Trả lại màu xanh cho rừng Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/11/2016 | 8:52:29 AM

YBĐT - Những cây sơn tra khoảng 2 năm tuổi cao chừng 50 cm là thành quả của anh Giàng A Lầu cùng người thân trong gia đình trồng để khắc phục hậu quả cháy rừng, trả lại cho mảnh đất này màu xanh vốn có.

Gia đình anh Giàng A Tồng chăm sóc rừng.
Gia đình anh Giàng A Tồng chăm sóc rừng.

Chúng tôi có dịp cùng gia đình anh Giàng A Lầu ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù đi kiểm tra việc bảo đảm công tác phòng cháy các diện tích rừng tại thôn Mông Si, diện tích rừng này vài năm trước bố anh là ông Giàng A Tồng đã bất cẩn làm cháy.

Giờ đây, những cây sơn tra khoảng 2 năm tuổi cao chừng 50 cm là thành quả của anh cùng người thân trong gia đình trồng để khắc phục hậu quả cháy rừng, trả lại cho mảnh đất này màu xanh vốn có.

Trước khi vào trại giam do hành vi bất cẩn của mình, bố anh Giàng A Lầu đã dặn anh và người thân trong gia đình phải trồng lại diện tích rừng đã mất. Vì vậy, dù vẫn thuộc diện hộ nghèo của xã nhưng anh Lầu cùng người thân đã khắc phục khó khăn, hoàn thành trồng 30 ha rừng phòng hộ cho Nhà nước.

Anh Giàng A Lầu cho biết: "Năm 2014, các diện tích rừng bị cháy do bố anh gây ra nhìn xót lắm. Khi bố tôi bị Tòa án nhân dân huyện phạt 3 năm tù và chịu trách nhiệm trồng lại các diện tích rừng, mình là con cả trong gia đình phải có trách nhiệm, mình cũng cố gắng trồng và chăm sóc tốt các diện tích rừng đã bị thiệt hại để trả cho Nhà nước. Đến nay, rừng cũng đã xanh tốt và bố mình cũng đã được về với gia đình, mình vui lắm!".

Cũng giống như gia đình anh Lầu, năm 2009, do diện tích rừng sản xuất của gia đình chị Thào Thị Công ở thôn Cu Vai, xã Xà Hồ nằm sát diện tích rừng trồng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu nên trong quá trình đốt nương vô tình đã làm ngọn lửa cháy lan sang diện tích rừng trồng phòng hộ. Mặc dù đã được người dân trong thôn cùng tham gia ứng cứu nhưng do vào thời điểm nắng nóng, khô hanh, hậu quả đã gây thiệt hại 2 ha rừng trồng.

Chị bị Tòa án nhân dân huyện tuyên phạt 6 tháng tù giam và chịu trách nhiệm trồng lại hoàn toàn các diện tích rừng cháy. Khi mãn hạn cải tạo trở về địa phương, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chị Thào Thị Công đã tích cực trồng và chăm sóc 2 ha rừng thông.

Cùng với sự giúp đỡ của người dân trong thôn, đến nay, các diện tích thông chị trồng và bảo vệ đều sinh trưởng và phát triển tốt, nhiều cây có đường kính 20 cm. Không chỉ trồng và chăm sóc các diện tích rừng để trả cho Nhà nước, chị Thào Thị Công còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc và bảo vệ rừng.

Những tháng ngày kiên trì trồng cây trả lại cho rừng của chị đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng, cũng như sản xuất nương rẫy theo đúng quy trình canh tác bền vững. Nhờ vậy, những năm trở lại đây, trên địa bàn thôn Cu Vai không có tình trạng cháy rừng do đốt nương.

Đồng chí Mùa A Đua - Trưởng thôn Cu Vai cho biết: "Vào thời điểm chị Công trồng rừng trả cho Nhà nước, gia đình khó khăn, con lại nhỏ, nhiều ngày liền đi bộ từ thôn xuống trung tâm xã để lấy cây giống rồi đưa lên rừng để trồng, thấy hoàn cảnh của chị khó khăn, thôn cũng đã huy động thêm nhân công hỗ trợ chị. Đến nay, nhận thức của người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là việc tuân thủ quy định sản xuất nương rẫy đúng quy trình đã được nâng lên. Nhiều năm nay, thôn không có trường hợp cháy rừng do đốt nương".

Ông Phạm Thành Đô -  Phó trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết: "Hiện nay, toàn huyện có hơn 10 đối tượng chịu hình thức xử lý của pháp luật về gây hậu quả làm thiệt hại về rừng với diện tích hơn 60 ha bằng hình thức trồng lại các diện tích rừng. Qua theo dõi, những đối tượng này đã chấp hành tốt hình thức xử lý, tích cực trồng rừng; ngoài ra, còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền phát luật về quản lý bảo vệ rừng ở cơ sở. Mặc dù những năm qua tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra ở một số thôn, bản vùng cao của huyện nhưng những thôn, bản có người đã từng bị phát luật xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng đều không xảy ra cháy rừng".

Những nông dân lầm lỗi gây ra cháy rừng khi xưa đã trở về trong sự bao dung của cộng đồng, tận tâm dốc sức trồng rừng. Họ hầu hết đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn song đều trở thành những tuyên truyền viên tích cực ở cơ sở, góp phần bảo vệ màu xanh của rừng ở vùng cao Trạm Tấu.

Lộc Chầm  (Đài TT-TH huyện Trạm Tấu)

Các tin khác
Chè Suối Giàng. Ảnh minh họa

YBĐT - Theo người dân ở xã Suối Giàng (Văn Chấn), việc những cây chè cổ thụ bị mối xâm hại đã xuất hiện cách đây chục năm và trở nên nặng hơn từ 3 - 4 năm trở lại đây khiến nhiều cây sụt giảm năng suất, chất lượng, chết dần, chết mòn.

YBĐT - Tính đến 31/10, tổng số tiền đã thực hiện giao đất, cho thuê đất của toàn ngành tài nguyên và môi trường đạt trên 405 tỷ đồng. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện trên 254 tỷ đồng, cấp huyện trên 151 tỷ đồng.

YBĐT - 10 tháng qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Văn Yên vẫn đạt 556.747 triệu đồng, bằng 72% so kế hoạch.

Mô hình trồng bưởi, chanh và cam của đoàn viên Trần Kim Hiếu ở thôn Đại Thân 1, xã Đại Minh mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng.

YBĐT - Các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi cho thu nhập từ 50 - 500 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục