Thống kê cho thấy, đàn trâu, bò tại địa bàn huyện Mù Cang Chải từ năm 2015 đến nay đều có sự phát triển; tổng đàn đều gia tăng qua các năm với tốc độ trên 5%/năm.
Năm 2015, tổng đàn trâu, bò của huyện là 17.859 con;, trong đó, có 12.016 con trâu, 5.843 con bò; năm 2016, tổng đàn trâu, bò của huyện là 18.334 con, trong đó có 12.518 con trâu, 5.816 con bò, tăng 475 con so với năm 2015 (trâu tăng 502 con, bò giảm 27 con), đạt 102,7% so với năm 2015; năm 2017, tổng đàn trâu, bò của huyện tăng đột biến 1.615 con, đưa tổng số trâu, bò của huyện lên 19.949 con, trong đó có 13.625 con trâu, 6.324 con bò.
Lý giải về sự tăng trưởng mạnh đàn gia súc chính, ông Lê Trọng Khang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Nguyên nhân giúp cho chăn nuôi nói chung và đàn trâu, bò của huyện tăng mạnh mấy năm qua, đó là, hàng loạt chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh được triển khai đã phát huy tác dụng. Việc phòng chống bệnh tật được làm tốt và ý thức của người Mông trong việc chăm sóc, bảo vệ đàn trâu, bò đã có sự thay đổi rõ nét, nhất là việc chống đói, rét vào mùa đông”.
Huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, tích cực chuyển đổi giống vật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu thị trường; UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1280/QĐ-UBND, về việc phê duyệt Đề án "Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020”. Việc lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh với các chương trình dự án cũng có ý nghĩa rất lớn.
Cụ thể là, đã điều tiết phát triển trọng tâm từng vùng trong địa bàn huyện, tăng cường đào tạo nghề lao động nông thôn, tập huấn cho nhân dân, công tác phòng chống dịch bệnh, trồng cỏ và dự trữ thức ăn, phòng chống đói, rét cho trâu, bò vụ đông nhằm mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Chỉ tính riêng năm 2016, hàng loạt chính sách hỗ trợ được triển khai như: hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên/hộ được 28 hộ, kinh phí đã thực hiện hỗ trợ 420 triệu đồng; số trâu, bò nghiệm thu 312 con; hỗ trợ mua trâu, bò giống 10 triệu/con/hộ cho 98 hộ tại 5 xã: Púng Luông 20 hộ, Chế Cu Nha 30 hộ, Kim Nọi 18 hộ, Mồ Dề 10 hộ, Hồ Bốn 20 hộ, tổng kinh phí đã thực hiện là 980 triệu đồng; hỗ trợ làm cây rơm là 200 hộ, kinh phí đã thực hiện hỗ trợ 60 triệu đồng; năm 2017, huyện Mù Cang Chải được giao kinh phí hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho 5 cơ sở với quy mô 10 con/cơ sở; hỗ trợ làm lều, lán, cây rơm với số lượng kinh phí giao 200 cây, kinh phí dự kiến thực hiện là 60 triệu đồng.
Cùng với chính sách hỗ trợ, các chương trình, dự án, trong những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải không xảy ra dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc. Do vậy, đàn gia súc có sự phát triển ổn định. Hàng năm, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện qua 2 đợt tiêm phòng vắc - xin định kỳ, 2 đợt phun tiêu độc khử trùng phòng bệnh cho gia súc như các bệnh: tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng.
Với những người gắn bó với vùng cao Mù Cang Chải đều hiểu rõ, bà con nơi đây đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chăm sóc và bảo vệ đàn trâu, bò của mình. Hằng năm, trước vụ đông xuân, UBND huyện ban hành kế hoạch phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản, hướng dẫn phòng và cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến thôn, bản chỉ đạo, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhằm hạn chế các thiệt hại do thời tiết gây ra.
Rút kinh nghiệm từ vụ đông năm 2015 - 2016 xuất hiện thời tiết cực đoan, rét đậm, rét hại kèm theo mưa tuyết kéo dài đã làm chết 646 con gia súc chết rét và chết đói gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất chăn nuôi trên địa bàn huyện, bà con người Mông đã biết bảo vệ đàn trâu, bò nhà mình như trồng cỏ, dự trữ thức ăn, làm chuồng trại và không thả trâu, bò trong những ngày có rét đậm, rét hại.
Những ngày cuối năm này, nông dân Mù Cang Chải đã và đang tích cực sửa chữa chuồng trại, chăm sóc các bãi cỏ voi, cỏ ghi nê, cỏ VA06...; đồng thời, tiến hành thu hoạch, bảo quản và dự trữ thức ăn bằng biện pháp ủ xanh, ủ chua, kiềm hóa thức ăn, làm lều, lán tích trữ rơm khô... Qua đánh giá cho thấy, hơn 300 ha cỏ mới trồng đều phát triển tốt, trên 80% số trâu, bò có chuồng trại cẩn thận, nhiều hộ còn chuẩn bị thức ăn tinh như bột sắn, bột ngô cho bê, nghé ăn thêm trong những ngày rét đậm, rét hại.
Lê Phiên