dưa chuột, bệnh hại chủ yếu tại thời điểm này là bệnh mốc sương (sương mai) do nấm gây ra. Bệnh thường gây hại ở phần gốc cây và lan lên phía ngọn cây dưa. Nếu cây bị nhẹ thì vẫn cho quả song quả nhỏ, phẩm chất kém và nếu bệnh nặng thì cây sẽ chết. Phun phòng trừ bệnh sương mai có thể sử dụng các thuốc: Antracol 70 WP, Lilacter 0.3 SL, Stepguard 50 SP...
Tình trạng sâu đục quả đang phát sinh, gây hại trên cây đậu cô ve là phổ biến. Sâu đục quả là đối tượng nguy hiểm nhất làm ảnh hưởng đến năng suất, mẫu mã quả nên cần tiến hành phun phòng trừ bằng Emal USA 50,5 SG, Rholam 50 WP, Scorpion 18 EC, Reasgant 1.8 EC...
Tuy nhiên, đậu cô ve cho thu hái liên tục 1 - 2 ngày/lần nên bà con phải hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh ở giai đoạn thu hoạch quả rộ. Đối với cây cà chua đã ra hoa, đậu quả, hiện tại đã xuất hiện bệnh mốc sương, sâu đục quả thì có các loại thuốc để phòng trừ như: Đồng Cloruloxi 30 WP, Antracol 70 WP, Score 250 EC, Anvil 5 SC, Zineb 80 WP, Ridomil Gold 68 WP... Bệnh xoăn lá cũng đã xuất hiện trên cây cà chua và cần được tích cực phòng trừ bằng các loại thuốc: Actara 25 WG, Trebon 20 WP, Scorpion 18 EC...
Việc sử dụng thuốc hóa học chỉ nên áp dụng khi các biện pháp khác không còn hiệu lực đối với sâu bệnh hại và phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, bảo đảm thời gian cách ly từng loại thuốc bảo vệ thực vật trên từng loại cây trồng, bảo đảm an toàn trong khâu cất giữ tại nhà những thuốc bảo vệ thực vật chưa sử dụng hết, dùng hỗn hợp thuốc, sử dụng luân phiên thuốc, kết hợp dùng thuốc với các biện pháp khác trong hệ thống biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Sâu sát, chủ động, tích cực hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Yên Bái góp phần để năng suất rau, đậu các loại vụ đông này dự kiến đạt 160 tạ/ha, sản lượng đạt 4.856 tấn.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - Công tác quản lý thuế; thanh tra, kiểm tra thuế thời gian qua được Cục Thuế tỉnh đặc biệt chú trọng.
YBĐT - Nhận thấy được nhu cầu rất lớn của thị trường với các sản phẩm trái cây sạch có thương hiệu như: cam Đường canh, cam sành, bưởi Diễn, chanh tứ thời..., Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh tổng hợp xã Hưng Thịnh đã ra đời, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các hộ dân.
YBĐT - Trong 9 tháng của năm 2016, tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Lục Yên duy trì ổn định. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 864,93 tỷ đồng, bằng 75,2% kế hoạch, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Hàng năm Kiểm toán Nhà nước thực hiện hàng trăm cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại các bộ, ngành và địa phương trên cả nước. Thông qua báo cáo kiểm toán đã giúp cho Nhà nước xử lý và thu hồi hàng tỷ đồng sai phạm cũng như góp phần hoàn thiện hơn những bất cập về cơ chế chính sách.