Cuối năm về thăm làng miến Giới Phiên

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/12/2017 | 1:44:57 PM

YBĐT - Giới Phiên cũng như bao xã thuần nông khác ở ven thành phố Yên Bái, nhưng cứ vào cuối năm thì người dân ở đây lại tất bật, hối hả hơn. Từ sáng sớm đến chiều muộn, trước các sân nhà, người dân nhộn nhịp phơi miến, thu miến; xe lớn, xe nhỏ đến chở miến đi khắp các vùng để tiêu thụ.

Nhờ sản xuất miến, nhiều hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Nhờ sản xuất miến, nhiều hộ dân đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Miến đao Giới Phiên là mặt hàng nổi tiếng trên thị trường từ lâu. Miến  làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó, bởi sợi nhỏ, trắng, sạch, ăn giòn, ngon. Nhiều ngôi nhà hai, ba tầng lộng lẫy là thành quả của nghề làm miến. Đặc biệt, từ tháng 6 năm 2012, UBND tỉnh đã công nhận làng nghề miến đao Ngòi Đong, thôn 6, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái là làng nghề truyền thống, đã mở ra một trang mới cho nghề miến Giới Phiên.
 
Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Đức Luận cho biết: "Nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với phát triển làng nghề, nâng cao giá trị trên mỗi héc - ta canh tác, nhân dân trong xã đã tận dụng diện tích đất soi bãi, ruộng kém hiệu quả chuyển sang trồng đao riềng. Từ củ đao xát thành bột, từ bột chế biến thành miến. Hiện nay, thôn nào cũng có nhà làm miến nhưng tập trung hơn, nhiều hơn cả là thôn 6 với 42 hộ làm nghề này. Bình quân mỗi năm, toàn xã chế biến và bán ra thị trường 500 đến 600 tấn miến đao".
 
Miến sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhưng để nâng cao giá trị, đồng thời hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, đầu năm 2015, Giới Phiên thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên với 13 thành viên và sản xuất theo đúng bộ tiêu chuẩn của Cục Sở hữu trí tuệ. Để nâng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, Dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể miến đao Giới Phiên" đã được triển khai và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Anh Trần Ngọc Tuấn ở thôn 6 là một trong những thành viên HTX hồ hởi bày tỏ: "Từ nghề làm miến đao, đã giúp cho gia đình tôi vươn lên trong cuộc sống. Nghề miến làm quanh năm, nhưng nhộn nhịp hơn cả vẫn là vào dịp cuối năm, nhất là trong tháng Chạp. Khi ấy vừa là mùa thu hoạch đao vừa là lúc chuẩn bị hàng bán vào dịp tết Nguyên đán. Trước đây, gia đình tôi cũng trồng lúa nhưng vài năm trở lại đây chuyển hẳn sang sản xuất miến đao. Bình quân mỗi năm, gia đình sản xuất 7 - 8 tấn miến, thu gần 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu". Thu nhập gần 200 triệu đồng từ làm miến không phải là lớn ở một làng nghề, nhưng nó đã đánh dấu một bước ngoặt của kinh tế nông thôn.

Anh Nguyễn Văn Toàn - Chủ nhiệm HTX Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên nói: "Trong quá trình sản xuất miến đao của HTX, bà con chỉ sử dụng nguyên liệu là bột đao riềng và không cho bất kỳ loại phụ gia, hóa chất nào vào miến. Sân phơi miến đều phải cách đường ô tô từ 100 m trở lên để tránh bụi. Bên cạnh đó, HTX còn thường xuyên tiến hành kiểm định lượng tạp chất, vi sinh có hại trong miến nhằm bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm của miến thành phẩm. Từ năm 2015 đến nay, HTX sản xuất và thu mua, tiêu thụ hết sản phẩm cho các thành viên HTX với giá ổn định".
 
Sản phẩm miến đao của HTX không chỉ chất lượng cao mà còn được đóng gói với bao bì nhãn mác rất đẹp. Với trên 500 tấn sản phẩm, mỗi năm mang về cho người dân Giới Phiên trên 200 tỷ đồng.

Rõ ràng, sản phẩm miến đao Giới Phiên đã có tiếng trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng. Tuy nhiên, số hộ sản xuất miến đao ở đây vẫn chưa thật mặn mà với việc đăng ký chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Dẫu biết rằng, ở làng miến này, người dân sản xuất theo một quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm và quy trình làm miến đều sử dụng máy bán tự động để vừa giải phóng sức lao động vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.
 
Tuy nhiên, để sản xuất an toàn, hiệu quả, bền vững, chính quyền thành phố Yên Bái, xã Giới Phiên cần đẩy mạnh tuyên truyền và tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi vì, vệ sinh an toàn thực phẩm là những điều kiện, biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nhằm mục đích đảm bảo an toàn đối với sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.

 Ngọc Trúc

Các tin khác

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với các đơn vị liên quan tại địa bàn khu vực phía nam ngày 9/12, hầu hết các đơn vị cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng kinh doanh xăng sinh học E5 kể từ ngày 1/1/2018.

Nông dân xã Nghĩa An chăm sóc rau vụ đông trên đất 2 vụ lúa.

YBĐT - Sau khi giao chỉ tiêu, thôn Đêu 2 không phải vận động, tuyên truyền như các thôn khác, mà ngay khi có cơ cấu giống, lịch gieo trồng, nông dân trong thôn đã đến các cửa hàng cung cấp giống uy tín để tự mua giống về trồng. 

Nông dân thôn Bản Muổi, xã Lâm Thượng kiểm tra sâu bệnh trên cây ngô đông.

YBĐT - Những ngày qua, dù trời ít mưa, nắng ấm nhưng trên các thửa ruộng từ Mường Lai, Liễu Đô đến Minh Xuân, Lâm Thượng... huyện Lục Yên, hàng nghìn nông dân vẫn tích cực thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh, tình hình phát triển của ngô và các loại rau màu. Cùng đó, huyện chỉ đạo các cơ quan ngành nông nghiệp tăng cường cán bộ về cơ sở, hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ cây trồng khi có sâu bệnh phát sinh.

Vùng ngô hàng hóa xã Đào Thịnh được đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lương, giá trị sản phẩm.

YBĐT - Trấn Yên đã lựa chọn và xác định được những cây trồng, vật nuôi phù hợp và có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bước đầu đã hình thành và phát triển mở rộng một số cây trồng, vật nuôi có giá trị, hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương. Đó là thành công bước đầu từ Chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm (KTNNTĐ) giai đoạn 2015 - 2020 của huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục